Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

LUẬN VỀ DỤC - NGUỒN GỐC KHỔ ĐAU CỦA CON NGƯỜI

 

LUẬN VỀ DỤC - NGUỒN GỐC KHỔ ĐAU CỦA CON NGƯỜI

          Dục là gì ?  Dục mang lại hạnh phúc hay khổ đau cho con người?  Một nhà thơ nói lên rằng :

          “ Lửa nào bằng lửa tham

          Ngục nào bằng tâm sân,

          Lưới nào hơn mê đắm,

          Sông ái dục nhận chìm”

           Thật vậy, trong cái vui của dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất bé nhỏ mà cái tai họa thì rất lớn. Đeo đuổi theo những đối tượng của dục, người ta không tạo dựng được hạnh phúc chân thật mà còn tạo nhiều khổ đau cho bản thân và tha nhân. Như vậy, dục chính là nguồn gốc của khổ đau. Do đó, con người muốn được an vui, hạnh phúc cần phải ly dục. Nhưng ly dục bằng cách nào ?  Đức Phật dạy, ít ham muốn, bằng lòng với một nếp sống giản dị và lành mạnh để có thì giờ sống sâu sắc  từng phút từng giây của sự sống hằng ngày, có khả năng hiểu biết, thương yêu, chăm sóc và làm hạnh phúc cho những người chung quanh, đó là bí quyết của hạnh phúc chân thật.

          Khái quát về dục  -  Định nghĩa : Theo Tự điển Việt Nam : “ Dục là muốn, lòng tham muốn riêng của mình”. Theo Tự điển Phật học thì Dục có ba tính: Thiện, ác và vô ký ( không thiện không ác). Dục tính thiện là nguồn gốc phát khởi tâm tinh tiến cần mẫn; dục mang tính ác thì thèm muốn tài vật của người khác, gọi là tham, là một trong những phiền não căn bản. Dục có nhiều loại: năm dục, sáu dục, ba dục v.v… Năm dục: say đắm năm cảnh : sắc, thanh, hương, vị, xúc. Sáu dục : say mê sắc đẹp, dung mạo, uy nghi tư thái, giọng nói quyến rũ, làn da mịn màng, tướng người xinh đẹp. Ba dục : ham đắm dung mạo, tư thái, làn da mịn màng.

           Theo quan điểm Phật giáo : “ Đi đôi với thỏa mãn và tham dục, cái tâm tìm cầu theo chỗ đòi hỏi được thỏa mãn làm nhân cho sự tái sinh”. Nghĩa là, vì phát tâm mong cầu mà tìm kiếm sự thỏa mãn và vì không được thỏa mãn nên cứ gắng sức tìm cầu mãi cho đến vô cùng, đó là cái nhân dẫn đến luân hồi sanh tử. Tất cả những định nghĩa trên đều nói đến dục vọng làm con người khổ đau.

2- Nguồn gốc của dục : Dục là nguyên nhân của khổ đau, nguồn gốc của dục có từ vô thủy, sự trói buộc của nó đối với chúng sanh trong luân hồi là vô lượng kiếp. Trong kinh Đại khổ uẩn, Đức Phật đã chỉ rõ chiến tranh xung đột của con người xảy ra là do lòng tham dục: “ Lại nữa, này các Tỳ kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân vua tranh đoạt với vua, Sát đế lợi tranh đoạt với Sát đế lợi, Bà la môn tranh đoạt với Bà la môn,  Gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, cha tranh đoạt với con,, con tranh đoạt với cha, với mẹ, anh em tranh đoạt với nhau… Họ bắn nhau bằng tên, đâm nhau bằng dao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm, họ đi đến tử vong, đi đến đau khổ gần như tử vong”.

           Tham dục không chỉ giới hạn vào tiền bạc, vật chất danh vọng mà nó bao gồm cả lòng tham muốn có được tình cảm của người khác đó còn gọi là tham ái. Ái là một năng lực tinh thần hết sức mạnh mẽ, luôn tiềm ẩn trong tất cả mọi người, mọi chúng sanh. Nó chính là nguồn gốc của mọi khổ đau. Con người thường thích chạy theo tiếng gọi của ham muốn như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon ngọt, xúc chạm êm ái…Lòng ham muốn càng mạnh thì chấp ngã , chấp thủ càng mạnh. Đây chính là động cơ, là nghiệp lực dẫn đến tái sinh từ đời này sang đời khác. Như vậy, cội rễ của mọi tệ nạn xã hội như bạo hành, ma túy, xung đột, trộm cướp, chiến tránh…đều phát xuất từ lòng tham lam hay ái dục. Ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi sinh, ô nhiễm xã hội bắt nguồn từ nội tâm con người bị ô nhiễm. Vì đó chính là nguồn gốc gây ra mọi phiền não khổ đau cho con người trong cuộc sống.

           Tóm lại, tham dục và ái dục là một năng lực tinh thần hết sức hùng mạnh, luôn luôn ngủ ngầm bên trong tất cả mọi người, mọi chúng sanh và là cội nguồn của bao nhiêu bất hạnh trong đời.

           Tác hại của dục đến đời sống nhân sinh.

          1- Tham dục làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái : Nhân loại hiện nay đang chìm đắm trong cảm thọ, hưởng thụ xuất phát  từ những cá nhân, gia đình, xã hội và quốc gia. Sự thách thức và sự ô nhiễm môi trường ngày càng nguy cơ đe dọa loài người. Với xu thế hiện nay ở các nước công nghiệp hóa, xu thế vét cạn tài nguyên làm hủy hoại môi trường, nhằm thỏa mãn lòng tham không đáy của con người. Công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ gỗ đã phá hoại rừng với tốc độ kinh khủng. Rừng là lá phổi của hành tinh chúng ta. Phá rừng lá phá hoại hai buồng phổi của hành tinh chúng ta. Thứ nữa, rừng chính là trợ duyên ngăn bớt những dòng thác tràn xuống đồng bằng nhưng khi rừng bị mất thì lũ lụt và cường độ phá hoại cũng tăng lên, đất bị xói mòn, mùa màng bị phá hoại và nạn đói đang đe dọa khắp nơi.

          Hàng năm trên thế giới nói chung Việt Nam nói riêng, rừng luôn luôn bị thu hẹp theo từng năm để khai hoang trồng trọt, chăn nuôi và các công trình xây dựng khác. Thứ đến là sự hủy hoại trên lãnh vực công nghiệp. Hàng năm trong quá trình sản xuất, các nhà máy đã không ngừng thải ra những chất ô nhiễm và độc hại vào không khí, đất đai và các dòng sông suối, biển cả. Trong đó có những chất gây bệnh tật như CO2, ở các thành phố lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, làm giảm năng suất lao động, gây nhức đầu; bụi chì làm yếu cơ bắp, đưa đến bại liệt và làm biến đổi các chức năng của gan, thận, não…Ở các nước công nghiệp phát triển gặp nhiều tai họa và nhất là nhiều căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, bệnh tim, bệnh tâm thần…Nguyên nhân chính gây ra căn bệnh hiểm nghèo ấy không phải do di truyền hay do vi khuẩn mà do môi trường bị ô nhiễm bởi những hóa chất mang độc tố gây bệnh ung thư.

           Tất cả mọi sự phát triển và thành tựu của khoa học chung quy cũng chỉ để thỏa mãn lòng tham của con người. Trong khi chạy theo lợi nhuận bên ngoài, con người không những quên đi sự sống của thiên nhiên, của các loài động vật hoang dã, mà còn quên đi đồng loại và cả bản thân mình. Họ không còn ý thức được ý nghĩa của cuộc sống hạnh phúc với sự đua đòi chạy theo vật chất và cũng không biết rằng giá trị đạo đức con người đang dần dần bị suy thoái.

          Từ những tiêu cực vừa nêu trên đủ để thấy sự hiểm họa của sự phát triển và mối nguy hiểm của sự ô nhiễm môi sinh, đã và đang đe dọa đời sống con người trên hành tinh chúng ta. Đã đến lúc con người phải có những biện pháp để bảo vệ môi sinh để ngăn chặng nguy cơ hiểm họa cho cuộc sống con người.

          2- Tham dục làm ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

          Để thỏa mãn nhu cầu của tham dục, con người phải nỗ lực tìm kiếm chúng, phải đầu tắt mặt tối, phải vất vả, phải hy sinh. Tuy vậy, con người rất khó thỏa mãn cho dù những mong muốn đó nhất thời có được. Những người vất vả như vậy mà vẫn hai bàn tay trắng không có kết quả gì nên thất vọng buồn phiền. Có những người may mắn hơn, có được những gì mình muốn nhưng phải lo giữ gìn, sợ hãi sẽ mất mát, hao mòn. Do mình có tài sản hay mình muốn tài sản, lạc thú mà cha con tranh chấp, vợ chồng chia tay, gia đình ly tán, con cái bơ vơ khốn khổ, bạn bè hãm hại, anh em kiện cáo nhau, dối trá lường gạt, hãm hại…xảy ra; do tham dục mà xóm làng, băng đảng, quốc gia… gây chiến tranh đổ máu. Cũng vì tham dục mà sanh ra thụt két, lường gạt nhau lâm vào vòng lao lý. Biết bao triều đại tiêu vong, gia đình tan nát cũng do con người mê đắm dục lạc. Nguyên nhân chính của bao sự đổ vỡ  từ gia đình đến xã hội đều do long tham dục mà ra. Đức Phật dạy :  Người say mê ái dục giống như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, thế nào cũng bị họa cháy tay”.

          Do thiếu ý thức và tham đắm dục lạc, con người lại lao vào vòng xoáy của ngũ dục, những lối sống xa hoa trụy lạc, những thứ làm cho say người như rượu, bia, heroin, phim ảnh đồi trụy… Tham đắm dục lạc không chỉ riêng ở năm loại là : tài, sắc, danh, thực, thùy mà nó bàng bạc khắp không gian và thời gian, chi phối cả thân thể lẫn tâm hồn của con người. Sự biểu hiện của tham đắm dục lạc rất đa dạng, rất phong phú. Nó là chiếc bóng có mặt trong cách nghĩ, cách làm của mỗi con người, luôn chi phối chúng sanh trong lục đạo. Phật dạy :

          “ Người đắm say ái dục

          Tự lao mình xuống dòng

          Như nhện sa lưới dệt…

          Đức Phật dạy : “ Dục như hố than” . Vì sao vậy ? Vì người thế gian ưa thích, tham đắm dục lạc, cũng như người bị phong cùi, ghẻ lở ham muốn được hơ người trên hố than hồng để tìm cảm giác dễ chịu, vì càng hơ vết thương càng thấy dễ chịu hơn, càng nhức nhối càng thích hơ lửa. Con người cũng vậy, càng ham muốn thì càng nghĩ hạnh phúc nằm ở đâu đây nên càng chạy đi tìm cầu. Nhưng họ đâu biết rằng, người khát nước mà đi uống nước muối thì không bao giờ hết khát; như con tằm kéo kén, càng buộc càng bền.

          Cuộc sống với bao nhiêu tụ lạc ăn chơi, con người ngày càng nhiều nổi loạn, khủng hoảng về tâm lý. Nhân loại có bị loạn trí mới tìm cách giải trí. Chỉ có người bệnh hoạn mới thích hơ người trên lửa, con người đang ở trong biển khổ mà cho là vui.

          Chính vì, con người không có nhận thức được tham ái và khát ái là nguồn gốc của khổ đau, nên cứ mãi tìm cầu. Cho nên Đức Phật dạy:  ngoài sự trói buộc của ái dục, ta không thấy một sự trói buộc nào khác trói buộc chúng sanh khiến cho phải luân hồi mãi mãi

          3 - Tham dục tạo ra chiến tranh.

          Nguyên nhân gây nên sự đau khổ cho cá nhân và loạn lạc cho xã hội xét ra rất nhiều nhưng tựu trung chính là lòng tham dục của con người. Trong kinh Trung bộ, Đức Thế Tôn khẳng định: “ Chính tham, sân và si là cội nguồn của mọi ý tưởng và hành vi bất chánh, khiến con người trở thành mù lòa, gây khổ đau cho mình, cho người, không đưa đến an lạc hòa bình”. Lịch sử loài người từ xưa đến nay gây không biết bao nhiêu núi xương, sông máu. Và ngày nay chiến tranh không hề chấm dứt mà nó bùng nổ khắp nơi với tầm mức ngày càng khốc liệt. Khoảng cách giữa người nghèo và người giàu không được thu hẹp mà còn mở rộng ra rất nhanh cùng với mức độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Chúng ta không thể nhìn thấy sự thật là từ sau thế chiến thứ hai cho tới nay, trên thế giới này đã từng xảy ra hơn trăm trận chiến lớn nhỏ, tuy có tính địa phương khu vực nhưng không kém phần dữ dội, tàn ác. Hơn 16 triệu người đã chết, trong số đó, người dân lành vô tội nhiều hơn là binh lính. Các cuộc xung đột vũ trang xảy ra ngày càng dồn dập hơn…

          Đức Phật nói : “ Dục như miếng thịt”. Một con chim dành được miếng thịt bèn bay bổng lên không trung, trong khi những con chim khác cũng đang cố tìm mồi. Vì vậy, chúng đuổi theo để giành giật miếng thịt, chúng cấu xé nhau để được miếng mồi. Thế là, chẳng con nào chịu nhường, và cuộc tranh đấu quyết liệt diễn ra.

          Cũng vậy, chiến tranh xảy ra cho loài người cũng bắt nguồn từ lòng tham, sự chinh phục, giành giật và sự theo đuổi, quyền lực và sở hữu. Con người cố tìm kiếm, cố tạo dựng hạnh phúc cho mình từ cái gì khác từ ở bên ngoài. Vì sự tự kỷ mà con người xung đột với nhau, chiến tranh và chết chóc không ngừng xảy ra trên cuộc đời này. Trên thực tế, con người luôn ham muốn. Họ mãi đi tìm lẽ sống, đó là hạnh phúc về tình yêu, về tài sản, danh vọng và địa vị. Cái mà người ta cho là lẽ sống của cuộc đời này cuối cùng chỉ là ảo ảnh, phù du.

           Câu chuyện về vị vua tên là Đại đế Asoka, khi đã đạt đến đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, ông cũng không dừng lại. Vó ngựa của ông chinh phạt nhiều nơi và ông trở thành vị thống lãnh một vương quốc hùng cường rộng lớn. Nhưng rồi sau một trận chiến, ông chống gươm nhìn lại và tự hỏi “ Đây có phải là chiến không ?  Đây có phải là điểm dừng của sự thỏa mãn và hạnh phúc không ?”. Có lẽ, do lòng dục chinh phục, ông đã thất bại chính mình mặc dù đã thắng được kẻ thù, bởi Đức Phật dạy: “ Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng mình, chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”. Trong khi ông chiến thắng được đại quân ở sa trường thì ông đã bị lòng tham hạ gục và sai sử. Một nguyên nhân khác có lẽ còn quan trọng hơn những nguyên nhân kể trên để đưa đến chiến tranh và đau khổ đó là sự si mê, tham ái. Thật vậy, chính sự si mê, tham ái nên con người không nhận thức được hậu quả tai hại do chính bản thân mình gây ra.

          Đức Phật dạy : “ Của cải và sắc dục đến mà người chẳng chịu buông bỏ, cũng như lưỡi dao có dính chút mật, chẳng đủ thành bữa ăn ngon, trẻ con liếm vào phải bị cái hại đứt lưỡi”. Chính vì vậy, con người cần phải buông bỏ tham dục. Nhưng buông bỏ bằng cách nào ?

          Phương pháp chế ngự và đối trị dục :

           Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm xã hội bắt nguồn từ nội tâm con người bị ô nhiễm bởi ba độc tham, sân, si. Do đó, chữa bệnh không thể chữa từ ngọn. Đối trị những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như chiến tranh, bạo hành, ma túy, ô nhiễm và hủy hoại môi sinh cũng vậy. Phải đối trị từ trong tâm của con người, của mỗi chúng ta, mà lòng tham không đáy gây ra. Chính vì lòng tham dục và khát ái là mầm mống của khổ đau, cho nên con người muốn thoát khổ cần phải “xả ly ngũ dục”  Đức Phật dạy :

          Đa dục vi khổ -  Sanh tử bì lao  - Tùng tham dục khởi – Thiểu dục vô vi -  Thân tâm tự tại  ( Kinh Bát Đại Nhân Giác ). Đi vào thực tiễn của đời sống với nhận thức chánh kiến, con người cần phải thực tập hạnh thiểu dục và tri túc. Trong kinh Di giáo, Phật dạy : “ Tri túc giả tuy ngọa địa thượng do vi an lạc, bất tri túc giả tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý”. ( Người biết đủ dù nằm ở trên đất cũng thấy an lạc, còn người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý ).  Tu tập quán chiếu Tứ niệm xứ, trang bị cho mình nhận thức rõ về thân, về thọ, về tâm và về pháp. Tu tập hạnh thiểu dục tri túc sống đời thanh bạch từ bỏ các lạc thú ở đời, nhờ vậy trí tuệ được tăng trưởng, tuệ giải thoát được phát sanh.

          Quán chiếu để thấy rõ bản chất của năm dục lạc đưa đến tội ác và tai ương hoạn nạn, mà hoạn nạn lớn nhất là trí tuệ bị che khuất và chìm đắm trong vòng sanh tử. Phải tu tập để chiến thắng sự kiềm tỏa của năm dục, phải triệt tiêu áp dụng của chúng trong nội tâm mình.

          Trong Trung bộ kinh đưa ra công thức : “ Nhàm chán đưa đến ly tham, ly tham đưa đến đoạn diệt, đoạn diệt đưa đến Niết bàn”. Vậy để dùng lại tham dục phải có thái độ nhàm chán. Sau đó, là sự gần gũi, tu tập Chánh pháp phát triển xu hướng ngược lại của thói thường như trong kinh văn gọi là “Thường niệm tri túc”.

          Kết luận : Mục tiêu của đạo Phật là đời sống an lạc và hạnh phúc chân thật chứ không phải là đời sống giàu hay nghèo. Chấp thủ và bám víu vào những gì mà bản chất chúng là vô thường, vô ngã thì chắc chắn gặt hái khổ đau. Lòng tham là đầu mối của các bám víu và vướng mắc, cho nên rũ bỏ đi lòng tham vô độ thì đời sống của ta và của người mới nhẹ nhàng, thanh thản, mới có hạnh phúc.

           Như vậy, hạnh phúc chỉ có mặt trên thế giới này khi và chỉ khi con người vứt bỏ được những nhu cầu thái quá thuộc ham muốn cá nhân. Ham muốn nhiều thì vất vã, khổ sở nhiều. Đó là quy luật. Con người cứ tưởng rằng họ đạt được nhiều tiền bạc hay địa vị cao sang là họ thỏa mãn, họ có hạnh phúc. Nhưng thực tế thì vui ít khổ nhiều, hạnh phúc ít mà buồn sầu đau khổ thì nhiều hơn. Cuối cùng con người cũng nhận ra chân lý đơn giản này khi họ buộc phải từ bỏ tất cả, như khi chết chẳng hạn …

          Nỗi đau khổ của cuộc đời giống như nồi nước đang sôi, ngọn lửa làm cho nước sôi là ngọn lửa tham dục. Ngọn lửa càng lớn, nước càng sôi và càng cạn kiệt; ngọn lửa càng yếu thì nước sôi sẽ bớt nhiệt độ và hết sôi. Cũng vậy, ngọn lửa tham dục bớt đi thì đau khổ sẽ giảm, giảm mãi hàng ngày đến lúc không còn giảm nữa thì con người sẽ thoát khỏi được những phiền não khổ đau do tham dục gây ra và sự giải thoát tối hậu được thành tựu ./.

  ( Trích NSGN số 233-   8 /2015 – Luận về dục, nguồn gốc khổ đau của con người- TN Phúc Thuận )

 Bài đọc thêm :  Có thể nói dục là nguồn gốc dẫn đến khổ đau, dục là sợi dây buộc chặt không cho con người tự do, dục dẫn con người đi trong đường sanh tử không bao giờ chấm dứt, dục che lấp trí tuệ con người, dục là gốc của vô minh .v.v  vì thế Ngài Thanh Sĩ có mấy vần thơ nói về sự khổ của dục dẫn dắt con người ba chìm bảy nổi trong cõi nhân sinh như sau :

          “…. Kiếp thì bị treo thân lủng lẳng

          Kiếp thì ngồi chổng cẳng ra oai,

          Kiếp thì chết chẳng chôn thây,

          Kiếp thì tống táng chật ngoài chật trong.

          Khi thì xác trôi sống chập chã

          Kể sao cho hết chuyện não nùng

          Của tiền kiếp khách trần hồng đã mang.

          Kiếp thì làm gái chịu đàng đẻ chửa

          Kiếp làm trai con vợ đùm đề

          Khi thì trọn kiếp phu thê

          Khi thì bướm chán ong chê giữa chừng

          Có khi bị cùi phong, xụi bại,

          Có khi thì điên dại,  mù câm

          Sống không nhà cửa ăn nằm,

          Lang thang đường phố xin ăn qua ngày

          Có kiếp bị bọn trai lừa gạt,

          Có kiếp thị bị thác vì tình

          Kiếp thì làm đĩ bán mình

          Kiếp thì cô quạnh trong tình cấm cung

          Khi thì được anh hùng vang dội,

          Khi thì mang lấy tội phản thần

          Lúc thì quý tựa vàng cân,

          Khi thì rẻ nát còn hơn con dòi

          Kiếp thì được người coi vua chúa

          Kiếp thì ra thân đứa ăn mày

          Mới cười kế khóc chua cay,

          Cứ như thế đó đổi thay không ngừng….

{]{

LUẬN VỀ DỤC - NGUỒN GỐC KHỔ ĐAU CỦA CON NGƯỜI Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét