Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

TỤC ĐẾ VÀ CHÂN ĐẾ


TỤC ĐẾ VÀ CHÂN ĐẾ

Tục đế là thế giới của tư duy, của ngôn thuyết, kinh điển Phật ngôn thuyết,  không phải là chân lý nhưng là bản đồ chỉ đường, như chính Đức Phật đã nhiều lần chỉ dạy “lời Ta như ngón tay chỉ mặt trăng” không thể lầm ngón tay là mặt trăng.. Coi kinh điển như là cái tủ chứa  đồ ăn “mở ra là no bụng”, nhưng kẻ phiêu dạt trong thế giới không dùng phương tiện hướng đạo nào hay bản đồ chỉ đường thì quá là kẻ ngu xuẩn. Vì vậy, muốn hiểu được ý nghĩa cao siêu trong Phật pháp, để chứng đắc nghĩa của thực tại tối hậu tuyệt đối, cần phải nương tựa vào các giá trị tạm thời và đơn giản của thế giới tục đế, của kinh luận “bất liễu nghĩa”. Chứ không phải giáo pháp Phật pháp chỉ là những gì quá cao xa hay quá huyền bí, quá khả năng con người.
Tóm lại kinh luận giáo pháp của Phật dù rất nhiều loại, chỉ có ý để dùng cho đủ mọi căn cơ, và người học Phật đều có đủ cơ duyên và phương tiện học Phật, nếu chịu khó muốn lãnh hội.  Nhưng trong mọi trường hợp đối đãi phải biết dùng biện chứng Nhị đế như một phương tiện mà thôi. Chúng ta bắt buộc phải dùng “văn tự Bát Nhã” làm phương tiện  để tiếp cận “thực tướng Bát Nhã”, chứ không còn cách gì khác nữa.
Các pháp vốn không nhưng vì điên đảo nên thế gian sinh ra hư vọng cho là thật có. Các hiền Thánh biết được tánh điên đảo, nên biết được rằng các pháp vốn không, vì không có tự tánh, cho nên đối với Thánh nhân đó là chân đế “đệ nhất nghĩa đế”mà cũng gọi là “thực tướng Bát Nhã” và một khi không còn phân biệt ( vô ngại ) thì đó là giải thoát hay là Niết bàn giải thoát.
Tứ tất đàn: Giáo lý Tứ tất đàn là để giải quyết rốt ráo về sự mâu thuẫn trong kinh Phật.  Tứ tất đàn có thể nói là sự quảng diễn của lý thuyết Nhị đế để lý giải về vấn đề này. Danh từ  “Tất đàn” trong văn học Phật giáo có nghĩa là “học thuyết” hoặc “phương pháp giảng dạy”, vì vậy “Tứ tất đàn” có nghĩa là (phương pháp giảng dạy của Đức Phật dùng để giải thích sự mâu thuẫn trong các kinh.
Tứ tất đàn gồm có: Thế tục tất đàn, Vị nhân tất đàn, Đối trị tất đàn và Đệ nhất Nghĩa đế tất đàn.  Ba tất đàn đầu  tiên tùy thuận với giả đế hay tục đế và tất đàn thứ tư thì tùy thuận với Đệ nhất Nghĩa đế hay Chân đế.
1- Thế tục đế tất đàn: Thế tục ở đây có nghĩa là tùy thuận theo nghĩa duyên sinh. Đây là cách Đức Phật dùng để dạy thính chúng bị huân tập quá lâu quá nhiều trong thế giới vật chất nên khó ngộ nhập ngay với giáo lý giải thoát. Theo phương pháp này, lời dạy của Ngài về thế tục tất đàn, giống như giáo pháp đơn giản về nhân quả trong đời sống mọi người. Mỗi cái thấy trong loại tất đàn này là cách giải thích trong từng trường hợp và hoàn cảnh nhân duyên của nó giống như trong thế giới nhân sinh thế gian. Ví dụ như trong kinh phật nói “với thiên nhãn, Ta thấy chúng sanh chết đây, chết kia là theo quả báo nhân duyên, thì phải trả nghiệp mà thọ sanh trong lục độ luân hồi”. Đó là Đức Phật giảng với nghĩa tục đế nói về sự hiện hữu giả tạm với nghĩa duyên sanh. Mặc dù kinh điển thế tục tất đàn có thể đơn giản so với giáo pháp giải thoát toàn triệt của Đức Phật, nhưng nó là cơ sở cho quần chúng hiểu về tư tưởng Phật giáo, cho nên rất nhiều kinh điển Phật giáo được hiểu là thế tục đế tất đàn.
2/ Vị nhân tất đàn: Là giáo pháp kinh điển Phật  dạy theo căn tính từng người. Loại kinh điển này là phương tiện thiện xảo để đối trị với căn tánh và hoàn cảnh từng người, để cuối cùng tất cả đều có thể từ những hoàn cảnh và điều kiện cá biệt cùng đi đến sự ngộ nhập giáo lý Phật giáo. Đại Trí Độ luận kể ra trường hợp đoạn kinh như chúng ta thường nghe: “vì nghiệp báo khác nhau nên chúng sanh thọ báo trong nhiều cảnh giới khác nhau, tiếp xúc và chứng nghiệm khác nhau”. Nhưng trong Tiểu kinh Palaguna của kinh Tương ưng bộ thì lại nói: “không có người tiếp xúc, không có người chứng nghiệm”. Sự mâu thuẫn này được giải thích vì nhu cầu giáo hóa phải kết hợp với căn cơ từng người. Thí dụ khác dễ thấy nhất là để đối trị với loại người không tin vào nghiệp báo và kiếp sau nên tha hồ làm ác- theo Phật giáo gọi là rơi vào tà thuyết “đoạn diệt”- cho nên Đức Phật vì kẻ này mà xác định và nhấn mạnh là có tái sanh và có quả báo. Trái lại có kinh lại nói trường hợp có kẻ tin vào một cái ngã cố định và thường hằng- Phật giáo gọi là cực đoan chấp thường- cho nên Đức Phật mới nói là chúng sanh sau khi chết không tái sinh.
3- Đối trị tất đàn: Là “phương pháp đối trị”, Các kinh điển của phương pháp này thì như lối trị bệnh “tùy bệnh mà cho thuốc” mà mọi người biết. Luận Đại Trí độ cho thấy kinh luận như những phương thuốc trị bệnh, có thể trị được bệnh này mà không thể trị được bệnh khác, tốt cho người này mà không tốt cho người khác, Phật pháp có đưa ra nhiều kinh luận, thì cũng chỉ là nhà thuốc có nhiều loại thuốc mà thôi, cho nên chúng ta thấy có những điều Đức Phật dạy nhiều khi đối lập với nhau. Chúng ta hẳn nhớ công án “Triệu Châu cẩu tử” về một ông sư hỏi Thiền Sư Triệu Châu “con chó có phật tánh hay không” và được nghe trả lời “không”.Thấy nhiều người bàn cãi đòi giải thích, nên có người tìm thấy trong một trường hợp khác Triệu Châu lại trả lời “có” nên đi hỏi một “thiền gia” khác thì vị này thay vì trực tiếp trả lời, lại ấm ớ đáp: “vì ông sư đó không có vợ “mà ông cho rằng trả lời như thế là hợp với tác phong thiền.
4- Đệ nhất nghĩa đế Tất đàn:  Là loại kinh điển Phật thường sử dụng với loại thính chúng có trình độ học phật cao nên thường có một lập trường tri thức nào đó. Loại kinh luận này Đức Phật lại thường giải thích theo hình thức phủ định để phát biểu ý vô ngại (không mâu thuẫn ) như kinh Kim Cang thường sử dụng để đánh tan các lập trường cố định của thính chúng. Đệ nhất Nghĩa đế Tất đàn cũng thường là loại kinh điển thượng thừa, nên ở loại kinh này Đức Phật còn muốn nói về những nội dung không thể diễn đạt được bằng ngôn ngữ để đòi hỏi thính chúng phải trầm tư quán chiếu hơn là lý giải.
Không phải chỉ có Trí Độ luận, mà trong tất cả luận, Ngài Long Thọ đều quảng diễn tư tưởng Nhị đế và Tứ Tất đàn để giải thích về sự mâu thuẫn có trong các kinh. Mở đầu Thất thập Không tránh luận, một lần nữa Long Thọ còn nói rõ “Phật dạy sinh, trụ, hoại, lúc dạy không lúc dạy có, thiện bất thiện cũng là tùy thuộc  toàn thế gian chứ không nói như một chân lý tuyệt đối”. Tóm lại kinh luận của Phật và chư Tổ xuất hiện chỉ với mục đích giúp người giải thoát bằng rất nhiều phương cách phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của từng người./.
           Trích: Nhị đế và Tứ tất đàn: Vũ Thế Ngọc- VHPG 15-3-2020- số 341.
{]{

TỤC ĐẾ VÀ CHÂN ĐẾ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét