Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

PHẬT GIÁO VỚI THỜI ĐẠI 4.0

 

 

 

 

 

PHẬT GIÁO VỚI THỜI ĐẠI 4.0

 

 

 

Sưu tập: Thích Thiện Phương

 

 

Chùa Tam Bảo

An Sơn – Tam Kỳ - Quảng Nam

 

 

 

Tân Sửu, tháng 1 năm 2022


 

 

 

PHẬT GIÁO VỚI THỜI ĐẠI 4.0 CÓ GÌ KHÁC NHAU?

   Nhà bác học Vật lý Einstein ( 1879- 1955- giải Nobel -1921 ) nói: “ Điểm cuối cùng của Phật giáo là điểm khởi đầu của khoa học. Những gì tôi biết được đức Phật đã nói hết trong kinh điển rồi . Nếu sau này có một tôn giáo nào đương đầu với khoa học, thì Phật giáo là tôn giáo sẽ đáp ứng những điều mà khoa học cần khám phá ”.  Khoa học càng ngày càng phát triển như vũ bão, vậy câu nói này có quá cường điệu hay quá đề cao tôn giáo Phật giáo hay không?  Chúng ta đem vài câu kinh trong các tạng kinh Phật giáo ra dẫn chứng như sau :

  Trước hết chúng ta tìm hiểu từ 4.0 là gì ?

          Con người từ khi biết sinh hoạt dùng lửa để nấu thức ăn, tiến đến biết trồng cây, gieo lúa, gieo hạt để có lương thực, rồi nuôi súc vật làm sức kéo để thay sức người. Cuộc sống lao động chủ yếu bằng chân tay chưa có máy móc. Máy móc con người phát minh ra đầu tiên là máy chạy bằng hơi nước, một cổ máy như vậy thay thế cho 500, hoặc 1000 sức con ngựa kéo, nên từ mã lực có từ đó. Ngày nay người ta còn dùng từ mã lực chỉ cho công suất của máy, quy định nói máy mấy ngựa là vậy. Công nghệ thứ hai chạy bằng xăng, dùng điện đốt xăng để vận hành máy, công nghệ điện lần này vượt cả ngàn lần công nghệ máy chạy bằng hơi nước. Rất tiện dụng nhanh lẹ hơn nhiều, máy chạy hơi nước chỉ di chuyển trên đất liền và trên sông biển chứ không bay trên không gian được. Công nghệ máy chạy bằng điện người ta tiến đến chế tạo máy bay, phi thuyền, nếu xe chạy đường bộ, đường biển tốn thời gian một tuần, máy bay chỉ tốn thời gian chỉ có một giờ.  Công nghệ thứ ba là mạng Internet lại tân tiến hơn, không cần xe cộ, máy bay tàu thủy mà người ta ngồi tại chỗ vẫn biết sự việc cả hàng trăm ngàn cây số, làm việc tại chỗ nhà mình cũng như đến công sở. Ngày xưa, ngài Huyền Trang từ Trung Quốc qua thỉnh kinh học đạo ở Ấn Độ vừa đi vừa về tốn thời gian 17 năm mới đem được 657 bộ kinh về nước. Ngày nay chỉ cần 5 giây người ta có thể đem hết 657 bộ kinh đó về nhà mình. Đó là công nghệ vượt bực của khoa học thế kỷ 20. Công nghệ thứ 4 là công nghệ 4.0,  là công nghệ “không gian ảo mà thực”. Tức bất cứ ở đâu xa hay gần người ta dùng mạng Facebook, zalo, virber, messenger  v.v...  người ta vẫn nhìn thấy nhau như trước mặt, thấy hình ảnh sự vật như thật trước mặt, nhưng không thật vì nó chỉ là hình ảnh. Người ta gọi là không gian “ thực mà ảo” là vậy. Nếu người ta muốn kinh doanh sản xuất phải tốn không gian mấy mẫu đất cùng với nhà kho, nhà xưởng, công nhân, máy móc mới làm nên sự nghiệp sinh lãi sinh tiền mỗi ngày tỷ đồng. Nhưng đối với công nghệ 4.0, người ta chỉ cần một cái bàn, cái ghế, cái máy tính không gian 4m vuông, trong một giờ họ làm ra cả hàng tỷ, mấy trăm tỷ là vậy.

   Hiện nay chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, một thế giới ngày càng  “phẳng hơn”, mọi sự trao đổi thông tin trở nên nhanh hơn, với sự hỗ trợ của kỷ thuật số khoa học và công nghệ thông tin.  Trong số công cụ phục vụ, đáp ứng nhu cầu vô tận của nhân loại các mạng xã hội là những công cụ vô cùng tiện ích.

   Facebook một mạng xã hội ra đời muộn hơn một số ứng dụng khác như: Myspace, Yahoo, Blog…nhưng nó đã lấn át các đối thủ, nhanh chóng trở thành một mạng xã hội khổng lồ, chiếm vị trí số một toàn thế giới, thu hút hàng tỷ người tham gia. Nếu như Facebook  được sử dụng ở Trung Quốc thì con số người sử dụng Facebook sẽ không dừng ở con số này. Ngành phát thanh mất 38 năm để có 50 triệu người nghe. Để đạt đến con số này, truyền hình mất 13 năm, Internet mất 14 năm, còn Facebook chưa đầy 9 tháng đã có 100 triệu người dùng v.v.. Vậy đủ biết sức mạnh của Facebook đến đâu.

 Thời đại 4.0 mở ra cho con người một cách làm ăn nhanh gọn mà nhiều lợi ích. Như kênh “Độc lạ Bình Dương” chỉ cần 5 phút phát sóng có mấy chục ngàn người xem nghe, là anh ta đã có số tiền khá lớn rồi.  Rất nhiều cách làm ăn trong thời đại 4.0 nó vừa tiện lợi mà cũng vừa đem sự bất an và tổn thất tài sản của người. Bọn đạo tặc chỉ cần vài ba phút là họ lấy hết tiền trong tài khoản bỏ ngân hàng của người ta. Như vậy, thời đại 4.0 là cơ hội con dao hai lưỡi, có lợi mà cũng có hại không phải nhỏ. 

Tóm lại thời đại 4.0 là: 1/ Công nghệ máy chạy bằng hơi nước,  2/ Công nghệ máy chạy bằng điện 3/ Công nghệ mạng internet, 4/ Công nghệ “ không gian thực mà ảo” tức 4.0 .  Tức không tốn nhiều không gian, thời gian, con người và máy móc dụng cụ, mà người ta làm thành công mọi việc, năng suất gấp ngàn vạn lần ba công nghệ trước, có thể nói công nghệ 4.0 là một phép mầu, đối với con người phàm tục.

Ngày trước người ta đi đánh nước khác phải xe phải ngựa, rồi nào máy bay, súng đạn, con người mới đương đầu với giặc, lại tổn thất nhân mạng con người và thiết bị dụng cụ cho chiến sự. Ngày nay người ta chỉ cần một chiếc máy bay không người lái, ngồi tại nước mình điều khiển máy bay trực tiếp đến đối thủ, tìm đối thủ bất cứ ở đâu, ở tại nhà chỉ cần bấm nút là cơ sở và con người của đối thủ trong giây phút tan tành ra đống đỗ nát.

Qua năm 2019 người ta không dùng máy móc và con người  nữa, người ta dùng vũ khí sinh học, tức là con Vi rút 19, gọi  Covid 19. Chỉ cần một con thả vào đám người, hoặc thành phố hay hội trường, máy bay, tàu thủy, hạm đội, xe đò v.v... thì cả làng cả xóm cả thành phố, cả nước đều bị nhiễm vi rút. Không cần ra tay mà người ta giết chết hàng loạt mạng người, không ai tìm ra thủ phạm con vi rút này được cả. Vì nó quá nhỏ mắt thường không trông thấy chỉ có kính hiển vi mới thấy. Quá siêu nhỏ nhưng sức mạnh nó làm thay đổi cả hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục toàn cầu. Không ai có quyền lực cấm tụ họp đông người, cấm máy bay, tàu thủy, xe cộ  vận hành, nhưng con vi rút này nó đã từng làm được chuyện đó mà từ xưa đến nay chưa từng xảy ra.

Giải thích giữa Phật học với thời đại 4.0 : Thời đại 4.0 gọi là “ không gian thực mà ảo ”, người ta nghiên cứu từ kinh Bát Nhã là bộ kinh cốt lõi trong đạo Phật, bộ kinh này gồm 600 quyển, các nhà học giả Phật giáo rút gọn lại còn 240 chữ. Trong 240 chữ có hai từ đại biểu cho 240 chữ là Sắc và Không. Câu “ Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc ” trong kinh Bát Nhã tương đồng với từ “ không gian thực mà ảo”. Trong kinh nói từ   “Không ” mọi người lầm tưởng đạo Phật nói gì cũng “ Không”. Nhưng đạo Phật nói “ Chân không mà diệu hữu” chứ không phải không trơn, không trống rỗng như người lầm tưởng, tức trong chơn không chứa đựng nhiều điều vi diệu mà con người phàm không thể nào khám phá ra hết được.

Còn “ Sắc” là những gì con người có thể thấy, nghe, chạm xúc được gọi là Sắc. Nhưng đạo Phật lại nói Sắc không thực, vì nó do nhiều duyên kết họp lại mà thành nên không thật, khi duyên tan rã nó trở lại Không, Không mà có nên gọi là chơn không diệu hữu.

Như vậy lời kinh Phật nói trên 2600 đã qua mà nay vẫn còn giá trị, không bị lỗi thời tụt hậu, khoa học mới phát triển cách nay 300 năm là cùng, cách xa Phật học 300 năm, nên ông Einstein nói điểm cuối cùng của Phật học là điểm khởi đầu của khoa học là vậy. Như trong kinh A Di Đà đức Phật nói : “ Từ đây qua phương Tây phải trải qua mười muôn vạn ức cõi có thế giới tên là Cực Lạc, có đức Phật A Di Đà hiện đang ngự trị quốc độ đó”. Ngày nay khoa học khám phá trong không gian vũ trụ có hằng hà sa thế giới khác so ra kinh Phật nói không sai. Hay trong kinh Hoa Nghiêm có câu : “ Ba ngàn thế giới nằm trong đầu sợi lông”. Mới đầu nghe như không tưởng, chính câu kinh này làm tiền đề cho khoa học phát minh ra mạng Internet. Ngày xưa người ta lưu trữ dữ liệu trong một nhà kho rộng cả trăm, ngàn mét vuông, bây giờ người ta lưu trữ tài liệu trong một ổ đĩa nhỏ bằng ba ngón tay, có thể dung chứa hàng mấy chục ngàn đầu sách và các tư liệu hình ảnh. Khi muốn tìm tư liệu trong kho lưu trữ, người ta vào máy tính đưa con chuột có mũi tên như đầu sợi lông, chỉ cần nhấn chuột là ba ngàn dữ liệu sẽ hiển lộ ra, cần nhìn cả thế giới Đông Tây cũng rõ như trước mặt.

Nhưng khoa học chỉ khám phá ra những hiện tượng hình thể sự vật thuộc về vật chất, cũng chưa hết vì vũ trụ rộng vô tận khoa học có tân tiến đến đâu cũng không khám phá hết được huống nữa khám phá về mặt tâm linh. Như vậy về mặt vật chất khoa học có thể giải thích được một phần nào, còn về mặt tâm linh thì khoa học đứng nhìn chứ không có máy móc gì đo đạc để biết. Như thời gian, không gian vô tận về trước và về sau khoa học không thể định lượng được. Hay nói về nghiệp hay quả báo của con người và chúng sanh trong cõi đời này khoa học cũng bó tay. Nhưng đối với Phật học là chuyện đơn thuần không khó mấy.

 Có thể nói Phật học là một tôn giáo vượt trên khoa học và siêu khoa học. Người tin và hiểu lời Phật dạy, ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, không những lợi ích cho mình cho gia đình, cho xã hội, cho cả thế giới, cho đời này và đời sau. Chấm dứt khổ đau cho chính mình và không gây khổ đau cho người khác, còn làm lợi cho tất cả mọi người cùng các loại chúng sanh có sự sống. Sống được bình an chết được siêu thoát./.

{]{

 

 

 

 

ĐỊNH LUẬT CỦA NGHIỆP

          Vì sao con người sinh ra trong cuộc đời này có sự khác biệt giữa giàu sang và nghèo khổ, sống lâu và chết yểu, thông minh và ngu muội, xinh đẹp và xấu xí v.v.. ? Nguyên lý nhân quả sẽ giải thích những vấn đề khác biệt và bất bình đẳng của loài người và các chúng sanh trong kinh điển Phật giáo.  Định luật của nghiệp theo quan điểm Phật giáo giúp chúng ta sẽ cải thiện được những thắc mắc nghi ngờ trong đời sống hiện tại và định hướng cho tương lai.   Nghiệp được hình thành  theo lộ trình ra sao ? Dựa vào các kinh luận Pali để triển khai giải  đáp về những nghi vấn trên.

   Con người đang gánh chịu những nỗi khổ niềm đau hay thụ hưởng hạnh phúc an vui trong cuộc đời này đều có nguyên nhân của nó. Nguyên nhân ấy chính là nghiệp mà bản thân họ đã gây tạo trong quá khứ, dù quá khứ ấy là thời gian lâu xa từ nhiều đời kiếp trước hay những khoảnh khắc trước khi hành vi gây tạo vừa kết thúc. Nghiệp liên quan đến vấn đề nhân quả. Có người chấp nhận nó như một số phận hoặc định mệnh cuộc đời. Từ sự chấp nhận này, lý thuyết về nghiệp như một nguồn an ủi động viên để những ai gặp khốn cùng trong cuộc đời biết chấp nhận số phận, đến mức tin tưởng tuyệt đối vào nghiệp để nhiều khi  bị lên án là nhu nhược. Tuy nhiên, lý thuyết về nghiệp cũng hứa hẹn một kiếp sống hạnh phúc tốt đẹp hơn cho đời sau theo luật đền bù nhân quả, nếu con người biết cố gắng vượt qua số phận hẩm hiu của đời này bằng suy nghĩ tích cực và thực hiện những hành động phước thiện nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân và cộng đồng xã hội. như vậy, giữa hai trạng thái bi quan và lạc quan, tiêu cực và tích cực đan xen trong cách nhìn nhận về nghiệp trong xã hội các nước phương Đông dưới ảnh hưởng của Phật giáo.

   Đối với những nghi vấn về sự khác biệt và bất bình đẳng nêu trên, Phật giáo đã đưa ra những giải đáp rất thỏa đáng bằng cách nhìn sâu vào định luật của nghiệp báo và mối quan hệ nhân quả. Dựa vào những lời giải đáp của đức Phật trong Tiểu kinh nghiệp phân biệt thuộc Trung bộ, chúng ta thấy vô số những tình cảnh cấu thành nên vận mệnh con người đều có nguyên nhân của chúng, không một trường hợp hiện hữu nào mà không phải là quả báo của vô số nghiệp nhân mà chúng sinh ấy đã tạo ra. Nếu hạt xoài hư hoại gieo xuống đất, nó không thể nảy mầm để phát triển thành cây xoài sum sê và cho ta trái ngọt; hành động xấu ác bị thôi thúc bởi tâm ý hiểm độc của đời trước chính là hạt giống và nguyên do của những điều bất hạnh cho đời nay và đời sau. Cần phải nhận thức rằng, vận mệnh tốt hoặc xấu cùng những tính chất riêng biệt tiềm tàng khác của một cá nhân hình thành không thể do ngẫu nhiên mà ắt phải có nhân duyên của nó.

   Phật giáo cho rằng, không có bất kỳ bộ phận sinh lý nào hoặc lĩnh vực tâm lý nào biểu hiện trong con người mà không có nguyên nhân trước đó; không có bất kỳ cơ thể sống nào được sinh thành, tồn tại và phát triển mà không tương quan với hoàn cảnh bên ngoài hay môi trường sống xã hội. Ngoài yếu tố làm nguyên nhân chính, còn phải có các điều kiện phụ trợ khác nữa. Như cây xoài, ngoài nguyên nhân chính – hạt xoài- còn phải đầy đủ các yếu tố phụ làm điều kiện như đất, nước, ánh sáng, nhiệt độ, nhân công thì cây xoài mới nảy mầm, vươn khỏi mặt đất mà sinh trưởng. Cùng nguyên lý đó, sự sinh thành của một sinh mệnh, một chúng sanh, cũng phải nhờ nghiệp lực đời trước của nó cộng với các điều kiện phụ trợ thì mạng sống mới hình thành.

  Theo quan điểm Phật giáo, sự tái sanh của một cá nhân, tức phôi thai hình thành trong bụng mẹ đòi hỏi phải có ba điều kiện tất yếu là : trứng của người nữ, tinh trùng của người nam và nghiệp lực của đời trước. Nghiệp lực hay còn gọi là nghiệp nặng, trong kinh luận Phật giáo gọi một cách hình tượng là thân trung ấm hoặc hương linh. Nghiệp lực này là năng lực được phát huy từ khoảnh khắc sau khi con người chết đi. Nó là một trong ba yếu tố cần và đủ để cho một sinh mạng mới hình thành. Tinh cha và trứng mẹ chỉ là điều kiện vật chất cần sinh ra, và quá trình sinh mạng tương lai là sự biểu hiện cụ thể của nghiệp lực tương quan với đời này. Chỉ có sức mạnh của nghiệp từ đời này chuyển tiếp đời sau mà không có thứ gì được gọi là ngã hoặc linh hồn bất biến.

  Ngã ( ego, self ) mà chúng ta thường gọi, thật ra tướng của nó chỉ là một quá trình thay đổi không ngừng, nó sinh khởi và mất đi trong từng khoảnh khắc, từng giờ, từng ngày, từng năm, từng kiếp. Giống như con sóng xô nhau trên mặt biển, thực tế chỉ là những làn bọt nước mới đẩy làn bọt nước cũ, lên xuống không ngừng, mà mỗi một lần lên xuống, ngoài việc truyền phát năng lượng lan truyền của các phân tử nước ra thì chẳng có gì tồn tại trong đó cả. Nhưng theo thói quen tư duy, người ta mượn khái niệm “ sóng” để chỉ cho hiện tượng lan truyền của các phân tử nước ấy. Cũng vậy, “linh hồn” hoặc “ ngã” (cái ta) cũng chỉ là khái niệm tạm mượn để chỉ yếu tố tâm lý (năng lực của tâm) đối lập với yếu tố vật lý (thân xác) của con người. Từ thực tướng rốt ráo để nhìn nhận về bản chất của sinh mạng, ngoài quá trình sinh khởi, diệt vong không ngừng của hiện tượng vật chất và tinh thần được khuấy động bởi lòng khát ái của chúng ra ra,về căn bản chẳng có cái “ngã” nào vĩnh hằng, mà nó chỉ là những năng lượng chuyển tiếp trong biển khổ luân hồi sinh tử.

           Khi tác thành nên một bào thai, trạng thái tinh thần và phước nghiệp của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với tính trạng của phôi thai, đặc biệt là tính cách của người mẹ có ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách của thai nhi trong bụng mẹ, nhưng đặc trưng về cá tính hoặc tâm thức của đứa trẻ hoàn toàn không thể do cha mẹ tạo nên. Đặc điểm di truyền về tế bào mang tính vật chất trong thân thể của đứa trẻ có thể ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ nhưng cá tính của đứa trẻ thì được dẫn sinh và giới hạn bởi nghiệp lực đời trước của nó.  ( có câu nói: cha mẹ hiền đẻ con dữ, cha mẹ lú đẻ con tiên ). Vì vậy, chúng ta nhìn thấy những anh em trong một gia đình được nuôi dưỡng, giáo dục như nhau mỗi người phát triển theo thiên hướng riêng và hình thành nên cá tính khác biệt. Cá tính và thiên hướng ấy do nghiệp làm nhân tố phát động, cho nên hơn bảy tỷ người trên hành tinh này, số phận không ai giống ai.

          Đa số dân tộc trên thế giới vẫn duy trì niềm tin về sự luân hồi chuyển kiếp. Niềm tin này tựa như một thứ trực giác bản năng của con người. Nhiều bậc thánh triết cũng rao truyền học thuyết về sinh mạng kéo dài sau khi chết. Từ thời viễn cổ đến nay có thuyết linh hồn chuyển thế và thuyết nhục thân biến thể, như giáo nghĩa bí mật được người Ai Cập duy trì, học thuyết của Pythagore, Empedocles, Platon, Plotin, Pascal… và một số tín ngưỡng của  người châu Phi. Nhiều nhà tư tưởng hiện nay cũng đề xướng học thuyết về quá trình kéo dài mạng sống sau khi chết.

          Trong luận tạng Phật giáo thuộc ngữ hệ Pali thời kỳ đầu đề cập đến “ Hữu phần lưu”. Trong các sách chú thích đời sau, đặc biệt là Thanh tịnh đạo luận đã tiến hành giải thích: Hữu phần lưu chính là “ dòng sinh mạng” thuộc về tiềm thức . Xuất phát từ dòng sinh mệnh nên nguyên lý của luân hồi được lý giải thấu đáo. “Hữu phần lưu” là tiền đề để giải thích về thuyết luân hồi, nghiệp, ký ức kiếp trước…nhưng mãi cho đến nay, hàm nghĩa cơ bản của nó vẫn chưa chưa được các học giả phương Tây nhận thức và lý giải đầy đủ. Hữu phần hoặc Hữu phần lưu mặc dù không hoàn toàn mang tính chất tương đồng nhưng rất gần gũi với khái niệm linh hồn hoặc hạ ý thức mà các nhà Tâm lý học hiện đại đề cập, nhưng tuyệt nhiên không giống với thuyết linh hồn vĩnh cửu của Ki Tô giáo. Có thể nhận định ngắn gọn như sau: Hữu phần lưu là quá trình ý thức tồn tại tiềm tàng trong dòng biến hóa vô tận của thế giới vật lý và tâm lý. Hay nói cách khác, dòng sinh mệnh tiềm ý thức là điều kiện tất yếu cho tất cả mạng sống xuất hiện. Tất cả các dấu ấn và kinh nghiệm đều lưu trữ trong tiềm thức ấy. Hoặc nói khái quát hơn, sự biểu hiện của tiềm ý thức mang hình tượng quá khứ, hình ảnh ký ức lưu trữ sâu kín bên dưới hiển ý thức. Các nhà Duy thức học Phật giáo gọi là Hữu phần lưu tức là thức A-lại-da, tức kho tàng chứa đựng. Rất nhiều thiên tài xuất chúng thành công trong cuộc đời đều xuất phát từ những biểu hiện của tiềm ý thức này.

          Dòng sinh mạng tiềm ý thức hay còn gọi là sự tồn tại của hữu phần lưu là tiền đề tất yếu của tư duy chúng ta. Giả sử tất cả những kinh nghiệm bản thân về sự vật nội tại và ngoại tại, như những điều được thấy, được nghe, được cảm nhận, được xúc chạm, được suy nghĩ,… nếu không dùng một phương thức ngoại lệ nào đó để ghi nhớ lại ở một chỗ nào đó, và giả sử các phương thức trong hệ thống thần kinh cực kỳ phức tạp thì chúng ta không thể ghi nhớ gì được. Chúng ta sẽ bị xóa sạch tất cả mọi dữ liệu được ghi nhận từ những giây phút trước đó, cũng không biết tình trạng tồn tại của các sự vật hoặc sinh vật khác, không biết cha mẹ, thầy cô, bạn bè chúng ta là ai, thậm chí không thể tư duy, vì tư duy là yếu tố chịu sự quyết định bởi ký ức đã từng kinh nghiệm trước đó. Trong trường hợp này, tâm thức chúng ta hoàn toàn rỗng rang giống như một tờ giấy trắng, thậm chí vẫn chỉ là một khoảng trống so với tâm lý của phôi thai trong kiếp sống mới.

          Như vậy, dòng sinh mạng tiềm ý thức này- tức hữu phần lưu, có thể gọi là chủng tử trầm tích lắng đọng từ những kinh nghiệm hành vi trước đây của chúng ta, diễn tiến từ vô thủy đến hiện tại và cho đến mãi về sau. Cho nên cái mang tính chất nội tại của con người và chúng sinh khác chính là dòng sinh mạng tiềm ý thức mà xưa nay chúng ta vẫn chưa khám phá được hết. Ấn tượng hay công năng được lưu trữ trong tiềm ý thức hay trong hữu phần lưu để dẫn sinh ra kết quả tương lai, Phật giáo gọi là nghiệp lực.

          Ý niệm về nghiệp vận hành theo nhân quả không những có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, xuất hiện trong các tín lý căn bản của Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ na giáo, đạo Sikl mà còn  được nói đến trong Thánh kinh Thiên chúa giáo : “ Thiên chúa không để cho người ta nhạo báng đâu ! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt hư nát. Còn ai gieo Thần khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chỉ, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng” “ mắt đền mắt, răng đền răng”. Mối quan hệ nghiệp nhân và quả báo trong tư tưởng Ấn Độ cổ đại tương tự sự cân bằng trong phương trình phản ứng hóa học, hoặc tương đương năng lượng được bảo toàn trong hệ thống khép kín của vũ trụ.

          Nếu tư duy theo nguyên lý dịch chuyển của khoa học hiện đại để suy diễn về trạng thái tồn tại của vạn vật thì nghiệp như một thứ năng lượng được bảo toàn. Năng lượng được phát ra thông qua hành vi, ngôn ngữ, suy niệm của một chúng sanh không bao giờ mất đi, mà nó sẽ được chuyển từ cơ thể này sang cơ thể khác, từ đời này sang các đời khác về sau. Tuy nhiên, đối với thế giới vật chất, năng lượng thay đổi trạng thái tồn tại của nó, tức được truyền đi từ vật này sang vật thể khác là hiện tượng vật lý người ta có thể đo đạc được, nhưng năng lượng hoặc năng lực của ý chí, của tâm linh, tức nghiệp, được truyền đi như thế nào, thay đổi ra sao và được bảo toàn như thế nào để hình thành nên kết quả của nó khi điều kiện thành thục, thì chúng ta khó có thể suy diễn theo lộ trình nguyên lý của thế giới vật chất. Đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học trên thế giới chưa thể khẳng định rằng mình có thể nhận thức được toàn vẹn sự vật hiện tượng trong vũ trụ, mà họ chỉ nhận thức và lý giải được một phần rất nhỏ của sự vận hành vạn vật trong thế giới mênh mông này. Những vấn đề mang tính vật chất mà khoa học hiện đại còn chưa giải quyết được hết thì những vấn đề về tâm thức, hoặc tâm linh tiềm ẩn sâu kín trong các cảnh giới chúng sanh khác biệt khó có thể trắc lượng bằng công cụ đo đạc và các quan năng con người. Tuy nhiên, cánh tay không phải là mặt trăng nhưng nhờ vào cánh tay chỉ hướng mà người ta có thể thấy được mặt trăng. Ngôn ngữ không phải là thực tại nhưng nhờ ngôn ngữ diễn đạt mà chúng ta có thể thấy được một phần của chân lý. Nhìn vào số 0, chúng ta sẽ không thấy gì, nhưng xuyên qua số 0 chúng ta sẽ nhìn thấy được tất cả.

Ý nghĩa gốc của nghiệp (karma) là hành động, cho nên bất kỳ hành động (action) nào cũng có thể dẫn đến một lực phản động (reaction) tương ứng. Chẳng hạn, ném quả bóng vào tường với một lực thế nào thì quả bóng sẽ dội lại với một lực tương ứng thế đó, dùng tay bẻ cong cành cây với một lực khá mạnh thì cành cây sẽ bật trở lại với sức mạnh tương ứng, nhún chân trên mạn thuyền để lấy sức nhảy vào bờ thì chiếc thuyền bị dịch chuyển xa bờ tương ứng với lực nhún… Theo cách hiểu thông thường, khi một người gây hại cho người khác như thế nào thì lực gây hại đó cũng tác động trở lại với chính chủ thể gây ra. Như vậy, đối với thế giới vật chất, lực tác động và lực xảy ra đồng thời. Nó phù hợp với Định luật thứ 3 cuả Newton : “ Khi vật A tác động lên vật B một lực, thì vật B cũng tác động lại vật A một lực. Hai lực này có cùng giá trị, cùng độ lớn, nhưng ngược chiều ”.

Nghiệp nhân là các hành vi thiện hay bất thiện được tích lũy trong đời này để cho ra kết quả trong đời sau và nhiều đời sau nữa khi điều kiện thành thục. Thế nhưng, hành vi tạo nghiệp của con người thuộc lãnh vực tinh thần, là phạm vi hoạt động của ý thức, tức lực phát ra từ sức mạnh ý chí bởi sự đam mê, ưa thích hay ghét bỏ, thù hận các đối tượng và các kết quả không hoàn toàn xảy ra đồng thời, thậm chí nghiệp nhân gậy tạo và nghiệp quả nhận lãnh cũng không tương ứng về hình thức. Chẳng hạn, ông A gây hại cho ông B, có thể ông B không phản ứng tức thì mà đợi một thời gian lâu sau đó mới trả thù, có khi đến đời con và đời cháu; một người phạm tội sát nhân, quả báo không đến liền tức thì hoặc quả báo đến không tương xứng, mà nó đến trong kiếp sau hoặc nhiều kiếp sau nữa, hoặc hình thức của quả báo khi nhận lãnh khác hẳn với hình thức khi gây tạo.  Chẳng hạn, ông A phạm tội giết người nhưng ông A không bị người khác giết lại, mà có thể bị pháp luật tử hình ( tuy đối tượng trả thù bị thay đổi nhưng kết quả tương xứng với nghiệp nhân); hoặc bị phạt tù khổ sai, bị phạt tiền hay bị xã hội lên án (hình thức của kết quả bị thay đổi so với nghiệp nhân). Vì ý thức hay ý chí con người không phải là vật có hình thể để chiếm trọn một khoảng không gian nào nhất định nên lực của nó không có phương như lực của vật có hình thể.

Động cơ chính của việc tạo khởi tạo nghiệp là ý hoặc ý thức. Ý khởi động nghiệp thông qua chức năng của nó là tư tâm sở  (cetana), từ này được dùng trong tiếng Anh là volition (ý chí) hoặc free will (ý chí tự do). Ý chí chính là sự quyết định thực hiện hay không thực hiện mang tính chọn lựa thông qua hành vi và lời nói, và ý chí này là lực phát động tiến hành tạo nghiệp.

Trong tâm lý học Phật giáo, khi sáu căn (cơ quan cảm giác) tiếp xúc với sáu trần (đối tượng bên ngoài) sẽ sinh ra sáu thức (chức năng nhận biết). Tất cả sáu thức đều có hoạt động tác ý, tức trạng thái cảnh giác, lưu tâm. Sáu thức này là chủ thể của các hoạt động cảm giác, cảm nhận, tư duy, phán đoán và quyết định chọn lựa; tức bao gồm các chức năng thọ, tác dụng lãnh nạp ba cảnh khổ, vui, không khổ không vui, tưởng, tác dụng tưởng tượng, phán đoán sự vật, , tác dụng tạo tác các nghiệp. Đây là những yếu tố có mặt trong tất cả các hoạt động của sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức) mà Duy thức học Phật giáo gọi là Đại địa pháp. Trong đó, tư ( cetana)  được đa số các học giả Phật giáo phương Tây đồng nhất với từ ý chí (volition) hoặc ý muốn (will). Nghiệp có nghĩa là ý chí hoặc ý muốn.

Khi nói đến nghiệp được tạo tác bởi hành động, lời nói có sự tham gia của ý chí, chúng ta cũng cần nói rõ thêm khái niệm và chức năng của tâm.

Tâm do gốc động từ cit hay cint, nghĩa là tích chứa, tích lũy, tư duy, suy tưởng. Tâm là cái tích tập, như kinh Hoa nghiêm nói : “ Tích tập danh tâm”. Như vậy, tâm tích tập cái gì ? Nó tích tập những kinh nghiệm đời sống, những gì đã từng trải, bằng hành động và suy nghĩ, nó tích lũy lại thành tâm. Tâm đó chính là nghiệp, là hành vi, hành động của con người. những gì mà con người làm, nói năng, suy nghĩ, hoặc thiện, hoặc bất thiện, nó không bao giờ mất nó thay đổi trạng thái tồn tại. Nghiệp là nguồn năng lượng được tích lũy trong kho chứa gọi là tâm, biểu hiện ra ngoài bằng hành vi của thân và khẩu, hướng thân và khẩu đến mục tiêu theo hướng được xác định bởi lực đẩy ban đầu từ tâm. Chỗ tồn tại của nghiệp là nương trên sắc thân của đời này. Khi sắc thân này tan rã thì ngay lập tức nó sẽ xuất hiện nơi sắc thân khác thích hợp làm chỗ nương tựa để tồn tại. Như vậy, nghiệp quá khứ (tức tâm tích lũy) kết hợp với sắc thân hiện tại, mà ta thường gọi là gene di truyền, cả hai cùng biến đổi để trở thành một sự sống mới.

Như vậy, nghiệp tồn tại ở đâu và chuyển dịch từ đời này sang đời khác bằng cách nào ?

Bất cứ hành vi nào được thực hiện với ý định gây lợi hay hại cho các chúng sanh khác, và hành vi ấy nhất định sẽ dẫn đến kết quả ở đời sau và nhiều đời sau nữa, thì hành vi ấy được gọi là nghiệp đạo, khi ý thức bị tác động bởi các đối tượng bên ngoài hay sự phản ứng tâm lý bên trong, nó quan sát và suy nghĩ rồi đi đến quyết định chọn lựa phải làm gì. Quyết định này trực tiếp điều khiển thân và miệng hoạt động với ý đồ thiện hay bất thiện. Khi mục đích nhắm đến được thực hiện, thì ngay trong khoảnh khắc ấy, nghiệp đạo được hình thành. Nó định hướng hoặc định hình cho kết quả trong tương lai. Ý thức hay ý muốn có năng lực vô biên, có thể chọn lựa hoặc quyết định bất kỳ thứ gì mà nó muốn. Hoạt động của ý muốn tiếp diễn tạo thành dòng chảy liên tục. Do thường xuyên lặp lại nên ý chí quyết định càng ngày càng tăng trưởng. Dòng chảy liên tục của ý chí thay đổi một cách vi tế, cho đến một thời điểm huân tập cao độ thì nó đủ năng lực điều khiển mọi cử động của thân và miệng. Mặc dù ý thức hoặc ý chí như vậy có năng lực tự tại nhưng nó không phải là nhân tố tạo nghiệp trực tiếp, mà thông qua ý định phát khởi của ý chí thì thân và miệng tạo nghiệp. Thân, miệng tạo nghiệp sẽ tác động trở lại đối với tâm. Như vậy, tiến trình từ khi ý chí phát động cho đến khi đạt đến mục đích cuối cùng thì gọi là nghiệp đạo, như trong luân Tỳ bà sa nói : “ý chí ( tư cetana) chính là nghiệp”. Con đường mà ý chí hoạt động để đạt đến mục đích cuối cùng của nó, gọi là nghiệp đạo.

Mọi chúng sanh đều có khát vọng sinh tồn, Phật giáo gọi đó là ái, nói cho đủ hơn là khát ái. Khát vọng này, đối với loài người thì nó là yếu tố thuộc tâm thức, vì con người có ý thức, nhưng đối với loài sinh vật chỉ có mạng căn và thân căn thì nó thuộc về bản năng sinh tồn, nhờ bản năng sinh tồn mà loài vật tự động vươn đến những dưỡng chất phù hợp để tồn tại. Xét về bản chất, khát vọng sinh tồn đó là yếu tố dị thục, di truyền của nghiệp đời trước kết hợp với gene di truyền của cha mẹ hiện tại. Ái là yếu tố phát triển từ tâm lý và vật chất ( danh sắc ). Trong duyên khởi 12 chi phần thì thức là yếu tố để hình thành nên danh sắc. Thức ở đây là nghiệp quá khứ, kết hợp với tinh cha trứng mẹ mà hình thành nên một hợp thể dị thục không thể tách rời. Khi hợp thể tâm lý và vật chất của đời hiện tại tan rã thì sự sống chấm dứt nhưng năng lực của chúng vẫn còn lưu lại cho đời sau. Chính năng lực này là hạt giống, được xem như là nghiệp được tích lũy. Nếu hạt giống không được tưới tẫm thì không thể phát triển để nẩy mầm. Cũng vậy, hạt giống nghiệp nếu không được tưới tẫm bởi nguồn nước khát ái thì sẽ không nẩy mầm thành sự sống. Do khát ái mà mọi sinh vật cần chiếm hữu và tích lũy, và từ tâm lý này mà diễn ra một chuỗi quá trình tạo nghiệp thiện hay bất thiện. Tích lũy để tạo thành, duy trì đời sống này và đồng thời cũng dự tính cho tương lai, một đời hoặc nhiều đời sau. Nếu hành động vì mục đích sinh tồn mà không gây lợi ích hay làm tổn hại đến mình và chúng sanh khác thì không cấu thành nên nghiệp đạo, mặc dù được tưới tẫm bởi ái.

Trong nhận thức thường nghiệm, có một chủ thể tâm lý của các hoạt động nhận thức mà người ta gọi là ngã. Ngã là chủ thể của ký ức và cũng là chủ thể của tái sinh. Phật giáo không công nhận có một tự ngã tồn tại, vì nó chỉ là khái niệm xuất phát từ ảo ảnh về chuỗi tương tục của tâm thức. Để dễ dàng mường tượng về quá trình hoạt động của ký ức, các luận giả của bộ phái Phật giáo giả thiết rằng, trong nhận thức con người, các uẩn tạo thành ảo tưởng về ngã, các uẩn này sinh diệt tương tục. Nhưng bên dưới hiện tượng sinh diệt này tồn tại các uẩn mà chúng ta không thể nói là gián đoạn hay thường hằng. Đối với một sự kiện, một biến cố hay một hiện tượng mà thường xuyên lặp lại thành thói quen, thói quen này tạo thành một năng lực. Khi nhận thức một đối tượng bằng mắt, nó được truyền thông tin qua mắt, sau đó đối tượng này biến mất nhưng nó lưu lại hình ảnh trong ký ức. Khi nhớ lại, đối tượng này được truy lục từ ký ức vốn đã lưu trữ thành ấn tượng thói quen mà chẳng phải đối tượng từ ngoài đưa vào như trước kia, nhưng nó đồng loại với đối tượng trước kia. Như vậy cái ta thấy trước đó và cái ta nhớ lại trong hiện tại, mặc dù cả hai không đồng nhất về tự thể nhưng do tính chất đồng loại và tương tự nên gây một ảo giác cả hai là một.

Trong tâm lý học, có hai loại ký ức: ký ức ngắn hạn diễn ra trong vài giây đến chừng một phút, và ký ức dài hạn không hạn chế thời gian. Ký ức do thấy và nghe chỉ là ký ức tạm thời, chỉ diễn ra trong hiện tại, vì nhận thức bởi mắt và tai không hoạt động trong quá khứ và tương lai. Nhưng những hình ảnh được thấy và âm thanh được nghe có thể được ý thức ghi nhận và lưu trữ trong thời gian dài. Nếu xác định được nơi lưu trữ của ký ức thì chúng ta cũng có thể biết được nơi tích lũy của nghiệp.

Ấn tượng được lưu trữ, chúng ta thường gọi là ký ức, mà Duy thức học Phật giáo gọi là tập khí (vasana) và quá trình mã hóa thông tin để lưu trữ được gọi là huân tập (bhavana). Tập khí là công năng được lưu trữ để dẫn sanh ra kết quả trong tương lai. Nó còn có tên gọi là chủng tử (bija), tức hạt giống, có khả năng sinh ra các hiện tượng vật chất và tinh thần. Như vậy, công năng được lưu trữ trong thức a-lại-da để đến khi nhân duyên thành thục thì sẽ cho ra kết quả tương ứng.

Nơi mà nghiệp lưu trữ, theo Thượng tọa bộ thì đó là hữu phần thức, còn theo các nhà Du già hành tông thì đó là a-lại-da thức. Thức này có hai tác dụng: Duy trì thân có căn và thế giới tự nhiên. Tức một phần của nó vốn là chủng tử lắng đọng từ cộng nghiệp hòa tan với các thức a-lại da khác để duy trì sự tồn tại của thế giới, như mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đất đai, sông núi…để có thể mình và người khác cùng thụ dụng, gọi là tướng chung. Một phần còn lại là các chủng tử trầm tích lắng đọng từ biệt nghiệp kết hợp cơ thể chúng sanh để duy trì sự sống của mỗi cá nhân, gọi là tướng riêng. Khi thân này và thức a-lại-da đến hết kỳ hạn kết hợp nhau thì thân thể sẽ trở về với đất, nước, lửa, gió, còn thức a-lại-da tức khối lắng đọng trầm tích của nghiệp sau khi tan rã thân này, nó sẽ gắn kết ngay với thân khác, để tiếp tục đời sống khác trong vòng xoay chuyển bất tận. Giống như trái xoài rơi rụng xuống đất, phần vỏ, thịt và hạt của trái xoài đều bị tan rã, phân hủy và kết hợp với các vi sinh vật để trở thành đất, hay nước, rồi chúng kết hợp với đất, nước khác để làm dưỡng chất cho cỏ cây, hoa lá khác tiếp tục sinh trưởng. Riêng mầm giống trong hạt xoài cũng biến chuyển, phân rã khỏi các thứ kia để kết hợp cùng với đất, nước, ánh sáng mà nảy mầm, sinh trưởng thành cây xoài và ra hoa kết quả. Vòng luân chuyển này xoay vần bất tận.

Theo định nghĩa căn bản , tất cả mọi hành vi đều dẫn đến một kết quả nào đó nhất định : hoặc thiện hoặc ác, hoặc vô ký. Hành vi mang tính chất thiện sẽ dẫn đến kết quả được cảm thọ vui, hành vi mang tính chất bất thiện sẽ dẫn đến kết quả được cảm thọ khổ, hành vi mang tính chất vô ký sẽ dẫn đến kết quả được cảm thọ không khổ không vui. Các hành vi động thái sinh hoạt thường ngày, như đi, đứng, nằm ngồi, các thao tác luyện tập, các hoạt động nghệ thuật, võ công, họa vẽ, ca hát…không bị thúc đẩy bởi tham, sân, si hay vô tham, vô sân, vô si, mà chúng chỉ là tập quán, không dẫn đến kết quả dị thục là vui hay khổ trong đời này và đời sau, gọi là vô ký. Tuy nhiên, bước đi bình thường là bản năng thường tình không tạo nghiệp, nhưng bước đi để thực hiện mục đích sát nhân hay trộm cướp, đi như vậy là có sự tiến hành của nghiệp đạo bất thiện về sát hại hoặc trộm cướp. Vẽ tranh hoặc tạc tượng Phật với tâm cung kính, để tôn thờ trang nghiêm, khiến mình và người phát khởi tâm hoan hỷ thì hành vi này sẽ được tác động bởi ý chí tương ứng với tâm thiện, sẽ đến thiện quả, đáng khen ngợi. Còn luyện tập võ nghệ với mục đích nâng cao thể chất, hoặc vẽ tượng Phật để thưởng ngoạn, trang trí, buôn bán đổi chác, những thao tác này thuộc về công xảo, nên thuộc về loại vô ký. Nhưng trong các kinh, đức Phật thường giới hạn ý nghĩa về nghiệp trong một phạm vi hẹp, những hành vi nào không mang tính chất thiện hay bất thiện và không dẫn đến kết quả dị thục thì hành vi ấy không được gọi là nghiệp.

Nói chung đi đứng nằm ngồi, tập luyện thể thao, họa vẽ ca hát được xem như là cử chỉ hay hoạt động tự nhiên tạo thành thói quen của thân thể hay lời nói trong đời hiện tại. Chúng có thể là những ký ức dài hạn nhưng chỉ có giới hạn trong đời này, khi thân thể tan rã thì loại ký ức này cũng mất đi. Chúng là nghiệp vô ký, không dẫn đến quả dị thục. Việc luyện tập thể thao hay luyện tập ca hát đơn thuần chỉ là mục đích duy trì sức khỏe, làm đẹp cơ thể, thưởng ngoạn giải trí mặc dù bị tác động bởi khát ái, tức khát vọng sinh tồn hay bản năng sinh tồn, nhưng chúng không thành nghiệp đạo, vì không gây ích lợi hay tổn hại cho mình và cho các chúng sanh khác để dẫn sinh hậu quả tồn tại cho đến đời sau.

Không phải tất cả mọi cảm thọ trong đời hiện tại mà một chúng sinh gặp phải đều do nghiệp dẫn sinh, vì nghiệp chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn đến khổ thọ trong hiện tại. Trong kinh Sivaka, du sĩ Sivaka hỏi đức Phật rằng : “ Thưa tôn giả Gotama, có một số Sa môn, Bà la môn thấy và nói như sau : ‘ Tất cả những cảm giác gì mà con người cảm nhận, hoặc cảm nhận vui, cảm nhận khổ, hay cảm nhận không khổ không vui; tất những cảm nhận ấy đều do nhân đã làm trong quá khứ. Ở đây, Tôn giả Gotama nói như thế nào ? ”

Đức Phật không chấp nhận mọi thứ mà con người cảm nhận khổ hay vui trong đời này đều là kết quả của quá khứ. Vì vậy, Ngài khẳng định quan điểm trên của các Sa môn, Bà la môn đều là tà thuyết. Vì có tám nguyên nhân dẫn đến cảm nhận khổ trong đời này, như cơ thể không điều hòa, hoặc mang vác nặng, hoặc bị thời tiết trái mùa, hoặc bị giặc cướp tập kích thình lình…Cho nên, không phải tất cả những tai họa hoặc cảm nhận không hài lòng xảy ra trong đời đều do nghiệp dẫn sinh mà có thể do chúng ta bất cẩn, hoặc tự làm hại, hoặc kẻ khác hại, hoặc đương đầu với những thứ mà khả năng bản thân bất kham, hoặc đến từ những nguyên nhân khác.

Từ việc tìm hiểu sơ bộ về hiển ý thức, hạ ý thức hay tiềm ý thức của Tâm lý học ở phần đầu, chúng ta dần dần thâm nhập vào các hiện tượng tâm lý trong Duy thức học Phật giáo. Mặc dù luận tạng A-tỳ-đạt-ma phân tích các tầng sâu của tâm thức con người khá chi tiết nhưng tiến trình hình thành nên sự nhận thức, ký ức, tích lũy nghiệp đều diễn tiến theo ba phạm trù, đó là tâm, ý và thức. Cái được chứa trong tâm là nguồn năng lượng, mà Duy thức học gọi là chúng tử, hạt giống, hạt năng lượng. Những hạt giống năng lượng này tồn tại trong trạng thái sinh và diệt qua từng khoảnh khắc, tạo thành một hình ảnh như dòng thác liên tục chảy. Những hành vi của thân và khẩu chỉ là những vận động tự nhiên, không mang giá trị đạo đức, không xác định thiện hay ác. Nhưng khi có sự điều khiển của tâm hướng lợi hay hại thì lúc này hành vi của thân và miệng mới nhuốm màu thiện hay bất thiện, ta gọi là nghiệp thiện và nghiệp bất thiện. Hành vi ấy tác động trở lại tâm và biến đổi nó. Đó là sự tích lũy của nghiệp.

Tâm có ba tầng : 1. Tầng biểu hiện bên ngoài, như hoạt động của ý thức cùng năm giác quan; 2. Tầng trung gian, hoạt động luôn luôn chấp ngã, là thức mạt-na; 3. Tầng đáy, là thức a-lại-da, nhận thức của nó là duy trì mối quan hệ tồn tại của thân, tâm và thế giới. Chúng ta không nhận thức được tâm là như thế nào mà chỉ biết được những biểu hiện thông qua hoạt động của nó, gọi là tâm sở. ( ví như trong một quốc gia có : Vua, quan và dân : Tâm, ý và thức. Ông vua giữ sự tồn tại của đất nước, vua như thức A-lại –da, quan như thức mạt-na, còn dân như thức thứ sáu (sáu giác quan).

Tâm là sự tích tập, sự tích lũy những kinh nghiệm. Mà kinh nghiệm là hoạt động của nghiệp, nghiệp tạo ra thế gian, nhưng chúng ta không thể thấy được, không thể hiểu được tâm cấu tạo như thế nào, mà chỉ nhìn qua hiệu quả, tức là tác dụng mà nó gây ra trong mọi sự vật tồn tại ở đời này.

Ý là phạm trù hoạt động của tư tưởng, tư duy, những hoạt động của tâm lý như suy lường, ước lượng, phán đoán… Nói chung, ý là hoạt của một cái tôi, tức chủ thể chấp ngã. Trong nhiều tín ngưỡng tôn giáo, cái tôi hay bản ngã được hiểu là linh hồn nằm trong thân, hoặc nó to bằng thân, hoặc nó nhỏ bằng hạt cát. To bằng thân vì khi nhổ một sợi lông thì toàn thân đau đớn, khi hồn lìa khỏi xác thì xác chết nằm trơ không hay biết gì; nhỏ như hạt cát vì khi nhổ sợi tóc trên đầu hay châm mũi kim ở chân thì cả hai cùng đau một lúc, chứng tỏ linh hồn vận chuyển rất nhanh trong cơ thể, Phật giáo không thừa nhận có một linh hồn tồn tại như vậy.

Thức là thứ nhận biết được đối tượng, Chúng ta có thể kinh nghiệm và chứng minh được bằng hoạt động của sáu thức: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đây là những hoạt động nhận thức thường nghiệm bằng các giác quan. Trong khi đó, tâm và ý thức thuộc về thức siêu nghiệm, tức không thể nhận biết bằng các giác quan thường ngày.

Thế giới được hình thành như thế nào, tốt hay xấu, đều được tích lũy bởi tâm, được chứa đựng trong tâm. Tâm ở đây chính là thức a-lại-da , là kho tàng chứa đựng tất cả các chúng tử và hiện hành thiện bất thiện, và vô ký. Vì vậy, trong các kinh điển Nguyên thủy, đức Phật thường dạy: “ Chúng sanh là kẻ thừa tự của nghiệp”.

Nghiệp và nghiệp lực như vậy quả thật không thể suy lường hết được công năng và sự biểu hiện của nó. Nghiệp vận hành theo quy luật nhân quả, nhưng không thể hiểu một cách giản đơn như câu nói “ gieo nhân nào gặt quả đó” được, mà nó vận hành liên quan đến quá trình nhận thức, hành vi, ngôn ngữ kết hợp với thân thể vật lý và yếu  tố tâm lý của chúng sanh nói chung và con người nói riêng. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không vướng bận cấu nhiễm, đức Phật đã nói với Bà la môn Niganthaputta Saccaka trong Đại kinh Saccaka.

“ Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hành nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời nói và ý nghĩ, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp tà kiến những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hành về thân, lời nói, và ý nghĩ, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chính kiến, tạo các nghiệp theo chính kiến, những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này”.

Tóm lược : Qua các trình bày trên tiêu đề về Định luật của nghiệp. Định nghĩa về nghiệp, nguyên nhân khiến con người khác biệt và bất bình đẳng, các nghi vấn và giải đáp về nghiệp, sự vận hành của nghiệp, cách phân loại nghiệp theo chức năng, kết quả thời gian, không gian trong kinh tạng. Phạm trù của nghiệp mênh mông bát ngát không thể diễn tả hết được, nhưng với đề mục ngắn gọn này, người đọc có thể nắm bắt được nội dung về nghiệp, chứa đựng nhiều đề mục quan trọng để chúng ta hiểu được cách vận hành của nghiệp. Giúp người đọc xác định mục tiêu để chọn lựa hành vi của mình, tránh gây tạo nghiệp bất thiện, giúp hành giả định hướng cảnh giới an lành cho cuộc sống hiện tại và mai sau, và nhiều đời sau và tiến đến mục tiếu giải thoát giác ngộ.

Hầu mong đem ánh sáng chân lý của đức Phật soi rọi chốn nhân gian để xóa tan bức màn vô minh và tà kiến. Nguyện đem tình thương và hạnh phúc được đong đầy trong tâm hồn những sinh linh mang dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn trên hành tinh này luôn luôn được an lạc và hạnh phúc.

Trích từ tập  “Định luật của Nghiệp ” Việt dịch: Thích Hoằng Trí.

{]{


 

 

 

 

SỰ LỢI ÍCH CỦA THIỀN PHẬT GIÁO
ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI

          Trong những thập niên qua, giá trị thiền định Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến phương Đông lẫn phương Tây. Không chỉ khép kín trong phạm vi tôn giáo, tự viện mà thiền định được ứng dụng nhiều phương diện trong phạm vi rộng của đời sống con người. Vào thế kỷ thứ 21, nhân loại bước vào kỷ nguyên đầy biến động với sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Nhìn tổng thể, đời sống vật chất được nâng cao đáng kể nhưng tinh thần có nhiều mối lo về tai họa dịch nạn. Trong bối cảnh đó phương pháp tu tập thiền định Phật giáo đã đáp ứng phần nào về mặt đạo đức, môi sinh và giá trị lợi ích của tự thân, góp phần mang lại những giá trị to lớn cho xã hội. Giá trị và lợi ích mà thiền mang lại cho con người được mô tả trong kinh tạng và các công trình khoa học hiện đại. Trong khuôn khổ bài này, người viết đưa ra những khái niệm và mục đích của thiền định và đồng thời làm sáng tỏ giá trị thiền với đời sống con người.

Thiền là gì ?  Trong kinh tạng Nikaya và Đại thừa Phật giáo, thiền định được đề cập trên  dưới 50 bài kinh. Khái niệm thiền, viết hết cho đủ là Thiền na, phiên âm từ Phạn ngữ là Dhyana, Pali là Jhana, người Nhật gọi là Zen, Anh ngữ là Meditation, với ý nghĩa chính là tĩnh lự, hay tư duy, suy xét về một đối tượng trong tâm thức, mục đích đạt kinh nghiệm tỉnh giác, giải thoát và giác ngộ. Ngoài chữ Jhana, dhyana và bhavana, jhana có động từ jhapeti với ý nghĩa thiêu đốt, thiêu đốt các pháp đối nghịch là năm triền cái, làm tiêu hủy phiền não, những yếu tố ngăn ngại sự phát triển tuệ trong tâm.

  Thiền định là tiếng ghép đôi, từ chữ Phạn là “ thiền” ( samadhi), chữ Hán dịch là “ định” có nghĩa là quay nhìn vào bên trong, với trạng thái tĩnh lặng. Từ Jhana có mối liên hệ mật thiết đến danh từ “ samadhi”  thiền định hợp chung có thể hiểu là phương pháp tu nhằm tập trung tư tưởng vào một đối tượng duy nhất, không để tâm tán loạn, chân lý được sáng tỏ. Do vậy, Thiền sư Suzuki tổng kết là do thiền mà nhập được định, nhờ định mà trí tuệ mới phát sanh.  Thanh tịnh đạo luận giảng nghĩa Định (samadhi) với nghĩa là sự tập trung. Tập trung là gì ?  Đó sự xoay quanh (adhana) của tâm và tâm sở một cách đều đặn, chính đáng (samma) vào một đối tượng duy nhất. Bởi vậy, nhờ đó mà tâm và tâm sở ở trong trạng thái quân bình, chánh đáng và đặt hết vào một đối tượng duy nhất không phân tán hay xao lãng.

    Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy thiền là sự tỉnh thức và luôn ý thức được những gì đang xảy ra trong cơ thể, trong tâm trí  và cuộc sống hằng ngày của chính mình. Kinh tạng Pali giảng rõ, thiền định chính là thiền chỉ (samatha  bhavana) mục đích đoạn trừ năm chướng ngại; đó là năm triền cái. Trong Bát Chánh đạo, nội hàm ý nghĩa thiền định bao hàm trong ba chi đó là Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

   Lục tổ Huệ Năng trong Bảo Đàn Kinh dạy : “ Ngoại ly tướng tức thiền, nội bất loạn tức định”. Bên ngoài xa lìa hết các cảnh gọi là thiền, bên trong không loạn gọi là định. Ngài Mã Minh trong tác phẩm Khởi Tín Luận Đại thừa phần Tu hành tín tâm, Ngài dạy pháp môn Chỉ quán mục đích xa lìa các cảnh, căn tiếp xúc với trần mà không vướng kẹt, chấp trước.

Lợi ích của thiền qua đời sống tinh thần và đạo đức tâm linh.

 Đời sống thiền được biểu hiện đẹp qua lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật, biểu hiện ấy ngày nay chứng minh sự lợi ích không những trong khoa học mà còn giúp đời sống tinh thần của con người được ổn định, góp phần vào sự ổn định và phát triển xã hội. Mục đích của thiền định là “con đường chánh niệm” hay “con đường độc nhất”, con đường giải quyết các vấn đề tiêu cực của con người điều động bởi tham dục, sân hận và si mê. Đức Phật dạy: “ Bản tính tự nhiên của tâm là kết quả điều gì chúng ta nghĩ, do tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu người nói hay hành động với một tâm độc ác, khổ não sẽ theo sau như dấu vết của bánh xe kéo. Bản tính tự nhiên của tâm là kết quả điều gì chúng ta nghĩ, do tâm làm chủ. Nếu người nói lên hay hành động với một tâm thanh tịnh, hạnh phúc sẽ theo sau vị ấy, giống như bóng không rời hình .”

  Ở trong trạng thái của thiền, người ta mới nhìn thấy thế giới hiện tượng nằm trong quy luật vô thường, khổ vô ngã, và chỉ khi ở trạng thái của thiền, người ta mới có khả năng đạt được tâm thanh tịnh. Muốn đạt được trạng thái tâm an tịnh, người thực hành thiền không những nghe, học và nghiên cứu trên lý thuyết mà phải thực hành thiền chỉ (samatha) và thiền quán (vipassana) để chuyển hóa năm triền cái. Sự giác ngộ là mục đích cuối cùng của thiền định trong Phật giáo.

  Lợi ích trong cuộc sống hiện tại của thiền Phật giáo là gì? Người thực tập thiền sẽ đạt được sự an tịnh nội tâm, buông bỏ sầu não, không còn lo lắng mối nhân duyên thế gian, từ đó thân tâm cân bằng hòa đồng xã hội. Người thực hành thiền khi đã thuần thục, đạt các nấc thang của định sẽ hưởng được an lạc nội tâm bất động ngay hiện tại, không còn ưu tư phiền não, quấy rầy của ngoại duyên chi phối. Hiện tại lúc đó, cuộc sống rất bình an, gọi là hiện tại lạc trú.  Đạt được hiện tại lạc trú người đó thích sống yên tĩnh, độc cư, an nhàn, thoát ly mọi nội kết và ràng buộc nhân duyên, lúc đó chư Thiên, Đế Thích luôn hộ trì và kính ngưỡng. Người thực hành thiền chứng Sơ thiền, hành giả chứng được hỷ lạc do ly dục sanh, Nhị thiền do định sanh, Tam thiền không có hỷ chỉ có xả niệm lạc trú, đến Tứ thiền với xả niệm thanh, mỗi hỷ lạc tuần tự vi diệu hơn hỷ lạc trước. Các hỷ lạc này không chi phối tâm con người hành thiền, trái lại làm cho tâm người hành giả hiện tại lạc trú. Như vậy, thiền đem lại hỷ lạc cho người hành thiền, hỷ lạc có tác động như món ăn, được gọi là xúc thực đem lại lạc quan, nỗ lực, tinh tấn, phấn chấn, nghị lực cho người hành thiền, chứ không phải đem lại bịnh hoạn, điên cuồng loạn tâm, chán đời, tiêu cực như người ta đã gán một cách sai lạc cho việc hành thiền.  Lợi ích trong cuộc sống tương lai “Một người thực tập thiền đã đoạn tận mọi gốc rễ khổ đau, niềm hỷ lạc nội tâm đến với người đó. Nhân hỷ lạc hiện tại là nền tảng tiến bộ tâm linh không những đời này mà còn cả đời sau.”

   Đức Phật nói lên kinh nghiệm của mình khi chưa giác ngộ thì bị các dục chi phối, nếu không có thiền định thì không thể đoạn trừ. Cũng trên nền tảng dạy về thiền, Đức Phật dạy những vị thực hành thiền thì tâm không còn sợ hãi. Từ những cảm xúc tiêu cực được đoạn trừ, sự hỷ lạc phát sanh và công đức từ đó lớn mạnh thân tâm được quân bình. Như vậy, thiền là phương pháp rèn luyện tư duy, tự thân giác ngộ đến một lúc mọi cơ cấu tinh thần ổn định, khi ấy nhận chân như thật về các pháp mà tâm bất thiện không sinh khởi.

  Khi những cảm xúc như sự cảm thông, chia sẻ được sinh khởi, chúng tạo ra một nguồn năng lượng thương yêu tích cực, thúc đẩy chúng ta từ tư duy đến hành động trở nên tỉnh thức. Lời nói việc làm luôn có chiều hướng xây dựng, yểm trợ và xoa dịu đau khổ. Nguồn năng lượng tinh thần phát sinh từ những cảm xúc tốt đẹp luôn hướng ta đến sự vươn lên hoàn thiện tâm hồn và đời sống tràn đầy hỷ lạc.

- Lợi ích của thiền đến sức khỏe thể chất.

   Thiền định ngoài tác động đến lợi ích thân tâm, còn tác động đến não bộ con người. Các nghiên cứu khoa học về thiền Chánh niệm đã cho thấy tác động của thiền định là do sự tương tác giữa hai chức năng thần kinh và tâm lý.

   Một cách tổng quát, công năng và sự lợi ích của thiền ngoài việc đoạn trừ tam độc và năm triền cái, còn là tiến trình tu tập giúp tâm trí trong sáng, thân thể khỏe mạnh.  Đạo đức truyền thống có năm tiêu chuẩn nhận định về một cá nhân là : Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Nếu tình chí bị kích động quá mức, những sang chấn tinh thần sẽ gây ra sự mất quân bình về âm dương, khí, huyết, tạng, phủ mà gây ra các bệnh nội thương.  Vì vậy trong y học cổ truyền, có năm loại tâm ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống.  Nếu vui mừng quá hại tâm (hỷ thương tâm), nóng giận quá hại gan (nộ thương can), sầu muộn quá hại phổi (bi thương phế), lo lắng quá hại tỳ (ưu thương tỳ), sợ hãi quá hại thận (khủng thương thận). Vì những tính khí trên, chúng ta cần thực tập thiền Chánh niệm nhằm giữ gìn sức khỏe bản thân, sống tỉnh giác, nuôi dưỡng lòng từ, trau giồi đức hạnh, cống hiến cho cộng đồng và xã hội.

   Thiền còn được xem là có năng lực trị liệu, cải thiện trí nhớ, tăng trưởng não bộ, điều hòa thân thể, lưu thông thần kinh và huyết mạch, có thể tránh và ngăn ngừa các bệnh mãn tính. Bác sĩ Herbert Benson và cộng sự tại Đại học Harvard ( Mỹ ) thường khuyến khích mọi người thực tập thiền thư giãn. Ông chứng minh một người ngồi thiền 10- 20 phút/lần 2 lần/ngày, có thể thuyên giảm, phòng ngừa các chứng bệnh về tim, cao huyết áp, mất ngủ.

 Bác sĩ Benson cho rằng có 60% - 90% bệnh tật do căng thẳng mà ra, tâm lý không quân bình gây nên độc tố làm hư hoại thân và tâm. Thiền giúp cho con người giảm bớt căng thẳng, mỗi cá nhân hãy tự trị liệu cho chính mình.

   Não bộ 1,30 – 1,40 kg ước tính có 100 tỷ tế bào thần kinh, mỗi tế bào thần kinh tiếp nhận khoản 5000 kết nối gọi là khớp nối thần kinh từ các tế bào thần kinh khác. Mỗi tế bào thần kinh thông thường truyền tín hiệu từ 5 đến 50 lần/giây. Như vậy mức độ truyền thông tế bào thần kinh rất lớn, người ta nghiên cứu cho rằng tính cách mềm dẻo, dễ thay đổi của não bộ có thể thay đổi được qua sự luyện tập có chú ý, sự chú ý tập trung có thể chuyển hóa não bộ. Bộ não chính là công cụ tác động và định hình quan trọng nhất của tâm. Tâm và não bộ tương tác với nhau sâu sắc tới mức chúng được nhận thức như một hệ thống tâm/bộ não thống nhất, phụ thuộc lẫn nhau.  Đạo Phật nhấn mạnh tính cách chủ động của tâm, bởi tâm có thô, có tế công năng của tâm ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức và hành động của con người. Như vậy người thực tập thiền định, luôn chánh niệm là sợi dây kết nối giữa não bộ với tâm thức và ngược lại.

   Những lợi ích về thiền được trình bày và chứng minh qua khoa học hiện đại và các nhà nghiên cứu của các bác sĩ có thẩm quyền về thiền dưới cái nhìn khách quan. Người thực hành và trải nghiệm về thiền tự thân họ nếm trải pháp vị, như những gì Đức Phật đã tuyên thuyết.

Kết luận :  Thiền Phật giáo là con đường tối thượng nhổ tận gốc rễ khổ đau đưa đến an lạc đời này và đời sau, con đường mà chính Đức Phật đã đi qua dựa trên nhận thức khổ đau giữa thế gian, từ đây dẫn dắt con người đi ra khỏi khổ đau, lìa tham ái, bỏ ngã chấp, tự thân chứng ngộ mới mẻ và giá trị.

   Thiền Phật giáo có tác dụng giúp cho tâm con người hiện đại bình lặng, đem lại cuộc sống an lạc, làm việc tập trung hiệu quả, giảm bớt căng thẳng, cân bằng tâm lý và cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Trích: VHPG  số 379- 1-12-2021- Thích Chánh Đức

 

 

 

 

               


 

NHÂN VÀ QUẢ

          Trên thế gian này không có gì tự nhiên

          Bi quan là tự sát, Giải thoát thì tự do

          Thiền to thì sóng cả, Vô ngã thì vô ưu

          Đa mưu thì đa oán, Đông bạn thì lắm phiền

          Làm ác thì gặp ác,  Tự tác thì tự thọ

          Gieo gió thì gặt bão, Gian xảo thì đa nghi

          Từ bi là cõi phúc, Ở ác thì gặp họa

          Nhường nhịn một chút, Sẽ thấy bình yên,

          Không có gì tự nhiên trên đời nầy cả

          Tất cả đều do nhân quả, Chính mình tạo ra

          Nên đừng trách người ta, Hãy nhìn lại mình đã

          Nếu tâm mình buông xả, Hạnh phúc có đâu xa ./.

{]{

 


 

MỤC LỤC

 

PHẬT GIÁO VỚI THỜI ĐẠI 4.0 CÓ GÌ KHÁC NHAU?  3

ĐỊNH LUẬT CỦA NGHIỆP. 12

SỰ LỢI ÍCH CỦA THIỀN PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI 44

NHÂN VÀ QUẢ.. 55

 

 

 

PHẬT GIÁO VỚI THỜI ĐẠI 4.0 Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét