Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

NỮ HỘ PHÁP TỲ XÁ KHƯ (VISAKHA)

 

NỮ HỘ PHÁP TỲ XÁ KHƯ (VISAKHA)

          Suốt cuộc đời hoằng pháp của đức Phật Ngài đã độ rất nhiều đệ tử  xuất gia cũng như tại gia. Trong số đệ tử xuất gia có 10 vị đại đệ tử xuất sắc nhất, như Xá Lợi Phật, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Đại Ca Diếp, A Na Luật, Ưu Ba Ly, A Nan và La Hầu La. Còn trong số đệ tử tại gia, có hai vị cư sĩ hộ pháp đắc lực nhất cho đức Phật và chư Tăng là ông Cấp Cô Độc và bà Tỳ Xá Khư (Visakha). Phần đông chúng ta biết về cư sĩ Cấp Cô Độc qua câu chuyện lót vàng để mua đất để xây dựng và cúng dường tinh xá Kỳ viên lên đức Phật và chư Tăng. Thêm vào đó ông Cấp Cô Độc là một Phật tử thuần thành, thường đến tinh xá học hỏi giáo pháp và hết lòng cúng dường tứ sự cho chư Tăng, hướng dẫn thân nhân tu tập, giúp đỡ những người cô độc, nghèo khổ, vì những công lao và đức hạnh đó nên ông có biệt danh là trưởng giả Cấp Cô Độc.

          Riêng về nữ cư sĩ Tỳ Xá Khư, bà vừa có nhan sắc vừa rất giàu có và có tâm đạo không thua gì ông Cấp Cô Độc. Tên Tỳ Xá Khư tiếng Pali là Visakha dịch nghĩa là “ Nguyệt Trang Đài”( Nét đẹp trăng rằm tháng năm ). Gia đình bà Tỳ Xá Khư ba đời đều tin Phật, từ ông nội ông cha cho đến Tỳ Xá Khư đều là những phật tử thuần thành.

          Về gốc tích gia đình và cuộc đời của Tỳ Xá Khư trong kinh được tóm tắt như sau :  Một lần nọ vua Ba Tư Nặc ( Pasenadi) nước Kiều Tất La. (Kasala) đến thăm người em gái là Hoàng Hậu Vi Đề Hy (Videhi). Vợ của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Khi đến Ma Kiệt Đà, thấy ở đó dân chúng giàu có thành phố sầm uất, nhà cửa mỹ lệ, vua Ba Tư Nặc nghĩ rằng “một đất nước giàu mạnh như thế này, chắc là có rất nhiều đại phú gia, và chính những đại phú gia này góp phần làm cho đất nước phát triển”.

          Từ suy nghĩ này, vua Ba Tư Nặc đề nghị vua Tần Bà Sa La chia bớt cho mình một đại phú gia với đầy đủ tài năng và đức hạnh để giúp cho nước Kiều Tát La phát triển hơn. Vì nể người anh vợ nên vua Tần Bà Sa La đã đồng ý. Sau đó, vua Tần Bà Sa La cho mời tất cả những người giàu có nhất tại Ma Kiệt Đà đến họp và nêu lên nguyện vọng  của vua Ba Tư Nặc, muốn xin một đại phú gia qua nước Kiều Tất La để giúp phát triển kinh tế. Trong những người có mặt hôm ấy, có một đại phú gia tên là Miên Dương, có một con trai tên là Hộ Tài thắng đã tình nguyện đi.

          Trên đường đi qua Kiều Tất La, gia đình đại phú gia dừng chân tại Mộ Đáo Thành, một ngôi làng địa thế rất đẹp, có sông núi, đất đai phì nhiêu. Nhưng do dân làng không có người đỡ đầu và không biết làm kinh tế nên đời sống vẫn hoàn nghèo không phát triển được. Sau một thời gian sống ở Mộ Đáo Thành, gia đình đại phú gia đã giúp cho cuộc sống người dân khá hơn, nhà cửa được xây nhiều hơn. Dần dần Mộ Đáo Thành đã phát triển lên thành một thị trấn và cuối cùng trở thành một thành phố đông dân và giàu có, có thể thấy, cha con nhà phú gia vừa rất giàu lại vừa rất giỏi về làm kinh tế.

          Trưởng giả Hộ Tài Thắng sau này sinh được một cô con gái, đó chính là Tỳ Xá Khư, Tỳ Xá Khư có nét đẹp rất đặc biệt, hội đủ năm tiêu chuẩn một mỹ nhân theo quan niệm của những người thuộc giai cấp Bà la môn. Đó là năm tiêu chuẩn về tóc, da, thịt, xương và tuổi trẻ. Bà Tỳ Xá Khư có mái tóc óng ả, dài gần chấm đất, phần dưới uốn cong lên một cách tự nhiên. Làn da bà trắng hồng, mịn màng. Nét đẹp về thịt biểu hiện đôi môi đỏ thắm, mềm mại và gợi cảm. Hàm răng trắng sáng, đều đặn thể hiện cho vẻ đẹp của xương. Còn vẻ đẹp của tuổi trẻ là bà luôn xinh tươi, khỏe khoắn và tràng đầy sức sống.

          Vào thời điểm đó, con trai nhà triệu phú tên là Vô Diên ở nước Kiều Tát La tên là Mãn Hưng đã đến tuổi kết hôn nhưng lại rất kén chọn, anh không chỉ là con nhà giàu có mà còn đẹp trai, thông minh, tài giỏi. Mặc dù đến tuổi kết hôn nhưng anh không chịu lập gia đình. Cha mẹ anh rất lo lắng, bởi ông bà đã lớn tuổi mà con trai chưa yên bề gia thất. Một hôm, ông bà tâm sự với con trai, khuyên anh nên lấy vợ, anh đặc điều kiện :

          Nếu cha mẹ có thể tìm cho con được một người con gái với năm sắc đẹp như các vị Bà la môn nói thì con mới chấp nhận. Ông bà mừng rỡ, hỏi năm nét đẹp đó là những gì ?  anh trả lời :

          - Thưa cha mẹ, đó là năm sắc đẹp về tóc, da, thịt, xương và tuổi trẻ.  Ông bà bèn mời các vị Bà la môn uyên bác về tướng số đến hỏi, người con gái như con trai mình nói có thể tìm được không, khi họ nói là có, ông bà lập tức thuê tám người Bà la môn giỏi về tướng số đi khắp nơi tìm cho được cô gái có đầy đủ năm nét đẹp như vậy.

          Một ngày kia, trong một lễ hội, Tỳ Xá Khư đi chơi cùng với các gia nhân. Trong khi bà cùng với 500 thiếu nữ đi tắm sông, vừa tới nơi thì bỗng nhiên có trận mưa rất lớn, mọi người đều vội vã chạy tránh mưa, nhưng Tỳ Xá Khư vẫn điềm tỉnh, nhẹ nhàng bước đi, không chút vội vã, cũng không chạy như những người kia. Lúc đó, tám vị Bà la môn đang đi tìm người con gái có đầy đủ năm nét đẹp cho ông Vô Diên cũng có mặt ở đó. Họ lấy làm lạ trước phong thái của cô gái có nhan sắc tuyệt trần nầy, liền đến hỏi cô :

          Tại sao cô không chạy đi tránh mưa như mọi người mà lại bước chậm rãi, khoan thai như thế ? cô không sợ ướt áo hay sao ?

          Tỳ Xá Khư trả lời : Thưa các ngài, ướt áo thì có thể thay áo khác được, nhưng tư cách và đức hạnh ướt thì lấy gì mà thay ?

          Nghe Tỳ Xá Khư nói như vậy, tám vị Bà la môn cảm thấy kính nể. Sau đó họ dò hỏi thân nhân của bà như thế nào. Khi biết bà tên là Tỳ Xá Khư, con của một vị lãnh đạo thành phố Mộ Đáo, họ rất mừng vui tột độ, lại trở về báo cho ông Vô Diên biết là đã tìm được cô gái có đủ năm nét đẹp về tóc, da, thịt, xương và tuổi trẻ. Thế là ông Vô Diên cùng với con trai và tám vị Bà la môn này sắm sửa lễ vật, đi qua nhà Tỳ xá Khư để ngỏ lời hỏi cưới.

          Trong đám hỏi và đám cưới của hai gia đình, vua Ba Tư Nặc đều cùng nhà trai đến nhà gái. Bên nhà gái tuyên bố trả mọi chi phí trong cuộc tiếp đãi vua và tất cả thân bằng quyến thuộc bên nhà trai. Đồng thời trong thời gian vua và nhà trai qua rước dâu nhà gái không những đãi họ mà còn đãi hết  cả thành phố bất cứ ai đến chúc mừng đều được ăn uống linh đình trong cả bốn tháng  trời. Cha của Tỳ Xá Khư trang hoàng cả thành phố vô cùng rực rỡ, có thể nói trước và sau chưa có một đám cưới nào tương tự như vậy, bởi vì hiếm có ai tổ chức một hôn lễ quá lớn, quá tốn kém như vậy.

          Để tiễn đưa con gái về nhà chồng, cha mẹ bà Tỳ Xá Khư đã tặng cho bà rất nhiều phẩm vật làm của hồi môn, bao gồm 500 cỗ xe tiền vàng, tiền đồng, 500 cỗ xe chất đầy các thứ bát đĩa, thau bồn được đúc bằng vàng và đồng, cùng lụa là, gấm vóc thuộc thượng hạng, 500 cỗ xe chở các tỳ nữ với đầy vật dụng, 60 ngàn con bò đực và 60 ngàn con bò cái. Trong ngày rước dâu, trước khi Tỳ Xá Khư về nhà chồng, cha bà dặn phải luôn ghi nhớ và giữ gìn mười điều sau  1/ Không được đem lửa từ nhà ra ngoài ngỏ, 2/ Không đem lửa từ ngoài ngỏ vào trong nhà, 3/ Chỉ cho đến những người có khả năng hoàn trả, 4/ Không cho đến những người không có khả năng hoàn trả, 5/ Cho đến những người có khả năng hoàn trả hoặc không hoàn trả, 6/ Ngồi một cách an vui, 7/ Ăn một cách an vui, 8/ Ngủ một cách an vui, 9/ Hằng chăm ngọn lửa, coi chừng ngọn lửa, 10/ Tôn trọng và kính lễ những vị trời trong nhà. Lúc đó người cha chồng đang ở gần và cũng nghe được 10 điều này. Ông rất thắc mắc, không hiểu vì sao ông thông gia lại dặn con dâu như vậy, nhưng ông quyết định im lặng chờ lúc nào có dịp sẽ tìm hiểu sau.

          Và lễ rước dâu chính thức, dân chúng ở thành phố Mộ Đáo rất yêu quý Tỳ Xá Khư, nên khi bà về nhà chồng họ kéo nhau theo rất đông, không phải để tiễn đưa mà muốn theo bà qua bên đó sinh sống, thế nhưng cha chồng không dám cho họ theo, sợ kéo qua quá đông, không lo nổi, nên chỉ cho đi ít người, còn lại thì đuổi tất cả trở về. Trên đường qua nhà chồng đi đến đâu, Tỳ Xá Khư cũng được dân chúng đón chào và tặng quà. Mặc dù bà rất giàu có, nhưng vì không muốn làm buồn lòng những người dân chất phát, bà vui vẻ nhận và sau đó tặng lại cho những người khác, không những thế, bà còn chia bớt của hồi môn của mình, cho những người mình gặp trên đường đi.

          Nhờ có đức hạnh cao quý, tính tình hiền hậu, dung nhan xinh đẹp nên khi về tới nhà chồng Tỳ Xá Khư được gia đình chồng rất thương yêu, các gia nhân đều kính trọng, cảm mến. Một lần vào ban đêm, ở ngoài chuồng ngựa, có một con ngựa đau đẻ, nó kêu la thống thiết vì không đẻ được, các gia nhân thấy vậy bèn vào thưa với Tỳ Xá Khư, họ đốt đuốc, đưa bà ra thăm con ngựa này. Bà đã vỗ về, an ủi và giúp nó đẻ được dễ dàng.

          Một lần khác ông Vô Diên mời các vị thầy của mình đến nhà để cúng dường, ông Vô Diên là tín đồ theo đạo Ni Kiền Tử, hay còn gọi là đạo lõa thể, nghĩa là những tu sĩ của đạo này không mặc quần áo. Khi các vị thầy của mình đến ông Vô Diên nói với Tỳ Xá Khư : “ Hôm nay cha cúng dường các vị A La Hán, con hãy ra đảnh lễ các vị ấy”, vốn là đệ tử của Phật, Tỳ Xá Khư rất tôn kính các vị A La Hán, vì biết rằng họ là những người có đạo đức, giữ giới luật, tâm ý thanh tịnh. Khi nghe cha chồng nói như vậy, bà vui mừng khôn tả, mau chóng theo cha ra đảnh lễ. Thế nhưng, khi ra, bà không thấy vị A La Hán nào, chỉ thấy mấy ông đạo sĩ  không một mãnh vãi che thân, người thì ngồi ngả nghiêng, người thì đứng cười giỡn, không có sự trang nghiêm, thiếu tư cách đạo đức, bà vô cùng sốc và nhất quyết không chịu đảnh lễ những người đó, thấy vậy ông Vô Diên liền hỏi bà :

          Sao con không đảnh lễ các vị đạo sĩ đây ?

          - Bà Tỳ Xá Khư trả lời  : Thưa cha, con là đệ tử của đức Phật, con không thể đảnh lễ mấy ông đạo sĩ này. Nghe Tỳ Xá Khư nói vậy, những đạo sĩ Ni Kiền Tử kia nổi giận, nói với ông Vô Diên rằng: Tại sao ông đưa đệ tử của Sa môn Cồ Đàm về đây làm gì ? hãy đuổi con quỷ cái này đi.

          Cha chồng của Tỳ Xá Khư đã suy nghĩ rất nhiều, ông không muốn làm trái ý các vị thầy của mình, nhưng lại không có lý do để đuổi bà Tỳ Xá Khư, một người con dâu rất dễ thương, cuối cùng ông quyết định không đuổi Tỳ Xá Khư mà sẽ từ từ khiến cô bỏ đạo Phật theo đạo Ni Kiền Tử.

          Một hôm, trong lúc Tỳ Xá Khư đang đứng hầu cha chồng dùng cơm, có một vị khất sĩ là đệ tử của đức Phật, đi khất thực ngang qua và dừng lại trước cửa nhà, Tỳ Xá Khư bèn tránh qua một bên để cha chồng nhìn thấy vị khất sĩ mà phát tâm cúng dường thức ăn. Thế nhưng, cha chồng ngước lên, nhìn thấy vị khất sĩ, xong lại cuối đầu xuống ăn tiếp, chẳng nói một lời nào, Tỳ Xá Khư mới quay ra nói với vị khất sĩ : Thưa ngài, cha con hôm nay ăn đồ thiu nguội, xin ngài hoan hỷ qua nhà khác để khất thực.

          Nghe xong, ông Vô Diên đùng đùng nổi giận quát lên rằng : Con này hỗn láo, tại sao nói cha chồng ăn đồ thiu nguội ? hôm trước ngươi đã vô lễ với các vị thầy của ta, giờ ngươi dám xúc phạm đến ta, thật là quá lắm rồi, hãy cút ra khỏi nhà ta !

          Nghe cha chồng bảo vậy, Tỳ Xá Khư đáp :

- Thưa cha, con về nhà này một cách đường đường chính chính, có vua quan, dân chúng và tất cả mọi người chứng kiến. Bây giới nếu con ra đi thì cũng được đường đường chính chính, chứ không thể bị đuổi như thế này được. Hơn nữa, khi con về làm dâu, cha con cử tám vị trưởng lão đi theo để có chuyện gì sẽ hỗ trợ giúp đỡ cho con. Vậy bây giờ con sẽ mời tám vị trưởng lão đó đến để cùng bàn bạc. Nếu con sai thì con chấp nhận về nhà.

          Thế là tám vị trưởng lão được mời đến để phân xử. Người cha chồng bắt đầu kể tội cô con dâu của mình.

 - Thưa các vị ,  cô ta đã nói là tôi ăn đồ thiu nguội, con dâu mà có thể phỉ báng cha chồng như thế được sao ?

          Vẫn giọng trầm tĩnh, Tỳ Xá Khư trả lời :

 Thưa cha, thưa các vị trưởng lão, đồ thiu nguội ở đây dùng cho pháp ngữ chứ không phải thường ngữ, ví như món ăn nấu từ hôm trước, để qua đêm, hôm nay nó bị thiu, đó là thường ngữ. Còn pháp ngữ là đời trước do bố thí, cúng dường, làm nhiều phước thiện nên đời này cha được hưởng quả sung sướng, giàu có, đầy đủ. Bởi thế, khi cha đang ăn cơm, có vị tu sĩ khất thực, đứng trước cửa nhà mà cha không lưu ý cúng dường để tạo phước mới, nên con nói cha đang dùng đồ thiu nguội, tức là ăn cái phước của đời trước.

          Nghe con dâu giải thích như vậy, dù đã hiểu ra nhưng ông  Vô Diên vẫn không chịu thua, ông bắt bẻ lại :  Coi như chuyện đó cô đúng. Nhưng cô nói mình là người đức hạnh, nết na, vậy hôm trước làm gì mà ban đêm cô lại ra chuồng ngựa ? Như thế có phải là người đức hạnh hay không ?

Thưa cha, con không làm chuyện gì khuất tất. Hôm đó, gia nhân vào báo có con ngựa đẻ không được nên con ra giúp cho nó đẻ thôi.  Người cha chồng hết cách bắt bẻ nhưng cố hỏi thêm nữa .

- Trước khi về nhà này, cha cô dặn 10 điều rất lạ lùng, chúng ám chỉ những gì ?

Bà Tỳ Xá Khư thành thật trả lời :

- Thưa cha, đúng là cha con có dặn 10 điều trước khi con về nhà chồng. Điều thứ nhất là không đem lửa từ trong nhà ra ngoài ngỏ. Nghĩa là cha dặn con không được đem những chuyện trong nội bộ gia đình giữa cha con, chồng vợ, anh em đi ra ngoài nói cho người ta nghe.

Thế tại sao không được đem lửa từ bên ngoài vào trong nhà ?

- Thưa cha, tương tự như điều thứ nhất, tức là không được đem những  chuyện thị phi ngoài xã hội vào nhà, làm cho trong nhà rối loạn.

- Còn điều thứ ba, chỉ cho những người có khả năng hoàn trả, là sao ?

- Thưa cha, có nghĩa là khi cho ai mượn tiền hay vật gì đó, mình phải biết người đó có khả năng hoàn trả hay không ? nếu có thì mới cho mượn. Ngược lại, điều thứ tư mà cha dạy không cho đến những người không có khả năng hoàn trả, bởi vì nếu cho mượn thì họ cũng thể trả được.

- Còn điều thứ năm, cho đến những người có thể hoàn trả, hoặc không hoàn trả, sao lại mâu thuẫn với hai điều trên như thế ?

- Thưa cha, ý câu này là đối với những người thân trong gia đình hoặc những người nghèo khó, dù họ có khả năng hoàn trả hay không hoàn trả thì vẫn giúp đỡ họ hết lòng.

- Nhưng. Điều thứ sáu là ngồi một cách an vui, điều thứ bảy là ăn một cách an vui, điều thứ tám là ngủ một cách an vui thì phải giải thích như thế nào ?  Con gái mới về nhà chồng mà đã dạy cách sống chỉ biết ăn ngủ, hưởng thụ vậy sao ?

- Xin cha đừng nghĩ thế mà tội cho cha con, ý của cha con dạy rằng, ngồi một cách an vui là khi ngồi chỗ nào, phải xem xét chỗ đó có phải là chỗ ngồi mình được ngồi hay không, nếu là chỗ ngồi của chồng hay cha mẹ chồng thì không được ngồi, và khi ngồi mà thấy chồng hay cha mẹ chồng thì phải đứng dậy chào, không được ngồi nữa. Ăn một cách an vui là trước khi ăn, phải xem xét thức ăn của chồng hay cha mẹ chồng có đầy đủ hay không, xem những người làm công cho mình ăn có được no đủ hay không. Ngủ một cách an vui là không được ngủ trước chồng hay cha mẹ chồng, rồi trước khi đi ngủ phải xem cửa nhà đã đóng chưa, những người làm công trong gia đình đã hoàn mãn công việc chưa .

Vậy còn hai điều cuối cùng thì sao ? Cái gì mà hằng chăm nom ngọn lửa, coi chừng ngọn lửa, rồi cái gì mà tôn trọng, kính lễ các vị trời trong nhà ?

- Thưa cha, hằng chăm nom ngọn lửa, coi chừng lửa là cha dặn con phải xem chồng và cha mẹ chồng như lửa, chăm sóc đừng để cho lửa cháy, tức đừng để cho cha mẹ chồng giận la, mắn chửi, tôn trọng, kính lễ những vị trời trong nhà là cha con khuyên phải tôn trọng, kính lễ chồng và cha mẹ chồng giống như những vị trời.

Sau khi nghe Tỳ Xá Khư trình bày về 10 điều trên, ông Vô Diên cảm thấy hỗ thẹn vì trước giờ đã nghĩ sai về con dâu, tám vị trưởng lão chứng kiến cuộc chất vấn hôm đó và tuyên bố rằng, Tỳ Xá Khư không sai. Nghe được lời này Tỳ Xá Khư nói :

Thưa cha, như vậy là sự việc đã rõ ràng rồi, con không có lỗi gì cả. Nhưng cha đã đuổi thì con xin về nhà cha mẹ con, không ở đây nữa.

Nói rồi, Tỳ Xá Khư cho gọi các tôi tớ trong nhà bảo họ chuẩn bị đồ đạc để lên đường. Nghe bà nói vậy, ông Vô Diên hoảng sợ, năn nỉ bà ở lại.

- Con à ! vì cha không biết suy xét nên đã nói oan cho con, con hãy tha thứ cho cha và ở lại. Tỳ Xá Khư là một phụ nữ rất khôn khéo, thừa cơ hội này để khuyến hóa gia đình chồng hướng về đạo Phật cô lễ phép thưa rằng :

- Thưa cha, nếu cha xin lỗi thì con xin xóa bỏ hết, con sẽ không về nữa, chỉ xin cha chấp nhận một điều kiện. Đó là mong cha cho con được phép cung thỉnh đức Phật và chư Tăng đến nhà để cúng dường. Mọi chi phí buổi trai Tăng con sẽ tự bỏ ra hết, cho không phải lo một thứ gì.  Ông cha chồng rơi vào thế kẹt, vì sợ bà Tỳ Xá Khư bỏ về nhà, ông đành phải đồng ý.

Hôm sau, bà Tỳ Xá Khư thỉnh đức Phật và chư Tăng về nhà cúng dường. Kết thúc buổi trai Tăng đức Phật đã thuyết một bài pháp cho gia đình bà Tỳ Xá Khư, ông Vô Diên tuy không muốn lộ diện, vì sợ mất danh dự của mình, nhưng vẫn núp ở nhà sau nghe lén. Khi đức Phật chấm dứt thời pháp thoại ông bước ra đảnh lễ Ngài, và thật bất ngờ, đảnh lễ Phật xong, ông còn quay sang đảnh lễ bà Tỳ Xá Khư, người con dâu của mình, rồi nói rằng, ông rất kính mến và xem cô như người mẹ thứ hai của mình.

Với trí tuệ vô ngại, đức Phật có thể chuyển hóa người khác một cách nhanh chóng, chỉ bằng một bài pháp thoại, Ngài đã thay đổi được tư tưởng của ông Vô Diên, một tín đồ đạo Ni Kiền Tử, không những thế ông Vô Diên còn hạ mình đảnh lễ con dâu và tôn xưng bà như một người mẹ thứ hai đã sinh ra ông. Sau đó ông đặt làm một cái áo rất đắc tiền để tặng con dâu, không chỉ cảm hóa được cha chồng, trong lần thỉnh đức Phật và chư Tăng về cúng dường tiếp theo, bà Tỳ Xá Khư còn cảm hóa được mẹ chồng hướng về Phật pháp.  Như vậy, với đức hạnh và trí tuệ của mình bà Tỳ Xá Khư đã giúp được gia đình chồng từ chỗ tín đồ đạo Ni Kiền Tử chuyển qua tin tưởng và hết lòng ủng hộ Tam Bảo.

Sau khi gia đình chồng quy hướng Phật pháp bà Tỳ Xá Khư bắt đầu thường xuyên đến tinh xá để nghe pháp và cúng dường. Bà xin đức Phật tám điều : 1/  Dâng y cho chư Tăng đến trọn đời, 2/ Đặt bát cho chư Tăng từ phương xa đến Xá vệ, 3/  Đặt bát cho chư Tăng rời Xá vệ, 4/ Dâng vật thực đến những vị Tăng đau ốm không đi khất thực được, 5/  Dâng vật thực đến những vị Tăng chăm sóc cho các vị Tăng đau ốm, 6/ Dâng thuốc men cho chư Tăng bị bệnh, 7/ Dâng lúa mạch buổi sáng lên chư Tăng, 8/ Dâng y tắm cho chư Ni.  Đức Phật hoan hỷ nhận lời, tất cả tám điều trên. Từ đó mỗi ngày bà đều cho gia nhân đến tinh xá xem có bao nhiêu vị Tăng đến, bao nhiêu vị Tăng đi, bao nhiêu vị Tăng đau ốm, bao nhiêu vị Tăng chăm bệnh để cúng dường vật thực.

Có thể thấy tâm đạo của nữ Tỳ Xá Khư không thua gì ông Cấp Cô Độc, bà Tý Xá Khư có đến 20 người con, bà sống được 120 tuổi. Điều đặc biệt dù đã 120 tuổi, nhưng nhan sắc bà vẫn còn tươi đẹp, gần như không bị phai tàn bởi thời gian.

Bà Tỳ Xá Khư hội đủ sáu đặc điểm : 1/ Nhan sắc, 2/Giàu có, 3/Tuổi thọ, 4/ Đức hạnh, 5/ Trí tuệ, 6/ Tâm đạo.

1/ Nhan sắc : Bà có tâm hỷ xả bao dung nên nhan sắc của bà không phai tàn theo thời gian. Tâm lý lúc nào cũng hoan hỷ, không có phiền não, không sanh tâm sân hận, gương mặt luôn tươi vui. Tâm hỷ xả là nhân tố để có dung mạo tươi trẻ ở đời này và sở hữu sắc đẹp ở đời sau. Ngược lại, người hay sân hận, lúc nào cũng nhăn nhó, hiện tại gương mặt xấu xí, khó ưa, vì thế ai muốn có sức khỏe và sắc đẹp đời này và đời sau phải tu pháp hỷ xả.

2/ Giàu có : Bà Tỳ Xá Khư rất giàu có, cha bà là một đại phú gia, tài sản của cha bà cho làm của hồi môn, bà tiêu dùng cả đời không hết, sự giàu có này có nguồn gốc từ quá khứ. Vì kiếp trước bà đã tạo nhân bố thí, cúng dường nên kiếp này được giàu có như thế.

3/ Tuổi thọ : Bà sống 120 tuổi, đây là quả lành của việc không sát sanh hại vật mà thêm phóng sanh, cứu mạng trong quá khứ.

4/ Đức hạnh : Bà Tỳ Xá Khư là một phụ nữ đoan trang, đạo đức. Bà sống và cư xử với mọi người rất tốt đẹp, bà vâng lời dạy của cha, làm tròn bổn phận của một người con dâu khi về nhà chồng. Bà có lòng từ bi rộng lớn, yêu thương con người và cả loài vật.

5/ Trí tuệ : Trong cuộc đời của bà Tỳ Xá Khư, bà đối đáp với các vị Bà la môn rất khéo, và tài tình, không những thế, bà đã chuyển hóa được cả gia đình chồng hướng về Phật pháp. Có thể nói bà là một người có trí tuệ rất sắc bén, không có trí tuệ thì không thể nào làm được việc như thế.

6/ Tâm đạo : Tám điều bà Tỳ Xá Khư xin đức Phật hứa khả đã thể hiện được tâm đạo nhiệt thành của bà. Hằng ngày bà cúng dường vật thực cho 500 vị Tăng, đây là điều hiếm ai làm được. Như vậy, so ra tâm đạo của bà Tỳ Xá Khư có thể còn hơn ông Cấp Cô Độc.

Những đặc điểm và phẩm chất trên cho ta thấy, bà Tỳ Xá Khư xứng đáng là một đệ tử tại gia lớn của đức Phật. Bà là một trong những hộ pháp đắc lực nhất cho đức Phật và Tăng đoàn, không thua gì cư sĩ Cấp Cô Độc, sống tốt đời đẹp đạo, hộ trì Tam bảo, làm tròn bổn phận của người phật tử tại gia, tự thân tinh tấn tu tập, đồng thời khéo chuyển hóa những người trong gia đình tin vào Phật pháp, hướng về con đường giải thoát an vui./.

 (Trích tập: Hết lòng vì đạo, chùa Hoàng Pháp-HT Thích Chơn Tính )-  soạn 30/12/ 2022

 

 

 

NỮ HỘ PHÁP TỲ XÁ KHƯ (VISAKHA) Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét