DUY TRÌ CHÁNH NIỆM
Chánh niệm được thực hành hiệu quả nhất trong môi trường yên
tĩnh để không bị sự chi phối của môi trường bên ngoài. Thêm vào đó, sự thực
hành đem lại kết quả nhiều nhất khi hành giả trong tư thế ngồi, với tư thế này,
các hoạt động thô của tay, chân và các giác quan được hạn chế đến mức tối đa,
nhờ đó, hành giả dễ dàng tập trung vào đối tượng cần chú tâm và ghi nhận các cảm
thọ sinh khởi. Điều này không có nghĩa suốt ngày ta ngồi trên bồ đoàn trong căn
phòng yên tĩnh để thực hành thiền chánh niệm, điều này không thể đối với một
con người bình thường. Ngược lại, nếu thực hành thiền chánh niệm chỉ khi nào ngồi
trên bồ đoàn, ngoài ra, khi ta trở về với cuộc sống xô bồ thường ngày không
chánh niệm nữa thì đâu lại vào đó, không có tác dụng gì cả. Nên lưu tâm rằng, mỗi
ngày chúng ta thực hành ở tư thế ngồi, tư thế thực hành phổ biến nhất- là để
thuần thục kỹ năng thực hành sự chánh niệm, tỉnh thức mà áp dụng kỹ năng này
vào tất cả hoạt động của mình trong mọi lúc, mọi nơi, thông qua các tình huống
cuộc sống. Như các em học sinh học môn đạo đức, giáo dục công dân là để biết và
thuần thục nếp sống đạo đức để ứng xử có đạo đức và văn hoá với tất cả mọi người,
trong mọi lúc, mọi nơi chứ không phải vào lớp học môn này mới thể hiện đạo đức.
Ta học môn toán là để có kỹ năng nhằm ứng dụng các phép tính vào trong thực tế
sinh động để góp phần giải quyết vấn đề cuộc sống cho con người. Tất cả các môn
học trong ghế nhà trường là để đem ra ứng
dụng trong cuộc sống đời thường, giải quyết những vấn đề thường ngày của con
người thì sự thành công kia mới thực có ý nghĩa. Thiền chánh niệm cũng như vậy,
nó chỉ có giá trị khi trở thành chất liệu sống của hành giả.
Kỹ thuật và nghệ thuật chú tâm, theo dõi cảm thọ và những phản
ứng của thân cũng như tâm có được trong những lúc ngồi thiền là chất liệu để
nuôi sống chánh niệm của chúng ta trong những tình huống, môi trường sinh hoạt
khác. Giữ chánh niệm trong môi trường bình thường quả là một điều khó khăn, vì
cuộc sống đời thường với bao âm thanh, sắc màu, các mối quan hệ con người, công
việc trách nhiệm cần chu toàn…nên tâm ta bị lôi bên này, kéo bên kia. Điều này
chẳng khác nào một cỗ xe cột vào cổ của năm, sáu con vật, mạnh con nào con nấy
kéo cỗ xe đi về phía hướng mình muốn. Hơn nữa, thời gian ta chọn môi trường yên
tĩnh để thực hành thiền trong tư thế ngồi chỉ có 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ,
còn 23 tiếng hoặc nhiều hơn nữa trong một ngày ta thường sống với môi trường động,
thì việc duy trì chánh niệm hiện tại là một điều vô cùng khó khăn. Thế nhưng,
khó không có nghĩa là không thể làm được. Ta vẫn có thể thực hành trên các hoạt
động thường ngày với thời gian chánh niệm ngày càng nhiều, với chất lượng ngày
càng cao nếu ta chăm rèn kỹ năng này trong những thời ngồi thiền thường xuyên
trong ngày. Mức độ chánh niệm trên các hoạt động thường ngày của một hành giả
cho ta biết hiệu quả, nội lực, kỹ năng và kỹ thuật thực hành thiền của người ấy
trong các giờ ngồi thiền cố định./.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét