Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

VAI TRÒ HỘ PHÁP VÀ HOẰNG PHÁP CỦA NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA XƯA VÀ NAY


VAI TRÒ HỘ PHÁP VÀ HOẰNG PHÁP CỦA NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA XƯA VÀ NAY

 Thời Đức Phật còn tại thế, cũng có rất nhiều vị cư sĩ tại gia vừa tu tập vừa hộ trì Tam bảo trên hai mặt vật chất và tinh thần. Ngoài việc hỗ trợ vật chất để nuôi dưỡng Tăng đoàn và xây dựng cơ sở chùa chiền, tịnh thất, tự viện cho có nơi chư Tăng yên tâm tu học để hoằng pháp lợi sanh. Cũng có nhiều cư sĩ thông hiểu kinh luật luận và các phương pháp tu học, cả cư sĩ nam lẫn cư sĩ nữ. Các cư sĩ có cơ duyên gặp Phật nghe pháp thường xuyên, học tập Chánh pháp và thuần thục Chánh pháp. Nhờ thường xuyên học hỏi Chánh pháp, tu tập Chánh pháp và thuần thục Chánh pháp, vị cư sĩ đa văn Thánh đệ tử có khả năng đàm luận Chánh pháp, tức có khả năng “tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai minh, phân tách và giải thích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, có thể chất vấn và hàng phục một cách khéo léo, có thể truyền bá Chánh pháp thần diệu”.
 Một số cư sĩ nam và cư sĩ nữ cũng được Đức Thế Tôn xác chứng là đệ nhất thuyết pháp và đa văn, như trường hợp cư sĩ Citta và nữ cư sĩ Khujjuttara, một vài trường hợp đặc biệt trong đó những vị đệ tử cư sĩ của Phật đóng vai trò là người thuyết giảng giáo pháp của bậc Đạo sư.
 Cư sĩ Citta là một trong số đệ tử cư sĩ  của Thế Tôn sở hữu những đức tính và khả năng đặc biệt, gia chủ Citta được xác chứng là đệ nhất về thuyết pháp. Cùng với Hatthaka, Citta được xem là cán cân, là mẫu mực cho các đệ tử cư sĩ. Ông được các Tỳ kheo trưởng lão đánh giá là có tuệ nhãn hiểu được những lời dạy thâm sâu của bậc Đạo sư. Ông cũng được xem là một trong số các cư sĩ thấy được bất tử….
Nhìn chung,  người cư sĩ rất thành công về đời sống thăng tiến đạo đức tâm linh cá nhân cũng như đời sống gia đình và xã hội. Là người cư sĩ có đầy đủ phẩm hạnh của một bậc thánh trí, biết làm lợi mình và lợi ích cho nhiều người nhờ khéo léo nắm bắt và vận dụng giáo lý của bậc Đạo sư vào thực tế cuộc sống, hiểu được lý bất tử, thấy rõ được lợi ích trước mắt và lâu dài của nếp sống người cư sĩ, nên khéo sắp xếp cuộc sống của mình theo đúng chánh đạo.
 Kế thừa truyền thống hộ trì chánh pháp thời Phật còn tại thế, người cư sĩ Việt Nam trong thời kỳ 1933- trở về sau, có nhiều cư sĩ tại gia, trong đó có hai cư sĩ nổi bậc nhất là cư sĩ  Tâm Minh- Lê Đình Thám, quê gốc Quảng Nam là một cư sĩ nòng cốt đóng góp cho Hội An Nam Phật Học tại Huế và cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền thành phố Sài Gòn. Là chủ biên của các tạp chí Viên Âm và Từ Quang, cùng tác phẩm dịch thuật và sáng tác phật pháp,  hai vị đồng nghiệp cùng thời, đã chủ trương xây dựng và xiễn dương Chánh pháp của hai vị ấy. Đã có những bài viết tư duy phản biện có những tính chất cởi mở, trung thực, can đảm, nhiệt thành, ý thức về biên kiến hay tà kiến, chấp nhận sự phê phán của người khác, và độc lập trong sự suy nghĩ.
Cư sĩ Tâm Minh với dịch thuật và giảng giải các bộ kinh. Trong đó có  bộ Thủ Lăng Nghiêm, là bộ kinh thuộc hệ tư tưởng Đại thừa, rất thâm sâu và khó hiểu đối với những người sơ cơ học Phật. Cư sĩ Tâm Minh còn là người khai sáng ra nền giáo dục Phật học thanh thiếu niên, tức gia đình Phật tử ngày nay.
 Trong Tạp chí Viên Âm của cư sĩ Tâm Minh đã vạch ra những thiếu sót sai lầm trong hệ thống Tăng già và tín chúng để làm sao củng cố, xây dựng từ nền tảng tư duy đến nghi lễ bên ngoài cho phù hợp tinh thần Chánh pháp.
1- Xây dựng đạo pháp từ nghi lễ đến Tăng đoàn.
Ông coi trọng cả phần hình thức trong nghi lễ, trong việc trưng bày các tôn tượng. Ông nhận thấy người Việt Nam thờ cúng không phân biệt Thần và Phật. Ông trình bày  lên Ngài Tổng  Trị sự về việc thờ tự, cúng cấp, trì tụng ở các Hội quán Hội An Nam Phật Học.
Ông viết: “Đối với mục đích hoằng dương Phật pháp của Hội, sự thờ tự, cúng cấp, trì tụng có ảnh hưởng rất lớn, nếu không đúng Chánh pháp thì khó bề phát khởi Chánh tín cho quần chúng ”.
Nay chúng tôi xét trong Phật giáo đồ hiện thời, thường có thờ nhiều vị thần thánh không có tên trong kinh tạng, như Thập Điện, Quan Đế, Thánh Mẫu, Thành Hoàng, Thổ Địa, Táo Quân, Bổn Mạng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Bà Thủy, Bà Hỏa, Ông Quận, Ông Mường…hoặc những vị có tên trong kinh tạng nhưng chỉ là hàng thính chúng hay là hàng hữu học Thanh văn như Phạm Thiên,  Đế Thích,  Vi Đà …không đáng thờ chung với Phật và Đại Bồ Tát; điều ấy cần phải cải cách, mà muốn cải cách thì trước hết phải cải cách nơi mình, sắp đặt sự thờ tự nơi các Hội quán của Hội cho đúng đắn…
          Còn về sự cúng cấp, thì trước bàn Phật chỉ nên dùng hương hoa quả mà thôi; trước bàn Tổ bàn Linh (thờ phía sau hoặc thờ riêng một bên) thì lấy nghĩa “sự tử như sự sanh”hoặc có thể cúng trai soạn, nhưng quyết định không nên đốt giấy, đốt áo, đốt vàng bạc, đốt kho tàng như các ngoại đạo.
          Còn về sự trì tụng, thì ngoài những kinh đã có trong Đại tạng, không nên tụng các kinh ngụy tạo, như kinh Ngọc hoàng, kinh Thập điện, kinh Bát dương, kinh Ông táo, kinh Đào viên, kinh Cao vương …Các khoa sám thì chỉ nên tụng Thủy sám, Lương hoàng sám,  Hồng danh và các bài đã do Tổng Trị  sự ấn định, chứ không nên tụng các khoa sám không đúng Chánh pháp ”.
          Đối với hiện trạng Phật giáo đồ, ông thẳng thắn phân loại Tăng có những hạng như sau:
          a/ Hạng lợi dụng phật pháp ;
          b/ Hạng lở dở không biết tu hành, lấy cúng cấp làm nghề riêng;
          c/ Hạng ưa thanh nhàn chỉ vui thú lâm tuyền, quên trách nhiệm của Tăng đồ.
          d/ Hạng tu vì tư lợi, mình chỉ biết tự giải thoát;   
          e/ Hạng thực hành Chánh pháp.
           Về tín đồ cũng có các hạng:
          a/ Hạng tu cầu phước.
          b/ Hạng tu cầu cảm ứng
          c/ Hạng tu theo sự bỏ lý
          d/ Hạng tu theo lý bỏ sự
          e/ Hạng thực hành Chánh pháp
          Trên cơ sở đó, ông đề nghị xây dựng lại, chỉnh đốn Tăng già với những việc cụ thể như sau:
-         Đối với trong sơn môn:
a/ Lập ban Luật sư để kiểm soát giới hạnh của Tăng chúng; ghi rõ kẻ nào phá giới sẽ bị thâu sổ, không được đắp điền y; nếu không có sổ mà đắp điền y thì bị truy tố về tội giả dối.
b/ Tổ chức những Ban thầy cúng; thầy cúng không được đắp điền y mà chỉ Ưu bà tắc mang y màu nâu hay màu xám. Các ông thầy nếu không giữ đủ giới thì cho vào hạng ấy…
Đối chư với thiện tín:
a/ Không nên nhận những người đã phá giới là thầy tu đạo Phật.
b/ Hủy những điệp quy y thọ giới của các ông thầy đã phá giới cấp cho, vì không có giá trị.
c/ Công bố những sư phạm giới có bằng cớ của các bậc Tăng già
d/ Chỉ bảo hộ, cúng dường các thầy tu giữ giới luật
e/ Không dự những việc không hợp với Phật pháp dầu là họ có lập chùa, đúc tượng vì nó chỉ là những lối buôn bán Phật pháp để kiếm tiền kiếm lợi
Cư sĩ Tâm Minh khẳng định “Hộ trì giới luật là xây nền tảng cho đạo Phật, hoằng dương Chánh pháp là dựng cơ sở cho Đạo Phật, công đức vô biên vô lượng.”
2- Giáo dục thanh niên và phụ nữ:
Ông đã lập ra những Hội Phật học cho thanh niên. Trong kỳ Đại hội đồng của Tổng hội An Nam Phật học tại Huế, Cư sĩ Tâm Minh đã phát biểu: “không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm đến hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai..”… Một câu nói xuất phát từ sự suy nghĩ sâu xa và có tầm nhìn chiến lược mà sau đó đã hình thành các tổ chức giáo dục Thanh Thiếu niên Phật tử. Sau này gọi là Gia Đình Phật tử..
Còn đối với phụ nữ, ông chủ trương đường lối giáo dục khai phóng. Trong nhiều số báo, ông dành nhiều trang để viết về phụ nữ và Ni giới. Ông nhấn mạnh “…Cái đức dục của chị em trước kia bị ghép vào cái chế độ gia đình, do nơi luân lý của Khổng –Mạnh. Ngày nay cái luân lý ấy nó bất hạp với chị em nữa, chị em quyết đánh đổ nó, tránh xa xó bếp xó buồng, ra giao tiếp với xã hội, chia vai gánh vác với bọn nam tử. Cái luân lý ấy chị em đánh đổ mà chị em không đem cái luân lý nào khác, tốt đẹp, thích hạp hơn để thay thế cái luân lý cũ kỹ kia mà rèn đúc chị em trở nên người hiền đức. Cái đức dục của chị em ngày nay thoái bộ là vì lẽ ấy… ”
 “Chị em đã hấp thụ được cái luân lý nhà Phật rồi, thì nơi gia đình, chị em là người vợ hiền, người dâu thảo, là người mẹ có đủ điều hạnh đức mẫu giáo; nơi xã hội, chị em là người có tánh vị tha vong kỷ, ích quốc lợi dân, mưu cuộc tiến hóa cho xã hội ”.
Ông chủ trương xây dựng tế bào gia đình thật sự vững mạnh. Đây chính là tinh thần mục tiêu đưa con người và đất nước bền vững.
Trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo hai cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám và Chánh Trí- Mai Thọ Truyền, là hai kiện tướng trong giới cư sĩ góp phần xây dựng và củng cố cùng với Tăng già Phật giáo Việt Nam, đã làm nên trang sử Phật giáo vẻ vang hưng thịnh cho những thập niên về sau cho đến ngày nay không ngừng phát triển. Những giá trị đó nay vẫn còn hữu hiệu, cách sinh hoạt mê tín trong đạo Phật thời nào cũng có, sự lợi dụng Phật pháp thời nào cũng nhiều, tà chánh lẫn lộn trong đạo phật khó phân. Những lời đề nghị của cư sĩ Tâm Minh lên Tổng Trị sự  Hội An Nam Phật học thời đó, nay vẫn còn giá trị, vẫn có thể áp dụng cho Tăng đoàn và cư sĩ ngày nay./.
Trích: Cư sĩ thuyết pháp: Quảng Kiến – Học tập người xưa viết báo – Nguyên Cẩn- VHPG số: 318- 1-4-2019.
{]{

VAI TRÒ HỘ PHÁP VÀ HOẰNG PHÁP CỦA NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA XƯA VÀ NAY Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét