NHỮNG SỰ KIỆN NGHE KINH MÀ NGỘ ĐẠO
Ngài Huệ Năng
là một bậc cao Tăng của thiền lâm Đông Độ. Cuộc đời cũng như tư tưởng của Ngài
là nguồn chất liệu và xúc cảm thiêng liêng để hình thành nên những pháp hành tu
tập, những tác phẩm đặc thù cũng như khai mở truyền thống sơn môn đa dạng của
Phật giáo Bắc truyền, mà trong số đó đã truyền thừa đến Việt Nam.
Ba sự kiện xoay quanh cuộc đời ngài Huệ
Năng : Giữa phố nghe kinh, nửa đêm thọ pháp và những dấu hiệu của bậc Thánh.
a/ Giữa phố nghe kinh :
Kinh Bảo Đàn ghi: Khi còn tại gia, ngài Huệ Năng làm nghề đốn củi, kính phụng mẹ
già, lúc bấy giờ có khách mua củi và yêu cầu gánh đến tận nhà, khách nhận củi
trao tiền, Huệ Năng liền rời đi, khi ra khỏi cửa liền thấy một người đang tụng
kinh, vừa nghe lời kinh, tâm Huệ Năng liền khai ngộ. Sự kiện vừa nghe một câu
kinh liền chợt khai ngộ của ngài Huệ Năng không phải là trường hợp đầu tiên
trong lịch sử kinh điển Phật giáo. Lúc Phật còn tại thế trưởng lão Cấp Cô Độc đến
nhà người bạn chơi, được nghe người bạn kể về đức Phật. Khi đầu tiên nghe tôn
hiệu Đức Phật, trưởng lão Cấp Cô Độc đã chấn động tâm tư, nên đã hỏi lại ba lần,
là nhân duyên sơ khởi để trưởng lão quy kính Đức Phật, và phát nguyện hộ trì
Tam Bảo sau đó. Tương tự ngài Xá Lợi Phất, khi vừa hội kiến Tỳ kheo Assaji và
được nghe một bài kệ ngắn, đã rúng động tâm can, khai mở pháp nhãn, nên đã tìm
Phật và phát nguyện xuất gia.
Ở Việt Nam, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám,
khi tham quan chùa Tam Thai Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng, đọc câu kệ của ngài Huệ Năng
trên vách chùa : “ Bồ đề vốn vô thọ -
Minh cảnh diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, hà xứ nhạ trần ai ” liền khai ngộ tâm tánh, bèn tìm thầy quy y học
đạo. Sau khi quy y, Bác sĩ Lê Đình Thám trở thành một nhà Phật học uyên thâm lỗi
lạc, trở thành một trong những nhân vật xiển dương Phật pháp quan trọng. Là vị
thầy truyền đạt kiến thức Phật học cho các vị Hòa thượng, và đào tạo những cán
bộ rường cột cho giáo hội sau này, trở thành những cây đại thọ trong giáo hội.
Trường hợp khi vừa nghe kinh tâm liền
khai ngộ của ngài Huệ Năng, là dấu hiệu cho thấy ngài Huệ Năng đã thành tựu phẩm
vị Chuyển tánh. Đây là giai vị chuyển từ phàm sang Thánh, chủng bị bước vào
Thánh đạo, phẩm vị này tuy thấp nhưng sở hữu một trí tuệ thù thắng và có phước
quả.
Về năng lực trí tuệ, ở phàm vị chuyển
tánh có một trí tuệ hơn người. Căn cứ kinh Tương Ưng , Đức Phật dạy rằng :
“ Này các Tỳ kheo, ai có lòng tin, có
tín giải đối với pháp này, vị ấy được gọi là Tùy tín hành, đã nhập Chánh tánh,
đã nhập Chân nhân địa, đã vượt qua phàm phu địa. Vị ấy không có thể làm những
hành động gì, do làm hành động ấy phải sanh vào địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, một
vị không có thể mệnh chung mà không chứng quả Dự lưu. Ở đây, quá trình thành tựu
Chân nhân địa theo Kinh Tương ưng cũng tương đồng với Chủng tánh địa như kinh Tỳ
Ni mẫu ở Hán tạng đã chỉ ra.
Với ngài Huệ Năng, từ một lần chợt nghe
kinh Kim cang trong phố, tâm ngài rơi vào trạng thái ngưng thần, mọi vọng tưởng
khi ấy hoàn toàn dứt bặt, khoảnh khắc đó đã dẫn đến sự khai mở tuệ giác của một
bậc Chân nhân. Vì lẽ với một người quê mùa và không biết chữ, những đoạn đối
thoại khi sơ ngộ giữa ngài và Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, đã cho thấy mặt trời trí tuệ
đã thực sự hiện hữu trong tâm của ngài Huệ Năng.
Ngũ
tổ hỏi :Ông từ phương nào đến, và muốn cầu thỉnh điều gì ? Huệ Năng đáp : “ Đệ tử là dân Tân Châu ở Lãnh
Nam, từ xa về lễ Tổ, chỉ cầu làm Phật chứ
không mong gì khác ”. Tổ nói : “ Ngươi dân Lãnh Nam, ở chốn quê mùa thì làm sao
kham thành Phật ? Huệ Năng đáp : Người
tuy có Bắc Nam, nhưng Phật tánh vốn không phân Nam Bắc, thân quê mùa này cùng với
thân Hòa thượng có gì sai khác ? và Phật tánh giữa con và Hòa thượng có gì sai
biệt nhau ?
Về phương diện phước quả, theo
kinh Tăng chi bộ đã dẫn, một khi thành tựu phẩm vị Chuyển tánh cũng như đã vượt
phàm phu địa thì người đó luôn được cung kính, cúng dường và tôn trọng. Chính
vì vậy, từ khi chợt ngộ được nghe kinh Kim cang, ngài Huệ Năng luôn được nhiều
người quan tâm hỗ trợ, như việc có người vô danh tặng cho mười lạng bạc để chu
cấp đời sống cho mẹ già, cũng như hỗ trợ các chi phí thường nhật của đời sống tại
gia, để ngài an tâm đến Hoàng Mai cầu pháp với Ngũ tổ, là những việc hoàn toàn
có cơ sở từ kinh điển.
Như vậy, kể từ thời điểm chợ ngộ khi
nghe một câu kinh, tuy chưa đạt được quả vị nào trong tứ quả Thanh văn, nhưng
ngài Huệ Năng đã lìa khỏi địa vị phàm phu bước lên Chân nhân phẩm vị.
Nửa đêm thọ pháp :
Khi được theo chúng tu học dưới sự hướng dẫn của ngài Hoằng Nhẫn tại
Hoàng Mai, ngài Huệ Năng phải trải qua tám tháng chấp lao phục dịch ở khu vực
nhà bếp. Một lần Ngũ tổ chợt ghé qua nơi ấy, bằng phong cách thiền ngữ đặc thù,
ngài hỏi : Gạo đã trắng chưa ? Huệ Năng đáp : Gạo trắng đã lâu, chỉ còn việc
giần, sàng. Từ câu trả lời này, ngài Hoằng Nhẫn biết rằng tâm cơ của ngài Huệ
Năng đã đến thời khai ngộ, nên đã dặn riêng đến thất của ngài vào canh ba đêm ấy.
Giữa bốn bề tỉnh mịch đêm khuya, ngài Hoằng
Nhẫn đã biệt truyền Kinh Kim Cang cho ngài Huệ Năng, khi nghe đến câu “ Ưng vô
sở trụ nhi sanh kỳ tâm ”, Không nên trú
tâm, để tâm dính mắc bất cứ pháp nào, ngài Huệ Năng liền đại ngộ. Ngay khi đó,
ngài Huệ Năng liền trình với Ngũ tổ sở chứng của mình qua bài kệ :
Đâu ngờ tự tánh, vốn tự thanh tịnh
Đâu ngờ tự tánh, vốn không sanh diệt
Đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ
Đâu ngờ tự tánh vốn không dao động
Đâu ngờ tự tánh hay sanh muôn pháp
Sau đó Ngũ tổ đã ấn chứng và truyền y bát cho ngài Huệ Năng làm Tổ thứ
sáu.
Như vậy, kể từ thời điểm này ngài
Huệ Năng đã chính thức đảm nhận vai trò Tổ vị thiền lâm Đông Độ . Ở đây , điểm
cần sáng tỏ là quả vị giác ngộ của ngài Huệ Năng trong thời điểm ấy ở phẩm vị nào ?. Trước hết, người lãnh ngộ được chân lý, Hán tạng
gọi là bậc kiến pháp, hoặc khai pháp nhãn. Theo kinh Xuất diệu, khi được pháp nhãn, thì chứng quả
Tu đà hoàn, tức quả Dự lưu./.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét