Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

TINH THẦN BỒ TÁT NHẬP THẾ CỦA TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ

 

TINH THẦN BỒ TÁT NHẬP THẾ CỦA TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ 

 (  Thích nữ Tâm Vương)

Tuệ Trung Thượng Sĩ là một trong những nhà thiền học thông tuệ nhất của Phật giáo thời Trần. Ông không chỉ là một thiền gia đạt ngộ sâu sắc, mà còn là một nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà quân sự mưu lược. Nếu như vua Trần Thái Tông được ví như người châm bó đuốc đầu tiên cho thiền học thời Trần, thì Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là người thổi bùng lên ngọn đuốc ấy, để ánh sáng thiền chiếu tỏ dân tộc Đại Việt. Tư tưởng “Vạn pháp chi tâm tức Phật tâm” và “hoà quang đồng trần” của ngài chính là biểu hiện của tinh thần Bồ tát sẵn sàng dấn thân vào đời. Tinh thần ấy đã thấm nhuần vô dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, được ba vị Tổ Trúc Lâm: Sơ Tổ Trần Nhân Tông, nhị Tổ Pháp Loa, tam Tổ Huyền Quang kế thừa và phát huy xuất sắc. Đến nay, âm vàng của tinh thần đó vẫn được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp nối và trở thành phương châm hoạt động :  Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”. Đây chính là tinh thần nhập thế của các vị Bồ tát, đưa đạo vào đời, mang ánh sáng giác ngộ và lòng đại bi soi tỏ thế gian, giúp người mê tìm về bến giác.

          Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230- 1291) tên thật là Trần Tung, con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, anh ruột của Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm.. Sau khi An Sinh Vương mất, ông được vua Trần Thái Tông phong hiệu là Hưng Ninh Vương. Theo nhận xét của vua Trần Nhân Tông. Tuệ Trung là một người có khí lượng thâm trầm, phong trần nhàn nhã, từ nhỏ đã có phẩm chất cao sáng, thuần hậu, sớm yêu mến cửa không. Ngài đến tham vấn với thiền sư Tiêu Dao ở tịnh xá Phước Đường và thờ thiền sư làm thầy.

          Trần Tung hai lần có công chỉ huy đánh bại quân Nguyên xâm lược (1285- 1288). Sau khi thắng trận, ông được thăng chức Tiết độ sứ trấn giữ hải đạo Thái Bình. Không lâu sau ông lui về ở ẩn tại ấp Tịnh Bang ( Hải Phòng) đổi tên là Vạn Niên, lấy hiệu là Tuệ Trung, lập Dưỡng Chân trang để tọa thiền và tu tập…..

 

          TINH THẦN BỒ TÁT NHẬP THẾ CỦA THƯỢNG SĨ

          Tuệ Trung Thượng Sĩ người ta thường ca ngợi ông với hình ảnh một triết gia lỗi lạc, một thiền sư tiêu sái, một nhà thơ, một quân sự tài ba, một Bồ tát nhập thế. Tất cả những phẩm chất vô ngã vị tha, dũng cảm ( Bi,Trí, Dũng) của Tuệ Trung đều là biểu hiện của một vị Bồ tát dấn thân vào đời, đem ánh sáng hòa vào thế tục. Trong bài  Vào cát bụi” của Thượng Sĩ đã nói lên tinh thần và hạnh nguyện rộng lớn của ngài đối với chúng sanh.

          ĐẠI BI : Phẩm chất Đại Bi tượng trưng cho tình thương và hạnh nguyện rộng lớn của một vị Bồ tát, nó là tư lương để Bồ tát bắt đầu bước trên con đường hóa độ chúng sinh.

          Xăm xăm cất bước vào bụi đời

          Vàng óng đầu mi, mở khơi khơi

          Xóm bắc rong chơi vào bụng ngựa

          Nhà đông cười nói nhập thai lừa

          Roi vàng đánh đuổi trâu đất chạy

          Dây sắt lôi đầu cọp đá về

          Rồi một ngày mai băng giá hết

          Trăm hoa như cũ rộn xuân đài.

             ( HT Thích Thanh Từ dịch )

          Xăm xăm cất bước vào bụi đời,Vàng óng đầu mi, mở khơi khơi

          - hai chữ  xăm xăm” đã thể hiện tinh thần xông pha, không ngại ngùng, không e sợ, dám bước thẳng một mạch vào cõi đời bụi bặm của Thượng Sĩ. Không những vậy, ông bước vào đời bằng phong thái sáng ngời, không hề lấm lem bụi trần. Đây là tinh thần một vị Bồ tát đến với đời vì hạnh nguyện mà không sợ hãi, cũng không bị nghiệp lực dẫn lối, không bị uế trược ô nhiễm, đầy đủ phong thái và tự tại.

          Và hạnh nguyện của Tuệ Trung Thượng Sĩ chính là “Xóm bắc rong chơi vào bụng ngựa.        Nhà đông cười nói nhập thai lừa.Roi vàng đánh đuổi trâu đất chạy.          Dây sắt lôi đầu cọp đá về”. Đối với các bậc Bồ tát, ở đâu còn có chúng sanh khổ đau thì các Ngài sẽ có mặt ở tại đó, dù cho đó là việc tái sanh vào bụng ngựa, thai lừa. Việc ra vào trong ba cõi nhẹ nhàng như đi chơi, chỉ là vui đùa, không có gì đáng sợ. Bởi các ngài vào cõi trần bằng hạnh nguyện, bằng trí tuệ nên thấy nhẹ nhàng, còn chúng ta vì nghiệp lôi dẫn nên mới sinh tử luân hồi, bị trói buộc, không được tự tại.

          Roi vàng đánh đuổi trâu đất chạy.    Dây sắt lôi đầu cọp đá về”. Vì Bồ tát đã chứng được thực tướng, luôn luôn sống được với thể tính chân thật, từ ngay nơi bản thể ấy mà tùy duyên, tùy cảnh ứng ra diệu dụng, biểu hiện thành mọi hình tướng không thể nghĩ bàn. Đối với “ trâu đất” thì dùng roi vàng đánh đuổi, đối với “ cọp đá” cần dây sắt lôi đầu. Tùy cơ mà phát dụng, hiển tướng khiến cho chúng sanh được lợi ích lớn.

          Bồ tát ra vào cõi sanh tử như trở bàn tay, với đại diệu dụng tùy căn cơ mà  hóa độ chúng sanh, có thể thấy công hạnh vô cùng lớn lao. Nhưng đối với Thượng Sĩ một khi Bồ tát đã hoàn tất hạnh nguyện, làm xong tất cả lợi ích chúng sanh mà nhìn lại không thấy bản thân đã từng làm gì đó chính là phút giây viên mãn nhất :

      “Rồi một ngày mai băng giá hết

          Trăm hoa như cũ rộn xuân đài.”

          Cả bài thơ đã thể hiện trọn vẹn hình ảnh của một vị Đại Bồ tát : Thượng Sĩ bước vào cuộc đời đầy bụi bặm với lòng đại bi và hạnh nguyện rộng lớn.  Siêu vượt mọi hình tướng mang ánh sáng giác ngộ soi tỏ cho thế gian ( hòa quang đồng trần).

          TRÍ TUỆ : Trên con đường hoằng pháp độ sanh, một vị Bồ tát nếu chỉ có lòng đại bi và thiếu đi trí tuệ thì việc độ sanh chẳng những khó thành tựu mà việc tự độ của bản thân cũng bị lui sụt. Bởi nếu không có một cái nhìn trí tuệ, thấu suốt về ngã và pháp thì việc tu học, độ sanh sẽ vô cùng chướng ngại. Bồ tát rất dễ vướng vào danh lợi, bỉ, thử, và khi đó việc độ sanh có thể trở thành công cụ cho danh tiếng, tiền tài, đi ngược với tinh thần giải thoát của đạo Phật.

           Đối với Tuệ Trung Thượng Sĩ, Ngài đã thể hiện tinh thần vô ngã,vô phân biệt  khi nhận định rằng  Tâm của vạn pháp ( Tâm của mọi chúng sanh) đồng với tâm Phật và tâm của chính mình.

“Tâm của vạn pháp là tâm của Phật,

 Tâm Phật cũng phù hợp với Tâm Ta,

 pháp là như thế đấy, suốt xưa nay.”

          ( Phật Tâm ca – HT Thích Thanh Từ dịch ).

   Nếu không phải là bậc giác ngộ sâu sắc thì khó có cái nhìn dung thông, thấu triệt như vậy . “Tâm của vạn pháp là Tâm của Phật” đây chính là cái nhìn từ trí tuệ Bát Nhã siêu việt, tương ưng với câu trong kinh Kim Cương “ Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp”. Ở đây, Thượng sĩ dùng chữ “Tâm của vạn pháp” nhằm nhấn mạnh yếu tố “ ngã không” tức là  không có một chúng sanh nào tồn tại độc lập, có ngã riêng, mà tất cả đều tương tức, tác động qua lại lẫn nhau. Hay sâu xa hơn, chữ “ Tâm” mà Tuệ Trung  dùng nhằm nói tới Phật tính bản hữu nơi mỗi con người, vì ai cũng sẵn có Phật tính đó nên “ Tâm” của chúng sanh cùng “Tâm” của Phật không khác biệt, có thể thấy, trong quan niệm vô ngã của Tuệ Trung, tuy ngôn từ diễn đạt có khác nhưng  về nghĩa lý hoàn toàn khế hợp với tinh thần độ sinh của Bồ tát mà đức Phật đã thuyết trong kinh Kim Cương  “ Nầy ông Tu Bồ Đề ! Nếu một vị Bồ tát mà còn vướng mắc vào các khái niệm về Ngã, Nhân, Chúng sanh và Thọ giả thì vị ấy chưa phải là vị Bồ tát chân thật”.

  DŨNG : Trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông, Trần Tung đã sát cánh cùng các triều đình và quân dân nhà Trần kháng chiến, bảo vệ đất nước, thể hiện một vị tướng quân dũng mãnh, mưu lược. Đối với chúng sanh, đối diện với sống và chết là điều đáng sợ nhất, nhưng theo Thượng Sĩ việc “ sống chết nhàn mà thôi”.

                    “ Sanh tử xưa nay tự tánh không

                    Thân huyễn hóa này rồi sẽ diệt

                   Kẻ ngu điên đảo sợ lo sống chết

                   Người trí suốt nhàn vậy thôi’

          Có được cái an nhàn tự tại trước sống chết như Thượng Sĩ, chỉ có thể là bậc Bồ tát đại dũng lực, trong Phật giáo tinh thần “ Vô uý” là tinh thần không sợ hãi trước bất kỳ hoàn cảnh nào, đối tượng nào, cái tinh thần “ Vô uý” mà Ngài chứng thực ngay phút cận kề sanh tử cuối cuộc đời từ giã cái huyễn thân trở về với cảnh giới hư vô bất diệt.   Thượng Sĩ nằm trên một chiếc giường gỗ, giữa nhà trống theo thế kiết tường, nhắm mắt mà tịch. Các người hầu và thê thiếp trong nhà khóc rống lên. Thượng Sĩ mở mắt ngồi dậy lấy nước rửa mặt súc miệng rửa tay, rồi quở nhẹ : “ Sống chết là lẽ thường, đâu nên buồn thảm luyến tiếc, làm nhiễu động chân tánh ta” nói xong Ngài an nhiên thị tịch

   Hình ảnh ra đi của Thượng Sĩ thật nhẹ nhàng và tự tại, nói lên cả một nội lực phi thường, vượt lên sự giày vò của thân tứ đại lúc tan rã, cũng như guồng quay nơi tâm thức. Sức mạnh này chỉ có nơi những bậc đại sĩ mà thôi.

  Và năm vị vua đời Trần cũng đã có được sự “ Vô uý” trước sanh tử như vậy. Trước Thượng Sĩ là vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông, tiếp sau là vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Tất cả các vị đều ra đi trong sự bình thản, đầy tự chủ. Tư tưởng này đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm thức con dân nhà Trần nói riêng và thấm nhuần nơi mọi con người Việt Nam nói chung, tạo nên một Đại Việt với tinh thần bất khuất, quật cường không sợ sống chết. Điều ấy đã tạo nên một sức mạnh tập thể, là một trong những nguyên nhân để đất nước Đại Việt bé nhỏ chiến thắng được bao cuộc chiến tranh xâm lược của các đế quốc hùng mạnh.

  Có thể thấy, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã hấp thụ trọn vẹn tư tưởng Bồ tát của Đại thừa, Ngài sẵn sàng hoà vào trong cuộc đời thế tục để hướng dẫn chỉ dạy cho chúng sanh với một phong thái đầy tự tại, tiêu sái, không chút e dè, sợ hãi. Ngài chính là một bậc Đại sĩ nhập thế đầy đủ Bi-Trí-Dũng, là tấm gương tiêu biểu đưa đạo vào đời, từ đó tư tưởng của Ngài đã được lan toả, thấm nhuần  trong tinh thần của Phật giáo Việt Nam  nói riêng và cả toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung ./.

( Trích Tinh thần Bồ tát nhập thế của Tuệ Trung Thượng Sĩ- Thích nữ Tâm Vương – VHPG số 410 – 1-7-2023)

TINH THẦN BỒ TÁT NHẬP THẾ CỦA TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét