Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

TỤNG KINH

 

TỤNG KINH

          Trong khinh Pháp Hoa có nói các loại tụng kinh gồm có : Thọ trì, đọc tụng, biên chép, giảng giải . Vậy tụng kinh là một trong các hình thức trên. Kinh là lời của Phật dạy hay lời dạy của các đệ tử Phật nói ra được Đức Phật ấn chứng. Như kinh Xá Lợi Phất, kinh Mục Kiền Liên, kinh Pháp Bảo Đàn v.v…

Ngoài kinh Phật còn có các loại kinh khác, như bên đạo Thiên Chúa giáo, lời chúa nói gọi là Thánh kinh,  Nho gia gọi Tứ thư Ngũ kinh.  Kinh là lời dạy của  các bậc Thánh hiền lưu truyền lại cho đến ngày nay.  Nội dung ý nghĩa của kinh là khuyên người bỏ ác làm lành lánh dữ v.v...

          Tụng kinh khác với đọc kinh, đọc kinh thì không có âm điệu tiết tấu ngân nga léo dài, không có chuông mõ, tang linh kèm theo. Tụng kinh thì có tiết tấu âm điệu ngân nga kéo dài hơi trầm bổng, thêm các pháp khí chuông, mõ, tang, linh kèm theo. Cũng như ca hát người ta kèm theo đờn nhạc, sáo các loại. Lời kinh và các loại âm thành  trong lúc tụng kinh giúp cho tâm lý người nghe phấn chấn tinh thần hướng tâm về cõi linh thiêng.

          Tụng kinh có âm điệu có tác dụng hiệu ứng tâm làm con người sảng khoái, nhẹ nhàng thanh thoát, những âm tiết lời kinh tiếng kệ truyền cảm tăng thêm sự linh thiêng trang nghiêm, tạo nên hiệu ứng tâm lý người nghe quên đi phiền muộn lo âu, buồn khổ.

          Tụng kinh có chuông mõ pháp khí kèm theo ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và văn hóa cung đình và ảnh hưởng văn hóa vùng miền mà có khác nhau âm điệu trong việc tán tụng cũng như tụng đọc.

          Miền Bắc văn hóa Chầu văn, Miền Trung Huế văn hóa cung đình, văn hóa Bài chòi, văn hóa kịch, miền Nam văn hóa cải lương.

          Ngoài mục đích truyền cảm hứng quên đi tâm lý mệt nhọc lo âu còn giúp con người thăng hoa tâm hồn. Mục đích tụng kinh là để hiểu được nghĩa lý lời Phật dạy và áp dụng vào cuộc sống  hằng ngày. Khi tụng kinh giúp người tụng xả bỏ được ý niệm phiền não lo âu. Ngoài việc tụng kinh người ta còn nghĩ đến tụng kinh có phước.  Lời kinh ý Phật rất cao quý, cho nên khi tụng kinh phải giữ thân tâm thanh tịnh trang nghiêm. Kinh là dạy của Phật, Phật đã trải qua bao nhiêu năm tu tập gian khổ mới chứng ngộ được chân lý. Cho nên lời Phật dạy rất cao quý là vậy. Cho nên khi tụng đọc phải cung kính trang nghiêm thanh tịnh, không bỏ bừa bãi kinh nơi không sạch sẽ, không xem thường như sách vở  ở đời. Mỗi khi lấy kinh phải hai tay cung kính.

          Người ta còn nghĩ khi tụng kinh có  chư thiên chứng giám nên khi tụng kinh phải trang nghiêm cung kính, đây là có tính cách giáo dục cao, để hướng cho người ta phải biết trân quý kinh không bỏ bừa bãi như sách vở ngoài đời.   Từ đó có người đi đến tín ngưỡng hóa tôn kính kinh, đến mức cực đoan, lạy từng câu, tùng chữ trong các bộ kinh, hoặc mạ vàng các chữ trong kinh, hoặc lạy toàn bộ kinh.

          Đọc kinh hay tụng kinh chủ yếu là hiểu nghĩa lý của kinh, tụng kinh giả minh Phật chi lý, mới có thể đầy đủ đạo lực, chiêu cảm chư hương linh, lai đáo  đàn tiền  để thính pháp văn kinh mà được thừa cơ siêu độ.  Bằng không thì chỉ là những âm vang mỹ lệ không đúng với tinh thần độ tha của Phật giáo.  Đúng với nghĩa “ Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp.”  Chính tại nơi đây.

          Tụng kinh hiểu rõ nghĩa lý của kinh, khi đã hiểu rõ nghĩa lý của kinh rồi, ta sẽ áp dụng nghĩa lý đó trong cuộc sống hằng ngày, lần hồi chúng ta sẽ chuyển hóa hoàn cảnh của ta, tức là chúng ta đã chuyển hóa được nghiệp thức.

          Khi Phật còn tại thế, chư Tăng không có đọc tụng kinh điển, việc tụng đọc kinh điển  phát xuất ngay sau khi Phật nhập Niết Bàn. Khi Phật còn tại thế, các đệ tử nghe Phật giảng giải rồi sau cùng nhau ngồi lại ôn lại những lời Phật dạy, và  cùng nhau thảo luận về lời Phật dạy chứ không có hình thức tụng đọc như sau này.

          Nói đến tụng kinh, thì không sao tránh khỏi hình thức nghi lễ. Vì thế nghi lễ  trong Phật giáo, là một kho tàng văn hóa phị vật thể quý giá vô cùng, phong phú đa dạng, đóng vai trò quan trọng và quyết định như là một phương tiện vi diệu trong việc hoằng truyền giáo lý vào đi vào cuộc đời.

          Nói đến tụng kinh, là nói đến nghi lễ trong Phật giáo , ta thường gặp nhất là tán tụng và xướng. Tán âm điệu tiết tấu khác tụng khinh, ngoài kinh còn có Sám, Sám là bài văn vần như thơ văn vậy. Tụng sám có âm điệu ngắt câu cách khoảng rõ ràng khác với tụng kinh. Tụng kinh thì đều đều, tụng sám chậm chậm, tụng chú thì nhanh hơn. Còn xướng thì dài hơi hơn.  Giọng có ba loại giọng, giọng xuân là vui, giọng ai là buồn và giọng thiền. Tùy theo tình tiết mà sử dụng âm giọng khác nhau. Như đọc sớ, đọc điệp giọng vừa thiền vừa trầm buồn. Còn xướng đảnh lễ danh hiệu Phật phải vui và thanh tịnh trang nghiệm.

          Khi thực hành pháp sự tán tụng trong những lúc cầu siêu cầu an, người hành pháp sự phải có ý hướng độ tha chân thật, không những tán tụng các bản kinh sám sớ văn theo đúng âm điệu nhạc ( nghệ thuật Phật giáo ) mà cần phải am hiểu nghĩa lý của từng câu từng chữ của bài kinh bài tán tụng đó, để thật sự là khi “ tụng kinh giả” đúng là “ minh Phật chi lý” để “ thính pháp văn kinh ” mà được “ thừa cơ siêu độ ”. Bằng không , chỉ là những âm  vang mỹ lệ không đúng với tinh thần độ tha của Phật giáo. Đúng với nghĩa “ Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp” chính tại nơi đây.

          Nói đến tụng kinh, người ta liên tưởng đến niệm, nên thường gọi tụng niệm. Tụng và Niệm hai phạm trù khác nhau và bổ túc cho nhau. Tụng là dùng khẩu nghiệp phát ra âm thanh, còn Niệm dùng Ý nghiệp quán xét ý nghĩa câu kinh và theo dõi âm thanh của miệng phát ra. Nghĩa là miệng tụng tâm suy, nghĩa là miệng tụng còn tâm suy nghĩ nghĩa lý câu kinh, không cho tâm tán loạn suy nghĩ đông tây ngoài câu kinh. Như vậy tụng niệm cũng là phương pháp cột tâm tại một chỗ không cho tâm tán loạn, nên gọi là Thiền tụng, hay Thiền niệm. Như vậy tụng kinh, niệm Phật là một phương pháp thiền tập dành cho những người sơ cơ, họ chưa có khả năng thực tập các phương pháp thiền khác. Tụng kinh niệm Phật là phương pháp dễ nhất  dành cho những người sơ cơ mới bước chân vào đạo để thực tập và huân tập tâm thuần tục đến chỗ nhất tâm và định tâm. Có rất nhiều người tụng kinh, niệm Phật mà ngộ được chơn tánh, ngoài ra không ngộ được chơn tánh thì họ được an tâm, định tâm, giải thoát tâm và minh tâm.

          Như vậy, tụng kinh dù có hiểu được nghĩa lý của kinh hay không hiểu nghĩa lý của kinh, người tụng đọc cũng đều thu nhận được sự thanh tịnh tâm và giải thoát tâm ra khỏi phiền não lo âu

          Nói đến tụng kinh mà hiểu hết nghĩa lý của kinh thì trăm người chỉ có vài ba người hiểu được, còn ngoài ra tụng là để cho tâm không bị phân tán theo trần cảnh là chủ yếu. Vả lại kinh điển Đại thừa đều có hai phần nghĩa, phần nghĩa đen và phần nghĩa bóng. Nghĩa đen là nghĩa sâu xa chính của lời Phật dạy, nghĩa bóng là nghĩa hiểu theo lý thông thường, ai cũng có thể hiếu được, nhưng nó không phải nghĩa chính thức đúng với ý chính trong kinh. Ví dụ như trong kinh Phổ Môn nói:  Ai cầu con trai niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát, thì sanh được con trai, ai cầu con gái niệm danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát thì sẽ sanh con gái.  Hoặc gặp lửa cháy niệm danh hiệu Quan Ân lửa không làm cháy, hoặc bị nước trôi lửa cháy niệm danh hiệu Quan Âm vào nước, nước không chìm, vào lửa lửa không cháy v.v...

          Kinh nói như vậy, hỏi thử mấy ai làm được đúng như kinh nói, niệm Quan Âm rồi vào lửa thử có cháy hay không, hoặc vào nước thử có chìm hay không. Nhưng cũng có rất nhiều trường hợp trong những lúc khốn cùng gặp tai nạn đứng trước bờ sanh tử, gặp nước trôi lửa cháy thì thành tâm niệm Quan Âm được thoát khỏi tai nạn nước và lửa. Như vậy sự linh ứng của kinh và danh hiệu Phật, Bồ Tát là có thật. Nhưng có người niệm thì có thành công mà có người niệm không thành công, chứ không phải ai niệm cũng đều có được. Là vì người niệm có cảm mới có ứng mới thành công, là những người có thiện căn, có phước đức nhân duyên, người đã từng làm lành lánh dữ nên có sự cảm ứng với lòng từ của Bồ Tát, nên khi gặp nạn niệm danh hiệu Ngài thì có sự cảm ứng ngay.  Còn những người không hay làm phước,làm lành  tánh tình không trung thực, thường làm cho chúng sanh đau khổ hơn là an lạc thì lúc hoạn nạn niệm cầu Quan Âm khó được sự cảm ứng.

          Như vậy Quan Âm không có sự bình đẳng chăng? Quan Âm không phải không bình đẳng, mà Quan Âm bình đẳng trên nhân quả chứ không phải không bình đẳng. Ví dụ như muốn có điện sáng bóng đèn điện, người ta phải nối hai dây bằng chất liệu đồng với hai nguồn điện âm dương với bóng đèn thì bóng đèn sẽ tiếp được điện và bóng đèn sáng. Nhưng nối với một trong hai dây không phải chất liệu dẫn điện như dây bằng vải thì không bao giờ bóng đèn điện được thắp sáng là vậy.

          Tóm lại tụng kinh là một trong những phương pháp tu tập,  giúp cho nhiều người đem lại sự thanh thoát nhẹ nhàng thân và tâm, còn đối với những bậc có thiện căn và phước đức lớn thì tụng kinh giúp họ khai mở được trí tuệ thấy được chơn tánh, ngộ được chơn tâm.  Tụng kinh là một phương pháp rất phổ cập cho mọi tầng lớp xuất gia hay tại gia đều thực tập, không đòi hỏi trình độ hay kiến thức gì cả, người nào biết chữ biết đọc đều có thể tụng kinh được cả, không đòi hỏi hay hạn chế với bất cứ một chúng sanh nào. Và không đòi hỏi thời gian không gian nào cũng có thể tụng kinh niệm chú được cả.

          Tụng kinh có các trường hợp : tụng kinh và trì kinh. Tụng kinh tụng to, tụng nhỏ và tụng thầm. Tụng thầm còn gọi là trì kinh. Trì kinh còn nghĩa giữ nghĩa lý của ý kinh mà hành trì trong cuộc sống. Như vậy tụng kinh không nhất thiết phải lớn tiếng hay cao giọng, chủ yếu phải tụng cho đều theo cùng đại chúng. Trong một khóa tụng kinh có một người đánh mõ và người đánh chuông. Người đánh mõ gọi là duyệt chúng. Tức là làm cho chúng vui, đánh mõ phải giữ cầm canh không quá nhanh không quá chậm, đọc không quá lớn không quá nhỏ khiến mọi người không nghe theo tụng cho kịp. Còn khi tụng một mình không cần phải đánh mõ gõ chuông, vì chuông và mõ là hai pháp khí hướng dẫn chúng đông người tụng theo hiệu lệnh của chuông mõ cho rập ràng không kẻ trước người sau là vậy.

{]{

TỤNG KINH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét