Thứ Hai, 16 tháng 6, 2025

NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG, DỊ BIỆT VÀ TÍNH HỖ TRỢ LẪN NHAU GIỮA THIỀN VÀ TỊNH

 

NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG, DỊ BIỆT VÀ TÍNH HỖ TRỢ LẪN NHAU GIỮA THIỀN VÀ TỊNH

1- Những điểm tương đồng.

Pháp môn Thiền tông hay Tịnh độ tông đều thuộc giáo pháp của Phật dạy. Trong tu tập điều quan trọng là hạnh giải thương ưng. Tức phải an trú trong đời sống với tiêu chí Giới-Định-Tuệ để khởi tu. Vì bản chất tu tập là thanh tịnh hoá nếp sống con người. Thiền sư Trần Thái Tông nhấn mạnh với giới như sau: “Kinh nói rằng: giới như mặt đất bằng, mọi điều thiện từ đó sinh ra. Giới như thuốc giỏi chữa được các bệnh. Giới như hạt minh châu, phá vỡ mọi tối tăm. Giới như thuyền bè, vượt qua bể khổ. Giới như chuỗi ngọc làm pháp thân trang nghiêm. Kẻ có tội cần sám hối. Nếu không sám hối tội càng sâu thêm. Một lần bỏ mất thân mình thì muôn kiếp không thể tìm lại. Ngày nay tuy yên, mai sau khó giữ. Vậy nên giữ phép này, vượt mau qua đường sanh tử; thờ Phật làm thầy, trước hết tuân theo giới luật. Bậc cổ đức có nói: qua sông nên dùng mảng, đến bến hết cần thuyền. Như vậy người xưa coi giới là thuyền mảng. Ngày nay những người không dùng phương tiện đó qua sông mà tới được bờ bên kia là thì thật hiếm vậy”.

Niệm Phật hay Thiền là phương tiện thâu nhiếp tâm, giúp tâm an định. Tỉnh giác chánh niệm, nhất tâm niệm Phật, từ tâm tán loạn an trú vào danh hiệu Phật, tức nhiếp tâm vào định. Từ theo dõi hơi thở mà niệm, đếm từ một đến mười niệm Phật mà niệm, tâm chuyên chú một danh hiệu Phật mà niệm đến nhất tâm, lúc đó hành giả thấy thân tâm rỗng rang, đạt đến thanh tịnh không còn năng sở.

Thiền hay Tịnh đều là phương pháp điều hoà thân tâm, đưa đến trạng thái an lành, giải thoát mọi ràng buộc trong cuộc sống. Một người phát tâm tu học tinh chuyên, chất liệu chánh niệm, thoát tục biểu hiện rõ trong đời sống. Đó là tâm thiện thường sanh, tâm ác thường diệt, đời sống giàu lòng từ bi, tự tại và an lạc.

Thiền tích cực là nhập thế vô ngại, không vướng mắc; Tịnh độ nhập thế làm tất cả hạnh lành trong đời sống nhân sinh, xã hội là năng lực phước đức hồi hướng Tây phương. Đó là bản sắc Phật giáo Đại thừa, cũng là vai trò của đạo Phật trong tinh thần tuỳ duyên bất biến, bất biến mà tuỳ duyên.

2- Những dị biệt.

Dựa trên thực tế, có vài nhận xét mang tính tương đối về vài điểm khác nhau giữa Thiền và Tịnh.

Thiền tông tin vào tự lực, tu tập để chứng ngộ thực tướng thông qua kiến tánh. Nghĩa là cầu Phật tại tâm. Tịnh độ tin vào tha lực bổn nguyện của Phật A Di Đà và mười phương chư Phật.

Tịnh độ tông chú trọng niệm Phật nhất tâm bất loạn vãng sanh Tịnh độ. Thiền tông áp dụng niệm Phật để biện tâm, kiến tánh, niệm Phật lịch sử, tức Phật Thích Ca hay niệm danh hiệu một vị phật.

Tịnh độ tông chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà và nguyện sanh cõi Cực lạc. Thiền tông quan niệm nếu chưa chứng ngộ thì sanh vào cõi lành. Tịnh độ quan niệm nếu chưa chứng ngộ nhưng có đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh thì cũng được dự phần  đới nghiệp vãng sanh.

Tịnh độ tông chú trọng đọc tụng kinh điển Đại thừa, làm nhiều phước lành, thâm nhập kinh tạng hồi hướng Tây phương.

Thiền tông chủ trương bất lập văn tự, chuyên thực hành về thiền tập, hay tham thoại đầu, nhân duyên đầy đủ thì liễu ngộ.

Tịnh độ mang tính tiệm tu, nhưng có xu hướng cầu thành Phật sau khi vãng sanh. Tịnh độ chuyên dạy phát Bồ đề tâm, xem Tây phương là cảnh giới phương tiện thù thắng để sớm thành Phật, trở lại Ta bà để cứu độ chúng sanh.

Pháp tu Tịnh độ là dùng nhiều phương pháp niệm Phật,  như trì danh, quán tưởng, quán tượng và thật tướng; trong khi Thiền tông chủ trương nhất pháp quán tâm chứng ngộ chân lý.

3-   Bổ sung cho nhau giữa Thiền và Tịnh.

Mục đích của Phật giáo là đem lại chánh kiến giúp cho con người thoát khổ tìm đến sự an vui. Biết bao nhiêu vị Tổ sư Thiền, hay Tổ sư Tịnh đã hết  mình vì lợi ích con người, vì nhân loại chúng sanh mà hoằng truyền chánh pháp. Tuỳ theo căn cơ trình độ, nhu cầu con người mà mở bày phương tiện pháp môn. Vào thời Phật Thích Ca tại thế có nhiều tông phái như thời nay hay không?  Đúng là không. Nhưng quá trình Phật giáo phát triển, phân chia bộ phái, triển khai tông môn là vì nhu cầu tri thức học Phật và sự thích ứng sự tu tập của con người. Đức Phật nói ra nhiều phương thức tu hành, nhiều cấp độ giáo lý, có lẽ với trí tuệ siêu việt của Ngài đã tiên liệu sẽ có nhiều điều luận bàn về sự vận dụng giáo lý trong chúng đệ tử sau khi Ngài nhập diệt. Phật đã từng dạy: “Này các Tỳ kheo, những gì Ta đã biết rõ mà không giảng dạy cho quý vị  thật là quá nhiều, còn những gì mà Ta đã giảng dạy thì quá ít. Tại sao Ta không giảng dạy tất cả điều ấy? Bởi vì có những điều không liên quan đến mục đích, không phải là căn bản cho đời sống thanh cao, không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh thắng trí, giác ngộ, Niết bàn”.

Chúng ta hiểu, hệ thống kinh điển Đại thừa là do Phật dạy, đặt nền tảng trên Giới-Định-Tuệ, và không ngoài nguyên lý Tam pháp ấn. Lịch sử phát triển Phật giáo cho thấy, vai trò giáo lý ấy vẫn đem đến sức sống giải thoát và tri thức cho nhân loại. Nếu không chấp nhận thế giới quan của Phật giáo Đại thừa, không tin có Tây phương  Cực lạc thì cũng như không tin có thế giới chúng ta đang hiện hữu, không tin có địa ngục hay cõi trời! Tịnh độ là thế giới bổn nguyện của Đức Phật, hoàn toàn phù hợp nguyên lý y  báo, chánh báo. Phát nguyện vãng sanh là từ bỏ thế giới thai sanh, noãn sanh,  thấp sanh đau khổ để được hoá sanh trong hoa sen cõi Tịnh Độ mau chứng quả vị Phật.

{]{

NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG, DỊ BIỆT VÀ TÍNH HỖ TRỢ LẪN NHAU GIỮA THIỀN VÀ TỊNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét