Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

THIỀN TÔNG TRUNG QUỐC

 

 THIỀN TÔNG TRUNG QUỐC

          - Thiền Ấn Độ và Thiền tông Trung Quốc :

          1-Giới thiệu khái quát về Thiền định.

 Phật giáo Ấn Độ chỉ có Thiền định mà chưa có Thiền tông  “Thiền” tiếng Phạn là “ Dhyana” Trung Quốc dịch âm là Thiền na, dịch ý là “ tịnh lự” hay “ tư duy tu” nhằm diễn đạt sự an trú nhất tâm, tịnh tâm quán tưởng, làm cho thân tâm được an lạc hoặc thể ngộ chân lý. Đây là một phương pháp thực hành đặc biệt trong triết lý tôn giáo Ấn Độ cổ đại. Trong Phật giáo Thiền là phương pháp tu hành chủ yếu và không thể thiếu trong đời sống xuất gia của một người tu sỹ. Trước khi thành đạo, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi tĩnh tọa dưới cội cây Bồ đề quán chiếu các pháp nội ngoại, hàng phục ma quân, và sau đó chứng được đạo quả. Phương pháp tĩnh tọa và quán chiếu đó được gọi là “ Thiền” trong “ Thiền” còn được phân  thành bốn giai đoạn, đó là Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền, tức trong quá trình tu tập thiền, hành giả chứng đắc lần lược bốn cấp độ khác nhau .

          Về sau thuật ngữ này được nâng cao thành “ Thiền định”   “ Định” tiếng Phạn gọi là “ Samadhi” dịch ân là “ Tam ma địa” dịch ý là “Tam muội” là một trạng thái tinh thần mà tâm chú ý vào một cảnh và không bị tán loạn. Trong Đại thừa Nghĩa Chương quyển 13 có nói về đặc điểm “ Tâm trụ nhất duyên, xa rời các tán loạn”. Vì vậy ở Trung Quốc thiền còn được gọi là “ chỉ”. Đây chính là sự ảnh hưởng và hấp thụ triết học Phật giáo Ấn Độ cổ đại, nên từ đó thiền tông bắt đầu thành lập và trở thành một tôn giáo thực tiễn ở Trung Quốc.

           Như vậy “ Thiền” là tư duy hay quán chiếu, và “ Định” là trạng thái tĩnh tâm, hai yếu tố này tạo thành một phương pháp tu tập trọng yếu trong thiền tông. Trong tôn giáo cổ đại Ấn Độ cũng như Phật giáo cổ đại Ấn Độ, thường kết hợp “ Thiền” và “ Định” Lại với nhau, không tách rời. Cho nên “ Thiền định” của Phật giáo có nghĩa là thông qua việc tu tập tư duy và quán chiếu mà đạt đến tâm thuần khiết thanh tịnh, tức là đạt đến cảnh giới chứng đắc trong Phật giáo.

          Phật giáo Ấn Độ rất chú trọng tu tập Thiền định. Một trong giáo lý cơ bản của Phật giáo nguyên thủy là “ Tám chánh đạo”, thì chi thứ tám là Chánh định, tức chỉ Thiền định hay tiến trình tu tập Chánh kiến, hướng dẫn hành giả tu tập đi vào Thiền định, đạt đến trạng thái tâm cảnh thanh tịnh vô lậu. Phật giáo Đại thừa chủ trương tu tập “ Sáu ba la mật”. thì Thiền định cũng là một phần trong sáu pháp Ba la mật đó. Ngài Long Thọ và Đề Bà sáng lập học pháp Trung Quán cũng yêu cầu thông qua phương pháp tu tập Thiền định để chứng nhập Bát nhã  chánh trí, bát bất duyên khởi và thực tướng các pháp. Trong thời kỳ đầu phiên dịch kinh điển Phật giáo ở Trung Quốc thì kinh điển liên quan đến Thiền là một bộ phận rất quan trọng, trong đó đa số là kinh sách trình bày phương pháp và kinh nghiệm tu tập về Thiền định.

          Cho dù Phật giáo Ấn Độ chú trọng tu tập Thiền định và liên quan đến lý luận Thiền học cũng rất phong phú, nhưng chưa hình thành một hệ thống Thiền tông có một thế giới quan, phương pháp thực tiễn và nhận thức luận một cách hoàn chỉnh. Đợi đến khi thiền được truyền đến Trung Quốc, thì hệ thống Thiền tông mới hình thành và phát triển hùng hậu, cuối cùng có được một kết quả rất to lớn. Thiền tông lập cước, tồn tại độc lập và phát triển có hệ thống trong các tông phái Phật giáo Đại thừa tở Trung Quốc.

          2- Sự cống hiến của Thiền sư Huệ Năng.

          Theo lịch sử văn học Thiền tông thì tổ sư khai sáng tông phái nà là Bồ Đề Đạt Ma, người  Nam Ấn, tổ sư thứ 28 của Phật giáo Ấn Độ. Lúc này Phật giáo Ấn Độ chỉ có Thiền học mà chưa có Thiền tông, vì vậy truyền thuyết lưu truyền câu chuyện đốn ngộ của tổ Ca Diếp ở hội Linh Sơn, đức Phật “ niêm hoa thị chúng” không ai hiểu được ý đức Phật, chỉ tổ Ca Diếp mỉm cười, từ đó phương pháp khai thị “ dĩ tâm truyền tâm” ra đời. Tổ Ca Diếp thọ nhận “ Chánh pháp nhãn tạng” từ đức Phật và trở thành tổ đầu tiên khai sáng Thiền Tây Thiên. Ngài đem sự lĩnh ngộ Phật pháp truyền thừa ở Ấn Độ 27 đời và đến tổ Đạt Ma là đời thứ 28. Đây là truyền thuyết về nguồn gốc của Thiền, được truyền thừa từ đức Phật Thích Ca, và từ đó tôn chỉ của thiền được mệnh danh là “ Giáo ngoại biệt truyền”. Nhưng ở Trung Quốc, sự sáng lập Thiền tông của tổ Đạt Ma thực sự là một cống hiến có thật.

           Những truyền thuyết xung quanh tổ Đạt Ma ở Trung Quốc cực kỳ sinh động, đã trở thành điển cố hoặc thành ngữ lưu truyền trong thiền lâm và cả trong nhân gian, như “ Đạp thủy phùng dương”,  “ Chiết vi độ giang”, “ Diện bích cửu niên”, “ Chích lý Tây quy”  ( Xem ngũ đăng hội nguyên). Ngoài ra, cuộc đàm thoại giữa tổ Đạt Ma và vua Lương Võ Đế, được truyền tụng trong thiền môn như một công án, hay một phong cách riêng của Thiền tông. Theo sử sách ghi chép thì tổ Đạt Ma đến Trung Quốc truyền thiền pháp vào thời Bắc Ngụy, đặc sắc thiền pháp của ngài là “ an tâm”, để đạt được “ an tâm” hành giả phải thực hành “ bích quán” hay “ tâm như bích lập”, nghĩa là tâm an định vững như vách núi. Phương pháp thiền Bích Quán nhằm mục đích đưa người tu thiền khế hợp với Phật tánh chân như.

          Thiền pháp Đạt Ma dựa vào tư tưởng Phật tánh hay Như Lai tạng của Lăng già kinh. Tư tưởng Lăng già kinh cho rằng chúng sanh có đầy đủ Phật tánh, đồng nhất chân tánh với chư Phật, chỉ cần chuyên tâm “ diện bích” quán chiếu, diệt trừ tạp niệm mà được định; do được định mà phát huệ, thì có thể chứng ngộ Phật tánh hay Như Lai tạng, hòa nhập vào cảnh giới của Phật đà.

          Theo lịch sử truyền thừa, Đạt Ma truyền tâm ấn cho Huệ Khả, khi Huệ Khả đứng sâu trong tuyết lạnh, chặt tay cầu pháp ( Xem Đường pháp lâm Huệ Khả bi hoặc Cảnh Đức truyền đăng lục quyển ba). Từ đó Huệ Khả trở thành tổ thứ hai. Huệ Khả truyền cho Tăng Xán, Tăng xán truyền cho Đạo Tín và Đạo Tín truyền cho Hoằng Nhẫn.

          Ngũ tổ Hoằng Nhẫn theo học với tổ Đạo Tín suốt ba mươi năm, đắc tinh hoa tư tưởng Thiền học của Đạo Tín. Sau đó trở về Hoàng Mai  nay thuộc huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc), và từ đó Thiền học ở đây được gọi là “ Đông Sơn Pháp Môn”. Tổ Hoằng Nhẫn chú trọng thiền pháp “ Nhất Hạnh Tam Muội”, tức lấy pháp giới  ( chân như, thực tướng) làm đối tượng quán sát và hành tướng duy nhất của thiền định.

          Nếu nói rằng thiền Đạt Ma chủ trương chuyên tâm toạ thiền và hành trì hạnh đầu đà, trên thực tế thiền của tổ Đạo Tín và tổ Hoằng Nhẫn đã thể hiện lối thiền nhận vận tự nhiên, tự do hoạt dụng. Qua hai thời đại, tổ Đạo Tín và tổ Hoằng Nhẫn đã hướng dẫn nhiều tăng tục quy y. niệm Phật, tập thiền, làm cho thiền Đạt Ma mở rộng phát triển, thanh danh đại chấn. Đến đây Thiền tông Trung Quốc chính thức thành lập, đặt một nền móng khá ổn định và vững chắc.

  Trong lịch sử Thiền tông, Huệ Năng được xưng là Lục tổ (Tổ sư thứ 6), thực tế Lục tổ mới chính là người sáng lập nên thiền tông Trung Quốc. Huệ Năng sau khi “ đắc pháp kệ”, được ngũ tổ Hoằng Nhẫn ấn chứng, mật truyền thiền bát, suy tôn Lục tổ. Nhưng nhìn kĩ chúng ta sẽ thấy được thiền pháp của Đông Sơn Pháp Môn đã được truyền thừa 16 năm, nhưng đề phòng mưu hại, Huệ Năng  sống đại trà trong dân chúng, có lúc làm nông, có lúc theo nhà buôn giúp việc, tiêu thanh nặc tích ở nhiều dị bang, sau đó xuôi về chùa Pháp Tánh ở Nam Hải (nay là Quảng Châu), nghe pháp sư Ấn Tông giảng Niết bàn kinh, trong đại chúng đang tranh luận “ gió động” hay “ cờ động”, Huệ Năng cao thanh bảo rằng : “ không phải gió động, không phải cờ động mà là do tâm động”. Ấn Tông thật bất ngờ khi nghe Huệ Năng phán như vậy, biết đây là đại khí, triệu tập đại chúng, thế phát thọ giới cho Huệ Năng làm Tăng. Huệ Năng bây giờ mới chính thức công khai thuyết pháp, đại hoằng Thiền tông. Sau đó ngài đi về chùa Bảo Lâm ở Tào Khê, khai giảng pháp hơn 30 năm, sáng khởi nên “ Đốn ngộ pháp môn” lưu truyền ở phương Nam. Trong lúc đó, một cao túc của Hoằng Nhẫn là Thần Tú, hoạt động truyền bá ở phương Bắc, chủ trương “ Tiệm ngộ pháp môn”. Lúc bấy giờ người ta thường xưng tụng “ Nam Bắc dị tông”, nhưng thực tế thì Thiền đốn ngộ ở phương Nam của Huệ Năng thế lực càng lớn mạnh, dần dần phủ trùm lên cả phương Bắc, tạo thành thiền phái chủ lưu trong Thiền tông Trung Quốc.

          Từ phương diện “ đắc pháp kệ” của Huệ Năng, chúng ta có thể thấy được Huệ Năng đã tiếp nhận tư tưởng “ Duyên khởi tánh không” của Bát nhã kinh và tư tưởng “ Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” của Kinh Niết bàn. Đây là tư tưởng của Phật giáo Đại thừa, cho rằng Phật tánh bản hữu và tâm tánh bản tịnh, nhưng do vì tâm chúng sanh thường sinh khởi vọng niệm, che lấp chân như bản tánh, không nhận chân được Phật tánh vốn có của mình, vì vậy cần dập tắt vọng niệm, khí trừ trần lao, thể nhận bản tâm, trực kiến bản tánh, như vậy là có thể “ kiến tánh thành Phật”.

          Thuyết “ đốn ngộ” của Huệ Năng cho rằng, thành Phật có thể lĩnh ngộ trong một sát na nhất tâm, chứ không cần phải tu hành lâu dài. Đây là sự phủ nhận triệt để hình thức chuyên tu ngồi thiền truyền thống mà Thần Tú đã kế thừa, rồi đem toàn bộ tiến trình tu tập quy kết trong “ đốn ngộ”, “đơn đao trực nhập, trực liễu kiến tánh”. Thật là táo bạo !

          “ Kiến tánh” và “ Đốn ngộ” là cương lĩnh đặc sắc của thiền pháp Huệ Năng hay Tào Khê Pháp Môn, thể hiện sự canh tân táo bạo và có một ý nghĩa cực kỳ to lớn trong lịch sử phát triển Phật giáo Trung Quốc. “ Minh tâm kiến tánh” là sự dung hội giữa tư tưởng  Không tông ( chủ trương nhất thiết giai không) và Hữu tông ( chủ trương Phật tánh là thực hữu) của Đại thừa Phật giáo Ấn Độ, tư tưởng học thuyết “ Tâm tánh” của Nho gia, và học thuyết “ Chủ tịnh” của Đạo gia truyền thống Trung Quốc. Từ đó Thiền tông càng thích hợp với văn hoá bản địa và nổi trội hơn những tông phái khác của Phật giáo, tiềm ẩn một năng lực tồn tại vững chãi ở Trung Quốc. Còn chủ trương “ đốn ngộ thành Phật” của Thiền tông giải toả những suy biện triết học phiền toái của Phật giáo, giản tiện công phu tu tập của các pháp môn truyền thống, như niệm Phật, tụng kinh và toạ thiền của lịch đại tổ sư tương truyền. Hơn nữa, Thiền tông còn có thể dễ dàng phổ cập trong thiên hạ bá tánh, đồng thời cũng có thể thu hút được các hạng trí thức thượng tầng. Đó là lý do thiền “ đốn ngộ ” ở phương nam dễ dàng thay thế thiền “ tiệm ngộ” ở phương bắc của Thần Tú, về sau còn hưng thịnh và phát triển vượt trội hơn các tông phái Phật giáo khác.

          Tóm lại, thiền Huệ Năng thông qua sự khẳng định tự tánh thanh tịnh, phương pháp dị hành giản tiện, bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi đều là thiền; dựa vào sự chứng ngộ chủ quan của bản thân để thực hiện lý tưởng tôn giáo của mình. Huệ Năng đã kế thừa “ Đông Sơn Pháp Môn” của Tứ tổ Đạo Tín và Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, truyền bá rộng rãi, từ đó đem thiền pháp truyền vào quần chúng và dung hoà vào đời sồng sinh hoạt hằng ngày, làm cho Thiền tông trở thành một đại biểu lý tưởng Phật giáo ở Trung Quốc.

  3- Một hoa năm cánh :   Theo Cảnh Đức truyền đăng lục quyển ba chép rằng,  Khi sơ tổ Đạt Ma truyền “ Chánh pháp Nhãn Tạng” và bình bát làm ấn tín cho Huệ Khả, tổ đã nói bài kệ : “ Ta đến từ Tây thổ, truyền pháp cứu mê tình; một hoa nở năm cánh, kết quả tự nhiên thành  Hoàng Đình Kiên đời Tống viết bài phú Ngư Gia Ngạo, trong đó có câu “ nhất hoa ngũ diệp”. “ Nhất hoa” nghĩa là ở trên hội Linh Sơn, đức Phật Thích Ca đưa một cành hoa thị chúng, tổ Ca Diếp mỉm cười lĩnh ngộ, đức Phật truyền “ Chánh pháp Nhãn  Tạng”  trải qua 28 đời, tổ Đạt Ma tương thừa, truyền bá vào Trung Quốc, đây là nguyên sơ của Thiền tông . “ Ngũ diệp” có nghĩa là khi lục tổ Huệ Năng khai sáng dòng thiền Tào Khê, sau này phát triển thành năm thiền phái nữa ở Trung Quốc, đây là những phái thiền phát triển. Do vậy, “ Nhất hoa ngũ diệp” ( Một hoa năm cánh) chỉ cho sự truyền thừa của Thiền tông, chia thành năm chi phái, phát triển hưng vượng ở Trung Quốc. Từ đó ý nghĩa này được dùng như một thành ngữ điển cố trong văn học Thiên tông Trung Quốc.

          Trải qua sáu thế hệ, thiền pháp của sơ tổ Đạt Ma được truyền thừa đến Lục tổ Huệ Năng, Lục tổ cải cách và sáng lập “ Đốn Ngộ Pháp Môn”. Các đệ tử của Huệ Năng tiếp tục tương truyền, chấn hưng thiền pháp “ đốn ngộ” vượt hẳn thiền  “ tiệm ngộ” của Thần Tú dần trở thành một thiền phái chính của Thiền tông Trung Quốc.

           Sau đời Lục tổ Huệ Năng, Thiền tông tiếp tục phát triển và phân thành hai thiền phái của Nam Nhạc Hoài Nhượng  và Thanh Nguyên Hành Tư. Trong đó phái Nam Nhạc Hoài Nhượng phân thành Quy Ngưỡng và dòng Lâm Tế, phái Thanh Nguyên Hành Tư lại phân thành dòng Tào Động, Vân Môn và Pháp Nhãn. Ở đây đã chỉ rõ ý nghĩa bài kệ tổ Đạt Ma đã nói với Huệ Khả, “ một hoa” nở “ năm cánh”, trong lịch sử Thiền tông gọi là năm phái thiền hay Ngũ Gia Thiền.

          Năm phái thiền này tương tục xác lập, vì vậy lúc này Thiền tông Trung Quốc đã đi vào giai đoạn đỉnh cao. Vào thời của Ngũ Gia Thiền, Thiền tông Trung Quốc bắt đầu du nhập vào Nhật Bản.

          Trong Thiền tông có một câu chuyện nổi tiếng là “ Mài gạch làm gương” ( Ma chuyên tác cảnh). Chuyện kể rằng, Mã Tổ Đạo Nhất đến cầu pháp với Nam Nhạc Hoài Nhượng, hoát nhiên đại ngộ. Đạo Nhất sau đó rời Nam Nhạc, đi về phía Giang Tây truyền đạo, khai sáng dòng thiền Hồng Châu hay còn gọi là Giang Tây, và Đạo Nhất được xưng là “ Chúa Giang Tây”,  Dòng thiền Hồng Châu là sự phát triển lớn của  thiền Huệ Năng, vấn đề “ thành Phật” càng đề cập trực tiếp và phương pháp thực hành thiền càng giản dị, ngoài ra còn hấp thu triết học chủ nghĩa tự nhiên của Lão Trang, khiến cho Thiền tông tiến thêm một bước thiền hoá Trung Quốc.

          Hoài Hải là một cao đồ của Đạo Nhất, ngài là một thiền sư để lại một cống hiến rất lớn trong sự nghiệp phát triển đối với thiền Hồng Châu. Hoài Hải chế định “ Thiền môn thanh quy”, sau này hậu thế xưng là “ Bách Trượng thanh quy”. Ngài đã đóng góp một thành quả to lớn cho sự phát triển Thiền tông trên toàn bộ địa hạt Trung Quốc, thể chế hoá quy định của Thiền tông. Từ đó thiền sư tu tập độc lập giữa các tông phái Phật giáo khác trong tòng lâm, thiết lập một phương thức sinh hoạt đặc sắc riêng biệt, và trở thành nếp sống sinh hoạt tu tập ròng kiểu Trung Quốc.

          Kể từ khi Đạo Nhất hoằng truyền thiền pháp Hồng Châu ở Giang Tây, thì một môn đệ cao túc của Thanh Nguyên Hành Tư là Thiền Thiên kết am hoằng thiền ở chùa Hằng Sơn thuộc tỉnh Hồ Nam, và cũng được tôn xưng là “ Chúa Hồ Nam” hay “ Thạch Đầu Hoà Thượng”. Thiền phong của Thiền Thiên rất sắc sảo, khiến nhiều học tăng nể sợ, nên khi nhắc đến Thiền Thiên thì người ta lập tức nói “ Thạch Đầu đường trơn” ( Thạch Đầu lộ hoạt), nghĩa là tham học với Thiền Thiên rất khó như đường trơn dễ té vậy. Thiền Thiên còn sáng tác một tiểu phẩm thơ năm chữ là  Tham đồng khế, lấy tư tưởng Hoa Nghiêm nhập thiền, đây là sự kết hợp tư tưởng giữa hai thiền phái bắc và nam trong thiền phái của Thiền Thiên. Tác phẩm này tuy ngắn nhưng rất có giá trị, phản ảnh sự phát triển tư tưởng của Thiền tông.

           Thiền Huệ Năng phát triển lớn rộng khắp Trung Quốc cũng nhờ vào hai “ đại sỹ” là “  Chúa Giang Tây” và “ Chúa Hồ Nam” từ đó giáo đoàn phương nam ngày càng phát triển, xu thế tu thiền ngày càng thịnh hành. Thiền sư thực hành và áp dụng thiền vào cuộc sống thường nhật một cách êm ái dịu dàng mà khế ngộ được diệu lý cao siêu. Thiền sư Hoài Hải chủ trương “ vừa làm nông vừa hành thiền”, xem lao động chấp tác là việc làm của tăng chúng trong tòng lâm, vì vậy đã thúc đẩy cuộc sống tòng lâm vốn khô khan nay trở nên hùng hậu và hứng thú. Tóm lại, một cảnh giới mới và một thiền phong mới tạo ra thành một bản giao hưởng tương ánh giữa Thiền tông và non xanh nước biếc của Trung Quốc.

          Từ một môi trường thuận lợi, Thiền tông tha hồ phân lập phát triển, tương tục thai nghén tinh ba của thiền yếu, hình thành nên Ngũ Gia Thiền.

          Quy Ngưỡng tông – Đây là thiền phái do hai môn đệ của Hoài Hải là Linh Hựu và Huệ Tịch sáng lập. Linh Hựu sống ở Quy Sơn thuộc Đàm Châu, nay thuộc huyện Ninh Hương, tỉnh Hồ Nam; Huệ Tịch sống ở Ngưỡng Sơn thuộc Viên Châu. Nên về sau tông phái này được thành lập, lấy tên của hai ngọn núi để đặt tên, gọi là Quy Ngưỡng tông. Đây là một tông phái thiền thành lập và phát triển sớm nhất trong Ngũ Gia Thiền.

          Quy Ngưỡng tông tương thừa thiền phong của Bách Trượng Hoài Hải, chia thế giới là “ ba chủng sanh”, tức là “ tưởng sanh”, “ tướng sanh”, “ lưu chú sanh”, và cho rằng “ ba chủng sanh” luôn nhiễm đầy trần cấu, cần phải tẩy trừ mới có thể thành Phật, “ đắc tự tại”. Về mặt tu hành, Quy Ngưỡng tông cho rằng vạn vật hữu tình đều có Phật tánh, tuỳ duyên ngộ đạo, khắp nơi đều có thể minh tâm kiến tánh, làm người thì có thể ngộ đạo thành Phật.

          Lâm Tế tông – Đây là một thiền phái do đệ tử tái truyền của Hoài Hải là Nghĩa Huyền sáng lập. Sau khi Nghĩa Huyền thọ ấn khả với Hoàng Bích Thiền Vận, ngài đến Trấn Châu ( nay thuộc Trấn Định, tỉnh Hà Bắc) thành lập Lâm Tế thiền uyển, người tham học rất đông, thiền pháp quảng bá hưng thịnh ở phương bắc và hình thành Lâm Tế tông.

          Lâm Tế tông kế thừa thiền phong phái Hồng Châu của Mã Tổ Đạo Nhất sáng lập, phái này lấy tư tưởng “ Tứ tân chủ”, “ Tứ liệu giản” và “ Tứ chiếu dụng” làm phương châm truyền giáo, hướng dẫn người học thiền “ đơn đao trực nhập”, ý chí kiên trực. Đây là một nét đột phá trong Thiền tông. Thiền sư truyền thiền của phái Lâm Tế, dùng tiếng hét đột xuất hoặc cái đánh bất ngờ trong quá trình tham thiền, để thiền sinh tỉnh ngộ. Thiền pháp Lâm Tế không chấp thủ và câu nệ vào các hình thức Phật giáo truyền thống, có như vậy mới phá hết thảy các phiền não ràng buộc. Đây là một trường phái mới đại biểu cho xu hướng thiền phát triển trong lịch sử Thiền tông Trung Quốc sau đời Huệ Năng.

           Phong cách tự do, hoạt bát và buông xả của thiền Lâm Tế phát huy một hiệu quả rất tuyệt vời, đơm hoa kết trái, trở thành một thiền phái lớn mạnh nhất trong thiền lâm. Đến đời nhà Tống, thiền Lâm Tế phát triển và phân lập  thành hai dòng thiền, đó là Hoàng Long và thiền Dương Cơ. Sau đó thiền Lâm Tế dần dần được truyền vào Nhật Bản và trở thành thiền phái chính trong Thiền tông Nhật Bản.

          - Tào Động tông- Đây là một thiền phái phát triển từ dòng thiền của Thanh Nguyên Hành Tư, trải qua đời Thạch Đầu Thiền Thiên, thì hai thầy trò Động Sơn Lương Giới và Tào Sơn Bản Tịch cùng nhau lập nên tông phái nầy.

          Tào Động tông phong thừa kế học thuyết “ Hồi hỗ” trong tác phẩm Tham đồng khế của Thiền Thiên, lập nên thuyết “ Ngũ vị”, tức năm giai đoạn hay cảnh địa để hướng dẫn các thiền tăng tham học. Thuyết “ Ngũ vị” dùng tư tưởng “ Ngũ vị quân thần” làm cơ sở để giải thích mối quan hệ giữa sự lý và thể dụng để nói rõ ý nghĩa “ lý sự bất nhị” và “ thể dụng vô ngại”.

          Thiền pháp của Tào Động tông rất tinh tế, ngôn hạnh tương ưng, uyển chuyển tùy cơ lợi vật, ngôn từ tinh tế và lợi lạc, vì thế uy thế và ảnh hưởng của Tào Động tông trong Ngũ Gia Thiền không nhỏ, chỉ sau Lâm Tế tông. Khi Thiền tông phương nam ở giai đoạn đông đủ, thì thiền Lâm Tế và thiền Tào Động cũng bắt đầu du nhập vào Nhật Bản, tạo thành hai sắc thái thiền chủ yếu trên quốc đảo này.

          Vân Môn tông – Đây cũng là tông phái được truyền thừa từ dòng thiền Thanh Nguyên Hành Tư, truyền qua bốn đời, đến đời thiền sư Văn Yển ở núi vân Môn tại Vận Châu (nay thuộc huyện Nhũ Nguyên, tỉnh Quảng Đông) truyền thiền thuyết giáo ở đây và sáng lập nên Vân Môn tông.

          Vân Môn tông nổi tiếng với thiền pháp “Vân Môn tam cú” tức “Hàm cái càn khôn”, “ Tuyệt đoạn chúng lưu” và “ Tùy phá trục lăng”. Đây là ba phương tiện hướng dẫn thiền tăng của Vân Môn tông. Tông này cho rằng Phật tánh phổ biến khắp vạn hữu, chân lý bất khả danh thuyết, vận dụng thủ pháp tiềm mật để khai thị người học, làm cho họ ngọ đạo. Thực tế đây là một tông phong rất tinh tế và ẩn mật, đưa người học thiền đến cùng tột của nghi nạn, và rồi khéo tạo cho họ một cơ hội ngộ đạo. Vân Môn tông từng thịnh hành một thời ở triều đại Bắc Tống, sau đó tông phong cải biến và dung hợp với thiền phái khác.

- Pháp Nhã tông – Thiền phái này cũng bắt nguồn từ hệ phái Thanh Nguyên Hành Tư, do Thanh Lương Văn Ích sáng lập. Sau khi Văn Ích viên tịch, chúa Lý Cảnh của triều Nam Đường truy phong sắc hiệu là “ Đại Pháp Nhãn Thiền Sư”, nên về sau tông phái này có tên Pháp Nhãn tông.

          Pháp Nhãn tông ảnh hưởng tư tưởng Hoa Nghiêm tông, đề xướng Thiền giáo thống nhất, tức nội bộ Phật giáo cần phải dung hợp, vì đương thời trong Thiền tông có nhiều tranh biện đả phá. Văn Yển đề xuất tư tưởng “ lý sự bất nhị, quý tại viên dung”, tức “ ngộ thiền” chính là “ viên dung”. Sau một hậu duệ đời thứ ba của Văn Yển là Diên Thọ, tuyển soạn bộ Tông cảnh lục gồm một trăm cuốn, nhấn mạnh việc học tập kinh điển, nhờ vậy mới thấu hiểu được lý “ viên dung”, từ đó nhận chân được Phật, Bồ tát và chúng sanh đều có Phật tánh thanh tịnh, bình đẳng không phân biệt.

           Sau đời Tống Trung Diệp, Pháp Nhãn tông suy yếu dần, nhưng ngược lại từ đời Diên Thọ, Pháp Nhãn tông được truyền vào Triều Tiên, hoằng dương rộng rãi bên kia bờ sông Áp Lục.

          Như vậy Ngũ Gia Thiền tương tục xác lập suốt thời mạt Đường Ngũ Đại. Một hiện tượng văn hóa đáng chú ý ở đây là : Đường Võ Tông hủy diệt Phật giáo, đốt phá hơn bốn mươi ngàn ngôi chùa, cưỡng bức 260.000 ngàn tăng ni hoàn tục, tịch thu ruộng đất thường trụ, đem chuông tượng đồng về triều đình đúc tiền. Đây là lần thứ ba Phật giáo Trung Quốc gặp thảm nạn, nguyên lực tổn thương trầm trọng. Đến thời vãng Đường, nông dân đứng dậy khởi nghĩa, tập đoàn quân phiệt hỗn chiến, cuối cùng mười nước trong Ngũ Đại phân chia cát cứ. Tháng ngày chiến loạn, thời đại tang thương cũng mang lại nhiều ảnh hưởng trong Phật giáo, các tông phái suy yếu hoặc di chuyển đến các nước lân cận, hoặc ngưng trệ, không còn khí thế và cảnh tượng phồn thịnh bách hoa tề khai như ở giai đoạn Tùy Đường. Thế nhưng, trong những tháng ngày loạn lạc và “ pháp nạn”, Thiền tông vẫn phát triển và còn đạt đỉnh cao của lịch sử. Cho dù lệnh bài Phật hủy pháp của hoàng đế, khởi nghĩa của nông dân, hay quân phiệt hỗn chiến, đều không trở ngại sự phát triển của Thiền tông. Tại sao ? Xin trả lời là :

  (1) Thiền tông dần mở rộng phạm vi truyền giáo, gia tăng Phật giáo hóa Trung Quốc. Thiền tông không chỉ hấp thu tư tưởng Lão Trang và những bộ phận Huyền học đời Ngụy – Tấn, mà còn thâm nhập nội bộ hệ thống tư tưởng Nho giáo. Vì vậy, khi thời đại nhà Đường suy yếu, Thiền tông vẫn được các tầng lớp sỹ đại phu tôn sùng, phong trào học thiền thịnh hành, nguồn nhân lực được Thiền đào tạo rất đông, cho nên các tông phái khác của Phật giáo không thể so sánh được. Do đó, đương lúc chiến tranh loạn lạc, Thiền tông có sẵn một phạm vi hoạt động rộng sâu, tự nhiên có thể có được những tác dụng bảo hộ rất lớn và an toàn. Phạm vi hoạt động và tác dụng bảo hộ tuy rất tự nhiên và vô hình, nhưng đó lại là một sức mạnh tồn tại tiềm tàng vô cùng to lớn, do vì Thiền tông đã thẩm thấu và bắt rễ vào trong hình thái tư tưởng ý thức của Trung Quốc.

          (2) – Thiền tông đã mở rộng giáo tuyến và phạm vi truyền bá nên đã đào tạo được một đội ngũ nhân lực hùng hậu. Khi Phật giáo đang thịnh hành thì cũng tồn tại các hình thức bài Phật hủy pháp, dưới áp lực này, các tông phái Phật giáo khác không thể không cải biến một vài phương pháp để tồn tại, rồi nâng cao hình thức phát triển, mà trong đó sự cải biến và phát triển của Thiền tông mới có thể gánh vác vận mệnh của Phật giáo. Nhờ vậy, mà các tông phái khác dựa vào đó để tồn tại, ảnh hưởng hình thức tu học, thậm chí hòa nhập vào Thiền tông. Trong đó tư tưởng tam giáo hợp nhất  “ Hoa Nghiêm Thiền” quả Quế Phong Tông Mật, rồi đến Vĩnh Minh Diên Thọ đề xướng những đặc điểm thiền pháp kiêm hành như Thiền giáo hợp nhất, Thiền tụng vô ngại, Thiền tịnh đồng tu, Thiền giới đều trọng. Những xu hướng cải biến trong Phật giáo như thế từ đời Ngũ Đại cho đến đầu đời Tống đều ảnh hưởng Thiền tông rất rõ nét. Chính những điều này đã làm cho Thiền tông ngày càng được củng cố, vô hình trung hình thành nên một đội ngũ nhân lực hùng hậu.

          Ngoài ra, khi cuộc chiến loạn thời vãng Đường xảy ra ở vùng thuộc phía Bắc, còn bên phía nam sông Trường Giang thì tương đối ổn định, nơi đây vốn là khu vực thịnh hành Thiền tông thời thịnh Đường. Hơn nữa, một số tầng lớp văn nhân học sỹ và tín đồ Phật giáo di cư về phía nam lánh nạn. Họ hội nhập vào đội ngũ Thiền tông, tạo thành một sức mạnh tổng hợp trong Thiền tông.

          (3)- Phong trào “ vừa làm nông vừa hành thiền” trong Thiền tông đã làm cho kinh tế chùa chiền đi vào ổn định.  Từ Mã Tổ Đạo Nhất đến Bách Trượng Hoài Hải lần lượt hoàn thiện phương tiện “Nông Thiền hóa” khiến cho kinh tế Thiền tông đáp ứng nhu cầu tự cung tự cấp. Ngược lại, kinh tế của các tông phái khác hoàn toàn phụ thuộc vào sự ủng hộ của tầng lớp quan lại, vì vậy khi gặp “ pháp nạn” hay chiến tranh loạn lạc thì cũng suy yếu và đình đốn. Thiền tông ngược lại dựa vào sinh hoạt lao động và chấp tác tự lực tự cường của tăng chúng trong thiền lâm, cho nên trong hoàn cảnh gian nan chiến loạn, Thiền tông vẫn giữ vững quyền chủ động sinh tồn. Như vậy chủ trương “ bình thường tâm là đạo” và “ uống trà ăn cơm tùy thời qua” của Thiền tông bỗng phát huy diệu dụng. Quả thật đây là một điều kiện tất yếu của kinh tế thiền lâm đã duy trì và ủng hộ Thiền tông phát triển toàn diện.

          Theo như trên đã trình bày, từ Thiền Ấn Độ cho đến Thiền tông Trung Quốc, pháp mạch tương thừa và phát triển một cách rõ ràng mạch lạc không khó để nhìn nhận. Tuy Thiền tông mang một sứ mệnh lịch sử từ câu chuyện ở “ Linh Sơn Hội Thượng”, đức Phật “ niêm hoa thị chúng” tổ Ca Diếp “ phá dung vi tiếu” lĩnh hội ý chỉ của đức Phật, thọ nhận “ Chánh pháp Nhãn Tạng”, thực tế là một quá trình trí tuệ của Thiền học Ấn Độ và mấy thời đại ưu tú của các thiền sư Trung Quốc, nỗ lực tiêu hóa, dung hợp  với tư tưởng Lão Trang, huyền học đời Ngụy Tấn và tư tưởng truyền thống Trung Quốc, để hình thành nên hệ thống Thiền tông Phật giáo. Vì vậy quê hương của Thiền tông là ở Trung Quốc.

           Trong lúc năm thiền phái ở Trung Quốc là Ngũ Gia Thiền đang triển khai mạnh mẽ, thì quốc gia phía đông Trung Quốc là Nhật Bản, xứ sở hoa anh đào, Phật giáo bắt đầu hưng khởi và đang trên đà phát triển. Thế rồi Thiền tông “ động độ” hình thành theo tiến trình tất yếu của lịch sử./.

{

THIỀN TÔNG TRUNG QUỐC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét