Thứ Hai, 16 tháng 6, 2025

GIỮ CHÁNH NIỆM CÓ KHÓ KHÔNG?

                              GIỮ CHÁNH NIỆM CÓ KHÓ KHÔNG?

        Chánh niệm là sự tỉnh giác, là sự chú tâm đến những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, một cách vô tư không phê phán hoặc so sánh. Chánh niệm là không bị mê đắm bởi những trạng thái tâm tốt và không cố gắng lẩn tránh những trạng thái tâm không tốt, cũng không đeo bám theo sự dễ chịu hay trốn chạy cảm giác khó chịu. Chánh niệm nhắc cho chúng ta cần chú tâm đến những hoạt động đang làm và ghi nhận phản ứng của tâm mình trong thời điểm đó. Trong tu thiền, bạn đặt sự chú tâm của mình vào một đối tượng nào đó, thiết thân nhất là chọn hơi thở làm đề mục chú tâm. Chú tâm đơn thuần là đang nhận biết luồng hơi đi vào cơ thể, luồng hơi đi ra khỏi cơ thể. Thế nhưng chú tâm một cách trọn vẹn vào đối tượng không hề dễ dàng đối với người mới thực hành, vì tâm ta ưa duyên theo các ý tưởng khác đi lang bạt kỳ hồ trong thế giới tâm tưởng. Khi tâm bị trôi giạt khỏi điểm tựa này, thì người tu chánh niệm cần nhắc nhở rằng, tâm của bạn đang lang thang và những gì bạn cần nên làm vào lúc này là đem tâm của bạn trở về với đề mục. Chánh niệm, sự chú tâm đơn thuần trên đối tượng và khi không duy trì được sự chú tâm trên đối tượng thì cũng phải nhận biết tâm đã vắng mặt và đi rong. Ngay lúc mất chú tâm, hành giả phải kịp thời phát huy chức năng nhắc nhở rằng chúng ta đang bị mất tập trung vào đối tượng và nhớ chánh niệm tái lập chính nó. Ngay khi bạn nhận biết mình không còn có sự chú tâm, thì sự chú tâm trở lại với bạn ngay lập tức.

         Tu thiền người ta lấy hơi thở vô ra làm đề mục chú tâm, còn người tu Tịnh độ lấy câu danh hiệu Phật, Nam mô A Di Đà Phật làm đề mục chú tâm. Dùng câu danh hiệu Phật trụ tâm vào một nơi dễ hơn theo dõi hơi thở vô ra, vì thế tu theo Tịnh Độ dễ tu dễ thực hành hơn, mau tịnh tâm hơn, dễ giữ chánh niệm hơn.

        Sự chú tâm trên đối tượng trong quá trình thực hành thiền rất khó, nhất là người mới bắt đầu. Thứ nhất, việc này khó vì bình thường, con người quen sống với tâm lăng xăng các mối liên hệ xã hội, lăng xăng với các công việc thường ngày, nếu không tập luyện, không thể nào có khả năng chú tâm trong suốt thời gian lâu vào một đối tượng thiền quán. Thứ hai, trong cảnh động, tâm bận rộn lăng xăng, ta không có cơ hội ngồi “nhìn” tâm mình để thấy nó lăng xăng cỡ nào. Trong không gian yên tĩnh, trong tư thế ngồi tĩnh lặng, tâm không bị chi phối vào các hoạt động thô thiển thường ngày, ta mới thấy tâm ta chao đảo, lăng xăng như một nồi súp đang sôi trên bếp!  Chỉ khi ngồi thiền trong yên lặng, các ý tưởng không mong đợi xô nhau ùa về, khởi lên bề mặt ý thức. Những ý tưởng qua rồi như những chiếc lá rụng nằm sắp lớp ngổn ngang trong hồ nước tâm thức, nay có dịp, từng lớp, từng lớp trỗi lên. Các thiền sư ví cái tâm chưa thuần của chúng ta như con chó con, đi tí là đứng lại ngửi ngửi, đưa mõ ngửi chỗ này, chạy ngửi đến chỗ kia, không lúc nào yên.

        Hiểu được điều này, ta không nản hoặc tự ti khi thấy  sự hành thiền (hay niệm Phật)  của mình chưa đạt đến kết quả mong muốn. Ta muốn chú tâm vào hơi thở (câu danh hiệu Phật) tâm cứ mặc tình rong chơi. Dù mình không hề muốn, nó nghĩ về tương lai vẫn còn mờ mịt xa xôi, rồi nhớ việc này, hồi tưởng việc kia, ngay cả những việc đã qua từ lâu lắm. Đừng nản lòng, thối chí, cứ chú tâm vào đối tượng đã chọn (Phật hiệu) để thực hành. Có nghĩa là  giữ làm sao thân đâu tâm đó mà không hề rời nhau. Lòng kiên nhẫn của ta gặp nhiều thử thách trong giai đoạn khởi đầu này. Những ai vượt qua khó khăn trong chặn đầu này mới có thể đi tiếp  con đường thực tập. Kiên trì là một người bạn tốt nhất lúc này.

        Khi tâm rời đối tượng, cần chánh niệm nhận ngay điều này, kéo tâm trở về với đối tượng. Cứ kiên trì như thế, trong vòng 30 phút ngồi thực tập hơi thở (niệm Phật) nếu tâm đi chơi 100 lần, thì phải 100 lần đem tâm về với hơi thở. Nếu tâm trượt khỏi đối tượng mà lén đi chơi 1.000 lần, thì vẫn phải 1.000 lần nhẹ nhàng đem tâm trở về. Ví như một con trâu chưa thuần thục ra ruộng cày. Nó không muốn nỗ lực đi theo đường cày mà chướng cứ chạy lên bờ, ta phải đưa nó về đường cày đang kéo dở. Nó lại chống đối kéo đi nơi khác, ta cứ đưa nó đi về đường cày đang đi. Vậy đủ biết chú tâm trên đối tượng thiền quán là rất khó, đòi hởi sự nỗ lực, kiên trì và quyết tâm rất cao từ người thực hành. Đừng ảo tưởng bắt chân ngồi xuống, thân ta yên là tâm ta theo đó liên yên và có chánh niệm ngay đâu. Pháp mầu không như vậy mà đây là cả một cuộc hành trình xuyên suốt thời gian, đòi hỏi ý chí và nghị lực mà không phải ai cũng làm được. Người biết hành thiền đã ít, người nỗ lực để giữ chánh niệm trong mỗi thời ngồi thiền lại càng ít hơn, và hiếm hoi nữa, như vài vì sao lác đác trên bầu trời rạng sáng là người có thể duy trì thời khoá hành thiền chánh niệm hằng ngày trong cuộc sống của mình./.

                    {]{

GIỮ CHÁNH NIỆM CÓ KHÓ KHÔNG? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét