Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

HẠNH PHÚC LÀ BUÔNG XẢ

  HẠNH PHÚC LÀ BUÔNG XẢ

Có nhiều người định nghĩa “hạnh phúc” khác nhau không đồng đều, hạnh phúc dựa vào vật chất hay tinh thần hay hoặc cả hai? chưa có câu trả lời rõ ràng. Nói đến hạnh phúc người ta nghĩ đối lập là đau khổ, sau đây thử xem hạnh phúc có từ đâu?
Hạnh phúc không chỉ dựa vào vật chất.
Vào tháng 4 năm 1988, ông Howard Dickinson người Mỹ, làm một cuộc khảo sát có tên là “Hạnh phúc của con người phụ thuộc vào điều gì?”. Ông đã  phát ra 10.000 câu hỏi cho những người dân trong thành phố. Trong hai tháng ông thu hồi được 5.200 câu trả lời của câu hỏi hợp lệ. Kết quả sự khảo sát này, ông rút ra một kết luận như thế này: “Trên thế gian này có hai hạng người hạnh phúc nhất. Một là những người sống đạm bạc yên bình, Hai là những người nổi tiếng thành công”.
Vào tháng 6 năm 2009, tức 21 năm sau, ông muốn biết những điều hạnh phúc đã xảy ra với những người có hạnh phúc năm xưa, có phải họ vẫn luôn cảm thấy bản thân họ hạnh phúc như xưa hay không. Ông tìm địa chỉ liên lạc những người đó, ông bỏ ra hơn ba tháng làm cuộc khảo sát.
Những năm gần đây, cuộc sống của những người thành công nổi tiếng và cảm thấy hạnh phúc trước kia, nay lại xảy ra những biến cố cực lớn. Có một số người vì sự nghiệp xuống dốc, hoặc phá sản, không còn cảm thấy “hạnh phúc” mà cảm thấy “thống khổ” hoặc “vô cùng  thống khổ” trong bản trả lời khảo sát của họ.
Lần này ông tổng kết rằng: “Tất cả cảm giác hạnh phúc dựa trên vật chất đều không thể kéo dài, nó sẽ biến mất khi vật chất thay đổi, chỉ có sự bình yên và tĩnh lặng trong tâm hồn, niềm vui được phát xuất từ thân tâm  mới thật sự là hạnh phúc.”
Phải chăng “sự bình yên và tĩnh lặng trong tâm hồn” mà Dickinson cho rằng đó là sự hạnh phúc thì đó chính là sự buông xả?
Hạnh phúc không phải là đối nghịch với đau khổ.
Rất khó có một định nghĩa chung về hạnh phúc. Bởi vì hạnh phúc là cảm nhận tùy theo mỗi một con người, rất khác biệt tùy theo từng giai đoạn trong cuộc sống của họ và tùy theo từng thời kỳ của xã hội. Ngay như quan điểm cho rằng hạnh phúc là sự theo đuỗi thành công của con người thì mỗi một con người có cách theo đuỗi khác nhau tùy theo quan điểm của mình. Có người cho rằng hạnh phúc là thu đạt được điều mình mong muốn, như sở hữu rất nhiều tiền bạc, có gia đình êm ấm, đạt được danh vọng lững lẫy… nhưng người khác lại cho rằng hạnh phúc là cho đi, tạo niềm vui và ý nghĩa nào đó cho cuộc sống.
 Có người lại cho rằng: “Hạnh phúc chỉ được cảm nhận khi ai đó từng thật sự trải qua đau khổ”. Hay Agatha Christies, nhà văn nữ viết truyên trinh thám nổi tiếng người Anh, đã viết: “ Chính điều bên trong bản thân bạn khiến bạn hạnh phúc hay bất hạnh ”. Rõ ràng, sống trên đời, có ai không từng trải qua cái gọi là bất hạnh hay đau khổ?  Đau khổ là nổi kinh khiếp của tôi, thế nên tôi chấm dứt được đau khổ thì đúng là hạnh phúc rồi. Thật sự, xét cho cùng, có phải hạnh phúc là đối nghịch của đau khổ không?
Krishnamurti đã có một số nhận xét rất đáng suy ngẫm về sự khổ đau thuộc phạm vi tâm lý. Theo ông, khi bạn cho rằng hạnh phúc là đối nghịch với khổ đau thì hãy coi chừng,  bạn chỉ muốn lẩn trốn khỏi khổ đau là sự thật đang xảy ra với mình bằng những ảo tưởng mà thôi. Khi tôi đau khổ, khi ấy hoạt động mãnh liệt của cái gọi là “tự ngã” (cái tôi) luôn phóng đại, luôn muốn sự an toàn thường hằng…khiến tôi tìm cách lẩn tránh, chạy trốn nỗi khổ đau đó. Thế là tôi chạy theo để thu đạt, sở hữu cái gọi là “hạnh phúc” mà thật ra chỉ là từ ngữ, là nhãn hiệu trong đầu mà tôi đã gán ghép là sự đối nghịch của đau khổ. Rất nhiều trường hợp “hạnh phúc” đó đưa đến “lợi mình, hại người”, hay ảo tưởng đưa cái tôi là kẻ lừa đảo đội lốt vị thánh đi từ sai lầm này sang sai lầm khác… Theo Krishnamurti, không hy vọng tham cầu hạnh phúc để “trị” đau khổ, chỉ cần giáp mặt, sống trọn vẹn với đau khổ, tỉnh thức và thấu hiểu đau khổ. Giống như chân lý  “Diệt đế” của Đức Phật: “Một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt ”.
Phải chăng cho rằng hạnh phúc không đối nghịch với đau khổ là khi ta buông xả?
Hạnh phúc là buông xả. Tác giả Nguyễn Duy Nhiên đã viết: “Trong bài kinh Tứ niệm xứ, Đức Phật liệt kê ra hết tất cả mọi kinh nghiệm nào có mặt trong thân tâm, trong đời sống hằng ngày của ta. Có lẽ Đức Phật có ý muốn khuyên ta đừng nên cố gắng kiểm soát bất cứ một việc gì đang khởi lên, mà chỉ cần ‘ biết rõ ’  hết tất cả thôi. Và muốn ‘ biết rõ ’  được tất cả, chúng ta cần phải có một thái độ rộng mở, đừng chọn lựa, hoặc muốn chúng phải có mặt theo ý riêng nào đó. Ta không nắm giữ mà cũng không xua đuỗi một kinh nghiệm nào, không mong cầu và cũng không chối bỏ một điều gì. Chỉ thật sự có mặt trọn vẹn với tất cả. Vì khi ta có ý định muốn kiểm soát hay thay đổi, cái thấy của ta sẽ bị lu mờ đi, vì một cái Tôi nhỏ bé của mình ”.
Để biết rõ tác giả Nguyễn Duy Nhiên khuyên nên “buông xả”. Buông xả không có nghĩa là ta sẽ buông xuôi và không cần phải làm gì hết. Và ta làm với một cái biết trong sáng và rộng mở do đã buông xả. Tác giả cho rằng,  “Trong bài kinh Tứ niệm xứ, có lẽ Phật cũng muốn nhắc nhở rằng ta có thể đạt đến sự tỉnh giác trong khi làm công việc bình thường mỗi ngày. Nếu như ta làm những gì cần làm, với một ý thức rõ ràng, chúng ta sẽ bớt đi bị sự chi phối và che mờ của bản ngã. Thường khi làm một việc gì, là ta có ý muốn thành tựu một mục tiêu nào đó. Nhưng cũng vì ý muốn ấy mà ta có thể vô tình đánh mất đi thực tại… chúng ta không hề trốn tránh quá khứ, hay xem thường tương lai, nếu như ta sống trọn vẹn với việc mình đang làm. Con đường mình đi sẽ trở nên thênh thang và tốt đẹp hơn, và nếu như có việc gì bất ngờ xảy ra ta cũng sẽ giải quyết được chúng dễ dàng hơn, vì thấy rõ và không bị những ràng buộc. Khi ta biết buông xả, hiện tại sẽ có mặt một cách trọn vẹn, trong sáng và tự nhiên ”.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta rất dễ lầm lạc, không còn minh định sự cần thiết mà sa vào sự nô lệ ký ức tâm lý và suy nghĩ lung tung về tương lai. Chúng ta dễ có sự nỗ lực và nghĩ rằng hạnh phúc có được khi ta có cái này cái kia, thành đạt cho được điều này điều kia; cho nên, chúng ta thường nghĩ nhiều về quá khứ và dồn tâm tư để hoạch định tương lại. Thế là chúng ta không làm chủ bản thân mà đánh mất mình trong tiếc thương vô vàn quá khứ, lo lắng quá đáng cho tương lai và hoàn toàn không nhận thức được hiện tại đang sống. Nói theo nhà Phật là chúng ta không có “chánh niệm” để buông bỏ sự bám chặt ký ức và xả bỏ sự phóng hiện tương lai. Có thể ta có niềm vui nào đó khi nghỉ tưởng về quá khứ và tương lai, nhưng đó có là hạnh phúc thật sự?
Khi tỉnh thức sống trong hiện tại, ta ý thức được rằng giờ phút hiện tại  này có đầy đủ tất cả; quá khứ và tương lai. Vì có đầy đủ tất cả, nên nếu ta cảm thấy hạnh phúc trong hiện tại là ta cũng đang chuyển hóa những khổ đau trong quá khứ, và cũng đang xây dựng cho mình một tương lai an vui. Trong sự buông xả, ta không khổ sở quay tìm về quá khứ, không mơ tưởng đến tương lai, và đó chính là để hạnh phúc có mặt ở nơi đây và vào ngay lúc này.
Cuối cùng, nhìn sâu hơn một chút, ta nhận thức rằng hạnh phúc hay đau khổ trên cõi đời này chỉ là tương đối, là vô thường theo với cảm nhận hay nhận thức của con người. Nhưng theo Phật giáo, con người là gì: Là một tập hợp của ngũ uẩn; tức sắc,thọ, tưởng, hành, thức (nghĩa là vật chất, cảm nhận, suy tưởng, hành động và tri giác) Ngũ uẩn là khổ (Ngũ uẩn xí thạnh khổ), nên tất cả những gì tạo nên con người đều khổ. Ta hãy nói riêng về thọ, tức sự cảm nhận, cảm giác. Thọ gồm “khổ thọ” ( cảm nhận đau khổ ), “lạc thọ” ( cảm nhận hạnh phúc ),  và “bất khổ bất lạc thọ” ( cảm nhận không đau khổ, không hạnh phúc). Cả ba loại trên đều được Đức Phật dạy là khổ. Vậy dù hạnh phúc hay khổ đau thì cũng đều là khổ. Và sự buông xả, thảnh thơi, thong dong trong mọi trường hợp, là kết quả của sự tu tập lâu dài, mang lại cho hành giả một sự thoải mái, an lạc. Nhưng nghỉ cho cùng, đó cũng chỉ là sự cảm nhận gọi là bất khổ bất lạc thọ, tức là khổ, vì cả ba loại thọ đều khổ./.
Trích: Hạnh phúc là buông xả - Nguyễn Hữu Đức – VHPG số: 342 – 1-4-2020.
{]{

HẠNH PHÚC LÀ BUÔNG XẢ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét