Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2020

TỪ “KHÔNG” TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO


TỪ “KHÔNG” TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO

Trong ngôn ngữ thường tình trong nhân gian, từ “không” thuộc loại từ được nói và được viết nhiều nhất, thường được dùng như: không là, không có, không phải, không làm, không nghỉ, không thích, … đối lập với: là có, phải, làm, nghỉ,  thích …  “không” cũng có nghĩa  “không có gì”, là rỗng. Dầu ý nghĩa như thế nào thì “không” đều đề cập đến thực thể, đến “có”,  vì sự vật hay hiện tượng dầu có hay không có đó, thì vẫn động đến căn mắt và các căn khác. Nhưng khi dùng từ “không” trong triết lý Phật giáo thì ý nghĩa vượt quá ngôn ngữ thường tình và chắc chắn trở nên khó hiểu, mông lung, khó tưởng tượng đối với mọi người, kể cả những Phật tử ít nhiều có tu tập, mà cũng khó chịu nữa, vì đầu óc cứ quen nghỉ chữ “không” thường tình. “không ”theo tiếng Phạn là Sunyata, tiếng Pali là Sunnata, dịch ra tiếng Anh bằng những thuật ngữ emptiness, nothingness, voidness (nói chung, theo nghĩa thông thường thì cũng có nghĩa là rỗng không như tiếng Việt và những ý nghĩa có thể suy ra từ đó). Mặc khác, ngay trong Phật giáo các trường phái cũng diễn giải “không” theo nhiều cách khác nhau.
Từ “không” không phải đề cập đến một khoảng trống vật lý hay tâm lý hoặc một loại chủ nghĩa hư vô. Trong kinh điển Pali, bao gồm một số kinh điển Phật giáo sớm nhất, Đức Phật thường phủ nhận sự tồn tại của bản ngã bằng khái niệm về sự trống rỗng. Bản kinh nổi tiếng Milindapanha (Mi–Lan đà vấn đáp hay còn gọi Na Tiên Tỳ kheo ), có kể câu chuyện thú vị về việc Tỳ kheo Na tiên đã giúp vua Mi lan đà nhận ra chân tính vô ngã của vạn sự và tất nhiên là của “cái tôi” ( vô ngã ) bằng một ví dụ. Ngài chỉ vào cỗ xe của nhà vua rồi hỏi, Đâu là bản chất của cỗ xe? Có phải ở trong bánh xe? ở trong gọng xe?  Trong trục xe? Trong mui xe?... Vậy, cỗ xe không có tự tánh ”.
Tất nhiên, không có bộ phận cấu thành nào chứa bản chất của cỗ xe, và mỗi bộ phận được chia thành các bộ phận nhỏ hơn cũng không có bản chất đơn lẻ. Giống như cỗ xe, cái “ngã” mà chúng ta rất coi trọng, không gì khác hơn là kết hợp tạm thời với nhiều thứ khác nhau, đó là sắc, thọ, tưởng, hành, thức- cái ngã đó là “không”, “không” có thể hiểu như là “không có tự tánh”. Chiếc xe không có tự tánh vì nó không tồn tại như một thực thể riêng, độc lập. Xe như vậy thì người cũng như vậy, mọi pháp cũng như vậy.
Để ban đầu dễ quan niệm tính “không”, Đức Phật dùng ẩn dụ đơn giản khi nói đến cái nhà trống.  “Này các Tỳ kheo, có những túp lều trống không, hãy thiền đi ”.
Người học Phật qua câu chuyện đơn giản này có thể hiểu giáo lý vô ngã cốt lõi của Phật giáo; giống như một căn phòng có thể trống rỗng đồ đạc, tâm và thân là trống rỗng cái ngã và bất cứ thứ gì thuộc về cái ngã.
Như vậy “không” là vô ngã, vô ngã là “không”, Đức Phật nói với thị giả A Nan về một trong hai bài pháp về không (Sunnata Sutta), “Ta thường ở trong tính không”, và tiếp tục diễn tả một lối tu tập thiền trong đó các đối tượng nhận thức dần dần trở nên tinh tế hơn cho đến khi người ta hiểu được rằng  “lãnh vực này của nhận thức chỉ là trống rỗng”. Đến điểm đó, tính không gần như trở thành một từ đồng nghĩa với Niết bàn, vốn được xác định trong nhiều kinh điển như là một tâm trống rỗng tham, sân, si.
Nhà triết học Phật giáo lỗi lạc, Bồ tát Long Thọ, thuộc thế kỷ thứ II nâng cao tính không trong các chuyên luận của mình bằng cách rút ra những hàm ý của pháp Phật về vô thường và căn nguyên phụ thuộc. Tất cả mọi thứ đều trong tiến trình phát sinh và biến mất, bao giờ cũng “trở thành” và như vậy không bao giờ thực sự “là”. Bị điều kiện hóa bởi rất nhiều nguyên nhân tương thuộc, mọi sự đều “rỗng” về bất cứ loại bản chất độc lập hay bên trong và do đó chẳng cần giải nghĩa nào.
Các trường phái triết học Phật giáo sau này đã mở rộng khái niệm “không”để bao gồm  tất cả các hiện tượng trên thế giới; điều này được thể hiện trong kinh điển Đại thừa, mà nổi tiếng nhất là Bát Nhã Tâm kinh. Trong bản kinh súc tích này, từ không được lặp đi lặp lại nhiều lần, với hàm ý tính không là cốt lõi của kinh, chẳng hạn:  “sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ. tưởng, hành, thức diệc phục như thị” (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế ), và bao nhiêu nữa.
Mọi thứ đều phụ thuộc vào cái gì khác, không có tồn tại trong bất kỳ  cách thức độc lập và bền bỉ nào. Kinh này tiếp tục dạy rằng “không là bản chất của mọi pháp”, từ đó, mở rộng quán sát tâm lý để nhận ra rằng, nếu một người là trống rỗng cái ngã sẽ đi đến cái nhìn siêu hình toàn diện bằng mọi hiện tượng đều trống rỗng tự bản chất.
Một số trường phái Phật giáo còn đi xa hơn: mọi thứ chúng ta cảm nhận đều phụ thuộc vào tâm với nhận thức nó “tồn tại” (nhất thiết duy tâm tạo), và do đó trống rỗng về bản chất. Không có gì thực thể ngay cả những hạt li ti nhất tưởng tượng được cũng như chính tâm ta. Tất cả đều liên quan với nhau, tất cả đều “không”.
Khi Đạo Phật Đại thừa du nhập vào Trung Hoa, rồi vào Nhật Bản thì khái niệm về tính  không đã phát triển theo ba hướng:
Thứ nhất: Cùng với ý tưởng bổ sung về bản tính như vậy (tathata, chân như), trường phái Thiên Thai đã làm phong phú tính không bằng cách  khái niệm về một phật tính phổ quát tiềm ẩn nơi chúng sanh.
Thứ hai:  Trường phái Hoa Nghiêm, bao trùm cả chân như và tính không, nhấn mạnh sự thâm nhập triệt để vào nhau của mọi hiện tượng.
Thứ ba:  Trường phái dung hợp ý tưởng vô vi của Đạo giáo với vô vi Thiền Trung Quốc hay Zen Nhật Bản của Phật giáo, đã khuyến khích cách tiếp cận vô sắc của vô tâm hay vô niệm. (Thực ra vô vi trong Phật giáo được dịch từ thuật ngữ  asamskrta trong ngôn ngữ Sanskrit, có nghĩa là không nguyên nhân, không tạo tác, không kết hợp, không điều kiện, không bản chất,  khác với vô vi của Đạo giáo).
Hiểu một cách đúng đắn, mọi thứ không tồn tại (kể từ khi chúng biến mất) cũng không tồn tại (kể từ khi chúng xảy ra), đúng hơn, đơn giản là trống rỗng- đòi hỏi một trực giác không – dựa- trên- khái –niệm của trí tuệ như kensho ( kiến tánh ) hoặc satori (ngộ ) của Nhật Bản.
Kinh điển Phật giáo Đại thừa lấy tính không làm trung tâm. Thế thì Phật giáo Nguyên thủy thì sao? Tôi xin dẫn bài của thiền sư Thanissaro, một Tỳ kheo tu tập, hành thiền và có nhiều tác phẩm nghiên cứu về đạo Phật xuất bản ở phương Tây và được phổ biến trên thế giới.
“Tính không là một kiểu nhận thức, một cách nhìn vào kinh nghiệm. Nó không thêm gì vào, và không lấy gì đi, từ dữ liệu thô của các sự kiện  thể chất và tinh thần. Bạn nhìn vào các sự kiện trong tâm và các giác quan mà không nghỉ đến việc liệu có bất cứ điều gì nằm đằng sau chúng hay không.
Tính này được gọi là không vì nó trống rỗng những giả định mà chúng ta thường thêm vào kinh nghiệm để tạo cảm giác về nó: đó là những câu chuyện và thế giới quan mà chúng ta làm rập theo khuôn để giải thích chúng ta là ai và thế giới chúng ta đang sống là gì. Mặc dầu những câu chuyện và quan điểm đó có những công dụng của chúng. Đức Phật phát hiện ra rằng những câu hỏi mà chúng nêu lên- về bản sắc thật của chúng ta và thực thể của thế giới bên ngoài- đã kéo sự chú ý ra khỏi kinh nghiệm trực tiếp về các sự kiện ảnh hưởng lẫn nhau ngay tức khắc trước mắt. Do đó, chúng gây trở ngại khi chúng ta cố gắng hiểu và giải quyết vấn đề đau khổ.
Chẳng hạn, nói rằng bạn đang thiền và một cảm giác tức giận nhằm vào mẹ bạn xuất hiện. Ngay lập tức, phản ứng của tâm bạn là đồng hóa cơn giận như là cơn giận “của tôi”, hay nói rằng “tôi là” giận.
Sau đó, nó thêm thắt về cảm giác, hoặc đưa nó vào câu chuyện về mối quan hệ của bạn với mẹ, hoặc theo quan điểm tổng quát của bạn về thời điểm và nơi mà sự tức giận đối với mẹ của ai đó có thể được biện minh cho mình.
Theo Đức Phật, những câu chuyện và quan điểm này kéo theo rất nhiều đau khổ. Bạn càng tham gia vào chúng, bạn càng bị quẫn trí khi thấy nguyên nhân thực sự của đau khổ: đó là nhãn “tôi” và “của tôi” đã đặt vào trong toàn bộ quá trình vận động. Kết quả là, bạn không thể  tìm thấy cách để làm sáng tỏ nguyên nhân đó và đưa sự đau khổ đến kết thúc.
Tuy nhiên, nếu bạn áp dụng kiểu trống rỗng- bằng cách không hành động, cũng không phản ứng với cơn giận- mà đơn giản chỉ xem nó như một chuỗi các sự kiện, ở trong và của chính những chuỗi đó, bạn có thể thấy rằng cơn giận là trống rỗng, chẳng có gì đồng hóa với nó hay sở hữu nó. Khi bạn làm chủ kiểu trống rỗng này một cách kiên định hơn, bạn sẽ thấy rằng sự thật này không chỉ dành cho những cảm xúc thô thiển như cơn giận, mà còn cho cả những sự kiện tinh tế nhất trong địa hạt kinh nghiệm.
Phải chăng thiền Tứ Niệm Xứ, một pháp thiền do chính đức Phật lập ra, nhằm quán chiếu thân và tâm, trước hết là thiền hơi thở, sẽ giúp ta làm chủ kiểu trống rỗng này một cách kiên định? Nhiều Phật tử và không Phật tử có một số vốn liếng văn hóa và tri thức ở đời, thường hay tìm tòi tra cứu giáo lý đến từng chữ nghĩa. Điều đó là tự nhiên, hợp lý, nhưng theo thiển ý, có đọc hoài cũng không hết thắc mắc.
Tuy nhiên, nếu đọc Phật, chiêm nghiệm cuộc đời, sống trong Tam bảo, nhìn về thân giáo của những vị thầy...thì học và hành kết nối giúp ta tăng tiến trên đường đạo, và cảm nhận về “không” nhẹ nhàng đến với ta, khi này hoặc khi khác, mà ta không cần biết. Đây mới là quan trọng, chứ giáo lý thì mênh mông, dầu không nắm hết mọi căn bản thì không có gì lạ.. cũng tùy duyên thôi.
Trở lại với tính không, quan niệm của Thiền sư Thanissaro thật là gần gũi với đời sống gợi ra một chỉ dẫn trên con đường tu. Từ nền tảng này, dần dần ta có thể thâm nhập thêm tính không của Phật giáo Đại thừa. Dầu sao tính không nói chung cho ta cách sống là hãy bớt cái ngã đi, bớt tham sân si đi, đừng vơ vào những cái “ta”cái “của ta” không thực có, để ta hít thở không khí trong lành một cách tự nhiên mà không cần phân tích./. 
       Trích “không”có ý nghĩa gì: Cao Huy Hóa -VHPG số 334-1-12- 2019
                                {]{

TỪ “KHÔNG” TRONG KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét