MÓN ĂN NUÔI DƯỠNG NGƯỜI TU
Hằng ngày trước khi ăn, đại chúng luôn nhắc
nhở “ Thiền duyệt vi thực, pháp hỷ sung mãn ”. Như vậy, Thiền và Pháp là món ăn tinh thần cho người
tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu tập mà không thích ăn cơm thiền
uống nước pháp, thì không thể sống lâu trong nhà Phật pháp.
Nếu thức ăn nhiễm độc thì chỉ chết thân mạng,
còn nếu tâm bị nhiễm ô, hay tinh thần bị nhiễm độc thì sẽ chết thân huệ mạng, dù còn mạnh khỏe nhưng không làm
lợi đời ích đạo. Các thiền viện sự tu tập sinh hoạt tốt nhờ vào vị thiền chủ và
các vị lãnh đạo cùng đại chúng sống đúng với tinh thần đời sống phạm hạnh thanh
tịnh, nhờ thực tập thiền tịnh hằng ngày,
nhờ đó đạo đức và trí tuệ mới thăng hoa phát triển.
Có bốn thức ăn nuôi dưỡng thân tâm con người,
là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Xúc thực, tư thực và thức thực
là ba món ăn thuộc tinh thần của con người. Xúc thực là sự tiếp xúc hằng ngày của
chúng ta với xã hội bên ngoài. Nếu sống trong tu viện môi trường tu hành, mỗi
ngày đọc kinh, nghe pháp, gần gũi các bậc tu hành gương mẫu, trông các oai
nghi, đức hạnh của họ, chúng ta sẽ huân tập việc tốt. Nếu hằng ngày chúng ta tiếp
xúc với những người đời, gặp toàn những người tánh tình thô lỗ, ăn nói cộc cằn,
sân si bỏn xẻn, tâm chúng ta cũng huân tập những điều không tốt, hoặc ghi trong
tâm chúng ta những nổi bất an phiền não.
Còn nếu chúng ta không ra ngoài trực tiếp gặp người gặp cảnh, ở nhà
chúng ta gián tiếp lên Facebook theo dõi gặp người gặp cảnh, xem những chuyện
thị phi phải trái trên mạng xã hội, lần lần tâm chúng ta cũng bị giao động và ảnh
hưởng không tốt đến việc tu tập, không phát huy được trí tuệ và định tâm . Vừa
đánh mất thời gian tu tập, sức khỏe, trí tuệ, và sự định tâm nữa. Nếu chúng ta không biết chọn lựa thông tin tốt
để huân tập, thì sự tu học của ta bị trở ngại và đi lạc hướng.
Mọi giá trị của cuộc sống được làm bằng
thời gian, do đó phải biết cân đối sử dụng thời gian sao cho chính đáng để thực
hiện tâm nguyện đời mình là điều quan trọng của mỗi cá nhân. Tự ý thức thời
gian của người tu tập, chủ yếu dành cho việc học đạo, tu đạo và làm sáng đạo đẹp
đời, khép mình trong sự tu học, tôn trọng lời dạy của các bậc thầy tổ và các thế
hệ đi trước nhiều kinh nghiệm trong việc tu học để luôn tự nhắc không “ phản bội”
tâm nguyện ban đầu của mình, luôn ý thức rõ mục đích của mình, đang làm gì. Việc
hằng ngày trong đời sống tu tập cần ý thức rõ về mình đang làm gì, làm với mục
đích gì, việc làm của mình sẽ đưa đến hậu quả như thế nào, ảnh hưởng tích cực
hay tiêu cực ra sao.
Cuộc sống của một đời người vốn có giới hạn,
trong đó quỹ thời gian được sống và sức khỏe là yếu tố vô cùng quan trọng, cần
phải chắc chiu đừng lãng phí..
Hằng ngày
chúng ta lên Facebook để tiếp xúc với người thế tục và việc của thế tục thì khiến
tâm trí chúng ta cũng suy nghĩ theo chuyện thế tục, dẫn đến việc tu tập không tốt
đẹp là việc tất nhiên.
Để đối trị với
xúc sự, chư tổ chế tác ra các luật và oai nghi cho người tu tập, để kiềm chế
tâm luôn được chánh niệm trong mọi sinh hoạt hằng ngày trong 24 giờ trong bốn
oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, ngủ nghĩ v.v. Khi tâm được kiểm thúc, tâm được an tịnh thì
phiền não không sinh, phiền não không sanh tâm dễ định, dẫn đến an tâm, minh
tâm, giải thoát tâm. Trí tuệ phát sanh mau thành đạo quả, vì thế phải chọn lựa
sự tiếp xúc của mình dù là trực tiếp hay gián tiếp để cho việc tu tập của mình
mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm thăng tiến lên chứ không dừng lại.
Dùng tâm sáng suốt mới giữ được bản chất
người tu, nếu tâm không sáng thì những việc sân hận, buồn phiền của thế gian
khi ta tiếp xúc sẽ hòa nhập với tâm trạng ấy, mình từ con người thanh thản trở
thành con người đau khổ buồn phiền bất an.
Ngoài việc xúc thực là sự tiếp xúc hằng
ngày qua sáu giác quan của chúng ta với Phật pháp, Bồ Tát là món ăn tinh thần
là tư niệm thực và thức thực, chúng ta đưa vào hình ảnh Phật Bồ Tát và lời Phật
dạy an trụ vào tâm ta mới có được huệ nhãn
là con mắt pháp, nhờ vậy mà ta hiểu sâu vào nghĩa lý của lời Phật dạy.
Ba thứ thức ăn tinh thần này rất quan trọng với nếp sống tu tập. Đặc biệt đối với
những người xuất gia, là người đi ngược dòng đời nên là việc không đơn giản cho
tất cả người tu, nên phải hết lòng hết dạ mới thực hiện được lý tưởng này.
Người tu cát bỏ duyên trần thì mới dễ tu
“ trần duyên thuận nghịch tâm không thiết ” thì mới an trụ trong yếu lý của lời
Phật dạy, mới tiến lên con đường đức hạnh, khai mở tuệ giác. Đạo tâm, đạo lực và trí giác của người sơ cơ
còn non kém nên dễ bị giao động khi tiếp xúc với trần duyên ngoại cảnh.
Mạng thông
tin xã hội Facebook và các loại thông tin khác vừa có lợi vừa có hại, nếu không
biết phân tách chọn lựa thì sẽ rơi vào hại nhiều hơn lợi. Đòi hỏi người sử dụng
phải có trí tuệ mới phân biệt được, một khi bị nghiện ngập bởi mạng thông tin
Facebook thì khó thoát ra, tổn hại sức khỏe, thời gian, tiêu hao tinh thần đưa
đến bịnh hoạn, trí tuệ lu mờ, cho nên không có lợi cho người tu tập hướng tâm
giải thoát.
Nhưng biết sử dụng mạng thông tin
Facebook để chia sẻ Phật pháp, hay thông tin Phật sự nhanh chóng và rộng rãi đến nhiều người, giúp cho mọi người hiểu biết Phật pháp ngày càng sâu rộng, không
còn gói gọn trong chùa chiền tu viện, giảng đường nữa. Mà nó phổ cập cùng nơi
cùng xứ, mọi thời mọi lúc, không phân biệt người có đạo hay không đạo, ai ai
cũng có thể tìm hiểu Phật pháp một cách rộng rãi, không tốn thời gian, không
gian, tiền của. Mạng Facebok còn giúp
cho người nghe và thấy rất thuận tiện với những pháp thoại của các vị cao Tăng
thạc đức trên toàn thế giới. Như các bài giảng của Thiền sư Nhất Hạnh, Hòa Thượng
Thanh Từ, Đức Đạt lai Lạt ma v.v...dù xa hay gần, mới hay cũ ta cũng có thể tiếp
cận được.
Tóm lại, trên bước đường tu tập, hướng đến
giải thoát giác ngộ, để khép lại con đường mê lầm tội lỗi, thì phải chọn lựa thức
ăn tinh thần không bị nhiễm trần lao nghiệp chướng thì sự tu tập mới thành công
và không phụ cái tâm ban đầu của mình./.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét