Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

NIỀM TIN TRONG ĐẠO PHẬT

 

NIỀM TIN TRONG ĐẠO PHẬT

          - Tin vào sự nỗ lực và sự thành tựu của Đức Phật :

          Đức Phật được gọi là bậc “ Đạo sư”  là vị thầy dẫn đường. Người đi đường phải đặt sự tin tưởng, lòng tin cậy ở người dẫn đường, bởi vì lần đầu tiên đi trên con đường này, dù ban đêm hay ban ngày, đều vững lòng tin vào người dẫn đường. Sau khi có sự thẩm định cẩn trọng, rồi dần dần bằng sự kinh nghiệm bản thân, người đi đường sẽ tự mình nhìn rõ lối đi và không còn phụ thuộc vào người dẫn đường. Lúc ấy, niềm tin ở người dẫn đường chuyển thành niềm tin vào chính bản thân họ vậy.  Như vậy, tin Phật chỉ là phương tiện để đưa ta đến tự tin vào chính bản thân mình .

          Để dần đến chỗ tự tin vào bản thân mình, tin vào vị thầy hướng dẫn tinh thần và tâm linh là điểm khởi đầu vô cùng quan trọng. Vì một người đi đúng đường mới có đủ khả năng hướng dẫn người khác đi đúng đường. Do đó, khi tin tưởng vào một vị thầy dẫn đường , hãy cẩn thận vị đạo sư trước khi tin vị ấy, xem có triển vọng nào dẫn tới chân lý trong sự dạy dỗ của họ hay không, có bị tham lam, sân giận  và vô minh che mờ hay không.

          Thật hạnh phúc khi Đức Phật có đầy đủ những phẩm hạnh tuyệt vời của người chỉ lối dẫn đường. Một đạo sư có năm phẩm hạnh  1/ Đời sống đạo đức thanh tịnh – 2/ Phương tiện nuôi sống thanh tịnh- 3/ Thuyết pháp thanh tịnh – 4/ Trả lời pháp thanh tịnh- 5/ Tri kiến thanh tịnh. Đức Phật tuyệt diệu về 5 phương diện này Ngài có đầy đủ.   Đặt trọn niềm tin vào Đức Phật, có nghĩa là ta dành trọn vẹn sự tự tin vào chính bản thân mình, phát huy tất cả tiềm năng, tiềm lực từ đòn bẩy niềm tin để phấn chấn hơn trên con đường thực hành pháp, đem lại cuộc sống an vui đích thực cho chính mình.

          Tin vào hiệu quả của việc thực hành pháp :

          Tâm lý thường tình của con người là cần một điểm tựa về tinh thần, nếu điểm tựa không vững chắc và an toàn, ta trở nên hụt hẫng và thất vọng, khổ đau lâu dài, không có được an vui hạnh phúc trong cuộc sống. Đức Phật dạy trong kinh Pháp cú : “ Con người sợ hãi đi tìm nương tựa ở nhiều nơi, đồi núi, rừng cây và miếu đền… những nơi đó không phải là chỗ nương tựa oan toàn, không phải chỗ nương tựa tối thượng, như vậy không thể thoát ra khỏi phiền não ”. Và “ Người đi tìm chỗ nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng có tri kiến chơn chánh, để nhận thức Tứ đế, khổ, nguyên nhân khổ, vượt khỏi khổ, và Bát Chánh đạo, dẫn đến sự diệt khổ. Đó quả thật là nương tựa an toàn. Đó quả thật là nương tựa tối thượng, tìm đến các nương tựa ấy sẽ thoát ra khỏi phiền não ”.

          Niềm tin vào chánh pháp và tin vào Tăng đoàn là sự củng cố và hỗ trợ cho niềm tin vào Đức Phật như một người mở đường tuyệt vời. Do vậy, những ai tin vào Đức Phật và lời dạy của Ngài thì sẽ hưởng được hạnh phúc an lạc lâu dài.

          Trải qua 2600 năm, giáo pháp của Phật nói ra vẫn tồn tại, và luôn thích ứng với mọi hoàn cảnh, mọi thời đại, đem lại lợi ích thiết thực cho tất cả mọi người thực hành theo, đủ chứng tỏ giáo pháp là đối tượng niềm tin của mọi người. Thực hành đúng cách, thực hành thành công, thì đời sống gương mẫu về nhân cách đạo đức, tự tại thong dong, hạnh phúc giữa cuộc đời là sự minh chứng cho niềm tin vững chắc. Thực hành giáo pháp của Phật đúng theo lời Phật dạy, tức góp phần xua đi niềm tin tà kiến, thiết lập niềm tin chánh kiến, là mục đích của Đức Phật. Tin vào Phật là bậc chỉ đường tối thượng, tin vào giáo pháp của Phật là những phương pháp hiệu quả để đưa đến hạnh phúc tối thượng. Tin vào Tăng  là người hướng dẫn thành công trên con đường Phật dạy. Như vậy, tin Phật, tin Pháp, tin Tăng là chiếc cầu nối đưa ta về tin tưởng vào sự nỗ lực đúng cách của tự thân.

- Tin vào thiện tâm vốn có của mỗi người :

          Niềm tin, không phải tự nhiên mà có, mà là kết tinh của một tâm hồn trong sáng, một nhận thức tích cực về con người và thế giới sống động quanh ta. Trong cuộc sống, khi ta gặp năm, ba người chưa tốt, đừng vội nản lòng và mất niềm tin vào con người và cuộc sống nếu bản thân ta đủ tốt. Con người thường lấy lòng mình mà đo lòng thiên hạ, nếu mình tốt, mình tin rằng thiên hạ cũng có nhiều người tốt. Tin vào sự thiện lành tồn tại trên thế gian là cách làm tăng thêm niềm tin vào sự thiện lành của bản thân mình với niềm tin kiên cố nhất. Hãy tự nhắc mình rằng “ Nhân chi sơ… tánh bổn thiện…” Mỗi người đều có hạt giống thiện, ta cũng có hạt giống thiện, hãy tạo môi trường tốt nhất để hạt giống thiện trong lòng ta nẩy mầm, tiếp tục chăm bón cho nó trưởng thành. Hãy vững tin điều này.

          Hạt giống ở mức độ sâu cạn khác nhau trong tâm thức mỗi người. Với những ai có hạt giống thiện lành nhiều và đã được nuôi dưỡng đúng cách để chúng phát triển, ta dễ dàng nhận thấy những biểu hiện thiện lành này thông qua việc làm, lời nói và động cơ đằng sau những việc làm của họ. Người như thế giống như hoa sen đã ngoi lên khỏi mặt nước, tỏa hương ngào ngạt. Còn ai chưa biểu hiện rõ ràng của tâm thiện lành, không có nghĩa họ không có hạt giống thiện trong tâm mà chúng đang còn chìm sâu trong tâm thức, như sen vẫn còn chôn sâu trong bùn vậy. Đức Phật thấy rõ điều này và đã nhiều lần tuyên bố như một lời động viên, khích lệ các đệ tử trong các bài pháp được ghi lại trong kinh rằng : “  Ta nhìn quanh thế giới, Này các Tỳ kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, hạng nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy và một số ít thấy nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm là những hành động lỗi lầm. Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay hồ sen trắng có một số sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một số sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị đẫm ướt” ( Trung bộ Kinh ).

          Chính vì tin chắc có những mầm chồi như thế, Đức Phật đã không mệt mỏi trên con đường giúp mọi người đánh thức những hạt giống này trong tâm mỗi người “ cựa mình” thức giấc để chuyển động nẩy mầm, vươn lên khỏi nước. Chính vì tin chắc có những mầm chồi này, ngay từ khi thiết lập Tăng đoàn với 60 người đầu tiên, Đức Phật đã khuyến hóa các đệ tử Ngài hãy nổ lực ra đi hoằng truyền Chánh pháp, chia nhau mà tỏa ra các đường, hai người không đi chung một hướng, để đánh thức quần sanh ( Tương Ưng bộ Kinh ). Chính vì tin chắc có những mầm chồi này trong tâm mình, ta mới dồn công sức và tâm huyết để nổ lực hành trì phát huy chúng. Và đây, một lần nữa củng cố niềm tin vào chính bản thân mình.

          Tin vào những hạt giống thiện lành, chưa hiện thì ẩn, ở mỗi con người, ta có cơ hội nuôi dưỡng tâm từ bi đối với mọi người và với chính bản thân mình. Như bất cứ hạt mầm nào cũng cần môi trường phù hợp về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ…để sinh trưởng; cũng như thế, tâm bao dung, cảm thông, thấu hiểu của tâm từ là môi trường lý tưởng để hạt giống thiện nẩy mầm và sinh trưởng. Ta có đủ cơ sở để tin rằng bất cứ người nào, dù là bị gắn cho nhãn là “ người ác” vẫn có cơ hội làm mới mình, chuyển hóa tích cực trong tâm thức và từ đó gây ảnh hưởng tích cực đến môi trường xung quanh. Dù có những lúc thiếu chánh niệm, ta mắc phải lỗi lầm, ta vẫn đủ bao dung cho mình cơ hội sửa lỗi sau khi cảm thấy hỗ thẹn với những vụng về mình vừa gây tạo ra. Sự chuyển hóa là một khóa trình diễn tiến thường xuyên trong dòng sống, nên không thể định danh “ người thiện”, “ người ác” mà chỉ có hành động thiện và ác. Nếu dụng công và nổ lực đúng cách, lấy những hạt mầm thiện làm điểm khởi đầu, ta sẽ chuyển hóa tâm mình dần thanh tịnh hơn, thiện lành hơn. Như vậy, niềm tin vào hạt giống thiện có trong mỗi người và niềm tin ở chính bản thân mình hòa quyện làm một trong quá trình sống và hành trì chứ không thể tách ra như hai yếu tố độc lập và đây là điều kỳ diệu của niềm tin có lý trí. Người vững tin vào các pháp thiện lành rồi thì không còn phải lo, có thể tự lực trên con đường đã chọn, còn người vững niềm tin được xem như chưa đủ trưởng thành để có thể tự đi một mình và cần có một vị thầy dìu dắt. Đức Phật dạy “ Khi nào vị Tỳ kheo chưa gây được lòng tin với các thiện pháp thì người thầy phải bảo hộ, giám sát người ấy trên con đường học” ( Tăng chi bộ kinh ) .

          Tin vào sự trải nghiệm tự thân :  Một trong những nguyên tắc quan trọng trong Phật giáo là chân lý có thể được biết và thẩm định thông qua sự quan sát, thấm nhuần bằng kinh nghiệp trực tiếp. Thí dụ trong kinh Lalama, người Kalama được Đức Phật khuyên giảng không nên đơn giản tin vào mọi nguồn đem lại thông tin từ bên ngoài, dù đó là do ai nói ra, từ truyền thống, truyền thuyết, từ kinh điển, hoặc từ sự suy luận thiếu cơ sở căn cứ… Đừng để uy quyền bên ngoài chi phối và làm lệch lạc đi sự thẩm định thuần túy và nguyên thủy của bản thân. Đừng để “ vị nể” xen vào trong nhận thức để đánh mất đi tính trung thực cần thiết của vấn đề. Ngài khuyên chúng ta chỉ tin vào chính sự thẩm định của mình qua kinh nghiệm tự thân, so với kinh nghiệm cá nhân của người trí làm quy chuẩn, rằng điều nào thiện lành, tốt đẹp thì hãy phát triển những điều ấy để đem lại lợi ích cho mình và cho người, những điều nào mình thấy xấu ác, sai dở thì loại bỏ đi . ( Kinh Kalama , Tăng chi bộ kinh ).

          Nhìn vào cuộc đời Đức Phật, chúng ta có thể thấy pháp quán chiếu kinh nghiêm bản thân này được Ngài ứng dụng trong suốt quá trình tu tập của Ngài. Khi rời cung điện tìm đường giác ngộ, Ngài thực hành các phương pháp tu tập thời bấy giờ: Tu khổ hạnh, các hình thức thiền nhập định phổ biến thời bấy giờ rồi từ đó, rút ra kinh nghiệm quý báu điều chỉnh cách hành trì. Cả khi Ngài sống trong rừng, Ngài thực hành tất cả các phương cách thí nghiệm. Thí dụ, Ngài kể khi Ngài đã sống một mình trong rừng hoang như thế nào,  do đó Ngài thể nghiệm sự sợ hãi. Trong đêm khuya, một cành cây gãy khiến cho bất cứ ai cũng có thể sợ hãi. Đức Phật luôn luôn tìm hiểu những nguyên nhân gây sợ hãi. Dù trong bất cứ trạng huống nào, Ngài cũng giữ nguyên tư thế bình tĩnh cho đến khi vượt qua trạng huống đó ( Trung bộ kinh số 4 : Kinh sợ hãi và khiếp đảm ). Đa số thường chạy trốn sợ hãi ! Đức Phật không phản ứng như vậy, Ngài ở đó cho đến khi Ngài vượt qua khó khăn ấy. Một thí dụ khác, sự thí nghiệm của Đức Phật với tư tưởng tốt và xấu. Ngài thí nghiệm với tư duy của Ngài cho đến khi có thể làm các tư tưởng không tốt lắng xuống ( Trung bộ kinh số 19 : kinh song tầm ) . Cứ thế, Đức Phật dùng phương pháp chứng nghiệm bản thân suốt trong quá trình tu tập của Ngài.

          Mỗi người chúng ta cũng vậy, tin Phật thôi chưa đủ, tin pháp cũng chỉ cho ta phương cách hành trì, tin Tăng cũng chỉ cho ta những gương thành công khi tin theo Phật và thực hành theo Pháp. Tất cả những đối tượng của niềm tin này cho ta năng lượng để đặt niềm tin vào bản thân, dốc tâm thực hành, dần điều chỉnh cho tốt hơn và hiệu quả hơn nhờ vào quy trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa học vừa tu, vừa đi vừa tới. Trong sự trải nghiệm ấy, có khi ta thất bại, ngay cả Đức Phật cũng đã từng thất bại trước khi thành công đó thôi. Điều quan trọng là ta làm gì sau mỗi lần thất bại. Nếu nhụt chí, mất niềm tin, hoang mang và không còn muốn phấn đấu thì ta đã thất bại “ toàn tập” ngay từ đầu rồi. Nếu sau một lần té ngã, ta chống đất đứng dậy ngay từ nơi mình ngã, rút kinh nghiệm để không trượt dài trên vết trượt cũ thì sự trải nghiệm tự thân đó đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của đời mình.

          Không ai trải thảm đỏ cho mình bước lên mà con đường của mỗi người là do mỗi cá nhân tự bước trên đôi chân của chính mình với những bước đi thận trọng nhưng đầy quyết tâm. Phải có niềm tin lớn, nghị lực lớn cùng sự quyết đoán lớn mới có thể tiến bộ mỗi ngày và dần về đích. Dám nhìn nhận sai lầm và rút ra nhiều bài học quý từ những sai lầm của mình là điều cần thiết để gia cố niềm tự tin ở mỗi người vậy.

          -Tin vào sự vận hành của các quy luật khách quan.

          Với tuệ giác của một Bậc Giác ngộ, Đức Phật đã chỉ rõ cả thế giới, vũ trụ này đều vận hành theo quy luật khách quan không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Thông thường, nhận thức chủ quan luôn luôn đi theo cách mà người ta muốn sự vật là như thế, tức là như họ nghĩ mà không như chúng thực sự diễn ra. Họ không thấy sự vật vận động theo quy luật của nó vì mê mờ, nhầm lẫn, tham lam thành kiến và quan niệm sai lầm. Một số người kịp nhận ra điều này bắt đầu học được niềm tin chân chính  khi không in bóng chủ quan và cảm tính của mình lên các quy luật khách quan và tạo ra khuôn mẫu muốn chúng vận hành theo ý mình muốn.

          Tuy không “ điều khiển” được guồng máy các quy luật tự nhiên vì nó vận hành khách quan, song ta có quyền thay đổi ngay tạo nguyên vật liệu cho guồng máy này làm việc. Ví dụ trong quy luật nhân quả, một nhân xấu khi đã tạo ra rồi thì ta không thể can thiệp để thay đổi tính chất của quả khổ đau tương ứng từ nhân này, nhưng ta hoàn toàn có quyền can thiệp ở giai đoạn phôi thai của tiến trình, là giai đoạn nạp nguồn, tức là tác ý tạo nhân. Tạo nhân tốt, thay vì nhân xấu, là góp phần điều chỉnh hướng đi của quy luật nhân quả và nghiệp báo để có quả hạnh phúc vậy. Trên cơ sở này, chúng ta nhận ra ngay chính bản thân mình là nơi nương tựa, là nơi quyết định sự thay đổi trên cơ sở tin vào sự vận hành khách quan của các quy luật chi phối cuộc sống. Những quy luật vận hành vũ trụ như nghiệp, nhân quả, duyên khởi được Đức Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bài pháp của Ngài, khuyến cáo chúng ta biết tác động đúng cách, đúng thời nếu muốn can thiệp vào sự thay đổi kết quả theo chiều hướng tích cực. Ngài nói rõ, hễ mình gieo nhân gì thì chính mình sẽ nhận lấy kết quả tương ứng của nó. Nên nhớ rằng không có một tha nhân hay một thế lực vô hình nào trên thế gian này có thể thay đổi nhân quả của người khác được mà chỉ có mình mới có thể lèo lái con thuyền định mệnh của chính mình mà thôi. Con người không cần cầu nguyện, van xin để chư Phật độ cái này, thưởng cái kia vì có van xin cầu nguyện cũng không bao giờ được, bởi vì nó đi ngược với luật nhân quả. Chỉ có tự mình mới có quyền quyết định hành trình của bản thân. Vậy không tin vào bản thân mình thì còn biết tin ai ?

          Mỗi con người là kiến trúc sư của đời mình. Với thân tâm như là những nguyên vật liệu thô ta thừa hưởng từ nhiều kiếp trước, ta có thể sử dụng tất cả những thứ này để xây dựng ngôi nhà cuộc đời. Trong quá trình xây dựng này, tự tin vào khả năng, nhận thức, ý chí và nghị lực của bản thân đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm kích hoạt tất cả tiềm năng mình có để sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có một cách hiệu quả nhất. Một hình ảnh khác, thân tâm này là một cỗ xe, còn điều khiển cỗ xe này về hướng nào, đến đích nào phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Vì lẽ đó, mỗi cá nhân không chỉ là người thừa tự của nghiệp mà còn là chủ nhân của nghiệp ( Tăng chi bộ kinh ). Đến đây, ta còn trông chờ vào ai, tin tưởng vào ai mà không tin tưởng, nương tựa vào chính mình để quyết định nguồn nguyên vật liệu nào cần nạp vào cho guồng máy này vận hành theo ý muốn ? Đầu vào tốt thì hứa hẹn đầu ra tốt, nếu ta đủ niềm tin, sáng suốt và nổ lực không ngừng, ta có thể góp phần điều hướng tiến trình vận hành các quy luật khách quan.

          Như vậy, niềm tin trong đạo Phật chung quy là tự tin vào chính bản thân mình. Đức Phật xác định đây là tài sản quý báu nhất, cao thượng nhất của mỗi con người ( Tương ưng bộ kinh ). Với sự soi rọi của lý trí, các đối tượng khác của niềm tin như Đức Phật, giáo pháp, những người đã thành tựu nhờ thực hành giáo pháp, bản chất thiện lành vốn có ở mỗi người, khả nặng tự chuyển hóa nội tâm ở mỗi cá nhân và những trải nghiệm quý báu trong cuộc đời và sự vận hành khách quan của các quy luật là những hỗ trợ cần thiết đưa mỗi  người về với niềm tin tự thân vậy. Trong Phật giáo, lý trí không phải là “ khắc tinh” của niềm tin mà là bạn tri kỷ đồng hành cùng niềm tin trong từng bước đi suốt cuộc hành trình. Đây là điểm vô cùng đặc biệt và khác biệt giữa niềm tin của các tín ngưỡng tôn giáo khác./

  ( Trích : Niềm tin trong đạo Phật : Liên Trí NSGN số 236- 11-2015 )

                                          {]{

                             Thiên tài …địa vị cũng sẽ tan

                             Cao sang… danh vọng cũng sẽ tàn

                             Phấn son…nhan sắc, đâu còn mãi

                             Chỉ có chân thành tồn tại với thời gian

                                                                                                                 ( sưu tầm )

                                                                                                {]{

                             MA TÚY

                                Thuốc lào thuốc lá là Ma

                   Cần sa Ma  túy là cha thuốc lào

                   Những ai lú lẫn bập vào

                   Cả nhà vô phước tự đào mồ chôn

                   Hại mình hại cả gia tôn

                   Tán gia bại sản vong hồn chôn sâu

                   Gia đình hạnh phúc còn đâu

                   Tương lai sự nghiệp xuống chầu Diêm vương

                   Ma túy nguy hiểm tai ương

                   Những ai liên đới bất lương nhất đời

                   Nếu rời ma túy thì đời đẹp tươi. /.

                                        {]{

 

 

 

 

 

 

 


 

NIỀM TIN TRONG ĐẠO PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét