Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2023

SỐNG BÌNH AN VÀ HIẾN TẶNG BÌNH AN

 

SỐNG BÌNH AN VÀ HIẾN TẶNG BÌNH AN

          Nếp sống đạo đức của mỗi cá nhân là chất liệu làm nên món quà quý giá cho cuộc đời. Tuy nhiên, trong xã hội, con người có xu hướng thiên trọng về vật chất, cứ cho rằng đó là chìa khóa đưa đến hạnh phúc cho mình, nên không mỏi mệt lao vào vòng xoáy của vật chất mà xem nhẹ giá trị đạo đức xã hội. Thế rồi một khi mệt nhoài trên con đường danh lợi, họ bế tắc và mới hiểu ra rằng giàu có, quyền lực, danh vọng không đem lại nhiều hạnh phúc cho họ. Những ai kịp nhận ra “ đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” ( Trịnh Công Sơn ). Sẽ biết chuyển hướng đi tìm một hệ giá trị khác liên hệ nhiều hơn đến hạnh phúc thật sự. Đạo Phật mở ra một hướng nhìn mới cho tất cả là “ tìm hạnh phúc nơi chính bản thân mình” chứ không phải thứ hạnh phúc gắn trên mớ vật chất trần gian tạm bợ ngoài kia.  Đức Phật xác định trách nhiệm bản thân đối với cá nhân mỗi người cũng như đối với cộng đồng xã hội là nền tảng cơ bản để xây dựng nên một xã hội an hòa và hạnh phúc. Ngài tuyên bố: Người có đức hạnh không chỉ đem an lạc cho mình, mà còn đem lại an lạc cho cha mẹ, cho vợ con, cho các người phục vụ, cho các người làm công, cho bạn bè thân hữu. ( Tương ưng bộ kinh ). Đây là cách Đức Phật khuyến khích mỗi con người hiến tặng cho đời sự bình an qua bức thông điệp mang giá trị đạo đức và nhân bản siêu tuyệt của đạo Phật.

          - Sử dụng thời gian hợp lý vào những việc có ích :

          Tấc bóng thời gian một tấc vàng

          Tấc vàng tìm được không gì khó

          Tấc bóng thời gian khó hỏi han

          Tận dụng thời gian làm việc ích

          Mai sau sẽ hưởng khỏi hận buồn.

          Thời gian sống của mỗi người trên cuộc đời này là có hạn. Cuộc sống vô thường, không ai biết quỷ thời gian kiếp sống của chúng ta còn được bao nhiêu. Cơ hội được làm thân người thật hiếm hoi, rất quý, ví như con rùa mù giữa biển khơi mênh mông mà tìm được bộng cây nổi trên mặt biển mà chui vào thì rất khó, Phật cũng khuyên nhắc chúng ta rằng, số người sau khi mất thân này mà tái sanh làm người trở lại thật rất ít oi, như đất trên móng tay so với đất ở quả địa cầu chúng ta đang sống.  ( Tăng chi Bộ kinh ). Vì vậy, thời gian là vốn luyến quý giá nhất mà con người có được, vì tất cả những tài sản khác có được có sự đóng góp của yếu tố thời gian. Thêm vào đó, bất cứ tài sản thế gian nào mất đi còn có cơ hội tìm lại hoặc làm lại, riêng thời gian một khi mất đi, không có thể tìm lại được. Do vậy, trong thời gian được sống với thân phận con người, phải sử dụng thời gian hợp lý vào  những việc có lợi ích là cách sống không ngoan nhất được Đức Phật khen ngợi. Ngài khuyên mọi người rằng, lúc còn trẻ phải nổ lực huân tu phạm hạnh ( đệ tử xuất gia ), nổ lực đầu tư chí thú làm ăn ( tại gia ), chứ một khi tuổi già đến, như cây cung bẻ gãy, chẳng thể làm được việc gì ( Kinh Pháp cú câu 156 ).

          Sống một ngày diễm phúc một ngày

          Đừng nên oán hận với sầu cay

          Bằng lòng với những gì đang có

          Hạnh phúc trong ta sẽ đong đầy.

 

          Ít người giữa nhân loại

          Đến được bờ bên kia

          Còn số người còn lại

          Xuôi ngược chạy bờ bên này

          Những ai hành trì Chánh pháp

          Theo Chánh pháp khéo dạy

          Sẽ đến bờ bên kia

                    ( Tăng chi bộ kinh )

          Đức Phật dạy trong Kinh Di giáo rằng, “ Nầy các Tỳ kheo, hãy siêng năng tinh tấn, không tụ tập lại để hý luận chuyện đời không liên hệ đến mục đích giải thoát, đừng để thời gian chóng qua, mà uổng phí một đời ”. Những điều hý luận chỉ đưa con người đến chỗ tranh luận, mất thời gian quý báu, lại gây phiền toái cho tâm, không đem lại lợi ích thiết thực nào trên con đường thực hành tu tập giải thoát cả.  Để có sự bình an vững chắc lâu dài, chúng ta thực hành lời Phật dạy :  “ Không làm các điều ác, gắng làm các điều lành, giữ cho tâm ý trong sạch”. Thời gian cuộc sống con người không còn bao lâu nữa, như ánh mặt trời đi dần cuối trời Tây, đời người cũng vậy, cuộc sống cứ ngắn dần, mỗi ngày trôi qua lại sự sống giảm dần, cái chết lại gần và điểm cuối cùng dừng lại là ta giả từ cuộc sống. Là người biết tu, chúng ta phải trân trọng thời gian để thực hành pháp, nhằm có nội lực để chế tác niềm an vui cho bản thân mình và đồng thời có khả năng hiến tặng sự bình an cho người khác.

-  Tập tha thứ và buông xả :

          Đôi khi một chữ “ kệ” mà bình an bước qua sóng gió.

          Đôi khi hai chữ “ buông bỏ” mà an nhiên cả cuộc đời.

          Muốn có được sự bình an chúng ta phải tập tha thứ và bông xả, giận hờn, trách móc, thù hèn là những chất liệu không đem lại an vui cho bản thân mình và những người khác. Dù cho giận đúng hay giận sai, có lý hay không có lý, hễ giận là đem lại sự tổn hại cho chính mình. Phật dạy “ Một người từ bỏ giận, xa lìa kiêu ngạo, và vượt qua mọi trói buộc, khổ sẽ không đến với người không tham chấp thân hay tâm. Một người biết kiểm soát cơn giận cũng như người đánh xe kiểm soát được bánh xe đang lăng tới,  Ta gọi người đó mới đúng là người đánh xe giỏi. ”. Hễ giận thì ta là người bị thiệt thòi nhiều nhất và trước tiên. Đã giận thì không bao giờ an vui hạnh phúc. Khi ôm ấp hận thù thì ta đang nuôi dưỡng trong tâm những tâm lý tiêu cực và từ đó bệnh tật phát sinh từ chất liệu tiêu cực này gây tổn thương lớn về sức khỏe và tâm hồn.

          Của cho đi tưởng chừng như đã mất

          Nhưng đâu có mất

          Của giữ lại tưởng còn,

Nhưng thật chẳng còn đâu,

          Của tuy mòn, nhưng phước đức chẳng mòn

          Sự còn mất do lòng người lựa chọn.

           Tệ hơn nữa, những tâm lý tiêu cực này có thể làm cho chúng ta mất ăn, mất ngủ, nặng nề hơn nữa trong tâm ẩn chứa đầy tư tưởng, hành động và lời nói độc ác, hồ đồ, có những hành động điên rồ, nông nổi có thể gây ra hậu quả khôn lường. Vì thế phải học kiên nhẫn nhiều hơn tha thứ, bao dung hơn với con người và cuộc đời. Vì đây là cách tự thương yêu mình hiệu quả nhất, tự đem lại sự bình an cho mình. Ta buồn giận, tức tự ta gây đau khổ cho chính mình chứ không phải người khác. Ta buồn giận tự ta đày đọa thân tâm mình chứ không thể đày đọa người khác. Học cách tha thứ là liều thuốc đặc trị cho bệnh hiềm hận vậy. Cuộc đời không bao lâu mà hờn giận, để bụng cho nặng lòng nhau, mà mình cũng tạo nghiệp xấu ác để rồi phải nhận lấy quả khổ trong hiện tại cũng như tương lai. Tha thứ là một kỷ năng, một nghệ thuật sống để giữ tâm an tịnh và thân thể khỏe mạnh. Muốn có nội tâm an tịnh mà cứ ôm lòng thù hận, giận ghét, thì vết thương lòng một ngày càng nặng thêm, mà cố mong vết thương lòng lành lặn là điều không thể có, chẳng khác nào lửa cứ đun mà mong nước cho nguội thì không bao giờ được.

          Sai lầm là điều không ai muốn, nhưng nó vẫn xảy ra và nghiễm nhiên trở thành một phần trong cuộc sống. Học cách tha thứ là chấp nhận một thực tế rằng ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo và rằng ai cũng có thể phạm sai lầm, không lúc này thì lúc khác. Tha thứ trước hết là đem lại hạnh phúc cho bản thân mình. Một khi buồn phiền, hờn giận lòng ta nặng như mang đá. Đi đâu cũng mang túi đá nặng mọi lúc mọi nơi, trong lúc ngủ cũng như lúc t, cả lúc ăn, lúc nghỉ, khi làm việc, tâm lý nặng nề, bức bách vô cùng. Mang hay gánh bao giờ tâm lý cũng nặng nề khó chịu, chi bằng ta buông bỏ túi đá giận hờn, buồn phiền ấy xuống, lòng ta khỏe nhẹ, thanh thản, hạnh phúc có ngay bây giờ. Người khôn ngoan biết tha thứ cho bản thân mình, và cho cả người đã làm tổn thương mình. Đây là món quà quý giá nhất ta dành tặng cho cả hai, cho bản thân mình và cho người đã làm ta phiền giận. Tha thứ là ta tự tặng cho mình cơ hội để  nuôi lớn lòng bao dung và niềm tin vào sự tốt đẹp ở người khác và xã hội. Tha thứ là ban tặng cho người cơ hội để sửa sai, làm mới, cũng như bản thân mình sai sót là điều không thể tránh khỏi trọng cuộc sống, biết nghĩ đến điều này mà tha thứ cho người là ta đã biết cách đem lại hạnh phúc cho cả hai. Lợi ích nhiều hơn là tha thứ có công năng đưa ta trở về với nguồn tâm tĩnh lặng của mình, lòng nhẹ nhàng thanh thản như gió.

          Sự tha thứ thật sự xuất phát từ khối óc có hiểu biết và con tim thương yêu. Sự tha thứ được chiết xuất từ chất liệu tình thương mà không cần bất kỳ sự cố gắng nào, khi sự tha thứ là một cách thực hành tâm từ, nó có giá trị, trị liệu, là một dược phẩm làm lành vết thương mà người kia đã làm cho ta đau khổ. Nhiệm mầu hơn là lòng ta trở nên an tịnh nhẹ nhàng và ngập tràng hạnh phúc và nguồn hạnh phúc này sinh khởi từ nội tâm, ta chủ động tạo ra không bao giờ cạn và luôn có thể chia sẻ cho người khác.

 ( Trích từ  Sống bình an và hiến tặng bình an  : Hằng Như –NSGN số 236 -11-2015 )

{]{

 Cầu cho mưa thuận gió hòa

Cầu cho tất cả mọi nhà bình yên

Tài vô lộc đến đầy tiền

Gia đình hạnh phúc đức duyên ngập tràn

          {]{

          BUÔNG   

          Buông xuống đi, Buông xuống đi

          Chứ giữ làm chi có ích gì

          Thở ra chẳng lại còn chi nữa

          Vạn pháp vô thường, buông xuống đi

          -Buông xuống đi, Buông xuống đi

          Tâm hồn thanh thản chẳng sầu bi

          Cuộc đời ngắn ngủi trong chớp mắt

          Còn có vui gì chẳng bỏ đi

          -Buông xuống đi, Buông xuống đi

          Trò đời như mộng có còn chi

          Tứ đại trả về cho Tứ đại

          Thanh thản an lạc lúc phân ly

             ( kinh Pháp cú )

 


 

SỐNG BÌNH AN VÀ HIẾN TẶNG BÌNH AN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét