ĐỪNG
NÊN ĐỔ LỖI, HÃY XEM LẠI MÌNH
Tôi từng thấy nhiều người lễ Phật mỗi sáng, tụng
kinh mỗi tối. Tay lần chuỗi hạt, miệng tụng “Nam Mô A Di Đà”, nhưng ánh mắt thì
liếc nhau như kẻ thù. Lòng thì sôi lên từng cơn như lửa âm ỉ dưới tro, chỉ chờ
gió là bùng. Tôi từng dự một khóa tu ngắn ngày. Trong chánh điện, người ngồi
ngay ngắn, tụng đều và vang như đã bước sâu vào thiền định. Nhưng khi ra nhà
ăn, chỉ vì một đĩa rau hết sớm, họ chau mày, lườm nhau, và trách nhau như thể vừa
bị cướp mất phần công đức. Cũng chính người đó, trong phòng nghỉ, ngồi xếp chân
tụng kinh hàng giờ, nhưng chén mình ăn xong thì để nguyên, rác rơi dưới chân
cũng chẳng cúi xuống nhặt. Họ tưởng rằng tụng thêm một bộ kinh là đủ “tu”, mà
quên mất: Tu thật sự bắt đầu từ những việc nhỏ không ai khen, và không ai nhắc.
Vậy thì câu hỏi đặt ra: Chúng ta đang tu cái gì?
Tu không phải là gom thật nhiều kinh để đọc,
gom thật nhiều lễ để lạy. Tu là sửa mình. Là mỗi ngày soi lại chính mình, và gọt
bớt đi một phần ích kỷ, một phần cố chấp, một phần hơn thua. Bạn có thể ăn chay
suốt tháng, nhưng nếu khi ăn lại giành phần ngon, không biết nhường người đến
sau, thì đó là tham, chứ không phải thanh tịnh. Bạn có thể có hiếu với cha mẹ
ruột, nhưng nếu lạnh nhạt, tính toán với cha mẹ bên chồng, bên vợ, thì đạo hiếu ấy đã mất nửa phần. Bạn có thể lạy
Phật rất thành kính, nhưng nếu sống nhỏ nhen, tính toán từng đồng, từng bữa cơm
với người xung quanh, thì có khi điều bạn lạy không phải là Phật, mà là chính
cái bản ngã của mình.
Phật không cần ta giỏi diễn. Phật chỉ cần ta
sống thật. Một người cúi xuống rửa cái chén mình vừa ăn, là đang học hạnh biết
điều, khiêm cung. Một người biết nói cảm ơn, dù chỉ với chuyện nhỏ, là đang học
hạnh biết ơn và khiêm hạ. Một người dám chia sẻ cái mình đang có, dù không dư dả,
là đang bước qua bức tường của sự chấp thủ. Và đó chính là tụng kinh bằng cách
sống. Không cần tụng lớn, chỉ cần sống đủ.
Tôi từng gặp một người đàn ông hơn 70 tuổi,
quê ở Trà Vinh, đi lễ Vu Lan với đôi dép mòn đế và chiếc áo bạc màu. Ông là người
lặng lẽ nhất buổi lễ. Không tụng to, không gõ mõ, không chen lên gần Phật điện.
Sau lễ, ông ở lại sau cùng. Cúi xuống nhặt từng cọng rác trong sân chùa, rồi
mang đi bỏ đúng chỗ. Tôi hỏi ông: “Sao ông không tụng kinh?”
Ông
cười hiền: “Tôi tụng rồi. Mỗi cọng rác là một chữ trong lòng.” Tôi im lặng. Vì
lúc đó tôi hiểu: Có người tụng mười bộ kinh không bằng một người sống trọn một
chữ Tâm.
Tu không phải chuyện lớn lao, mà là chuyện nhỏ
làm cho tử tế. Không phải nói hay, mà là sống sao để người khác thấy dễ thở khi
ở gần. Không phải lễ Phật mỗi ngày, mà là sống sao để mỗi ngày, Phật có thể ngự
trong lòng mình. Lối ra nằm ở đâu? Không nằm ở số bộ kinh bạn
thuộc. Không nằm ở số buổi tụng bạn tham gia. Lối ra là:
Biết sửa mình một chút,
Nhẹ lời một chút,
Bao dung một chút.
Là biết cúi đầu xin lỗi khi mình sai.
Biết im lặng khi lời nói có thể làm tổn
thương.
Biết buông đúng lúc, giữ vừa đủ.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nếu hôm nay bạn vẫn còn đọc được những dòng
này bằng sự bình an trong tâm, thì xin hãy bắt đầu tu, không phải bằng lời, mà
bằng cách sống. Vì nếu không sửa mình từ những việc nhỏ nhất, thì cả đời tụng
kinh, cũng chỉ là tiếng vọng trôi theo gió...
Hoàng
Nguyên Vũ
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét