Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

LỜI DẪN NHẬP DUYÊN KHỞI KINH LĂNG NGHIÊM

 

LỜI DẪN NHẬP DUYÊN KHỞI KINH LĂNG NGHIÊM

          Đức Phật ra đời chỉ vì một mục đích duy nhất là chỉ bày cho chúng sanh giác ngộ và thật chứng pháp giới tính như Phật. Pháp giới tính là tính bản nhiên của tất cả sự vật, nghĩa là của tất cả các chuyển động và các hiện tượng trong vũ trụ.

          Tính bản nhiên ấy là tính “ trùng trùng duyên khởi”, nghĩa là tính ảnh hưởng dây chuyền của mọi sự vật đối với tất cả sự vật, của tất cả sự vật đối với một sự vật. Ví như một người con trong gia đình, tốt hay xấu đều có sự ảnh hưởng vui hay buồn tác động đến gia đình và xã hội.

  Do mỗi sự vật đều chịu ảnh hưởng của tất cả sự vật nên đều chuyển biến không ngừng. Song ảnh hưởng của các loại sự vật đối với một vật không giống nhau, cái thì trực tiếp, cái thì gián tiếp qua một hay nhiều lớp, do đó tác động cũng không giống nhau. Trong ảnh hưởng phức tạp của tất cả sự vật làm cho một sự vật xuất hiện và chuyển biến, đạo Phật đã rút ra một quy luật bản nhiên là luật nhân quả.

          Nhân quả là một quy luật rất sinh động, không phải luôn luôn đơn giản như trồng lúa thì được lúa, trồng đậu thì được đậu. Lại chính việc trồng lúa cũng không đơn giản, vì phải có đất, có nước, có phân, có hạt giống, có sự chăm sóc, có gió, có nắng, có mưa, thời tiết thuận nghịch, kỹ thuật canh tác,cày, cấy, phân bón v.v…thì mới chắc được lúa và được nhiều lúa hơn.  Vì thế nhân quả và định mệnh khác nhau rất nhiều. Định mệnh thì việc gì cũng đã định trước rồi, không làm sao tránh khỏi, không làm sao thay đổi được, còn nhân quả thì chẳng những có nhân quá khứ sinh quả hiện tại, mà lại còn có nhân hiện tại sinh quả hiện tại ( trong đó có cả ảnh hưởng của hoàn cảnh, ảnh hưởng của tư tưởng, hành động bản thân). Hai dây chuyền nhân quả đó thường xuyên ảnh hưởng lẫn nhau, làm cho quả báo hiện tại thay đổi từng giờ từng phút. Vật chất có nhân quả vật chất, tâm thức có nhân quả tâm thức; hai bên ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng không nhất thiết giống nhau. Đối với đạo Phật, nhân quả tâm thức là chủ yếu, vì nó quy định sự tiến hoá hay thoái hoá trên con đường giải thoát.

          Các vị Thanh Văn, Duyên Giác,theo đạo lý nhân quả, trừ bỏ nguyên nhân luân hồi và chứng quả vô sinh, nhưng vẫn còn tu chứng trong nhân quả, chứ chưa rõ được then chốt nhân quả.

          Then chốt nhân quả là pháp giới tính trùng trùng duyên khởi, nghĩa là một sự vật duyên tất cả sự vật, tất cả sự vật duyên với một sự vật, trong một có tất cả, trong tất cả có một, một tức là tất cả, tất cả tức là một. Tính ấy gọi là tính Chân như, là Thật tướng, là Phật tính, là Như Lai tạng tính, là Pháp tính, là Tâm tính v.v…

          Tính ấy bình đẳng, không thật có sinh, có diệt, có người, có ta, có tâm, có cảnh, có thời gian, có không gian, không thấp, không cao, không mê, không ngộ, tính ấy duyên khởi ra tất cả sự vật, không có ngăn ngại, đồng thời cũng tức là bản tính của tất cả sự vật, không thể thay đổi.

          Ba đời chư Phật, chư Đại Bồ Tát, thật chứng và nhập một với pháp giới tính nên phát khởi vô duyên đại từ, đồng thể đại bi, hiện ra vô số thân, theo duyên hoá độ vô lượng vô biên chúng sanh nhưng vẫn không ra ngoài pháp giới. Chúng sinh chưa chứng được pháp giới tính nên theo duyên mà luân hồi trong lục đạo. Nhận thức khác nhau nên chỗ thụ dụng của Phật và của chúng sanh khác nhau, nhưng pháp giới tính vẫn như vậy, không thêm không bớt.

          Pháp giới tính là tính chung của các loài vô tình như cây, như đá và các loài hữu tình như động vật, nhưng chỉ các loài hữu tình, đặc biệt các loài có trình độ nhận thức khá cao như loài người, mới có khả năng chứng được pháp giới tính và thành Phật đạo. Do đó nên pháp giới tính nơi các loài hữu tình cũng gọi là Phật tính.

          Các loài hữu tình chủ yếu là những cái tâm làm cho có sống, có cảm giác, có nhận thức, có suy nghĩ, có ghi nhớ v.v…Cái tâm là một sự vật nên bản tính vẫn là pháp giới tính như các sự vật khác.

          Khi học đạo và tu chứng tâm ấy, có thể quán sát pháp giới tính nơi cây, nơi đá, hay quán sát pháp giới tính nơi tự tâm; nhưng khi xét nhận được pháp giới tính nơi tự tâm thì có phần dễ nhập một với pháp giới tính hơn là khi xét nhận được pháp giới tính nơi cây, nơi đá.

          Vì thế Phật thường dạy người đời tu chứng pháp giới tính nơi tự tâm và gọi pháp giới tính đó là tâm tính.

          Song tâm tính vốn là pháp giới tính, chứ không phải tính riêng của tự tâm và khi chứng ngộ được tâm tính rồi thì cả tâm riêng cũng không còn nữa.

          Phật thuyết pháp theo căn cơ của chúng sanh, nên pháp của Phật, khi thấp, khi cao, khi quyền, khi thật, khác nhau. Nhưng dầu Phật dạy “ Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện” dạy “ Tứ diệu đế, Thập nhị nhân duyên” hay dạy về pháp tính, Pháp tướng, Tâm tính, Chơn như, Chân không, Thật tướng v.v… Phật luôn luôn nhằm mục đích chỉ bày cho chúng sanh chứng ngộ trí tuệ của Phật, nghĩa là chứng ngộ Pháp giới tính.

( Trích lời mở đầu Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám)

          Kinh Thủ Lăng Nghiêm  ( SURAMGAMA- SUTRA ) là một bộ kinh Đại thừa, chính nơi thấy nghe thông thường của chúng sanh mà chỉ ra tâm tính, rất thích hợp với căn cơ hiện nay.

          ( Trích phần mở đầu của Kinh Thủ Lăng Nghiêm của Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Dịch bộ kinh Lăng Nghiêm ra quốc ngữ, tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, năm 1961 - Tân Sửu )

ĐẠI Ý KINH THỦ LĂNG NGHIÊM.

          Đề mục kinh Thủ Lăng Nghiêm có 19 chữ, nhưng thông thường chỉ nêu ra ba chữ là Thủ Lăng Nghiêm, vì Thủ Lăng Nghiêm là ba chữ chủ yếu trong đề mục này .

          Toàn đề mục kinh có 19 chữ là : KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH, NHƯ LAI MẬT NHÂN, TU CHỨNG LIỄU NGHĨA, CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM ( Suramgama), gọi tắt là Kinh Thủ Lăng nghiêm.

          Bản kinh do Sa môn Bát Lạt Mật Đế, người Thiên Trúc dịch. Đệ tử Bồ Tát giới tên Phòng Dung, chức Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự, ghi chép lời dịch.

 Thủ Lăng Nghiêm là cái định rốt ráo bền chắc sẵn có của tâm tính.

          Tâm tính bản lai thanh tịnh, không có tán loạn, không có lay động, không có dời đổi, không do công phu mà có; đó là định Thủ Lăng Nghiêm. Chúng sinh mê lầm không nhận được chân tính, chấp có tâm ta riêng biệt, chấp có sự vật riêng biệt, theo thân theo cảnh mà sinh ra phiền não, tạo ra nhân duyên luân hồi, rồi chuốc lấy quả báo luân hồi, sống rồi chết, chết rồi sống, mãi mãi trong ba cõi. Chư Phật chư Bồ Tát nhận biết tâm tính tức là cái tính bản lai của sự sự vật vật duyên khởi theo nhân quả, rèn luyện trí tuệ theo đạo lý ấy, gột rửa các điều mê lầm, thì trực nhận tâm tính bản lai đó, đó là minh tâm kiến tánh và chứng được định Thủ Lăng Nghiêm.

          Định Thủ Lăng Nghêm sâu nhiệm, rộng lớn, ra ngoài thời gian và không gian, không thể đem tâm phân biệt của chúng sanh mà biết được, nên lấy đỉnh tướng của Phật mà làm ví dụ, gọi là Đại Phật đảnh, đảnh tướng của Phật, con mắt của chúng sanh không thể thấy được.

          Hằng sa công đức trí tuệ của đức Như Lai đều do tâm tính, nghĩa là do định Thủ Lăng Nghiêm mà phát khởi, nên gọi là Như Lai mật nhân.

          Tu chứng trong định Thủ Lăng Nghiêm là tu chứng theo nghĩa rốt ráo, y như thật tính của sự vật nên gọi là tu chứng liễu nghĩa.

          Chứng được tâm tính, được định Thủ Lăng Nghiêm thì người và mình đồng là pháp giới tính, sự sự vật vật đồng là pháp giới tính nên phát tâm rộng lớn từ bi cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh mà không thấy có ai làm việc cho ai. Muôn hạnh từ bi lợi tha của các vị Bồ Tát đều do định Thủ Lăng Nghiêm mà phát khởi nên gọi là chư Bồ Tát vạn hạnh.

( Trích phần ĐẠI Ý Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám)

DUYÊN KHỞI PHẬT THUYẾT KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

Kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh thuộc hệ Phật giáo Bắc tông; là bộ kinh quý giá vô cùng, là bộ kinh giáo trình toàn vẹn, dạy hành giả đạt đến quả vị Phật bằng phương pháp chơn thiền định. Kinh này chỉ dạy rất rõ ràng đường lối tu hành một cách rành mạch như : Giáo, Lý, Hạnh, Quả đều rõ ràng qua ba phương pháp Thiền định như Sa –ma-tha  Thiền- định), Tam-ma-đề ( nhập-định) và Thiền- na ( Định-huệ song tu). Trước hết chỉ dạy giáo lý cho chúng sanh tỏ rõ được thật tướng của mình là ( Chơn-Tâm thường trụ) và biết chơn- vọng rõ ràng, mở mang trí tuệ nhìn thấy tất cả vạn hữu đều chẳng thật, nên cùng sống với nó, làm lợi ích cho nó theo tâm lượng của chúng sanh mà không dính với nó, nên được giải thoát.

          Người hiểu được kinh Lăng nghiêm không khác gì người đi đường xa mà có được bản đồ chỉ đường, quên đường về nhà lại có người chỉ lối,  kẻ sống lang thang xin ăn ngày qua bữa nay có người chỉ cho biết cha ông của họ giàu có đang tìm mình. Tự tánh của mỗi người sẵn có mà mê mờ không biết, nay kinh này Phật chỉ ra cho biết, để nhận thấy  của “ báu” có sẵn mà không hay. Khi nhận biết rồi mình không còn nghèo đói khổ sở như xưa nữa, không còn lang thang đây đó nữa v.v…

          Các kinh Đại thừa như Pháp Hoa, Niết Bàn, Kim Cang, Lăng Nghiêm đều chung một mục đích là khơi dậy tự tánh thanh tịnh sẵn có của chúng sanh, để chúng sanh tỏ ngộ không còn mê lạc vào con đường sanh sanh tử tử nữa. Ngay lúc khi Phật thành đạo Ngài vui mừng phát hiện ra tự tánh này chúng sanh ai cũng có, bèn nói rằng : Lạ thay tất cả chúng sanh đều có giác tánh, Ta là Phật đã thành tất cả chúng sanh là Phật sẽ thành.

          Một khi đã giác ngộ được tự tánh rồi, chúng ta không còn là người  chịu sự chi phối của sanh, già, bệnh, chết nữa. Không còn sanh tử nữa, giống như người nghèo khám phá kho báu rồi không còn là người nghèo khổ lang thang nữa. Không còn khổ sở phải tu tập nhiều đời nhiều kiếp nữa, kinh Lăng Nghiêm gọi “ bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân” không còn phải trải qua nhiều tăng kỳ mà đã đạt sự giác ngộ, đạt  pháp thân tức thành Phật. Khi đã ngộ được tự tánh rồi lúc đó mới trả được ơn của Phật, báo đền ơn Phật. Kinh Pháp Hoa nói : Phật xuất hiện nơi đời với một việc duy nhất là làm cho chúng sanh ngộ được tri kiến Phật. Tri kiến Phật còn gọi là Phật tánh, Như Lai tạng, Niết bàn diệu tâm, v.v…   Như vậy mục đích của việc tu học Phật là đạt cho được “ Tự tánh” sẵn có của mình.  Vì thế tu Thiền là để đạt được tự tánh, thấy được Phật tánh, ngộ được Chơn Tâm của mình.

          Với sự vi diệu thù thắng của bộ Kinh Lăng Nghiêm không những  chỉ bày Tự tánh của chúng sanh, Phật còn tỉ mỉ chỉ ra những lối mê mờ điên đảo của chúng sanh bao đời kiếp chưa từng có một ai chỉ cho chúng sanh thấy. Chúng sanh chỉ thấy toàn là đường tà lối hiểm của biết bao tà sư ác đạo, của thiên ma quỷ thần, ngoại đạo mà con người không sao tránh khỏi, dù có tu hành chân chánh nhưng một khi quên mất bản tâm thì vẫn sa lạc như thường.

          Với bộ kinh quá hay quá siêu việt và quá dài không thể trình bày hết được, nơi đây xin trích dẫn phần duyên khởi để quý vị đồng học đồng tu làm duyên với Tự tánh, biết mình sẵn có Tự tánh để có ngày tìm đến “ bửu sở”.

          Kinh Lăng Nghiêm hay gọi Kinh Thủ Lăng Nghiêm, đề tên kinh gồm có 20 chữ. NHƯ LAI MẬT NHÂN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM.

DUYÊN KHỞI KINH NHƯ SAU :

          Một lúc nọ, Ngài A Nan được người xứ khác đến thỉnh chứng trai riêng, nên không về kịp lúc cùng đi với Phật và chúng Tăng. A Nan khi về đến Tịnh Xá, thì còn lại một mình, nên đành phải khất thực một mình. Khi đi khất thực Ngài A Nan khởi nghĩ trong tâm, đi khất thực với tâm bình đẳng, không phân biệt nhà giàu hay nghèo, thân hay quen. Dụng tâm bình đẳng để đi khất thực, là đi từng nhà theo thứ lớp, mà không mong ước chọn lựa, miễn có thí chủ cúng là được, không phân biệt kẻ sang người hèn. Mục đích giúp cho những người chưa làm phước, hôm nay có dịp phát tâm cúng dường, để họ được ươm trồng hạt giống lành đặng ngày sau hưởng quả tốt.

          Phật từng quở hai đệ tử Tu Bồ Đề và Đại Ca Diếp. Tu Bồ Đề ngộ lý Không, nên chấp Không. Đại Ca Diếp, tu khổ hạnh, nên chấp Có. Nên hai vị đi khất thực mà tâm không bình đẳng như :  Người thì bỏ nhà giàu, cho rằng, người giàu thì đủ phước báo rồi, nên không cần tạo thêm nữa.  Người nhà nghèo, cho rằng người nghèo còn thiếu phước, nên cần phải tạo thêm duyên cho họ, nên khất thực ở nơi đây. Do đó, Ngài A Nan tuân hành lời dạy của Phật mà không để vượt qua sự nghi hoặc gièm xiễm chê cười của người đời.

          Nên Ngài A Nan luôn giữ đúng pháp hoá trai, với tâm địa bình đẳng không hai bên. Ngài từ ngoại thành đi vào nội thành với tướng oai nghi tề chỉnh trang nghiêm mà hoá trai, để tạo phước báu cho chúng sanh.

          Ngài A Nan khất thực qua xóm dân dã, có nàng ngoại đạo Ma Đăng Già thuộc giai cấp hạ tiện, sống nghề ác nghiệp, thấy tướng mạo Ngài A Nan rất khôi ngô đẹp đẽ nên đem lòng thương mến, nên nhờ người mẹ dùng tà thuật làm mê hoặc lòng người, bắt vào nhà nhốt trong phòng kín….

          Trong lúc đó Đức Thế Tôn đang thọ trai, biết Ngài A Nan đang bị nạn tà thuật. Nên vừa thọ trai xong, Đức Thế Tôn liền vội cáo từ với các vị hoàng đế, đại thần, trưởng giả và cư sĩ đồng theo Phật về Tinh xá, để cùng nghe pháp.

          Khi ấy Đức Thế Tôn từ Phật đảnh phóng hào quang đủ trăm thứ báu tự tại vô uý, trong hào quang có hoa sen ngàn cánh, trong mỗi cánh có mỗi hoá Phật, trong mỗi hoá Phật có đầy đủ trí Bát Nhã phát ra vô số tia sáng thanh tịnh, hoá thành tiếng nói diệu âm làm cho tất cả chúng sanh được giác ngộ.

          Rồi Đức Thế Tôn dạy ngài Văn Thù Sư Lợi phụng hành đến tiêu trừ tà thuật ngoại đạo, cứu thoát Ngài An Nan. Tức là ngay lúc đó, Đức Thế Tôn phát khởi trí Bát nhã qua ngài Văn Thù để tác vào tâm của ngài A Nan, làm cho ngài thức tỉnh được trí giác của mình, mà soi thấu được cái phiền não trược, ái nhiễm mê hoặc, nó đã che mờ tánh giác, nay được sáng tỏ, mà chuyển được nàng Ma Đăng Già trở thành thanh tịnh nghiệp trong sáng.

          Khi Ngài A Nan về đến Tịnh xá quỳ lạy bạch Phật rằng : Con từ nào đến giờ, chỉ học rộng nghe nhiều, mà chẳng lo tu hành, vì có tâm ỷ lại là em của Phật, được Phật thương yêu, chắc chắn Phật sẽ ban cho thần thông, trí tuệ hay đạo quả Bồ đề.  Không ngờ ai tu nấy chứng, ai ăn nấy no, mặc dầu là em của Phật, nếu không tu thì cũng bị đoạ như ai. Nếu học nhiều mà không tu thì chẳng có ích gì, nay con mới hiểu mà cúi xin Phật rộng lòng từ bi, chỉ dạy cho con diệu pháp để tu hành ra khỏi trần lao nghiệp chướng.

          Đây là duyên khởi Phật thuyết kinh Thủ Lăng Nghiêm. Kinh Lăng Nghiêm Phật chỉ rõ Chơn-Tâm của chúng ta, lấy đó làm Nhân tu mới ra khỏi sanh tử luân hồi.

          Đề kinh gồm 20 chữ : NHƯ LAI MẬT NHÂN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM. Chia làm 4 phần là : Khai, Thị, Ngộ và Nhập Tri kiến Phật.

          1/  Đại Phật Đảnh      ( Nhập  -  Tri kiến Phật )

          2/ Như Lai Mật Nhân-    ( Khai – mở )

          3/ Tu chứng liễu nghĩa-     ( Thị -  chỉ bày )

          4/ Chư Bồ tát Vạn hạnh      ( Ngộ - là tỏ )

Giải thích: Khai, Thị, Ngộ, Nhập.

          - KHAI : -Là mở ra, là phá bỏ màng vô minh vọng tưởng tình thức.

          - Bày tỏ căn tánh chơn-thường, tức là Phật Tri-kiến ( Chhơn-Tâm), gọi là bản lai thanh tịnh ( Tức phá vỡ vọng tình của 6 thức, bày tỏ chơn tánh của 6 căn ).

          - THỊ : - Là khai phá vọng thức rồi, liền chỉ bày ra căn tánh chơn thường của 6 căn.

          - Là Phật –Tri-Kiến ( Chơn-Tâm) xưa nay vẫn trong sạch.

          - NGỘ : - Là làm trí tuệ sáng tỏ ra.

          - Vì chúng sanh từ kiếp vô thuỷ, đến giờ, chẳng biết Chơn-Tánh nó xưa nay trong sạch, mà chỉ nhận 4 đại, 5 uẩn làm Thân, 6 thức vọng tưởng làm Tâm. Nên cần phải mở bày tỏ rõ thì mới có thể giác ngộ, là biết :

          - Tình thức là vọng – Căn tánh là chơn.

          ( Tức tự mình phát giác được Diệu Tánh trong sạch xưa nay. Tức nhận rõ được nó là Chơn Tâm, là Tánh Giác của mình).

          NHẬP : Là vào. Là biết vọng thức là Giả, nhận ra Chơn –Tánh là Thật, bèn hồi tâm, ngộ nhập tánh chơn thật, là Chơn Tâm, chóng bỏ thức tình vọng tưởng.

          - Gọi là nhập lưu vong sở, nghĩa là thu nhiếp các tình thức trở về căn nguyên, tức trái bỏ cảnh giới vọng trần, trở về Chơn Giác ( Chơn Tâm) gọi là : Bội trần hiệp giác ( Tức đã phát giác rồi, thì từng niệm, từng niệm phản chiếu hồi quang là nhập lưu vong sở).

          - Tức là lúc này : Lấy tâm, tu tâm, được tâm này.

          TRI KIẾN PHẬT : Là Chơn Tâm , là Tâm Chơn Như, là căn tánh chơn thường.

          Giải thích đề kinh, nói đủ 20 chữ, nói tắt có 4 chữ : Kinh Thủ Lăng Nghiêm.

          1-ĐẠI PHẬT ĐẢNH ( là Chơn Tâm, tâm thật )

          - Là đảnh tướng cao cả của Phật, là tướng sâu kín khó thấy được.

          - Là Chơn Tâm, trùm khắp, ứng hiện không ngăn ngại ( chính chư Phật đã giác ngộ tâm này), còn gọi là “ Phật-Tri-Kiến”. Gồm có      12 tên :

1- Viên định       : Lặng tròn,

2- Thiêng sáng   : hằng sáng

3- Thông suốt     : Không ngăn ngại

4- Vắng lặng       : Tịch tịnh

5- Thường hằng : Hằng còn

6- Hoàn bị           : Rốt ráo,

7- Tịnh pháp       : Pháp tịnh diệu

8- Xứng tánh công đức : tánh tối thắng đầy đủ công đức.

9- Huyền diệu vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn được.

10- Viên giác        : Trí tròn sáng.

11-  Chơn Tâm     : Tâm thật

12- Tánh Giác       :  Tâm sáng

ĐẠI :To, lớn, trùm khắp (dùng để tôn kính), còn gọi là Pháp Thân.

PHẬT : Giác hoàn toàn, Bát Nhã Trí ;  còn gọi là Báo-Thân.

ĐẢNH : Tối thượng, cao hơn cả;           còn gọi là Ứng Hoá Thân.

II- NHƯ LAI MẬT NHÂN : ( còn gọi là Khai : mở )

          - Là tỏ được Tâm Chơn Như ( bất sanh bất diệt), lìa được vọng-tình- thức. Rồi lấy Tâm Chơn Như nầy làm NHÂN tu hành, đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà được giải thoát thành Phật.  Mười phương các Đức Phật đều y theo kinh nầy làm NHÂN tu hành, mà thành đạo quả.

 - NHƯ LAI : Là không đến không đi. – Là Tâm Chơn Như Viên Định. – Nương tâm này mà hành, thì Chơn Tánh hiện ra như :

          - Tự giác    Tự mình giác ngộ.

          - Giác tha    : Làm cho người ngộ theo.

          _ Giác hạnh : Gọi là công đức

          - Viên mãn   : Đã hoàn thành.

 Đạt diệu quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác gọi là Như Lai.

          - Như : là bản giác, là Pháp thân.

          - Lai   : là Thuỷ giác, là Báo thân

          - Mật Nhân : - Là Nhân đồng như  Quả ( là Ứng hoá thân).

          - Là dụng Tâm Chơn Như, bất sanh bất diệt, làm Nhân tu hành, để được Quả giải thoát, gọi là Mật Nhân. ( Là bản thể của định lực mà mọi người đều tự có sẵn).

III-TU CHỨNG LIỄU NGHĨA : ( còn gọi là THỊ  ( là chỉ bày )

  Đã biết rõ Chơn Tâm ai cũng sẵn có, nhưng cần phải tu chứng qua các chánh pháp như : Giáo, Lý, Thiền, Định v.v …

          - Hành miên mật, mới chứng quả, và đạt được liễu nghĩa, đó cũng chính là Không nghĩa.

          Tu chứng : Cũng do Tâm Chơn Như viên định này mà thành tựu: Tam thân, Tứ trí, Ngũ nhãn, Lục thông, chứng đạo Vô thượng, gọi là tu chứng.

   A- TAM THÂN :

  1/ Pháp thân : Là thân không sanh, không diệt. Thân này cùng khắp pháp giới hư không thường trụ, gọi là Pháp- Thân-Đức.

          2/ Báo thân : Lấy Trí Bát nhã độ chúng sanh, gọi là Bát Nhã Đức.

          - Là cái thân hiện ra của Phật Thích Ca từ khi sanh đến nhập diệt.

           - Là cái thân lấy quả báo, sướng có, khổ có, chịu lấy cái dư nghiệp, chịu lấy cái sanh lão bệnh tử.

          3/ Ứng hoá thân : Là cái thân tuỳ duyên, ứng vào chúng sanh mà hiện ra, hoặc làm Phật, làm Bồ tát, hầu giáo hoá chúng sanh, gọi là Giải Thoát Thân .

          B-  TỨ TRÍ :  Theo Duy Thức Học  con người khi tu hành chứng đạt được Tự tánh, thì  8 thức Tâm vương chia thành 4 nhóm trí, gọi là Trí Như Thật .  5 thức giác quan ( 5 căn là Nhãn thức, nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức) chuyển thành : “ Thành sở tác trí ” Thức  thứ  6 gọi là Ý căn hay ý thức, chuyển thành Diệu Quang Sát Trí ; Thức thứ 7 chuyển thành Bình Đẳng Trí, thứ 8 chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí.

          Tức chuyển hoá các thức giác quan thành trí tuệ , bốn trí :

          1/ 5 thức căn :   chuyển thành “ Thành sở tác trí ”

          2/Ý thức (ý căn) (Thức thứ 6) chuyển thành “Diệu Quan Sát Trí”

          3/Mạt Na thức ( thức thứ 7) chuyển thành “Bình Đẳng Tánh Trí”

          4/A Lại Da thức ( Thức thứ 8- Tàng thức ) chuyển thành “ Đại Viên Cảnh Trí ”.

   5 thức căn thành :  “Trí thành sở tác”

 - Ý thức chuyển thành “ Trí diệu quan sát”

          - Thức thứ 7 : Mạt Na thức, thức chấp ngã, thành “ Trí tánh bình đẳng”.

          Thức thứ 8 : A Lại da thức, gọi Tàng thức : thành “ Trí gương sáng tròn”- Đại Viên Cảnh Trí.

          Khi đã chuyển bốn Thức thành Trí hành giả sẽ đạt sự giác ngộ và giải thoát. Hành giả sẽ nhận diện được Chơn và vọng, cái Thật và cái giả và vượt qua được sự chấp ngã, ngã sở và chấp pháp, tức mọi sự vật trên đời.

          1/ Đạo Tuệ Trí : Tức Phật Tánh (Chơn Tâm, Chơn Giác).

          2/ Đạo Tuệ Chủng Trí : Là trí biết các đạo trong mười pháp giới.

          3/ Nhất thiết trí :  Là Trí biết tất cả, biết rằng các pháp, các tướng đều tịch diệt ( Tánh Không).

          4/ Nhứt thiết Chủng Trí : Cái Trí hoàn toàn biết tất cả, biết rằng các pháp, và các tướng đều tịch diệt và các hành động, đến trạng mạo.

          C/ NGŨ NHÃN :  Nhục nhãn, Thiên nhãn, Tuệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn.

          1/ Nhục nhãn : Mắt thân xác ( Mắt phàm )

          2/ Thiên nhãn : Là mắt thuần thiện, bất luận xa hay gần, trong ngoài, sáng tối, đều thấy.

          3/ Tuệ nhãn : Là mắt đắc đạo của Thanh văn, Duyên giác thấy Chơn không vô tánh và Duyên sanh vô ngã.

          4/Pháp nhãn  : Mắt trí tuệ của Bồ tát thấy tất cả pháp môn và vạn vật đều Tánh Không.

          5/ Phật nhãn  : Phật có 4 mắt trên, mà còn vượt ngoài ngũ nhãn nữa.

- Nhục nhãn :Trong suốt, không chi chẳng biết tỏ trõ.

-Thiên nhãn : Thuần thiện, thông đạt, vô lượng, vô biên.

-Tuệ nhãn  :  Thấy Chơn Không vô tướng, đưa người qua bờ bên kia.

- Pháp nhãn  : Quan sát cùng tột các đạo, vạn vật đều Tánh Không

- Phật nhãn :  Đầy đủ, hiểu làu làu pháp tánh vô cùng tận.

          D- LỤC THÔNG : Còn gọi Lục thần thông, quả vị A La Hán, Bồ tát, Phật.

          1/ Thiên nhãn thông : Thấy mọi vật trong vũ trụ, hoàn toàn thiện, trong sáng.

          2/ Thiên nhĩ thông : Nghe thông suốt tiếng khắp nơi, mà không dính mắc.

          3/ Túc mạng thông : Biết chuyện đời trước của mình và của người, biết luôn cả đời sau ( mỗi niệm khởi là một chùm tia chuỗi kết nối, mà biết nó đi vào Đạo nào, là Nhân, Thiên, A tu la, Bồ tát, Phật, Súc sanh v.v..)

          4/ Tha tâm thông : Từ tâm mình mà biết tâm người.

          5/ Thần túc thông : Đi khắp nơi trong nháy mắt, biến hoá tuỳ ý, tức đi đứng không ngăn ngại.

          Năm thông này chưa chứng vô lậu. Nên chưa thoát ra ngoài tam giới, còn chịu sanh tử luân hồi. ( Người tu có thể đắc Ngũ Thông gọi là Hữu Lậu)

          6/ Lậu tận thông : Trong sạch hoàn toàn. Dứt hết triều mến, chấp trước. Không còn chấp pháp, chấp ngã (Tức trong đương niệm, không khởi tà niệm, tạp niệm, luôn luôn trong sáng).

          ( Chứng Vô lậu đoạn dứt các phiền não, dứt luân hồi, nhập Niết Bàn, quả vị vô lậu A La Hán, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật)

          TU chứng được Đạo Vô Thượng như vậy gọi là TU CHỨNG.

          LIỄU NGHĨA :- Là thật chứng được một cách trọn vẹn không thiếu sót các pháp Thế gian và Xuất thế gian, đến lúc ấy chẳng còn pháp nào để tu, chẳng còn pháp nào để chứng nữa cả, tức chẳng còn nghĩa gì trong đó cả, hoàn toàn “ thanh tịnh”.

          -  Là dụng tu Tâm Chơn Như, chứng cũng bởi Tâm Chơn Như, nên không nghi, không chấp, không mắc nội ma, không vướng ngoại ma, tự tại vô ngại, gọi là LIỄU NGHĨA.

          IV – CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH :  gọi là NGỘ, là tỏ ).

           -Chư Bồ Tát đã rõ đượcTâm Chơn Như, rồi nhận Chơn Như đó, mà hành, mà lấy đó dụng phương tiện hoá độ chúng sanh mà được đầy đủ công đức, gọi là HẠNH ĐỨC.

          - CHƯ BỒ TÁT : Hàng Bồ Tát nhiều không đếm được.

          - VẠN HẠNH : Vô số phương pháp mà các vị Bồ Tát tu và dụng ra nhiều phương tiện độ chúng sanh.

          - Chư Bồ Tát chuyên tu các pháp như : Tứ nhiếp pháp, Lục độ, Vô lượng Mỹ hạnh, trải qua các bậc như : Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, lên tới Đẳng giác Bồ Tát.

          - Đây là công đức của các bậc có NHÂN ĐỊA  ( lấy tâm làm nhân tu)

          - Hành đạo do : Danh tự giác, Tương tợ giác, phần chứng giác, thuần một tánh thể chơn giác.

          - Khéo dùng Tâm Chơn Như Viên Định : Trên cầu Phật quả, dưới hoá độ pháp giới hữu tình. ( Gọi là chư Bồ Tát Vạn Hạnh ).

          A- TỨ NHIẾP PHÁP : ( 4 thứ tâm được Định ). 4 phương pháp thâu nhiếp người, thuyết phục người về với mình.

          1/ Bố thí : Chúng sanh ưa gì cho nấy ( hạnh xả bỏ ) là xả bỏ cái Ta và cái của Ta ( Năng + Sở). Nội tài và ngoạ tài.

                    a/ Bên ngoài : Gồm tiền bạc, vật chất, nhà cửa, v.v…

                    b/ Bên trong : Thân mạng, kiến thức.

          2/ Ái ngữ : Tuỳ căn tánh chúng sanh mà nói cho hợp để uỷ dụ họ, giúp đỡ và an ủi họ. ( lời nói dịu ngọt làm người ưa thích )

          3/ Lợi hành : Làm việc lành, bằng Thân Khẩu Ý giúp ích cho chúng sanh.  ( làm lợi ích cho những người cùng chung ở)

          4/ Đồng sự : Sống chung lân la dùng pháp nhãn thấy căn tánh của chúng sanh, bèn tuỳ sở thích mà thị hiện giúp đỡ họ, thân ái mà thọ Đạo.  ( cùng chia sẻ công việc với mọi người, cùng ăn, cùng ở, cùng làm)

          B-LỤC ĐỘ : ( 6 thứ làm phá vô minh, được ngộ, giải thoát). 6 phương pháp nhiếp hoá chúng sanh, đưa chúng sanh đến chỗ giác ngộ.

1/ Bố thí :  để trừ tham lam, keo kiệt.

2/ Trì giới : Để trừ việc tà ác.

3/ Nhẫn nhục : để trừ sân hận,

4/ Tinh tấn : để trừ giải đãi.

5/ Thiền định : để trừ tán loạn

6/ Trí tuệ :  để trừ ngu si.

          Sáu thứ này làm Vô Tâm. Tức không Ngã, Pháp, Nhơn, Chúng sanh và Thọ giả.

          C- VÔ LƯỢNG MỸ HẠNH : Làm rất nhiều việc lành, mà không thấy có làm gì cả ( giống như làm chơi vậy mà )

          D-  THẬP TÍN : ( 10 bậc Tín Tâm, tăng lực mau vào đất Tâm )

1- Tín Tâm : là lòng tin sâu

2- Niệm Tâm : là lòng luôn nhớ Thiện, nhớ tâm thật.

3- Tinh tấn : là lòng bền lòng.

4- Tuệ Tâm : là lòng luôn sáng.

5-Định Tâm : là lòng luôn yên định.

6- Bất thối Tâm : là lòng không giảm.

7- Hộ pháp Tâm  : lòng luôn bảo vệ chánh pháp

8- Hồi hướng Tâm :  tâm giác tha.

9- Giới Tâm  : lòng luôn trong sạch

10- Nguyện Tâm : lòng ước nguyện của chính mình thành đạt đầy đủ.

- THẬP TRỤ  : 10  bậc an trụ tu hành.

- THẬP HẠNH : 10 bậc tu tạo Hạnh Đức.

- THẬP HỒI HƯỚNG : 10 bậc tu đã đạt, khi thành, thì lo giúp lại cho người khác, để người được như mình.

- THẬP ĐỊA :  10 bậc thang để Bồ Tát đi đến Phật quả.

- TỨ GIA HẠNH : 4 hạnh làm tăng thêm Hạnh Đức

- ĐẲNG GIÁC BỒ TÁT : là lên đến địa vị gần bằng Phật

           Đây là Công đức của các bậc có Nhân địa là lấy Nhân Tâm để tu Tâm, đạt Tâm vậy. – Rồi sau đó, hành theo Danh tự Phật pháp, mà thông đạt diệu lý.  ( Gọi là Danh tự Giác). – Rồi dùng+trí tuệ giống như Chơn Giác, để chế phục các phiền não. ( gọi là Tương tợ giác ). – Sau đó mới có chứng từng phần. ( gọi là Phần chứng giác ). – Sau cùng điều hoà cùng một thể tánh Chơn Giác. ( gọi là thuần một tánh thể Chơn Giác ).

          V- THỦ LĂNG NGHIÊM KINH . ( còn gọi là  NHẬP ( vào ).

          Là kinh dạy pháp tu Thiền đứng đầu các pháp Thiền.

          -  THỦ là Hán ngữ,  nghĩa là đứng đầu.

          - LĂNG NGHIÊM ( Suramgama ) là Phạn ngữ, là Chơn Thiền định.

          Hán dịch : Nhứt thiết sự cứu cánh kiên cố.

          Nghĩa là : - Bổn thể vốn sẵn viên định, vững chắc rốt ráo của Tâm Chơn Như thường trụ, thống nhiếp tất cả vạn sự vạn vật, dầu chúng sanh luân hồi mê khổ trong tam giới ( dục giới, sắc giới, vô sắc giới).

          - Nhưng Bổn thể vẫn sẵn viên định, mà tuỳ duyên bất biến, không lay chuyển bởi vật nào, cũng chẳng tiêu mất mê khổ.

          -  Phật với chúng sanh đồng một Tâm thể Viên định như nhau.

          - Phật hành động thuận theo Tâm thể Viên định nên an lạc vô lượng.

          - Còn chúng sanh, hành động nghịch với Tâm thể Viên định, nên thống khổ vô biên, chỉ vì quên mất tâm Chơn Như, không chịu tu hành giải thoát, nên bị phiền não nhiễu hại, lẩn quẩn trong vòng luân hồi sanh tử.

          Khi thấu triệt được Tâm Chơn Như, trở về Tâm Chơn Như thì có chi đâu là Danh-Lợi mà tham luyến, có chi đâu mà Sắc với Không mà tranh chấp.

          Thì lập tức :- Vô minh dứt sạch. – Phiền não tiêu tan. – Từ, Bi, Hỷ, Xả phát huy. – Thường, Lạc, Ngã, Tịnh thể hiện. – Chứng biết Phật tức Tâm, Tâm tức Phật.

          TỨ ĐỨC BA LA MẬT ( 4 Đức qua bờ bên kia ) ( THƯỜNG LẠC NGÃ TỊNH ).

          1- THƯỜNG :  ( Đức thường )

                   - Lúc nào cũng có sẵn chẳng biến đổi.

                   - Cái thể Niết Bàn là thường, chẳng biến đổi

                   - Không sanh, không diệt, tuỳ duyên hoá dụng, thường chớ chẳng dứt.

          2- LẠC ĐỨC :  ( Đức vui )

                   - Lúc nào cũng vui vẻ, an lạc.

                   - Cái thể Niết Bàn là tịch diệt, mà yên hoài.

                   - Lại vận dụng tự tại, thích hợp với tâm mình. ( nên gọi là Niết Bàn),

          - NGÃ ĐỨC :  ( Đức mình )

                   - Lúc nào Chơn thể cũng có sẵn, tự tại. Có  2 thuyết :

          a/ Cái thể tự thật : - Căn cứ vào cái Thể tự thật mà gọi là Ngã.

          - Nếu pháp là Thật, là Chơn, là Chủ, là Y, Tánh chẳng biến dịch thì gọi là NGÃ.

          b/  Cái Dụng tự tại : -  Là lúc nào cũng thanh tịnh, không nhiễm.

          - Là cái thể Niết Bàn, giải thoát.

          - Hết thảy mọi chất cấu, nhiễm, tuỳ theo nơi hoá duyên mà chẳng bị ô nhiễm, nên gọi là TỊNH.

          Đây là 4 Đức của Pháp Thân Như Lai ( Chơn Tâm) sẵn có 4 Đức nầy, là đắc Đại Niết Bàn của Đại thừa.

          1- Không có 25 hữu sanh tử , nên gọi là THƯỜNG

          2- Chẳng thọ 25 hữu báo  ,  nên gọi là LẠC.

          3- Phá 25 hữu nghiệp ,  nên gọi là NGÃ.

          4- Phá 25 hữu phiền nào , nên gọi là TỊNH.

          Đã đạt được Thường, Lạc, Ngã , Tịnh thì gọi là PHẬT-TÁNH  hiền.

          TÓM LẠI :

          I- ĐẠI PHẬT ĐẢNH : ( là Chơn Tâm )

          Chơn Tâm này rất quý báu, những hàng phàm phu, Tiểu thừa và Quyền thừa Bồ tát không ngộ nhập được, nên dụ như : VÔ KIẾNĐẢNH TƯỚNG  của Phật. ( Còn gọi là PHẬT TRI KIẾN).

          II- NHƯ LAI MẬT NHÂN :

          - Là khai ( mở) cái không sanh không diệt mà không ai biết, làm cái Nhân tu. – Là Chơn Tâm đã sẵn có tự bao giờ. – Nay biết rõ, lấy Chơn Tâm này làm Nhân địa tu hành, tức được thành Phật. ( Nên gọi là KHAI).

          III- TU CHỨNG LIỄU NGHĨA :

          - Là chỉ bày cái Nhân này mà thành Quả .  Biết Chơn Tâm rồi, y theo Chơn Tâm mà tu được chứng đắc rốt ráo Chơn Tâm. (Nên gọi là THỊ)

          IV- CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH :

          - Là tỏ Chơn Tâm này, mà khởi tu lục độ tạo muôn hạnh của Bồ Tát, là chính nơi TA có sẵn ( Nên gọi là NGỘ)

          V- THỦ LĂNG NGHIÊM KINH :

          - Là thiền định đứng đầu các định khác.  Mọi người đều có sẵn bản thể Chơn Tâm, nó luôn thanh tịnh, và như như bất động, tức là Đại Định Thủ Lăng Nghiêm. ( Nên gọi là NHẬP)

{]{

          Đầu đề có 19 chữ là :

          - ĐẠI PHẬT ĐẢNH  :    Phật Tri-Kiến ( Chơn Tâm )

          - NHƯ LAI MẬT NHÂN :  KHAI    ( mở ) -  ( GIÁO)

          Phá vỡ vọng tình của 6 thức, bày tỏ Chơn Tánh của 6 căn.

          - TU CHỨNG LIỄU NGHĨA : ( THỊ )  ( bày) – (LÝ)

          Chỉ Chơn Tánh của 6 căn, xưa nay trong sạch

          -CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH :   ( NGỘ)  ( tỏ )   -  (HẠNH )

          Tự mình phát giác được diệu tánh trong sạch xưa nay.

          -THỦ LĂNG NGHIÊM KINH : NHẬP  ( vào )   ( QUẢ)

          Tức thấy được Chơn Tâm thì mỗi niệm hồi quang phản chiếu.

          Bao gồm toàn cả bộ kinh : Giáo. Lý, Hạnh, Quả ( mở, bày, tỏ, vào ). ( hay khai, Thị, Ngộ, Nhập ).    Thể Đại, Tướng đại và Dụng đại. Nhân địa Tu chứng đều trùm cả, mà rốt cuộc chỉ ở nơi tâm chúng ta sẵn đủ.

          - GIÁO : là kinh điển mở bày chơn lý thật tế.

          - LÝ : là chơn lý do kinh giáo hiển bày.

          - HẠNH : là khi tỏ rõ được chơn lý rồi, khởi công tu hành

          - QUẢ : là do nhập vào sự hành thật tế mà chứng được chơn lý, tức là quả Phật.

TÓM GIẢI 19 CHỮ KINH THỦ LĂNG NGHIÊM :

          - ĐẠI PHẬT ĐẢNH : Là đảnh tướng cao cả của Phật, là “ Vô Kiến Đảnh” của Phật, khó thấy được, tức là Chơn Tâm.   Nên hàng Tiểu thừa và Quyền thừa Bồ Tát không thấu suốt được. Nó rất quý, rất khó thấy, thì hàng phàm phu và nhị thừa làm sao thấy được. Nó bao trùm khắp, ứng hiện không ngăn ngại ( chính chư Phật đã giác ngộ Tâm này). Nó gồm ba thân : Pháp thân, Báo thân và Ứng hoá thân, tức là Chơn Tâm, kinh Pháp Hoa gọi là “ Phật-Tri-Kiến”

          -- NHƯ LAI MẬT NHÂN: ( mở )-  Là cái Nhân gốc chưa ai thấy biết, nên Phật mới mở bày, cho ta nhận thấy cái chân thật chỗ bất sanh bất diệt, mà phá lìa được các Vọng-tình-thức. Rồi lấy cái này làm Nhân tu hành, thành đạo chứng quả, gọi là Như Lai Mật Nhân, kinh Pháp Hoa gọi là  “ KHAI” ( mở)  ( Tức phá vỡ vọng tình của  thức, bày tỏ Chơn Tánh của 6 căn).

          - TU CHỨNG LIỄU NGHĨA:  (Lý ) ( bày)- Khi đã mở bày ra, tỏ được Chơn Tâm, ai cũng biết mọi người đều sẵn có. Nên phải có người chỉ, qua các phương tiện, bằng Giáo, Lý, Thiền, Định v.v.. Rồi hành miên mật, mới chứng quả, và đạt được liễu nghĩa, cũng chính là Không Nghĩa. Nên gọi là Tu Chứng Liễu Nghĩa, kinh Pháp Hoa gọi là “ THỊ” ( chỉ bày) ( Tức chỉ ra cái Chơn Tánh của 6 căn, chính là Chơn Tâm xưa nay trong sạch ).

          -CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH : ( Hạnh ) (tỏ) – Sau khi đã mở ra và chỉ bày rỏ ràng, lúc này mới tỏ rõ rốt ráo cái Thật Tướng ( Chơn Tâm), thì lấy Chơn Tâm mà tu, mà hành, rồi dụng ra nhiều phương tiện, để hoá độ chúng sanh, mà làm được nhiều công đức, gọi là Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, kinh Pháp Hoa gọi là “ NGỘ”   (tỏ rõ )  ( Tự mình phát giác được diệu tánh trong sạch xưa nay ).

          -THỦ LĂNG NGHIÊM KINH : ( Quả )-  ( vào )  - Mọi người đều sẵn có bản thể thanh tịnh, luôn Định, gọi là Chơn Tâm, ( Như như bất động). Tức gọi là “ Đại Định Thủ Lăng Nghiêm”. Nên ta nhập vào bản tánh này gọi là TU, thì vọng thức diệt, nên gọi là Thủ Lăng Nghiêm, kinh Pháp Hoa gọi là “ NHẬP” ( vào ) ( Tức lấy Tâm, tu Tâm, đạt Tâm ).

{]{

          Chúng sanh nhận vọng thức làm Tâm, nhận lầm thức làm Tâm, Phật chỉ rỏ sự hiểu biết của chúng sanh là do vọng thức mà ra. Vọng thức thì không xứ sở ( không có cội gốc, mà do 6 căn duyên theo 6 trần mà sinh ra). Vọng thức thì không phải là Tâm, nên vọng thức không có thật.

          - Phật mới than : Chúng sanh cứ bị luân hồi sanh tử liên tục, cứ bám chấp vào cái : Thấy, nghe, hiểu, biết ( Kiến, văn, giác, tri) của mình. Họ không biết chơn lý ( Chơn Tâm) biết cảnh giới thường còn, bao la của chư Phật, nên không nương theo đó mà lo giải thoát. Phật chỉ Chơn Tâm ( chơn lý) tức cái đạo Vô thượng Bồ đề là chỗ phát minh thể tánh của Tâm Chơn Như .

          Phật bảo ngài A Nan phải lấy tâm chánh trực, tâm ngay thẳng, tức là cái tâm không cho Thức xen vào, mà cái tâm đó lấy trí tuệ làm hiểu biết, nó không phân biệt đúng sai, thế mới tiếp thu được ý của Phật đưa ra.

          Đây là một đức tính quan trọng của người muốn học Phật pháp, muốn hiểu chơn lý, muốn tu thành Phật, đó là Tâm Chánh trực, tức là Trực tâm.

          Trực tâm là lòng ngay thẳng, thành thật, trước sau như một, từ đầu đến cuối thẳng tắp, không bao giờ có sự quanh co. Đây là đức tánh đầu tiên, cần thiết cho những ai muốn tiến xa trên đường chân lý.  Nên người Phật tử lại càng nên trân trọng sự thật. Nhờ thế mới hiểu được chánh pháp, không bị mờ mắt vì danh lợi bề ngoài, cái hư danh làm nhiều kẻ không bao giờ biết được chơn lý.

          Hại hơn nữa, là cái tâm điên đảo, mánh lới, xúi giục người làm sai lạc chánh pháp, làm người đời lầm lẫn chánh tà.

          Phật hỏi ngài A Nan : Trong chánh pháp của Ta, ông ngưỡng mộ cái gì mà phát tâm xuất gia. ?

           - A Nan thưa : Vì con thấy Phật có 32 tướng tốt đẹp lạ thường, nên sanh lòng hâm mộ mà phát tâm xuất gia.

          Phật hỏi : Ông lấy cái gì xem thấy ? cái gì hâm mộ ?

          - Ngài A Nan thưa : Con dùng con “ mắt” để thấy ( tức dùng tướng để thấy tướng ). Con dùng “ tâm” để quý mến ( tức dùng tâm để biết, để hâm mộ qua các giác quan mà : Thấy, nghe, hiểu, biết ).

          - Đức Phật hỏi : Ông nói lấy con mắt để xem, và lấy cái tâm để hâm mộ. Vậy ông có biết mắt và tâm ở đâu không ?.

          - Xưa nay ông bị trôi lăn trong biển khổ luân hồi, sanh tử nhiều kiếp, chỉ vì tâm và mắt. Nếu ông không biết rõ tâm và mắt ở đâu, thì không bao giờ hàng phục được trần lao, phiền não.

          Ví như nhà vua, khi nước nhà bị giặc xâm lăng, muốn xuất binh dẹp giặc, tất nhiên phải biết trước sào huyệt của giặc ở đâu, mới có thể đánh thắng được.

          Trong phần nầy Phật đưa ra ba vấn đề :

          1/ Phật chỉ trong mỗi chúng ta ai cũng có sẵn bản tánh Chơn tâm thường trụ, Thể tánh tịnh minh.

          2/ Phật chỉ cho hai điều mà chúng sanh nhận lầm cái ý thức xuyên qua, kiến, văn, giác, tri cho đó là thật. Nên lấy đó làm tâm mình, mà phải chịu sanh tử luân hồi mãi.

          3/ Không thấy được tâm Chơn như của mình, nên không đạt được đạo Vô thượng Bồ đề .

          Cũng do luôn sử dụng vọng tâm, mà không lấy tâm chánh trực để học, để tu, để hiểu, để biết, thành ra mãi quanh co theo Vọng mà cứ cho là Thật.  Nên Phật mới phá dần dần, chỉ bày cho chúng ta phải nhận định cái giả trước, tức đầu tiên chỉ cho chúng ta : Vọng thức không có xứ sở, không có chỗ nương gá.     Mới đưa ra 7 chỗ luận bàn về cái Tâm vọng mà Ngài A Nan đang tranh luận.

          Ngài A Nan dùng ý thức đưa vọng tâm có chỗ ở ( xứ sở ) có chỗ gá nương vào 7 chỗ như sau :

          1/ Tâm ở trong thân  - 2-/ Tâm ở ngoài thân.- 3-/ Tâm ở ẩn tại con mắt. – 4/ Tâm ở trong lẫn ở ngoài thân. – 5/- Tâm ở chỗ tuỳ hiệp. 6/- Tâm ở khoảng giữa.  7/- Tâm vô trước  ( không dính mắc ).

          Kế đến Phật chỉ rõ vọng thức không phải tâm. Sau cùng Phật nói vọng thức không có thật.

           Phật luận phá cái lý lẽ của ngài A Nan như sau :

          - Phá chấp ( 1 ) -Tâm ở trong thân :  Phật bác ông A Nan bằng ví dụ : thấy theo thứ lớp.  Như ông ở trong giảng đường, trước hết ông trông thấy Phật, kế đến đại chúng, sau nhìn qua cửa sổ thấy rừng cây. Vậy nếu tâm ở trong thân, thì phải thấy rõ, tâm, gan ở trong thân đã rồi mới thấy ngoài thân, nếu không phải vậy, chắc chắn vô lý.

          - Phá chấp ( 2 ) -Tâm ở ngoài thân :   Ngài A Nan dẫn lý, tâm chúng sanh chỉ thấy vật ngoài thân, giống như đèn thắp ngoài nhà, tự nhiên chiếu sáng vật ngoài nhà, chứ không chiếu vật bên trong.

          - Phật bác : Một người ăn thì các người khác không thể no được. Nếu tâm ở ngoài thân, dĩ nhiên tâm với thân khác biệt nhau, không có liên quan gì với nhau.

          - Khi tôi giơ tay lên, mắt ông vừa thấy tay thì tâm ông liền biết. Thân và tâm của ông đồng biết một lượt, thì không phải là hai thể sai biệt, vậy không thể nói “ Tâm ở ngoài thân”.

          - Phá chấp ( 3 ) -Tâm ở tại mắt :  Ngài A Nan lại cho rằng “ Tâm ở tại mắt” ví như người lấy chén lưu ly úp vào hai mắt, mắt vẫn nhìn rõ cảnh vật, nên hễ mắt thấy tất nhiên tâm biết.

          -Phật bác : Nếu tâm của ông ẩn tại mắt thì trong khi tâm thấy biết núi sông, tại sao không thấy mắt ?  Nếu tâm thấy mắt, thì mắt cũng như ngoại cảnh, không thể nào mắt liền thấy, tâm liền biết.  Vậy không thể nói “  Tâm ẩn tại mắt”.

          Cho đến ngài A Nan trưng tâm ví dụ lần thứ 4, 5, 6 thứ 7 đều bị Phật bác hết .  Như vậy 7 lần gạn hỏi Tâm, ngài A Nan đều nói không đúng. Ý của Phật muốn dùng biện luận, để giúp ngài A Nan mà cũng là chúng ta, biết rằng không thể tìm thấy xứ sở và chỗ gá nương của Tâm.

          Và để cho chúng ta biết rằng. Nếu chưa ngộ được thể tánh Chơn Tâm dù nói cách nào đi nữa cũng đều sai cả. Ví như kẻ mù rờ voi, mặc dù rờ đụng, nhưng nghĩ và nói thế nào cũng đều sai cả.

          Vì ngài A Nan chưa chứng nhập được Thể Tánh Chơn Tâm, tức Thiền định ( chỉ quán ). Cho nên phải vương vào tà thuật của phái ngoại đạo.  Còn chúng ta không chuyên cần học hỏi giáo lý, chẳng dụng ý tịnh tâm tư duy, thâm sâu, không hề công phu tinh tấn tu hành, mà chỉ thích tranh luận đàm về : Tâm, vật, chơn, vọng v.v.. nên có nói sai đi nữa, cũng không đáng trách.

           Chơn Tâm Thường Trụ là cái kho tàng bí mật mà đức Phật chưa vội mở cửa ở đây, cho nên ngài A Nan chưa hiểu được, mà phải nhiều lần tha thiết cầu xin Phật chỉ dạy sau nầy .

          Cần nên nhớ, trong lãnh vực tu chứng của đạo Phật, ngoài điều kiện Nghe và Hiểu, còn đòi hỏi nhiều ở vấn đề tự mình thể nghiệm, thực hành và tu tập.

          Cái tâm ở 7 chỗ mà ngài A Nan thưa trình lên đức Phật, đó mới chỉ thuộc phạm vi ý thức mà thôi. Còn 8 thức tâm vương với Chơn Tâm thường trụ còn phải tiến lên những bước khá dài mới có cơ may gặp gỡ tỏ tường chơn thật.

{]{

          Ngài A Nan đã chỉ 7 chỗ của Tâm đều không đúng, vì ông chấp vọng tưởng làm Tâm, nên đều bị Phật bác.

          Ngài A Nan thưa,  tôi là em Phật, tuy đã xuất gia, nhưng còn ỷ lại vào lòng thương của Phật, chỉ lo học rộng nghe nhiều pháp, mà không chuyên tu tập, nên không chứng được đạo quả vô lậu, nên không hàng phục được tà thuật của Ta Tỳ Ca La. Trái lại còn bị nàng Ma Đăng Già ( là ái nghiệp) bắt vào phòng dâm. Sở dĩ phải chịu khổ như vậy là vì tôi chưa biết rõ Chơn Tâm thường trụ.

          Vậy cúi xin Đức Phật từ bi khai thị Tâm Chơn Như và chỉ dạy cách thức Tu thiền định ( Samatha ) cho chúng con để trừ tuyệt các giống bất tín ( không có lòng tin) và ác kiến ( thấy sai lầm) để được chứng đạo quả.

           Thưa xong ngài A Nan và đại chúng đều kính cẩn trông chờ lời Phật chỉ dạy :

           Đức Thế Tôn nói vọng thức không phải là Tâm thật, nên lúc giờ Thế Tôn mới khai Trí Bát Nhã cho hàng có căn trí Đại thừa, tức là muốn tiếp nhận giáo lý Phật thừa, thì phải dùng Trí Bát Nhã, mà không dùng “ vọng thức” để tiếp nhận lời Phật dạy được.

          Mục đích của Thế Tôn là khai thông màn vô minh cho tất cả chúng sanh, để chúng sanh khai mở tâm địa của mình được thức tỉnh trỗi dậy trong sáng, mà phá vỡ được các vọng nghiệp của mình, làm cho thân tâm được trong sáng, mà tiêu trừ những tánh hẹp hòi, hữu lậu của các bậc sơ tâm và các hàng nhị thừa, để các hàng nhị thừa, để chúng đồng tiến về nhứt thừa Phật đạo mà chứng quả Vô sanh.

          Phật đưa ra hai căn bản chính yếu, và phải nhận thấy được chơn và vọng rõ ràng.  Lúc bấy giờ Phật gạn hỏi cái Tâm lần thứ hai và bảo ngài A Nan phải phân biệt rành rõ cái nào là Chơn tâm và cái nào là vọng tâm. Phật dạy, tất cả chúng sanh từ vô thuỷ đến nay, điên đảo nhiều cách, nghiệp dính nhau như chùm trái Át Xoa có ba quả ( biểu trưng cho Căn ( Tâm ) + Cảnh + Thức ) ( Căn, Trần, Thức ). Vì mê  Chơn Giác, thể nguyên thuỷ của nó là tịnh, là chơn, luôn luôn chiếu sáng. Rồi sau đó, nương nhờ ánh sáng của tịnh làm rõ cảnh vật, chúng ta mới bắt đầu khởi, mà sanh ra Thấy, Nghe, Hiểu, Biết, nên Tịnh đã biến thành  Động, Chơn biến thành Vọng. Ví như trong căn nhà tối, nhờ ánh sáng của ngọn đèn làm tỏ rõ mọi cảnh vật. Ánh sáng của đèn là Tịnh, là Chơn. Nhưng Tâm thức nương theo ánh sáng đó mà khởi sanh phân biệt, nên Chơn đã biến thành Vọng, gọi là mê Chơn-Giác.

          Nói khác đi, nhờ ánh sáng sẵn có của Giác mà mọi người chúng ta đều có thể hiểu được rõ ràng, sáng tỏ mọi cảnh vật, mọi sự việc, kể cả chơn lý. Nhưng ngay khi tâm thức tiếp thu, dính, chấp… vào cảnh vật, sự việc, hay chơn lý đó thì chúng ta trở thành mê Chơn Giác ( Chấp Chơn thì biến  Chơn thành Vọng ).

          - Khởi hoặc vô minh : Nên có sai lầm là vô minh.

          - Vì vô minh nên sanh vọng tưởng điên đảo, thành đen tối.

          - Từ đó mới tạo ra nghiệp chướng, hễ có nghiệp chướng tất bị khổ báo, phải sanh tử ( Tức có nghiệp thì phải sanh khổ). Tức có đau khổ mà vẫn còn vô minh, nên sanh lại vô minh nữa, cứ thế mà luân hồi mãi. Nếu chúng ta không  tu hành thì chẳng làm sao thoát ly được.

          - Còn những vị có tu hành, nhưng không đắc được quả Vô thượng Bồ đề lại thành Thanh văn, Duyên giác, ngoại đạo, chư thiên, Ma vương và quyến thuộc của Ma v.v…đều do không hiểu hai căn bổn mà tu tập sai lầm, ví như nấu cát mà muốn thành cơm thì dầu trải qua vô số kiếp cũng không thành được.

          - Nên Phật dạy : Ông nay muốn đắc đạo  Vô thượng Bồ đề, thì điều cần nhứt là phải hiểu rõ hai thứ căn bản :

          1/ Căn bản Vô thỉ sanh tử ( là vọng tâm, không đầu mối)  tức sự sống chết không đầu mối, lấy vọng tâm làm thật tánh.  Như Ông hiện nay và tất cả chúng sanh cũng thế, hằng ngày đều dùng cái tâm vọng động ( Tâm phan duyên ) mà nhận lầm cho là Tự tánh của mình, nên chịu khổ sanh tử luân hồi .

          2/ Căn bản Vô thỉ Bồ đề Niết bàn ( là Chơn Tâm, không đầu mối).

          - Gốc căn bổn của ông là một thể nguyên minh thanh tịnh sáng suốt sẵn có, nó lưu chuyển tuỳ duyên, nhưng vì ông không giữ được tự tánh đó, cứ tuỳ duyên tuỳ cảnh mà sanh ra vọng tưởng, rồi nhận lấy vọng tưởng đó làm Tự tánh, mà quên mất thể nguyên minh đó ( Chơn Tâm ), ông và tất cả chúng sanh vì quên mất thể nguyên minh mình sẵn có của mình ( chơn tâm) nên hằng ngày sống ở thể nguyên minh mà không tự biết. Do đó đành bị luân chuyển trong các cõi phàm phu, thật là oan uổng.

          - Nên Phật bảo : Nếu ông nhận lầm căn bản vô thỉ sanh tử tức vọng tâm, lấy đó làm Nhân tu hành thì không bao giờ giải thoát được.

{]{

          1/ Chúng ta sở dĩ bị sanh tử,  là vì lấy vọng tâm cho là Tâm thật.

          2/ Còn cái thật là Chơn tâm ( là căn bản vô thỉ, Bồ đề-Niết bàn) thì không biết, không hay, hằng ngày ta sống với Chơn tâm mà không biết, cứ theo giả mà bỏ chơn, nên tu hoài mà không thành chánh quả.  Nên biết cái gì thường còn là chơn, cái gì có sanh rồi mất là vọng. Cái gì tĩnh lặng, hằng giác là chơn, còn cái gì suy nghĩ phân biệt là vọng, cho nên Phật chỉ cho ta cái năng suy nghĩ phân biệt đó là vọng tâm, không phải thật.

          Chủ yếu Phật muốn chỉ cho ngài A Nan và chúng ta, hãy phát hiện  Chơn Tâm thường trụ sẵn có của chính mình. Nó là căn bản, Bồ đề Niết bàn ( Chơn Tâm). – Không phát hiện được Chơn Tâm thường trụ, dù có lý luận rằng : Nó là cái này, nó là cái kia, nó ở trong thân, nó ở ngoài thân, nó ở khoảng giữa v.v.. đều không đem lại lợi ích gì cả, giả sử có nói đúng thật đi nữa, cái đó cũng vẫn là căn nguyên của tại hoạ là động cơ của mọi phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi v.v..)

          - Cái hiện tượng tư duy, mà ta gọi là tâm lý hay ý thức ấy vốn là vọng tưởng, mà vọng tưởng thì không phải là Chơn. Nó là vang bóng của tiền trần ( sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ).

          - Dù cho có dứt bỏ hết tất cả : Thấy, Nghe, Hiểu, Biết, chỉ giữ lại bên trong cái thầm thầm yên lặng phân biệt, đó cũng chỉ là hình ảnh của pháp trần phân biệt mà thôi.

          - Cho nên trọng tâm tranh luận giữa Phật và ngài A Nan không phải ở chỗ tìm kiếm cái Tâm qua hình dáng ( lớn, nhỏ, rộng, hẹp, dài, ngắn, vuông, tròn v.v…) cũng không phải cầu thấy cái tâm qua màu sắc ( xanh, vàng, đỏ , trắng, hồng, lục v.v…) mà tranh luận để phát hiện ra cái sự trong sáng thanh tịnh, giải thoát an lành, giác ngộ bất động, tự tại như như, vốn sẵn có trong mọi người chúng ta.

          - Dù con người bị phiền não vô minh che phủ đi nữa, thì bản chất tiềm tàng cố hữu của những điều đó trong tâm thể mọi người cũng vô thỉ vô chung không lúc nào gián đoạn cả.

          Do vậy, Phật nói với ngài A Nan rằng :  Ta không bảo ông phủ nhận cái tánh Thấy nghe nhận thức, phân biệt đó, không phải là tâm, nhưng ông cần suy nghĩ chín chắn Chơn Vọng và làm thế nào rời cái vọng tưởng đến và đi.

          - Mà ông phải còn lại một cái là cái không vọng tưởng đến và đi. Cái này nó  luôn ở với ông, nó mới thật chính của ông đấy.

          - Phật dạy : Các vị tu hành tuy đã chứng được chín bậc định, mà không chứng được quả vô lậu A La Hán cũng chỉ vì chấp cái tâm phan duyên cho là thật chơn lý.

          -  Vậy muốn chứng quả A La Hán, thoát khỏi luân hồi sanh tử, rồi tiến thẳng tới quả Phật, trước hết phải bỏ cái tâm phan duyên.

          ( 9 bậc định : Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, Không vô biên xứ định, thức vô biên xứ định, vô sở hữu xứ định, phi tưởng phi phi tưởng xứ định, và diệt thọ tưởng định )

          NGÀI A NAN CẦU KHẨN PHẬT DẠY PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH.

          Ngài A Nan thành khẩn cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành “ Chỗ thấy biết của Phật” đã chứng rồi…. Sau khi ngài A Nan nghe qua lời dạy của Phật, mà tự xét lấy mình rằng :

          - Bạch Đức Thế Tôn ! Từ khi tôi phát tâm xuất gia theo Phật, luôn tự trông cậy vào sức oai thần của Phật mà không nghĩ cần tu hành khổ hạnh làm chi, vì biết sau này Phật sẽ ban cho pháp tu chánh định để thành Phật.

          Nay con không ngờ thân tâm của Phật và thân tâm của con là hai thân khác nhau, không thể thay thế cho nhau được, nên ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng.  Bấy lâu nay con nhận lấy vọng tâm làm tâm thật của mình, nên tâm thật này bị che khuất. Nên thân con xuất gia mà tâm không tỏ đạo. Lại nữa, con giống như người vốn giàu sang lại từ chối giàu sang, lìa bỏ hạnh phúc, không khác như người khốn cùng nghe nhảm tin càn, mà bỏ cha trốn theo con đường mê vọng.

          - Nay con mới hiểu rõ rằng : Dầu có nghe nhiều giáo lý đi nữa, mà không chịu lấy đó mà tu hành giải thoát, thì chẳng khác nào kẻ chưa từng nghe, cũng giống như người nói ăn mà không ăn, thì không bao giờ no dạ được.

          - Bạch Thế Tôn : Chúng con hiện nay thường bị hai chướng này làm ngăn ngại sự tu hành :

          1/ Phiền não chướng : là do thấy biết và tư duy mê lầm làm chướng ngại.

          2/ Sở tri chướng : Do chấp có thật cảnh và do luyến ái các pháp tu có chứng đắc, nên cố chấp giữ. Thủ cảnh và pháp ác, cả hai đều do bệnh pháp chấp mà thành ra, làm chướng ngại, nên luôn luôn ràng buộc.

          Bởi vậy vì chưa tỏ ngộ được Chơn Tâm chơn thật của mình, nên chưa phá được vô minh.  Vậy chúng con ngưỡng cầu Đức Thế Tôn từ bi thương xót chỗ khốn cùng (kẹt hết lối) của chúng con, mà khai thị Chơn Tâm Thanh Tịnh sáng suốt nhiệm mầu, và để mở được Đạo nhãn giải thoát của chúng con .

          Phật nói, các ông là kẻ mê ở trong những người mê ( gọi là người mê ở trong mê ).

          - Ví như, người đang thức : dụ cho Chơn tâm.

          - Bỗng chốc buồn ngủ   :  dụ cho vô minh.

          - Khi ngũ chiêm bao thấy có hư không, thế giới, chúng sanh và mình . Dụ vô minh nổi lên, có thế giới và chúng sanh.  Rồi chấp cái Thân và Tâm trong chiêm bao là mình, mà bỏ cả cảnh thức tỉnh rộng lớn nầy đi, dụ cho vì mê muội nhận cái vọng thân, vọng tâm này làm mình, cảnh này là thật, mà bỏ toàn thể Chơn Tâm sáng suốt rộng lớn kia đi.

          Ghi chú: Mê trong Mê. – Là không tỏ biết Chơn lý ( tức Chơn tâm) đây là một cái mê.

          - Chấp vọng tâm, vọng thân cho là thật, đây là thêm một cái mê thứ hai.  – Nên có hai lần mê, gọi là Mê trong Mê.

          *  Nói về Tánh Thấy không mất là Tâm .

          Ngài A Nan hỏi, tại sao Phật lại bảo chúng sanh bỏ mất Chơn Tánh, làm việc điên đảo.  Đây là cách nói của Phật, muốn nói cho chúng sanh không biết chơn lý ( Chơn Tâm) cứ theo cái biết hẹp hòi của mình (ý thức) mà hành động trái với Chơn lý ( Chơn tâm) nên bị khổ sở luân hồi.

          - Thật ra Chơn lý ( Chơn Tâm) bao trùm pháp giới mênh mông, còn chúng ta chỉ như cát bụi. Chúng sanh mê, thì chịu khổ, chúng sanh giác thì thành Phật, thì an lạc, sung sướng.  Chơn lý ( Chơn Tâm) vẫn không thêm bớt.

          1/- MÊ trong NGỘ :  Các sự vật hiện tượng đã hình thành kể cả thân xác và Tâm vọng đều là VẬT ở trong Chơn Tâm hiện ra cả, mà ta chấp cho đó là thật cả. Đây gọi là cái MÊ. Rồi bỏ mất Chơn Tâm, không biết Chơn Tâm nó bao trùm sanh ra các vật, Chơn Tâm này gọi là NGỘ. Nên gọi là MÊ trong NGỘ.

          2/ Thân MÊ trong NGỘ : Cái thân xác nầy do tứ đại giả hiệp mà thành, kết với vọng tưởng (ý thức) mà thành sắc thân, tức là ngũ uẩn, rồi chấp có thân nầy, cho là thật ( là một cái mê lầm ).

          - Mà không biết do Chơn Tâm hiện ra, Chơn tâm này gọi là NGỘ. Nên gọi là thân MÊ trong NGỘ

          - Tâm MÊ trong NGỘ : Có thân xác, tức bên trong có cái vọng tưởng (ý thức) nó khởi lăng xăng lao xao, rồi cho là Tâm thật của mình, nên làm theo nó. Gọi là Tâm Mê. Mà quên cái không lăng xăng lao xao là Chơn Tâm, cái này gọi là NGỘ . Hai cái này gọi là Tâm MÊ trong MÊ.

          a/ Mê thứ 1 : ( là mê lầm cho cảnh là thật).

          Chấp các sự vật, vạn tượng như quốc độ, thế giới, núi sông, đất đai, hư không, kể cả thân tứ đại ( gọi là Sắc pháp) đều là VẬT ở trong Chơn Tâm Diệu minh, mà ta mê lầm cho các vật này là Thật cả. Nên gọi là cái Mê lầm thứ nhứt.

          b/ Cái Mê thứ 2 : ( là mê lầm cho Tâm là thật ). Rồi chấp cái vọng thân vọng tâm này cho là thân tâm thật của mình. Nên gọi là cái Mê lầm thứ 2. Hai cái này gọi là Mê trong Mê.  Đây gọi là cái mê lầm điên đảo, do lấy tâm phan duyên làm Thật, nên đảo điên. Chỉ vì nhận lầm lẫn, có Tâm có Thân, có cảnh, mà bỏ mất chơn lý ( Chơn tâm). Thật ra Chơn lý ( Chơn Tâm) không hề mất, dầu vật ở trong đó sanh ra hay mất đi, thì Tánh của nó không thêm cũng không bớt, đây là một Tánh của Chơn lý vậy.

          - Nên cái nhìn hiện tượng vạn pháp của Như Lai là “ Tri kiến vô kiến”  ( Thấy biết mà không thấy biết, thấy biết tinh, không dính mắc). nên gọi là Phật, bậc Pháp vương.

          - Còn Ngài A Nan và tất cả chúng sanh nhận thức vạn pháp theo “ Tri kiến lập tri”  ( Thấy biết cho là thấy biết. Thấy biết động, đầy dính mắc ). Nên gọi là chúng sanh, làm việc điên đảo, bỏ mất Chơn tánh.

          Ngài A Nan cầu Phật chỉ dạy :

          Ngài A Nan nghe lời dạy bảo thâm thiết của Phật, nên cảm động rơi nước mắt, rồi quỳ cung kính chấp tay bạch Phật.

          Nay con nhờ Phật chỉ dạy hiểu biết được tâm địa bổn lai thường trụ viên mãn (Chơn Tâm), nhưng con vẫn còn dùng tâm phan duyên (tâm phân biệt, vọng tâm ) để nghe lời thuyết pháp của Phật, nên con chỉ nghe suông cái Chơn tâm này mà thôi. Do đó chưa dám nhận chắc đó là tâm của con.

          Vậy xin Phật thương xót chỉ dạy con hết nghi ngờ để trở về với đạo Vô thượng.

          Phật dạy : Các ông cứ lấy Tâm phan duyên để nghe Chánh pháp, thì Chánh pháp này cũng trở thành vọng ( tức Chánh pháp biến thành pháp bị duyên ra tà ). Thí dụ :

          - Có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác xem, người xem nên nương ngón tay chỉ mà thấy được mặt trăng, nếu chỉ nhìn ngón tay mà cho đó là mặt trăng, thì chẳng những không biết mặt trăng mà còn không biết luôn cả ngón tay và cũng không biết sáng tối, vì cớ sao ?

          - Vì mặt trăng thì sáng, ngón tay thì tối. Nếu không biết mặt trăng và ngón tay, tất nhiên không làm sao rõ được hai thể tánh sáng và tối. – Như nghe pháp âm ( tiếng pháp) mà không đạt pháp tánh (thật tướng) thì chẳng khác chi nhận ngón tay làm mặt trăng.

          A Nan ! Ông cũng như vậy, Nếu ông dùng cái tâm phân biệt ( tâm vọng làm tâm của mình để nghe pháp của ta,  thì cái tâm này khi rời tiếng nói pháp của Ta, nó cũng vẫn còn phân biệt, tức vẫn còn cái biết, cái biết của Chơn tâm thường trụ, sẵn có không phải là cái biết phân biệt ) thế mới phải thật là tâm của ông ( gọi là Chủ ).

          - Nếu rời tiếng nói pháp của Ta ra ( tức cảnh mất ) ông không còn phân biệt nữa ( tức cái biết mất ). Thì đây là vọng ( gọi là khách), chứ không phải là thật tâm của ông ( gọi là chủ ).

          ( tức nhận lầm tâm giả cho là tâm thật, nên cảnh duyên mất, thì tâm mất, thì cái biết cũng đi theo luôn. Khi cảnh khác hiện lại, thì tâm hết biết, vì không tâm, vì nó đã thành cảnh duyên, là theo sanh diệt ). Thí dụ :

          - Chủ : dụ cho chơn tâm ( không sanh diệt ).

          - Khách : dụ cho vọng tâm ( sanh diệt )

          - Ví như người khách ( vọng tâm) họ chỉ ngủ nhờ rồi đi, chứ không ở lâu được .   Nếu thật là Chủ nhà ( Chơn Tâm) thì ở luôn tại một chỗ, chứ không đi đâu nữa. Cũng thế, Nếu thật là tâm của ông ( chơn tâm) thì không đi đâu cả. ( không sanh không diệt, không tới lui).  Tại sao ông rời tiếng nói pháp của Ta ( cảnh duyên) thì ông không còn phân biệt nữa ? ( tức cái biết không có).-  Không những “ cái phân biệt” về sắc, hương, vị, xúc, pháp, nếu rời sáu trần cảnh ra, thì nó không còn phân biệt nữa ( là không còn cái biết ).

          Kết luận : Thế thì cái tâm của ông đây, nó đồng với khách, thì nó có chỗ trả về cả ( chỗ hoàn). Vậy lấy cái nào là chủ là tâm thật của ông ?

          - A Nan thưa Phật và giải nghĩa :

          - Hoàn : có nghĩa là trở về ( ví như mượn của người, thì hoàn trả lại cho người ).

          - Còn vật của mình thì không có chỗ hoàn.

          - Nay cái tâm phân biệt (tâm vọng) của tôi có chỗ trở về, tại sao Đức Như Lai nói “ cái Chơn tâm” của con không trả về lại đâu cả ?  Xin Phật mở lòng từ bi chỉ dạy :  ( Chỗ này A Nan lại lấy ý thức phân biệt, để hỏi, nên tưởng Chơn tâm có sanh diệt, tức lầm ở chỗ có sanh có diệt, chứ chưa biết Chơn tâm không sanh diệt ).

          Phật chỉ Tâm lần thứ 4 :

          -  Những thứ có hoàn  :  Vọng

          -  Cái kiến tinh không hoàn :  Chơn.  Tức không nhân duyên.

          Phật chỉ rõ :  Thí dụ Kiến tinh ( cái thấy trong sạch, chưa khởi phân biệt, tức cái thấy (biết ) tịnh ).

  Chú ý : Phật chỉ Chơn Tâm lần thứ 4 này là Phật đã mở cho chúng ta qua được hai lớp vỏ của Chơn Tâm.

           - Lớp thứ 1  là vọng tâm, là cái tâm phan duyên, phân biệt, còn gọi là cái thấy biết, cái thấy biết này cần phải có Tâm ( là Tâm Vương  A Lại Da Thức) cộng với trần cảnh, thì mới thành cái thấy và biết ( có nhân duyên).

          - Lớp thứ 2: Tánh thấy và Kiến tinh  : Vì  hai danh từ này nó gần kề với Chơn Tâm, nó ví như mặt trăng thứ hai, chứ không phải mặt trăng dưới nước.

          Vì hai danh từ này nó đại diện cho Chơn Tâm gần giống nhứt, vì tánh nó là tịnh, luôn trong sạch, chưa khởi tâm phân biệt, chưa nhiễm trần lao. Vì nó mới “ Chủ trong Khách” còn Chơn Như Tâm “ Chủ trong Chủ”.

          Phật dạy ngài A Nan : Hiện tiền ông nhìn thấy Ta, chẳng hạn như thấy 32 tướng tốt, vì ông có Kiến tinh ( gốc sáng suốt ).

          - Tâm thấy này tuy không phải Tâm Diệu Minh ( Chơn tâm) nhưng có thể ví như nó như mặt trăng thứ 2, chứ không phải bóng trăng dưới nước.  Nay Ta khai thị (chỉ bày) cho ông Tánh thấy không hoàn. Vậy ông hãy chăm chỉ nghe :

          - Chỉ những thứ có hoàn :

          A Nan ! Giảng đường rộng rãi này khi mở về hướng đông.

1- Ban ngày mặt trời chiếu, sáng rõ.

2- Ban đêm không trăng, mây mù u ám, phải tối đen.

3- Cửa mở, thấy thông thương.

4-  Vách bít, thấy ngăn cách.

5- Chỗ phân biệt (là sự vật liền duyên với) thấy các sắc duyên.

6- Chỗ hư không, thấy trống rỗng

7- Chỗ rậm rạp phức tạp, thấy bụi mịt mù

8- Chỗ trời thanh bạch, thấy trong suốt.

          A Nan ! Ông xem các tướng biến hoá như thế. Bây giờ Ta đem các tướng ấy trả về chỗ bổn nhân của nó, tức cái nào trả về cho cái nấy.

          A Nan ! Trong các tướng biến hoá đó :

          1- Sáng hoàn lại (trả về) mặt trời (Vì có mặt trời chiếu mới được sáng).

2- Tối đen hoàn lại đêm không trăng.

3- Thông thương hoàn lại cửa mở

4- Ngăn cách hoàn lại vách bít.

5- Sắc duyên hoàn lại chỗ phân biệt

6- Trống rỗng hoàn lại hư không.

7- Bụi mịt mù hoàn lại chỗ rậm rạp.

8- Trong suốt hoàn lại chỗ trời thanh bạch.

          Tất cả vật tướng ở thế gian, đều không ngoài 8 tướng này.

          - Chỉ rõ kiến tinh không hoàn (vì nó không có nhân duyên. Là vì nó đã sẵn có từ đó tới giờ, mà không gì tạo ra nó cả).

          A Nan ! Tánh thấy (Kiến tinh) trong sáng của ông, nó thấy 8 thứ đó, ông định hoàn (trả về) chỗ nào đây ?

          - Nếu tánh thấy trả về cho mặt trời, thì nó theo tướng sáng của mặt trời đi rồi, rồi khi tối đến, thì lấy gì để thấy tối ?

          - Rõ ràng :  Sáng tối tuy hai tướng khác nhau. ( Đây là lý sanh diệt).- Nhưng Tánh thấy (kiến tinh) không khác, không thay đổi ( Là Chủ- thường trụ).

          A Nan ! Vật nào mà ông hoàn (trả về) được là vật mượn, chứ không phải vật của ông (thì có nhân duyên); còn vật nào mà ông không hoàn (trả về) được, dĩ nhiên là vật của ông, không còn nghi ngờ gì nữa (vì nó vốn sẵn có, nên không có nhân duyên).

          Ông biết Kiến tinh chẳng hoàn được, thì ông biết “ Tâm Chơn Như bổn lai diệu minh thường trụ” ( Chơn Tâm) cũng chẳng hoàn được.

          - Thế nên Kiến tinh là Chủ trong Khách ( Chơn bao trùm vọng)

          - Tâm Chơn Như là Chủ trong Chủ (Tinh trong, toàn thể tịnh cùng một vị)

          - Nếu ông biết Chủ trong Khách ( Ngộ)

          - Tất nhiên biết Chủ trong Chủ ( Ngộ).

          - Vì ông tự mê muội, quên mất Bổn lai Diện Mục ( Tâm Chơn Như nhiệm mầu) của mình nên bị chìm đắm trong biển khổ luân hồi sanh tử. Thế nên Như Lai cho các ông là những người đáng thương xót.

          Nhưng ông A Nan còn thắc mắc : Cái  tâm nghe Phật dạy đây, có nên tin tưởng ở nó không ? Nhưng vẫn nhờ có nó, mới hiểu lời Phật dạy, mới tu theo và mới thành Phật. Nhưng nó là tâm phan duyên (Tâm vọng), tức là nó nương theo lời nói của Phật, vậy nó cũng là loại thinh trần ( vọng).

          Ngài A Nan hỏi Phật : Vậy có nên y theo tâm phan duyên này không ? – Tâm phan duyên (tâm vọng) nó luôn theo trần cảnh, là vong ta bỏ đã đành, vì nó là gốc mọi sự mê lầm, đau khổ.

          Còn tâm nghe pháp của Phật ( Tâm chơn), ta thành kính nghe, ta quý báu pháp, vậy ta phải có thái độ nào với tâm này ?

          Phật dạy : Các ông lấy tâm phan duyên để nghe pháp. Vậy pháp là vật bị duyên ( pháp  chánh thành vọng) chớ không phải Chơn lý ( Chơn Tâm). – Nên tiếng nói của Phật hoá thành thinh trần, rồi mắt ông nhìn thấy Phật, hình ảnh Phật ghi vào tâm ông, nó cũng là sắc trần. Những thứ này đều là vọng cả. 

          Phật đưa ra ví dụ : Có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác hiểu mặt trăng. Đáng lẽ người xem nên theo ngón tay chỉ mà quan sát mặt trăng,  nhưng người xem lại chỉ nhìn ngón tay, rồi cho ngón tay là mặt trăng. Thái độ ngớ ngẩn của người xem, làm ta buồn cười, nhưng tự kiểm, ta thấy đa số chúng ta đều cũng lầm như thế .

          Ví như ta đọc kinh Phật, tôn thờ kinh Phật : - Có người tụng kinh thành kính như cái máy, không hiểu gì cả mà cứ đọc như con vẹt, lại tự nghĩ mình đã hiểu đạo, hiểu kinh, mà cho những người khác không đọc, không làm như mình là không tu; lại có những người học thuộc lòng từng chữ, chấp mê từng câu. Đây là những người mãi ngắm ngón tay mà quên mặt trăng.

   Vậy chúng ta nên nhớ : Lời Phật dạy, giống như ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi, ta nương theo ngón tay chỉ, mà nhìn mặt trăng.

          Vậy ta cũng nương theo lời Phật dạy, mà nhận Chơn lý ( Chơn Tâm). ( Thì đây gọi là Ngộ, vì rời được tướng tâm của Phật chỉ dạy, biết nó là tướng phương tiện).  Có nhận được Chơn lý ( Chơn Tâm) mới nương theo đó mà tinh tấn tu hành. Như ngón tay chỉ trăng (là vọng), danh từ chữ nghĩa là phương tiện để truyền đạt, ta không nên bám chấp, nô lệ vào đó.

          Ngài A Nan hỏi Phật, bạch Đức Thế Tôn ! Sau khi nghe Phật dạy :

          1/ Chỉ tánh thấy Tâm ,  vốn nó  “ thường trụ”

          2/ Và biết thể tánh của Tâm , là vốn “ không động”

          3/ Và biết thể tánh của Tâm , là vốn “ không diệt”

          Và biết thể tánh của Tâm , là vốn “ không mất”

          4/ Và biết thể tánh của Tâm , là vốn “ không hoàn”

          5/ Và biết thể tánh của Tâm , là vốn “ không tạp”

          Mặc dầu con nhận biết được  “ Tánh Thấy” này, không hoàn trả về cho cái gì được, nhưng làm sao chắc biết rõ “ Tánh Kiến Tinh” là “ Chơn Tánh” ( Chơn Tâm) của con đây ?

          - Phân biệt rõ ràng : Năng kiến và Sở kiến ( Là người thấy và cảnh vật bị thấy) . Qua năm cách thấy như sau :

          1-Thiên nhãn : A Nan ! Nay ông chưa chứng được quả vô lậu thanh tịnh (chưa thấy Chơn Tâm), nhưng nhờ thần lực của Phật mà ông thấy được cõi Sơ thiền, không bị ngăn ngại.

          2- Tuệ nhãn : ( là thấy chân thật rõ ràng, cái thấy biết Chơn không vô tướng rất rõ ). Ông A Na Luật thấy thế giới Diêm Phù đề như thấy trái A ma la trong bàn tay.

          3- Pháp nhãn :  Thấy tất cả pháp, thấy cùng tột các đạo) Chư Bồ tát thấy trăm ngàn thế giới và 100 ngàn tỷ thế giới.

          4- Nhục nhãn :  Cái thấy tỏ rõ, ở trong phạm vi ngăn bít, nên thấy cảnh vật bị lầm, mà cho cảnh vật là thật). Sức thấy của chúng sanh không quá một gang tay.

          5- Phật nhãn  ( Gồm 4 cái thấy trước, và thấy đầy đủ thông suốt vô tận ) Thập phương Như Lai thấy tất cả quốc độ thanh tịnh nhiều như bụi nhỏ, không chỗ nào không thấy.

          Tuy năm sức thấy kể trên có khác nhau, nhưng Tánh thấy đều giống nhau.

          A Nan ! Nay Ta cùng ông xem cung điện của Tứ Thiên Vương ( Cảnh trời thấp nhất của Dục giới).

          Ta thấy các loài lội, đi, bay, chạy, có sáng có tối, nhưng tất cả đều là tiền trần phân biệt làm ngăn ngại tánh thấy của ông. ( Thuộc về cảnh vật).

          - Vậy ông hãy căn cứ vào những thứ trên :

          - Chia rõ ràng cái nào là mình (Năng kiến ) ( Cái thấy của ta).

          - Cái nào ở bên ngoài là vật     ( sở kiến )  ( Cái bị thấy )

          - Bây giờ ông hãy chọn ở trong “ cái thấy”

          - Cái nào là ta ( Chủ )   :  “ Tâm”

          - Cái nào là vật ( Khách ) : “ Cảnh vật ”.

           -  Chia rõ vật và cái thấy :

          a/ Vật không phải là Tánh thấy :

          A Nan ông lấy cùng tột tầm mắt thấy của ông, ngó lên thấy mặt trời mặt trăng, đó là vật chớ không phải ông. ( Cảnh vật- Sở kiến).

          - Xem tới khắp núi Thất Kim (7 núi vàng ở cõi Tứ Thiên Vương), tuy có nhiều thứ quang minh, nhưng cũng là vật, chớ không phải ông ( Cảnh vật – Sở kiến).

          - Từ từ xem rộng ra như : mây kéo, chim bay, gió thổi, bụi bặm, cây đá, núi sông, cỏ hoa, nhân súc v.v… thảy đều là vật chớ không phải ông. ( Cảnh vật – Sở kiến).

           b/ Tánh thấy không phải vật :

          - A Nan ! Tuy các vật có gần có xa, có hình sắc khác nhau ( Sở kiến- vật bị thấy ), nhưng cũng đều do kiến tinh thanh tịnh của ông nhìn thấy cả ( Năng kiến ) ( là Tâm). – Vì thế các vật tự có sai biệt ( Khách), chớ kiến tinh (Tánh thấy) của ông không sai biệt (Chủ).

          Thế thì cái “ thấy” này chính là “ Tâm” của ông, chớ không phải “ Vật”.

          Phật nói rõ thêm : “ Tánh thấy là Tâm, không phải vật”.

          - A Nan ! Nếu cái “ thấy” là “ vật” ( sở kiến vì vật nhìn thấy được), thì ông cũng có thể thấy được “ cái thấy” của Ta ( năng kiến, là Tánh thấy “Tâm”) nhưng ông lại không thấy.

          -  Nếu ông và Ta đồng thấy một vật (bị thấy), mà ông cho là thấy được “ cái thấy” của Ta. ( Cái thấy đây là Tánh thấy (Tâm), chớ không phải thấy cái vật bị thấy, là món đồ). Còn Ta lại không thấy “ cái thấy” của Ta. ( Tức là Phật muốn nói Phật không thấy cái Tánh thấy của Phật, vì nó là Tâm, nên không thấy, chỉ có vật mới thấy được).

          - Sao ông lại chẳng thấy được cái “ không thấy”của Ta ( Vì cái không thấy này là Tâm, không phải vật, nên chẳng thấy được nó).

          Còn nếu nói “ thấy được cái không thấy” của Ta, thì rõ ràng là ông thấy cái gì ( tức là thấy vật) chớ thật sự là không phải thấy được “ cái không thấy” (là Tâm) của Ta.

          - Vậy ông và Ta không thấy được cái thấy đó, vì biết nó không phải vật, tất nhiên nó là Tự Tánh của mỗi người.

          Cho Tánh thấy là “ Vật”, thì có hình tướng, nên sẽ bị thấy ( sở kiến), nhưng đây không thấy nó được, vì nó là “ Tâm” vốn không hình tướng, nên không thấy.

          A Nan ! Cái thấy tuy đồng, nhưng ông thấy, tức là cái thấy của ông. Ta thấy, tức là cái thấy của Ta, phần ai nấy thấy. Thế thì cái thấy bao trùm của ông, thiệt là Chơn Tánh của ông.  Nếu không tin Chơn Tánh (Tâm) của ông ở nơi ông, lại chấp pháp âm ( tiếng nói, là vật của thanh trần) của Ta, mà cầu cái “ Tâm” nào khác, như thế ông đã sai lầm.

          Phật chỉ một tánh nữa của “ Tánh thấy” là “ không tạp”, tức nó không lẫn lộn với vật.

          Phật nói chúng sanh có thói quen từ vô thỉ là cứ nhận vật là mình, nên mới đau khổ.  Thí dụ  : Một người sống trong đời, thành công thì vui, thất bại thì buồn : Mãi đua tranh danh lợi, tài sắc; nào ăn, ở, mặc, lại xã giao; rồi thương yêu phải xa lìa, oán ghét phải gặp, cầu không toại nguyện, cùng các ác duyên, nghịch cảnh, lao đao, lận đận. Các oan gia, trái chủ, triền miên trong cuộc đời v.v.. còn thêm thiên tai, ách nạn vô biên, thân bệnh hoạn, già nua trói buộc. Những hoàn cảnh trên nó chi phối con người hoàn toàn.

          Cũng vì ta cho các cảnh này là mình, vật này là mình, nên lẫn lộn Chơn lý (Tâm) và sự vật ( là cảnh bên ngoài). (Ý nói ta tự tạo ra “ Tâm” với “ Vật”, nó lẫn lộn với nhau.)

           Phật biết thế nên chia rõ ràng hai thứ :

          1- Cái Tánh thấy, tức là Năng, Chủ, nó nhìn sự vật.(Nó được gọi là “ Tâm”).

          2- Vật, tức là Sở, Khách, là cảnh bị nhìn.

          Tánh thấy, bổn thể nó không rộng hẹp dài ngắn, nhưng tuỳ theo trình độ chúng sanh ( là xác nghiệp nó nương gá) mà có thể rộng hẹp dài ngắn  khác nhau.

          - Còn sự vật, cũng bao trùm pháp giới, có gần xa, có lớn bé, hình dáng khác nhau.

          - Ta phải phân biệt rõ ràng “ Vật” và “ Tánh thấy”:

          - Vật có sai khác .

          - Tánh thấy, của mỗi chúng sanh đều giống nhau, không sai khác.

          - Nên biết rõ : Ta là Chủ (Tâm), thì không bị Vật, bị cảnh ngoài lôi cuốn nữa (Khách ).

          Ta phân biệt rõ ràng :- Cái gì là Ta, “Chủ” và “ Tánh thấy”.

                                         - Cái gì là Vật, “ Khách” là cảnh vật ngoài.

          Giải thích về Tánh thấy :

           Tánh thấy tức là nhãn thức. Nhãn thức là một trong tám thức Tâm vương. Tánh thấy vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu, nó tiếp thu trần cảnh, nó chỉ thu nhận “ tánh cảnh” và “ hiện lượng” cho nên Tự Tánh của cái thấy vốn không có tội lỗi gì. ( Như tấm gương chiếu). Nó là hiện tượng biểu hiện của “ Chơn Tâm”, nó gần với bản chất thanh tịnh của Chơn Tâm hơn các hiện tượng khác. Nó ví như mặt trăng thứ hai, do mắt bệnh mà thấy, chớ không do điên đảo hư ảo như bóng trăng hiện ở đáy nước.

          Kỳ thật, Tánh thấy “ cảnh hiện lượng” ( cảnh hiện bày mọi sự việc) là đặc tánh chung của năm thức bên ngoài ( nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân), năm thức này nó hoạt động trong hoàn cảnh là “ tùy duyên” theo bên ngoài.   Còn  “Ý thức”, đối với sự hoạt động của con người, tương đối nó thường trụ túc trực hơn năm thức ngoài, nhưng Ý thức không có mặt trong năm trường hợp sau :

  1- Vô tưởng thiên : cảnh trời không nghĩ tưởng ( Chấp không)

  2- Vô tưởng định :  Ngoại đạo tu thiền, diệt tất cả tâm tưởng.

  3- Diệt tận định :  cảnh thiền diệt tận, là dứt hết.

  4- Ngủ không chiêm bao : tâm được yên tịnh.

  5- Khi chết ngất :  tạm thời bất tỉnh

          - Lục thức tác động vào lục căn, nó hiển bày ra sự nhận thức ( cái biết) của con người.   Còn đối tượng nhận thức ( cái biết) của năm thức bên ngoài là “ tánh cảnh” ( cảnh vật hiển bày) như : các sự vật có bản chất cụ thể, rờ mó cầm nắm được, gọi là Vật.   Chủ thể nhận thức là tâm thì biểu hiện thông qua lục căn ( sáu giác quan) nhưng vì nó không có hình dạng, mà chỉ thấy có tác dụng, nên gọi nó là Tâm. – Mà “ Tâm” này và “ Vật” đều là tướng hiển bày từ Thể tánh tịnh minh, Như Lai Tạng bản thể cả ( Chơn Tâm). ( Tức Tâm này cùng với Vật, đều sanh từ Chơn Tâm cả). Nên không gian (Thế giới) cộng “ Thời gian” (Vũ trụ) thành bản thể Như Lai Tạng vậy.

          Phật chỉ Tánh thấy không bị ngăn ngại :

          - Ngài A Nan nghi hỏi : Cái thấy có lớn nhỏ, đứt nối không ?

          - Bạch Thế Tôn ! Nếu cái thấy này quyết định là tâm của con, chớ không phải của ai khác, thì khi Như Lai và tôi xem cung điện Tứ Thiên Vương, nơi cung Nhựt Nguyệt, cái thấy trùm khắp cõi Ta Bà, đến khi trở về tinh xá chỉ thấy ở ngoài vườn và vào trong nhà chỉ thấy giới hạn của một căn phòng mà thôi.

          Bạch Thế Tôn ! Tánh thấy vốn trùm khắp các cõi, mà sao nay ở trong nhà chỉ thấy một căn phòng mà thôi, vậy tánh thấy này tự thâu hẹp lại, lớn thành nhỏ, để chui vào nhà, hay là khi vào nhà nó bị tường vách ngăn trở, xin Phật từ bi giảng dạy .

          - Phật chỉ dạy. ( Trần cảnh : có lớn, có nhỏ. Tánh thấy : không lớn, không nhỏ ).

          Phật dạy  Tất cả sự vật ở thế gian, lớn nhỏ, trong ngoài, tốt xấu .v.v… đều thuộc về tiền trần (Cảnh) cả. Tiền trần hữu tình nên có thâu hẹp, có hạn chế, chớ không phải tánh thấy của ông có lớn, có nhỏ, tóp lại hay phình ra.

          Ví như trong đồ vật vuông, thì thấy hư không vuông. Ta hỏi ông : Hư không vuông đó nhứt định hay không nhứt định ?  Nếu nhứt định là vuông thì khi dùng một vật tròn, hư không phải không tròn. Nếu không nhứt định là tròn thì khi để đồ vật vuông, đáng lẽ không thấy nó vuông.

          - Vậy nên biết : Vuông hay tròn là tại đồ vật, chứ không phải hư không có vuông hay tròn. Nếu bỏ hết các đồ vật vuông tròn thì ông sẽ thấy hư không không có tướng vuông tròn.

          Không phải bỏ hư không vuông mà có hư không tròn, không phải bỏ hư không tròn mà có hư không vuông.  Vậy cái thấy của ông cũng thế: Bản thể của nó không có vuông tròn, lớn nhỏ, xa gần. Còn có vuông tròn, lớn nhỏ, xa gần là tùy theo cảnh vật. Nghĩa đó như vậy, chớ có chi lạ mà ông nói không biết.

          Phật quở : A Nan ! Như ông nói : Khi vào trong nhà, tánh thấy nhỏ lại, thì khi nhìn mặt trời, ông đâu có kéo cái thấy dài tới mặt trời.

          Còn vách tường ngăn dứt, nên đứt đoạn, nay ta thử soi một lỗ nhỏ vách, sao không thấy đầu nối. Vậy biết lý lẽ của ông không đúng.

          Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, mê mình làm vật ( lấy Tâm làm vật), quên mất Bổn Tâm mình, nên không chuyển được vật, trái lại bị vật chuyển, nên đối với tiền trần mới thấy có lớn có nhỏ.

          - Vì thế tánh thấy bị tiền trần làm trở ngại, ví như tuyết vốn là nước, nhưng khi nước kết thành tuyết, thì tuyết làm trở ngại cho nước.

          - Nếu ta để Vật chuyển Bổn Tâm thì làm chúng sanh.

           - Nếu ta để Bổn Tâm chuyển được Vật thì tâm và thân được sáng suốt, tự tại vô ngại, viên thông sự lý đồng với chư Phật. Lúc bấy giờ không cần rời đạo tràng mà có thể ở trên đầu sợi lông cũng trùm khắp thập phương thế giới.

          Ghi chú :

          -Mê mình làm vật ( lấy Tâm làm vật ).  Tức từ thể tánh Chơn Tâm, vì vô minh vọng động, nên sanh ra có hư không, thế giới, chúng sanh, và các cảnh vật rồi nhận những cái này là thật, mà quên mất cái đã sanh ra những cái này, nên gọi là mê mình làm vật.

           - Để vật chuyển xoay (Tâm thành vật ). Đến khi vô minh vọng động hết, trở về với thể tánh Chơn Tâm, thì các cảnh vật ấy không còn nữa.   Như người tỉnh mộng, thì cảnh chiêm bao kia hết. Nên nói xoay chuyển được vật

          - Trên đầu sợi lông :  Lúc bấy giờ, một sợi long hay thập phương thế giới cũng đều là Chơn Tâm cả.  Đã đồng là Chơn Tâm, thì không còn thấy thế giới lớn hơn sợi lông, hay sợi lông nhỏ hơn thế giới.  Vì đồng một thể tánh, nên nói trên đầu sợi lông có thể chứa đựng thập phương thế giới.

          Phần ghi thêm :

  Thức ấm  là hư vọng, vốn không phải nhân duyên, hoặc tự nhiên.

- Nhân duyên là tánh do các duyên hợp lại mà sanh ra.

- Tự nhiên là tánh tự mình sẵn có vậy.

- Thức ấm là tánh rõ biết của chúng sanh.

-Nghiệp thức là bỏ thân này lấy thân khác, luân hồi đời nọ sang đời kia.

- Thức ấm là che không cho thấy pháp giới bao la, cứ bo bo (nhất thiết không chịu rời bỏ cái sẵn có, mà khư khư giữ lấy, không thay đổi) trong cái thân, cái nhỏ hẹp của một chúng sanh.

- Vì thế, với mắt Phật, Thức ấm cũng là “ hoa đốm ở hư không”. Nên vô không khứ lai. Hư không, không tới lui, ra vào.  Vô thức sanh diệt : không thức thì dứt chỗ sanh diệt.

- Đứng về hình tướng (hiện tượng) các pháp thấy có sanh có diệt, có khứ, có lai.  – Đứng về bản thể (bản tánh) thì tìm kiếm cái sanh diệt, mê ngộ, khứ lai, quyết không thể được.

- Ấm là ngăn che trong tâm hồn chúng sanh. Những thứ nghiệp hữu vi chấ chứa nó che mất Chơn lý, gọi là “ Ấm”-

- Có 5 ấm là  Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.

  Nói chung  tất cả sự vật trong cảnh giới của chúng sanh đối với Phật đều là “ hoa đốm ở hư không”. Cho nên mắt lành, thấy rõ hư không, thật rỗng suốt.  Mắt bệnh thấy hoa đốm nhấy lăng xăng ở hư không.

- Mắt lành : dụ với trí biết của Phật.

-Mắt bệnh : dụ với mê lầm của chúng sanh.

-Hoa đốm : dụ cảnh giới chúng sanh.

- Hư không : dụ cảnh giới thật của Phật.

 Đối với người mắt lành, không có hoa đốm, biết rõ hoa đốm là hư vọng, do mắt bệnh thấy lầm, biết rõ hư không, không hề sanh hoa đốm.

- Phật muốn chỉ cho chúng ta biết hoa đốm không phải thật, hư không là hư không, tuyệt nhiên không có hoa đốm, hoa đốm không phải hư không sinh ra.

- Nên nhớ tất cả cảnh vật chung quanh ta, tất cả tâm hồn ta, trí biết của ta, đều là “ hoa đốm ở giữa hư không” cả.

- Cảnh giới Phật bao trùm khắp pháp giới bao la gọi là pháp giới.  cảnh giới đó khác hẳn những thứ ta tưởng tượng ra, ví như hư không khác hẳn hoa đốm.

  ( ví như cảnh giới trên khô, khác hẳn với cảnh giới dưới nước. Con rùa giải thích cách nào cho con cá dưới nước hiểu cũng không được. Cái thấy của con rùa dụ cho cái thấy của Phật thấy rõ cảnh giới hai thế giới phàm và thánh, cái thấy của con cá dụ cho cái thấy của phàm phu, chỉ thấy một cảnh giới dưới nước mà thôi ).

 - Công Năng của 5 căn :   Năm căn chỉ duyên theo địa thế riêng của mình như :

  -Nhãn căn chỉ thấy chứ không duyên nghe

- Nhĩ căn chỉ nghe chứ không duyên ngửi

- Tỷ căn chỉ ngửi chứ không duyên nếm

- Thiệt căn chỉ nếm chứ không duyên xúc

- Thân căn chỉ xúc chứ không duyên hiểu biết, phân biệt.

- Duy chỉ có ý căn năng duyên hiểu biết, phân biệt hàm súc cả năm căn, bất luận chỗ nào năm căn, không duyên được thì ý căn duyên được, vì thế gọi là Tánh giác tri (Tánh hiểu biết).

 Tuy nhiên nếu rời hai thức Vọng Trần, sanh diệt, trong khi thức, ngủ thì rốt ráo tánh hiểu biết này không có tự thể (tức tự nó không có tự hiểu biết được).

- Trong mỗi cá thể có hai tướng hình thành : Sắc và Tâm. – Sắc ( tướng) là phần vật chất, có năm tướng hợp thành : Đất, nước, gió, lửa và không ( hư không)  sắc pháp.

- Tâm (Tánh) là phần tinh thần : do hai tướng hợp thành : Kiến và thức ( thấy và biết).  (Tâm pháp).

- Sắc + Tâm hiệp lại, gọi là Pháp. Khi Sắc + Tâm hiệp thành một cá thể ( là người hay vật v.v..) thì cá thể đó hiện tướng thành 5 món : Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức nó làm chủ, đại diện cho thân xác đó hoạt động theo tướng giả hợp này, mà nó cũng là giặc ngăn che mờ Chơn Tâm.

 Rồi sắc thân này tiếp xúc với ngoại cảnh, sanh 6 căn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, mỗi cái có cái biết riêng. Nhưng ý căn làm chủ 5 căn kia, sự hiểu biết của nó vượt xa hơn 5 căn kia.  Cho nên Phật đưa ra 6 căn, là 6 cửa mở ra, để tiếp nhận các trần- tướng bên ngoài nhập vào, để cho Chơn Tâm làm sáng vật, gọi là Lục nhập.

  Phật nói : Tất cả hình tượng, từ vật chất đến tinh thần, hết thảy hiện tượng đều là vọng cả, không phải chơn. Đây chỉ là phương tiện để ta tạm mượn du nhập vào cảnh giới mộng trong chốc lát mà thôi.

- Nếu ta biết tỉnh ngộ, thì 6 căn này nó biến thành Lục thần thông ( gọi là Tâm Tịnh Độ). Nghĩa là mọi sự đều trở thành thanh tịnh vi diệu ( Tự Tại Bồ Tát). Vì lẽ đó Phật đưa ra Lục nhập, chỉ bày giải thích phần vọng của 6 món này cho ta nhìn thất rõ vọng mà hiển Chơn Như.

1/ Nhãn nhập :Là Tánh thấy vốn thanh tịnh, nhưng muốn thấy cảnh mộng thì mượn cảnh mộng, là qua cửa của căn mắt phải nhờ sáng-tối, mới tỏ vật ( là biết).

2/ Nhĩ nhập  Là Tánh nghe vốn thanh tịnh, muốn nghe phải mượn qua cửa căn tai, phải nhờ duyên động-tịnh mới tỏ vật là nghe tiếng được.

3/ Tỷ nhập : Là Tánh ngửi vốn thanh tịnh, muốn ngửi biết phải mượn cửa của căn mũi, phải nhờ duyên, thông, bít mới tỏ được mùi.

4/ Thiệt nhập : Là Tánh nếm vốn thanh tịnh, muốn nếm biết phải mượn cửa của căn lưỡi, phải nhờ duyên đắng, ngọt, lạt mới tỏ vật là biết vị được.

5/Thân nhập : Là Tánh xúc vốn thanh tịnh, muốn biết cảm xúc phải mượn qua cửa của căn thân, phải nhờ duyên nóng, lạnh, hiệp, ly mới tỏ vật, mới biết nóng, lạnh, hiệp, ly được.

6/ Ý nhập : Là Tánh biết vốn thanh tịnh, muốn biết phải mượn qua cửa của ý, phải nhờ duyên : Sanh, trụ , dị , diệt mới tỏ vật mà biết được các vật.

   Qua 6 tướng Phật đưa ra rõ ràng Tánh của nó là thanh tịnh, còn Tướng của nó vốn là hư vọng như hoa đốm. Do mắt bệnh mà thấy biến tướng như vậy. Nên nó không phải do nhân duyên hay tự nhiên mà có, là do chúng ta bệnh từ vô thỉ đến nay vẫn chưa hết bệnh, nên mới thấy nó như thật vậy ./.

( Trích phần đầu Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải của  THÍCH TRÍ THÀNH- Thiền Viện Chơn Đức- 2008)

{]{

  ( Duyên khởi kinh Thủ Lăng Nghiêm xin dừng tại đây. Những lời Phật dạy trong kinh Lăng Nghiêm rất nhiều bao gồm cả vật lý tâm lý không đủ thời gian để tiếp tục dẫn chứng thêm. Nội dung trong phần duyên khởi được trích như trên, nếu đọc hết chúng ta cũng có thể cảm nhận được Tâm tánh chúng ta có hai phần : Chơn và Vọng. Hiểu được Chơn và Vọng chúng ta sẽ có cơ hội một ngày nào đó chúng ta sẽ đạt được Tự tánh sẵn có của mình. Khi đã ngộ được Tự tánh sẵn có của mình rồi, lúc đó sự tu tập của Ta đã đến đích giải thoát rồi, không còn tìm cầu nữa. )

    Kinh Thủ Lăng Nghiêm gồm 10 tập rất dài nơi đây chỉ trích dẫn một phần của tập 1& 2.

  Kinh Phạm Võng dạy : Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô thường, mau như nước dốc. Ngày nay dầu còn, khó bảo đảm được ngày mai. Đại chúng ! Mỗi người nên nhứt tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biếng nhác trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhiếp tâm niệm Phật tham thiền. Chớ để thời gian luống qua vô ích, mà sau này phải ăn năn.

   Vì thế mỗi người nên để hết tâm nghiên cứu, rồi nương theo lời Phật chỉ dạy mà nhứt tâm y giáo phụng hành thì nhiên hậu sẽ đạt được diệu quả Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Góp phần làm cho quốc thái dân an, chúng sanh an lạc. Phước huệ trang nghiêm Bố đề tâm tăng trưởng.

{

LỜI DẪN NHẬP DUYÊN KHỞI KINH LĂNG NGHIÊM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét