Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

ĐÔI LỜI CHIA SẺ VỀ THIỀN

 

ĐÔI LỜI CHIA SẺ VỀ THIỀN

  Thiền là Pháp môn tu không thể thiếu khi nói đến đạo Phật, nói đến đạo Phật là người ta liên tưởng đến Thiền, vì Đức Phật Thích Ca thành Phật chứng đạo từ tu Thiền mà nên.  Tu thiền đã có trước thời đức Phật xuất hiện ở đời, ban đầu Phật đi tu đều tu với các bậc thầy tu thiền. Đức Phật thọ giáo tu thiền với các bậc đạo sĩ, ngài đã đạt được những cấp bậc của thiền, được các bậc đạo sư xác nhận là thiền sinh xuất sắc ngang hàng với các bậc thầy tổ. Nhưng đức Phật không hài lòng với các lối tu thiền và chứng đạt thiền nầy. Vì vậy đức Phật mới rời bỏ các bậc thầy mình để đi tu riêng một mình, tự mình tu thiền tìm ra con đường khác. Vì đức Phật nhận thấy con đường tu thiền của các bậc thầy này không rốt ráo, không chấm dứt được sự khổ đau cho chính mình, và cũng không cứu giúp cho chúng sanh ra khỏi con đường khổ đau sanh tử.

  Vì thế Đức Phật tự tu, tự chứng tìm ra con đường khác, và đức Phật sau 49 ngày đêm thiền quán các pháp đều do duyên sanh, và đức Phật đã giác ngộ được tự tánh của mình qua phương pháp “quán duyên sanh” từ đó. Mọi sự mọi vật trên đời này đều do duyên sanh, duyên sanh nên không thật. Không thật thì tự tánh nó rỗng không. Tánh rỗng không, gọi là Tánh Không, Tánh không là Phật tánh, là tự tánh ai cũng sẵn có. Nên Phật mới nói “ lạ thay tất cả chúng sanh ai cũng đều có tự tánh nầy, Ta là Phật đã thành chúng sanh là Phật sẽ thành”

  Từ đó Đức Phật là người đầu tiên khám phá ra “ Tự Tánh” sẵn có nơi mọi người, mọi người có sẵn Tự tánh thì có khả năng thành Phật, ví như mọi người có sẵn bột ai cũng có khả năng làm nên bánh là vậy. Và từ đó Phật đã khai thị cho mọi người tu tập chứng đạt được Tự tánh của mình. Trong kinh chúng ta nghe có nhiều vị đã chứng được sơ quả hay nhị quả v.v.. là chứng được Tự tánh của mình, chứng Tự tánh hay thấy Tánh ý nghĩa như nhau. Thấy tánh không phải có cái Tánh để thấy, mà nhận thấy Tánh rỗng không của mọi pháp, tánh rỗng không, không sanh không diệt, không sạch không nhơ v.v nó hằng hữu trong mọi thời gian không gian.

Hành giả tu tập thiền đạt đến trạng thái rỗng không này, tâm không khởi vọng tưởng, nó ở trạng thái thanh tịnh, lúc đó tâm an lạc vô biên, một sự an lạc không có một sự an lạc nào so sánh bằng trạng thái an lạc của sự thực tập thiền đạt được sơ thiền hay nhị thiền. Người ta ví trạng thái an lạc của tâm của cấp sơ thiền nó hạnh phúc an lạc gấp 16 lần so với sự hưởng thọ dục lạc của người nam và người nữ; đến cấp nhị thiền nó an lạc gấp đôi thành 32 lần. Nhưng có điều bất cập và nguy hiểm cho khi tâm ở trạng thái này, vì quá an lạc nên không muốn thoát ra khỏi cái trạng thái nầy, ở mãi trong đó không thoát ra được, đam mê trong trạng thái đó, không thoát ra, không tiến lên được. Người ta gọi là “ nước chết” của thiền là vậy. Người mà đạt trạng thái an lạc do thiền tập đem lại, họ không còn mơ tưởng, vợ, hay chồng, con, của cải vật chất, danh vọng địa vị gì cả. Trên đời ta thường thấy nhiều nhân vật có tài sản, có gia đình, có danh vọng mà từ bỏ đi tu là những vị này đạt được trạng thái thanh tịnh của thiền nên đối với họ mọi sự hạnh phúc của trần gian đối với họ không là gì cả, nhỏ nhoi và không thanh tịnh là vậy. Nhưng nếu đắm chìm trong trạng thái an lạc đó thì lại càng nguy hiểm nữa.

  Vì thế tu thiền rất khó, không lạc vào thiền của ngoại đạo, thiền phàm phu, thì cũng “ chết” trong trạng thái thiền thanh tịnh . Thiền mà đạt được tự tánh chân thật của mình, thì thấy rõ bản chất thật của tâm và cảnh thì không bị nhốt trong “nước chết”. Vì thế tu thiền phải chọn lựa một vị thầy thấu tõ được con đường thiền thì nên theo mà tu tập, bèn không phải chọn pháp tu khác.

  Nếu tu tập đạt được tự tánh thì cơ may không bị sai lạc, nhưng tu để đạt được tự tánh cũng không đơn giản, vì hằng ngày chúng ta luôn sống với tâm vọng tưởng, điên đảo làm sự sống, vì thế để nhận ra tự tánh sẵn có của mình là việc rất khó.

  Nếu tu thiền ngộ được tự tánh, làm chủ được sự sống chết, vui buồn thì không lo sợ lạc vào “ nước chết” bằng không thì việc tu chỉ đem lại sự hạnh phúc trong một đời còn việc ra khỏi sanh tử thì chưa bảo đảm lắm. Vì thế các bậc thiền sư Trung Hoa phần lớn tu thiền còn kiêm Tịnh độ, vì hướng về Tịnh độ có sự bảo trì của Phật Di đà, nên hành giả tu không lo sợ bị sai đường lạc hướng. Do sự bảo hộ của Phật Di Đà nên mọi hành giả tu dù còn nghiệp báo hay đã hết nghiệp báo, còn phiền não hay hết phiền não, ai cũng có dự phần sanh về cõi Tịnh, tiếp tục tu cho đến thành chánh giác không còn thối đoạ.

Nếu hành giả nào muốn chắc chắn không đứng lại con đường sanh tử, thì nên Thiền Tịnh song tu thì an toàn hơn. Vì sống trong thời mạt pháp này Thiền Tịnh song tu là phương pháp duy nhất dễ tu dễ thành nhất, ai ai cũng có thể thực hiện được.

Chúng ta nên biết, Phật có đủ trí tuệ quán xét, mọi sự mọi vật, chánh tà một cách rõ ràng phân minh, còn chúng ta chưa có đủ trí tuệ như Phật, nên tu thiền để đạt được giải thoát sanh tử, ra khỏi đường mê làm chủ được sanh tử, ngàn người có được hai ba. Vì thế tu Tịnh dễ hơn tu thiền làvậy ./.

{

LÀM SAO CHẤM DỨT KHỔ ĐAU VÀ TẠI SAO CÓ KHỔ ĐAU

        Chúng ta thường nói rằng học Phật để giải thoát.  Nhưng giải thoát khỏi cái gì ? Ai cũng biết giải thoát khổ đau, vì ai cũng đang và vẫn đã tiếp tục trải nghiệm khổ đau. Tại sao có khổ đau ? Chúng ta có thể trả lời là do vô thường, có sống chết, được mất … Nhưng các bậc Thánh và Đức Phật các Ngài cũng sống trong vô thường, cũng chịu định luật của tự nhiên vật lý là sinh, lão, bệnh, tử, trong cái thời gian bị tiêu hoại chính nó và không gian giới hạn, chia cắt, các bậc Thánh vẫn kinh nghiệm không có thời gian (vĩnh cửu) không có không gian ( vô tận). Nghĩa là có kinh nghiệm giải thoát, Niết bàn ?  Khổ đau, sanh diệt, sanh tử không phải là một thực tại khách quan. Cùng một thực tại mà bậc Thánh tâm thanh tịnh thì chứng nghiệm Niết bàn, và chúng sanh, chúng ta với tâm không thanh tịnh thì chứng nghiệm khổ đau, sanh tử. Sự khác biệt trong kinh nghiệm tuỳ nơi tâm thức mỗi người “Tuỳ kỳ tâm tịnh, tức Phật độ tịnh” (tuỳ tâm thức thanh tịnh mà sống được cõi Phật thanh tịnh). ( Kinh Duy Ma Cật).  Khổ đau, sanh tử, do tâm thức sanh ra, do tâm bị ô nhiễm, như kinh nói, do mắt nhặm (bịnh) mà thấy tóc rủ trước mặt, thấy ra mặt trăng thứ hai, do đi trên đò nên thấy bờ chạy. Cho nên giải thoát là giải thoát cái tâm thức ô nhiễm đó.  Tất cả mọi thực hành của Phật giáo đều để làm cho tâm thức được thanh tịnh, được tịnh hoá, để cho những ô nhiễm phiền não, những che chướng ( phiền não chướng và sở tri chướng) bị loại bỏ khỏi Như Lai tạng, để Phật tánh hiển lộ hoàn toàn. Bởi thế, sự hiểu biết cái tâm thức nhiễm ô này, cái tác nhân tập khổ đau là rất quan trọng trong đạo Phật.

        Giải thoát khỏi tâm thức nhiễm ô, hay tịnh hoá tâm thức nhiễm ô nghĩa là giải thoát khỏi tư tưởng. Bởi vì toàn bộ tâm thức do tư tưởng hợp thành, những dấu vết thói quen nhiễm ô nằm trong A lại da thức hay thức căn bản cũng là những dấu vết của tư tưởng, không có tư tưởng thì không có cái mà chúng ta gọi là tâm thức. Tư tưởng- tức ý thức- là cái chúng ta có thể dễ dàng “ làm việc” với nó trong toàn bộ tám thức- năm thức giác quan, ý thức, mạt na thức và a lại da thức – đó cũng là quan điểm của phái Duy Thức. Nhưng tại sao lại phải giải thoát khỏi tư tưởng, ý nghĩ ? Trong hiện trạng của chúng ta, tư tưởng lấn át toàn bộ tâm thức và chúng ta hoàn toàn lệ thuộc, làm nô lệ cho nó, trong khi bản chất của nó thì hữu hạn, sanh diệt liên tục và tạo ra những điều sau đây khiến chúng ta càng lúc càng lún sâu vào vòng hữu hạn, nghĩa là vòng sanh tử:

        - Tư tưởng tạo ra một cái tôi giả tạo, chính cái tôi vô minh này là đầu mối cho sanh tử luân hồi.

        - Tư tưởng tạo ra nghiệp, là động cơ, sức mạnh của sanh tử luân hồi.

        - Tư tưởng tạo ra những giới hạn giả tạo là chủ thể- đối tượng, khi đã có chủ thể và đối tượng, tức thì khoảng cách giữa chúng và thời gian, không gian cũng được tạo ra. Tư tưởng là giới hạn, nếu ta luôn luôn sống trong tư tưởng thì chúng ta luôn luôn bị giới hạn.

        Tư tưởng chấp sự vật có hiện hữu độc lập, tự thân, nói theo ngôn ngữ Phật giáo là chấp có tự tánh, chấp thực trong khi thực tế thì tất cả đều duyên sanh tương thuộc, biến dịch trong từng sát na, không có tự tánh, vô tự tánh, hay đều là tánh Không.  Vì sự chấp thực đó mà tư tưởng cứ liên hồi khởi lên để diệt mất, liên hồi nắm bắt để tạo thành một dòng tư tưởng tương tục không dễ gì cắt đứt.

        Giải thoát khỏi tư tưởng tức là giải thoát khỏi toàn bộ những gì hữu hạn, khỏi cái không gian và thời gian hạn hẹp của cá thể. Tư tưởng nghĩ đến cái ở đây của mình và liên tưởng đến cái ở kia, nó tạo ra khoảng cách đây-kia, tức là không gian riêng của nó. Nó tạo ra thời gian của riêng nó khi tự cho là đang đứng ở cái hiện thời, nghĩ đến cái đã qua để tạo thành quá khứ, nghĩ đến cái chưa đến và tạo thành tương lai; càng nghĩ nhiều thì thời gian càng xuất hiện nhiều, càng có thực. Sự tương tục của tư tưởng đã tạo ra sự tương tục của thời gian. Và khi tư tưởng chìm lặng, thời gian biến mất, không có tương lai và quá khứ, lúc ấy hiện tại là cái rỗng rang vô hạn, lúc ấy chỉ có cái không có thời gian, cái hiền tiền vượt ra ngoài tư tưởng.

        Tư tưởng cứ nối tiếp nhau để tạo nên dòng tương tục của tâm thức tạo nên sanh tử. Như thế làm sao để cắt đứt dòng tư tương tục này, làm sao để thấy thật tánh của tư tưởng là thế nào, hay nói như kinh Tứ Thập Nhị Chương, làm sao “ rõ tâm, đạt đến nguồn gốc để được gọi là Sa môn”?  Theo Đại toàn thiện (Dzoychen) của Tây Tạng, cái thật tánh của tâm thức, cái không có thời gian, không có không gian ấy nằm trong khoảng không giữa hai tư tưởng, khoảng hở giữa hai tư tưởng là cánh cửa mở vào nguồn gốc của tâm thức. Lục Tổ Huệ năng cũng nói như vậy : “Niệm trước chẳng sanh tức Tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật  ( Pháp bảo Đàn kinh). Nói cho dễ hiểu là Tâm hay Phật là cái thực tại chẳng sanh chẳng diệt nằm giữa niệm trước và niệm sau. Đó là phương pháp thiền của Phật giáo.

        Thiền định của Phật giáo là con đường để giải thoát khỏi tư tưởng trói buộc. Vượt lên khỏi những tư tưởng như những đám mây ngổn ngang che lấp bầu trời vô hạn, chúng ta tiếp cận với không gian vô cùng của tâm thức, tiếp cận với “ bổn lai diện mục” của chúng ta. Khi đó, nói theo Kinh Lăng Già, chúng ta vượt khỏi tâm, ý, ý thức để là một với thực tại. Thiền sư Vô Ngôn Thông nói ; “ Đất tâm nếu không, thì mặt trời tuệ tự nhiên chiếu sáng” ( Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu).

        Tóm lại, mục đích của sự tu tập là để giải thoát khổ đau,  Khổ đau tạo ra do tâm thức nhiễm ô tạo nên cái giả ngã. Từ giả ngã sanh ra chấp thủ có thời gian, không gian, có người có ta v..v tạo nên nghiệp. Nghiệp là động lực lưu chuyển và duy trì tư tưởng khiến cho tâm thức mê mờ không nhận chân được thực tại. Như mây mù che khuất không thấy được mặt trời và bầu không gian vô tận.  Vậy sự tu tập để có giải thoát ra khỏi khổ đau là cách chấm dứt dòng tư tưởng của tâm thức. Vì thế các phương thức tu tập của Phật giáo đều cùng một mục đích là cắt dứt dòng tư tưởng nhiễm ô trả lại tâm thanh tịnh. Khi tâm trở về gốc tịnh rồi mọi khổ đau đều chấm dứt, lúc đó tự tánh sẽ hiện bày. Giống như mặt trời xuất hiện, mây tan bóng tối không còn.  Tự do tự tại sẽ hiện tiền không tìm cầu mà có./.

{

ĐÔI LỜI CHIA SẺ VỀ THIỀN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét