Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

NĂNG LƯỢNG TỪ BI CỦA MỘT VỊ TRỤ TRÌ

 

NĂNG LƯỢNG TỪ BI CỦA MỘT VỊ TRỤ TRÌ

          Kinh Pháp Hoa nói  “Trụ phương vương gia trì Như Lai tạng” , Vào nhà Như Lai mặc áo Như Lai ngồi toà Như Lai. Nhà Như Lai là tâm Từ bi, áo Như Lai là tâm nhẫn nhục, Toà Như Lai là toà Pháp không . Người trụ trì đủ ba tố chất trên.

          Từ bi có ba  : 1/Chúng sanh duyên từ : Từ bi này còn trong đối đãi, có điều kiện, tương duyên tương sanh.

          2/Pháp giới duyên từ : Từ bi không phân biệt thân sơ, không cần có duyên mới khởi lòng từ. ( cái này sanh, cái kia sanh ).

          3/ Vô duyên đại từ : Tâm từ rải khắp mọi loài chúng sanh, khắp cả muôn loài, không cần điều kiện nào.  Đó là tâm Bồ Tát

          Áo Như Lai là tâm nhu hoà nhẫn nhục, có nhẫn nhục nhu hoà thì mọi việc mau thành. Toà Như Lai là Toà pháp không, đoạn trừ ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng. Tức đạt trí Bát nhã, thì đoạn trừ được ngã tướng.

          Sau đây là bài viết của một vị cư sĩ hồi niệm về vị thầy bổn sư của mình.

 

Năm tôi lên tám, má tôi dẫn tôi lên chùa, ở một thị xã nhỏ  để làm lễ qui y. Vị tăng trụ trì chùa lúc đó là đại đức. Tôi tên Thuận, thầy ban cho tôi chữ Hoà; và tôi có pháp danh là Nguyên Hoà từ đó. Khi quỳ lạỵ làm lễ, tôi thấy dáng vị sư trụ trì hiền từ như pho tượng Phật đặt nơi chánh điện với khói hương huyền ảo. Lúc đó, điều gây ấn tượng sâu đậm lên tâm hồn trẻ thơ của tôi không phải là ngôi chùa với chánh điện rộng mênh mông mà là hình ảnh của vị sư trụ trì.

Vào ngày rằm, mùng một tôi vẫn thường theo má tôi lên chùa làm lễ. Tôi rất thích nghe tiếng thầy tụng kinh. Nó không ngân nga trầm bổng, chỉ nho nhỏ đều đều nhưng lại có một sức quyến rũ lạ lùng, khiến người nghe thấy lòng lâng lâng thanh thản, chỉ muốn thế phát quy y! Từ đó, tôi tin rằng chỉ cần lắng nghe tiếng đọc kinh, ta cũng có thể cảm nhận được phần nào sở đắc của vị tu sĩ trong chốn Thiền môn. Chính hình ảnh hiền từ đôn hậu của người thầy đã khiến tôi khát khao tìm hiểu đạo Phật. Đến năm đệ lục (lớp 7 bây giờ), tôi phát nguyện ăn chay trường suốt hai năm trời và cặm cụi học thêm chữ Hán với một mục đích duy nhất : cố gắng học và đọc để hiểu cho được kinh Phật!

Lớn lên, tôi phải bỏ con phố cũ mà đi, để nổi trôi theo nợ đời cơm áo. Mỗi lần về thăm quê, tôi thường lên chùa thăm thầy. Chính nhờ hình ảnh của thầy mà ngôi chùa cũ đối với tôi mang nhiều vẻ thân thương pha lẫn đôi chút huyền bí. Tôi cho rằng một ngôi chùa trở thành thiêng liêng trong lòng người không phải ở bề dày lịch sử hay qui mô cùng vị trí kiến trúc, mà do ở vị trụ trì là bậc có đức độ. Cũng như núi đẹp là nhờ mây, sông linh là nhờ có giao long, thuỷ quái, rừng thâm u quyến rũ là nhờ có dị sĩ, cao nhân. Tôi về thăm chùa mà cứ ngỡ như mình là đứa con về thăm lại mái nhà xưa sau những tháng năm lang bạt kỳ hồ. Nhà chùa có bộ bàn uống trà rất đẹp, và mọi tín đồ đến lễ chùa đều được thầy tiếp ở đó. Từ ông thương gia danh giá đến cúng dường cho chùa với tư thái bệ vệ, cho đến anh phu xe rụt rè đến lễ Phật bằng một nải chuối còn xanh. Nhiều lần tôi ngồi nhìn, thấy thầy luôn tiếp khách với một tư thái như nhau, với một nụ cười ôn nhu trên gương mặt hiền từ đôn hậu mà tôi chưa hề thấy nơi bất kỳ một vị nào..

Thầy chưa bao giờ nói chuyện với tôi về Phật pháp, nên tôi không biết quan điểm của thầy về giáo lý ra sao, nhưng trong thâm tâm tôi luôn tin chắc rằng thầy có những sở đắc cực kỳ thâm hậu về sự tu tập. Bằng chứng là mỗi khi có dịp ngồi nói chuyện với thầy, dù chỉ là những chuyện thăm hỏi ngày thường trong cuộc sống, nhưng tôi luôn thấy trong lòng mình bình yên thanh thản đến lạ lùng, như khi đọc những trang kinh Phật. Mỗi khi cầm bàn tay thầy để chào ra về, trong tôi luôn tràn ngập cảm giác của sự thương yêu, sự ấm áp, như khi tôi cầm bàn tay của mẹ. Sau này khi học hỏi trong kinh sách, tôi cho rằng đó chính là một dạng năng lực kỳ diệu của vô uý thí, mà hiếm vị tu sĩ nào có được.

Tôi thường nghe mọi người, tăng cũng như tục, đều gọi thầy là Thượng toạ hay Hoà thượng với thái độ cực kỳ cung kính. Thậm chí má tôi chỉ dám gọi thầy là Hoà thượng ! Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích gọi thầy bằng chữ “Thầy” bình dị ngày trước, như khi tôi còn bé. Má tôi cũng thường la rầy tôi về việc này. Suốt đời, tôi vẫn luôn xem thầy là vị thầy bổn sư của mình, như khi tôi còn là cậu bé quỳ giữa chánh điện để thầy làm lễ quy y, mà hoàn toàn không quan tâm đến hàm giáo phẩm. Với thầy, tôi chưa thấy có danh từ nào thân thương hơn chữ “Thầy” bình dị đó. Tôi thấy danh xưng Thượng tọahay Hoà thượng  không thân thương gần gũi bằng danh xưng đơn giản :Thầy. Đối với tôi, nó vừa bao hàm sự tôn kính của một đệ tử tục gia đối với vị bổn sư, lại vừa có sự thương yêu trân trọng của một người con đối với cha. Tôi luôn nghĩ nếu có cơ duyên được gặp đức Phật, tôi vẫn xưng là “Bạch thầy” thay vì “Bạch đức Thế Tôn”!

Có lần đến thăm một ngôi chùa , khi chứng kiến vị  trụ trì  không vui, chỉ vì nghe một khách đàn việt xưng hô với vị này là “Bạch thầy!” thay vì “Bạch hoà thượng!” như những người khác, tôi  cảm thấy áy náy trong lòng, muốn quay mặt đi chỗ khác. Tại sao đã là người xuất gia, lẽ ra phải thấy “tứ đại giai không”, và “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, phải thấy vạn sự là “bất tăng, bất giảm, bất cấu, bất tịnh” bằng cái tâm bình đẳng, chứ sao lại còn không vừa lòng với danh từ đến vậy? Một tâm thái như thế làm sao để dẫn dắt chúng sinh thì quả là điều không thích hợp.

 Tôi có một người bạn vong niên đáng kính nguyên là giám đốc bệnh viện . Khi ba anh qua đời , anh là đảng viên nên lúng túng không biết làm lễ tang thế nào, vì khi còn sống, ông già anh muốn có được tiếng tụng kinh trong ngày mất, mà anh lại e ngại “mất quan điểm chính trị”. Tôi bèn mời thầy đến nhà làm lễ. Thầy tiến hành nghi lễ trang trọng nhưng rất đơn giản, bằng ly nước lạnh và cành hoa vạn thọ có sẵn trong vườn. Sau lễ tang, anh bảo tôi : “Anh không cảm nhận được tôn giáo có ý nghĩa gì. Nhưng nếu tôn giáo nào đào tạo ra được những tu sĩ có nhân cách như thế này thì tôn giáo đó vẫn có những điểm tuyệt vời”.

Trong những ngày sau tang lễ của ba anh, vị bác sĩ giám đốc đó thường xuyên đến tận chùa để thăm hỏi và chăm sóc cho thầy khi thầy bịnh, với thái độ tận tình và trân trọng.  Tôi xem anh là người trí thức chân chính khi biết vượt qua những định kiến để sống thực với mình. Tôi vẫn tin rằng anh đã gặp lại thầy ở một cõi khác, nơi mà mọi nghi kỵ hận thù do vô minh và định kiến của con người đều tan biến trong lòng bao dung nhân hậu.

 Ngày thầy mất là một sự kiện gây chấn động ở quê tôi. Linh cữu thầy được quàng tại chùa . Linh cữu Thầy được đưa vào an táng trong ngôi tháp của chùa khác của thầy khai sơn, cách chùa đang ở khoảng 3 cây số. Khi linh cữu đã đến tháp mà đoàn người vẫn chưa ra hết khỏi chùa, cũng đủ hình dung được số lượng người đi đưa tang đông như thế nào. Dọc đường đi, người dân hai bên đường tự nguyện nấu nước để cung cấp cho đoàn người đưa tang, kể cả tín đồ hay không tín đồ.

          Tôi không theo được xe linh cữu để đưa thầy đến tận tháp, vì không thể chen nỗi vào đoàn người quá đông. Tôi chỉ một mình đến viếng tháp thầy vào những ngày hôm sau. Tôi chỉ thấy buồn mà không thấy đau đớn khi thầy mất, vì những giây phút gần thầy đã giúp tôi vượt qua được những tình cảm đó. Tôi nhớ đến câu thơ của thi hào Tô Đông Pha làm tặng bạn mình là Đỗ Bá Thăng. Đỗ Bá Thăng là người Thành Đô đời Tống, sau khi đỗ tiến sĩ, ông bèn xuất gia làm một vị du tăng. Câu thơ Tô Đông Pha như sau : “Dục thức đương niên Đỗ Bá Thăng, Phiêu nhiên vân thuỷ nhất chân tăng”. (Muốn biết Đỗ Bá Thăng năm xưa, thì giờ đây đã là một vị chân tăng phiêu nhiên nhẹ nhàng như mây nước). Với tôi, thầy cũng đúng như hình ảnh của vị chân tăng đó. Tôi cảm hứng làm một bài thơ trước tháp thầy. Tôi đã đốt bài thơ đó trước ngôi tháp nhân ngày tiểu tường của thầy. Hôm nay, tôi xin ghi lại ra đây những điều tôi cảm nhận nơi thầy khi còn sống, để mọi người chia xẻ những tình cảm của tôi về vị thầy đáng kính.

          ( Câu kinh tiếng kệ được gieo vào tâm đứa trẻ nhỏ, như hạt giống đưa vào lòng đất, dần dần nứt mầm lớn thành cây sẽ trổ bông cho trái, cho hạt vô số kể. Câu kinh tiếng kệ cũng vậy nếu gặp duyên lành nơi một người có duyên nghiệp tốt sẽ thành người đạo đức hiền lương,  người đó không những thành người đạo đức mà còn làm lợi ích cho nhiều người. Vì thế đừng nên coi thường việc tụng đọc kinh điển, cho là việc không có lợi íc, là mê tín v.v..)

{

NĂNG LƯỢNG TỪ BI CỦA MỘT VỊ TRỤ TRÌ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét