Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

TỲ KHEO VỚI TÂM VÔ DỤC


TỲ KHEO VỚI TÂM VÔ DỤC

          Trong Tiểu kinh xóm ngựa thuộc tuyển tập Trung bộ, trước khi phân định rõ thế nào là các pháp xứng đáng bậc Sa môn mà người xuất gia cần phải chuyên tâm thực hành, Đức Phật nói đến  sự vô ích và sự nguy hại của lối sống mượn danh Sa môn “không phải là Sa môn nhưng hiện tướng Sa môn”, do không thực hành các pháp môn tu tập xứng đáng bậc Sa môn hoặc do chấp trì các hạnh Sa môn tà vạy:
Này các Tỳ kheo, thế nào là các Tỳ kheo không thực hành các pháp môn xứng đáng  bậc Sa môn?
Này các Tỳ kheo, đối với các Tỳ kheo có tâm tham dục và lòng tham dục không được đoạn diệt, có tâm sân hận và lòng sân hận không được đoạn diệt, có tâm phẫn nộ và lòng phẫn nộ không được đoạn diệt, có tâm thù hận và lòng thù hận không được đoạn diệt, có tâm giả dối và lòng giả dối không được đoạn diệt, có tâm não hại và lòng não hại không được đoan diệt, có tâm tật đố và lòng tật đố không được đoạn diệt, có tâm xan lẫn và lòng xan lẫn không được đoạn diệt, có tâm man trá và lòng man trá không được đoạn diệt,  có tâm xảo trá và lòng xảo trá không được đoạn diệt, có tâm ác dục và lòng ác dục không được đoạn diệt, có tà kiến và tà kiến không được đoạn diệt. Này các Tỳ kheo,  Ta nói rằng, nếu vị ấy không thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa môn, thì không thể đoạn diệt được những cấu uế cho Sa môn, những tỳ vết cho Sa môn, những lỗi lầm cho Sa môn, sự đọa sanh vào đọa xứ, sự thọ lãnh các ác thú. Này các Tỳ kheo, ví như một loại vũ khí nguy hiểm tên mataja có hai lưỡi sắc bén, có thể  được bao lại và được bỏ vào trong một cái bao. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, Ta nói sự xuất gia của Tỳ kheo ấy là như vậy.
Này các Tỳ kheo, Ta không nói rằng Sa môn hạnh của một vị mang đại y ( Sanghati ) chỉ tùy thuộc vào mang đại y. Này các Tỳ kheo, Ta không nói rằng Sa môn hạnh của một vị lõa thể chỉ tùy thuộc vào lõa thể. Này các Tỳ kheo, Ta không nói rằng Sa môn hạnh của một vị sống theo hạnh thoa bụi và đất chỉ tùy thuộc vào hạnh thoa bụi và đất. Này các Tỳ keo, Ta không nói rằng Sa môn hạnh của một vị sống theo lễ nghi tắm rửa chỉ tùy thuộc vào lễ nghi tắm rửa. Này các Tỳ kheo, Ta không nói rằng Sa môn hạnh của một vị sống dưới gốc cây chỉ tùy thuộc vào hạnh sống dưới gốc cây. Này các Tỳ kheo, Ta không nói rằng Sa môn hạnh của một vị sống ngoài trời chỉ tùy thuộc vào hạnh sống ngoài trời. Này các Tỳ kheo, Ta không nói rằng Sa môn hạnh của người theo hạnh  đứng thẳng chỉ tùy thuộc vào hạnh đứng thẳng.
Này các Tỳ kheo, Ta không nói rằng Sa môn hạnh của một vị ăn uống có định kỳ chỉ tùy thuộc vào hạnh ăn uống có định kỳ. Này các Tỳ kheo, ta không nói rằng Sa môn hạnh của người sống theo chú thuật chỉ tùy thuộc vào hạnh sống theo chú thuật. Này các Tỳ kheo, ta không nói rằng Sa môn hạnh của vị bện tóc chỉ tùy thuộc vào hạnh bện tóc.
Này các Tỳ kheo, nếu lòng tham dục của người có tâm tham dục được đoạn diệt chỉ nhờ vào hạnh mang đại y của người mang đại y, nếu lòng sân của người có tâm sân được đoạn diệt, nếu lòng phẫn nộ của người có tâm phẫn nộ được đoạn diệt, nếu lòng hiềm hận của người có tâm hiềm hận được đoạn diệt, nếu lòng giả dối của người có tâm giả dối được đoạn diệt, nếu lòng não hại của người có tâm não hại được đoạn diệt, nếu lòng tật đố của người có tâm tật đố được đoạn diệt, nếu lòng xan lẫn của người có tâm xan lẫn được đoạn diệt, nếu lòng man trá của người có tâm man trá được đoạn diệt, nếu lòng xảo trá của người có tâm xảo trá được đoạn diệt, nếu lòng ác dục của người có tâm ác dục được đoạn diệt, nếu tà kiến của người có tà kiến được đoạn diệt, chỉ nhờ hạnh mang đại y của người mang đại y, thì những thân hữu quyến thuộc, bà con cùng một huyết thống có thể khiến người đó mang đại y ngay khi người đó mới sanh, và khuyên người đó mặc đại y như sau: “Này hiền nhi, hãy mang đại y, nếu mang đại y thì lòng tham dục của người có tâm tham dục, sẽ được đoạn diệt, lòng sân của người có tâm sân sẽ được đoạn diệt, lòng giả dối của người có tâm giả dối sẽ được đoạn diệt, lòng não hại của người có tâm não hại sẽ được đoạn diệt, lòng tật đố của người có tâm tật đố sẽ được đoạn diệt, lòng xan lẫn của người có tâm xan lẫn sẽ được đoạn diệt, lòng man trá của người có tâm man trá sẽ được đoạn diệt, lòng xảo trá của người có tâm xảo trá sẽ được đoạn diệt, lòng ác dục của người có tâm ác dục sẽ được đoạn diệt,  tà kiến của người tà kiến sẽ được đoạn diệt chỉ nhờ mang đại y. Này các Tỳ kheo, bởi vì Ta thấy có người mang đại y nhưng vẫn có tâm tham dục, có tâm sân hận, có tâm phẫn nộ, có tâm giả dối, có tâm não hại, có tâm tật đố, có tâm xan lẫn, có tâm man trá, có tâm xảo trá, có tâm ác dục, có tâm tà kiến, nên Ta không nói rằng Sa môn hạnh của người mang đại y chỉ tùy thuộc vào hạnh mang đại y của vị ấy.
Này các Tỳ kheo, nếu lòng tham dục của người có tâm tham dục được đoạn trừ chỉ nhờ hạnh lõa thể của người lõa thể…chỉ nhờ hạnh thoa bụi và đất của người sống theo hạnh thoa bụi và đất.. chỉ nhờ hạnh lễ nghi tắm rửa của người sống theo hạnh lễ nghi tắm rửa… chỉ nhờ hạnh sống dưới gốc cây của người sống dưới gốc cây… chỉ nhờ hạnh sống ngoài trời của người sống ngoài trời.. chỉ nhờ hạnh sống đứng thẳng của người sống đứng thẳng…chỉ nhờ hạnh ăn uống có định kỳ của người ăn uống có định kỳ.. chỉ nhờ hạnh sống theo chú thuật của người sống theo chú thuật.. Này các Tỳ kheo, nếu lòng tham dục của người có tâm tham dục đoạn diệt chỉ nhờ hạnh bện tóc của người sống theo hạnh bện tóc, nếu lòng sân hận của người có tâm sân hận.. nếu tà kiến của người có tà kiến được đoạn diệt chỉ nhờ hạnh  của người sống theo hạnh bện tóc, thì những thân hữu quyến thuộc, bà con cùng một huyết thống có thể khiến người đó bện tóc, ngay khi người đó mới sinh, và khuyên người đó bện tóc như sau: hãy bện tóc, nếu bện tóc thì lòng tham dục của người có tâm tham dục sẽ được đoạn diệt, lòng sân của người có tâm sân hận.. nếu tà kiến của người có tà kiến sẽ được đoạn diệt, chỉ nhờ sống theo hạnh bện tóc. Này các Tỳ kheo, bởi vì Ta thấy có người theo hạnh bện tóc nhưng vẫn có tâm tham dục, có tâm sân hận, có tâm phẫn nộ, có tâm giả dối, có tâm não hại, có tâm tật đố, có tâm xan lẫn, có tâm man trá, có tâm xảo trá, có tâm ác dục, có tà kiến, nên Ta không nói rằng Sa môn hạnh của người sống theo hạnh bện tóc chỉ tùy thuộc vào hạnh bện tóc.
Lời Phật dạy cho thấy căn bản của đời sống Sa môn hay Sa môn hạnh ( Samanacariya ) chính là sự thanh tịnh, sự làm cho trong sạch các cấu uế, các ác, bất thiện pháp, tức nỗ lực làm cho dừng lại, tắm sạch, tẫn xuất, đoạn tận các pháp ô nhiễm đưa đến tái sanh, đáng sợ hãi, đem lại khổ quả, đưa đến sanh, già, bệnh, chết trong tương lai. Chính sự nỗ lực làm cho tự thân thanh tịnh, giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, như vậy là mục tiêu của đời sống Sa môn, khiến cho vị Sa môn không còn cấu uế, không tỳ vết, không lỗi lầm, trở nên thanh cao, thánh thiện, đi đến giác ngộ, gọi là hành trì tịnh hạnh hay tu phạm hạnh. Không nỗ lực làm cho mình thanh tịnh, sạch các cấu uế, bất thiện pháp, thì không phải là Sa môn, vì không thực hành các pháp môn xứng đáng bậc Sa môn. Nói cách khác, người xuất gia mà không chú tâm tu tập Bát Thánh đạo, không làm cho tiêu trừ tham dục, sân hận, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, xảo trá, ác dục, tà kiến thì không phải là Sa môn. Dù cho vị ấy có chấp trì hình thức tu tập như thế nào. Các lối tu như mang đại y, lõa thể, thoa bụi và đất, theo lễ nghi tắm rửa, sống dưới gốc cây, chuyên sống ngoài trời, đứng thẳng, ăn uống có định kỳ, theo chú thuật hay bện tóc chỉ là các hình thức bề ngoài, không bảo đảm một đời sống thanh tịnh ở bên trong.
Kinh Tương Ưng bộ  thuật câu chuyện  Cư sĩ Citta đệ tử của Phật có người bạn thân là Kassapa tu theo hạnh lõa thể thoa bụi đất của ngoại đạo, sau ba mươi năm đôi bạn mới có dịp gặp nhau và tâm sự:
Cư sĩ Citta hỏi du sĩ Kassapa: “Tôn giả xuất gia được bao lâu?
Này gia chủ, ta đã xuất gia được ba mươi năm.
Thưa tôn giả, trong ba mươi năm ấy, Tôn giả có chứng được pháp thượng nhân nào không, tri kiến thù thắng nào xứng đáng bậc Thánh  và được lạc trú không?
Này gia chủ trong suốt ba mươi năm ấy, ta không chứng được và không được lạc trú một pháp thượng nhân nào, một tri kiến thù thắng nào xứng đáng bậc Thánh ngoại trừ sự lõa thể, sự trọc đầu, sự phủi bụi và đất cát. Trong một văn cảnh khác Đức Phật  dùng thí dụ để nhấn mạnh  mục tiêu của đời sống Sa môn:
 “Này Aggivessana, ví như có một khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống và đặt trong nước. Có một người đến, cầm dụng cụ làm lửa với ý nghĩ “Ta sẽ nhen lửa, hơi nóng sẽ hiện ra ”. Này Aggivessana, Ông nghỉ thế nào? Người ấy lấy khúc cây đẫm ướt, đầy nhựa sống đặt trong nước ấy, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa thì có thể nhen lửa, khiến lửa nóng hiện ra được không?
Thưa không, Tôn giả Gotama. Vì sao vậy? Này Tôn giả Gotama, vì cành cây ấy đẫm ướt, đầy nhựa sống lại bị ngâm trong nước, nên người ấy chỉ mệt nhọc và bực bội mà thôi.
Cũng vậy, này Aggivessana, những Sa môn hay Bà la môn sống không xả ly các dục về thân, những gì đối với chúng thuộc các dục như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm chưa được khéo đoạn trừ, chưa được khéo làm cho nhẹ bớt, nếu những Tôn giả Sa môn hay Bà la môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy không có thể chứng được tri kiến, vô thượng Chánh đẳng giác, và nếu những Tôn giả Sa môn hay Bà la môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy cũng không thể  chứng được tri kiến, Vô thượng Chánh đẳng giác.
Này  Aggivessana,  ví như có một khúc cây khô, không nhựa, được đặt trên đất khô. Có một người đến cầm dụng cụ làm lửa với ý nghỉ: “Ta sẽ nhen lửa, lửa nóng sẽ hiện ra”. Này Aggivessana,  Ông nghỉ thế nào?  Người ấy lấy khúc gỗ khô, không nhựa, đặt trên đất khô, rồi cọ xát với dụng cụ làm lửa, có thể nhen lửa, khiến hơi nóng hiện ra được không?
Thưa được, Tôn giả Gotama, vì sao vậy?  này Tôn giả Gotama, vì khúc cây ấy khô, không nhựa lại được đặt trên đất khô.
Cũng vậy, này Agivessana, những Tôn giả Sa môn hay Bà la môn sống xả ly các dục về thân, những gì đối với các vị ấy thuộc các dục, như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khát vọng, dục nhiệt não, về nội tâm được khéo đoạn trừ. Thì những Tôn giả Sa môn hay Bà la môn cũng có thể chứng được tri kiến Vô thượng Chánh  Đẳng Giác.
Như vậy, mục tiêu của đời sống Sa môn cốt yếu là làm cho dừng lại, làm cho giảm thiểu, làm cho tiêu trừ các dục về thân và các dục về tâm, tức các thói quen ham muốn thường tình thuộc thế gian như  ham mê sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngọt, cảm xúc êm dịu hay sự mê say tiền tài vật chất,  (tài ) danh vọng, quyền lực (danh ) sắc đẹp khác phái ( sắc ), ăn uống no say ( thực ), ngủ nghỉ êm ái ( thùy ), gọi chung là các dục hay dục ái, tức gốc rễ của luân hồi khổ đau. Phải hiểu biết sáng suốt và thực tập phương pháp đúng đắn mới buông bỏ được các dục, mới chứng được tri kiến Vô thượng Chánh đẳng giác, vì dục hỷ, dục ái chính là cấu uế, căn nguyên  của khổ đau, cần phải được nhiếp phục và làm cho tiêu trừ bằng biện pháp tu tập sáng suốt, không phải là việc theo đuổi các pháp môn tu tập cực đoan mơ hồ.
Như theo lời Phật dạy để nhiếp phục và đoạn trừ các dục, còn gọi là các cấu uế hay các ác, bất thiện pháp, con người cần phải tập trung nhận diện đầy đủ về các dục, thấy rõ vị ngọt và sự nguy hiểm của chúng rồi mới tìm cách thoát ly chúng bằng  các biện pháp tu tập cụ thể. Đó là chú tâm xem xét về nhân duyên sinh khởi của các dục, thấy rõ sự ngon ngọt hấp dẫn của các khoái cảm giác quan, hiểu rõ hệ quả trói buộc nguy hiểm của sự say đắm các dục và nỗ lực nhiếp phục dục hỷ hay lòng tham dục. Nói cách khác, người xuất gia cần phải hiểu rõ các dục là vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn để tránh xa các dục, nỗ lực nhiếp phục và đoạn tận chúng bằng cách tu tập Bát chánh đạo, gọi là có thân tu tập, có giới tu tập, có tuệ tu tập.
Thân tu tập nghĩa là tránh xa các dục, không mê say chạy theo các dục, không thụ hưởng các dục, không để các dục lôi cuốn rơi vào lối sống đam mê phóng dật.
Giới tu tập có nghĩa là phòng hộ các căn, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nhằm hạn chế những việc làm sai trái bất thiện do lòng tham dục kích động, như sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, uống rượu…
Tâm tu tập nghĩa là thực tập uốn nắn và làm trong sạch nội tâm thông qua hành Thiền, tức gột rửa tâm sạch các cấu uế như tham dục, sân hận, hôn trầm thùy miên, trạo hối, nghi ngờ, làm cho trong sạch và trong sáng nội tâm nhờ phát triển các thiền chi như tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm, chứng và trú các Thiền sắc giới, khiến cho tâm được thanh tịnh, định tĩnh, nhất tâm, không còn bị các dục hay các khoái lạc giác quan chi phối và sai sử.
Tuệ tu tập tức là thường xuyên tác ý quán sát về các dục, thấy rõ nhân duyên sanh khởi và đoạn diệt của các dục, hiểu rõ các dục là vô thường, trống không, giả dối, thuộc ngu si tánh, nỗi lực dứt trừ tập quán mê say tham đắm các dục, thực chứng tâm ly tham, giải thoát khỏi các dục, các ác, bất thiện pháp.
Trong giáo pháp của Phật, một Tỳ kheo nỗ lực thực hành Bát Thánh đạo, nghĩa là có thân tu tập, có giới tu tập, có tâm tu tập, có tuệ tu tập, thì được gọi là Sa môn, đồng nghĩa với thanh tịnh, sạch các cấu uế, giải thoát, không khổ đau. Bậc giác ngộ xác nhận pháp Bát Thánh đạo do Ngài giảng dạy có năng lực tẩy sạch các cấu uế, các ác, bất thiện pháp, làm sản sinh bốn hạng Sa môn: Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A la hán, tức các bậc hiền Thánh đã và đang nỗ lực tẩy sạch các cấu uế, các ác bất thiện pháp bằng Thánh đạo, quyết chắc đạt đến giác ngộ.
Nói chung, Đức Phật có đầy đủ hiểu biết và kinh nghiệm về các pháp môn tu tập xứng đáng bậc Sa môn, Ngài được tôn xưng là Đại Sa môn ( Maha Samano ), không phải do Ngài chấp trì lối sống khắt khe của một tu sĩ khổ hạnh mà bởi Ngài đã dứt sạch các cấu uế lậu hoặc và giảng dạy con đường đưa đến chấm dứt các cấu uế lậu hoặc. Theo lời dạy của Phật thì Sa môn tức là làm cho dừng lại, tẫn xuaatss, tắm sạch, trừ diệt,  đoạn tận các dục, các ác, bất thiện pháp; là giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, không ô nhiễm, không tỳ vết, không lỗi lầm, tự tại, không hối tiếc, giải thoát, không khổ đau, không tự mình làm cho mình thanh tịnh sạch các cấu uế bằng Thánh đạo, hoặc chấp trì các hình thức tu tập cực đoan mê lầm không xứng danh bậc Sa môn, do không thực hành các pháp môn xứng danh Sa môn./.
Trích: Tỳ kheo với tâm vô dục: Nghĩa Dũng – VHPG 1-12- 2019- số 334.
{]{

TỲ KHEO VỚI TÂM VÔ DỤC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét