QUÁN
NHẬU LONG HỔ
Tốt nghiệp phổ thông xong,
được người giới thiệu, tôi vào làm phục vụ bàn tại một nhà hàng có tên là “Quán
Nhậu Long Hổ”. Quán nhậu này là một nơi thuộc vùng thâm sơn cây cối sầm uất, có
rất nhiều dã thú. Ông chủ quán họ Vi, được xem là vua kinh doanh vì ông mưu
trí, khéo tính toán đầu tư, nhờ vậy mà hái được lắm tiền, ông treo bảng bán
thịt thú rừng, chào hàng bằng mấy từ “đặc sản thôn quê” quyến rũ, thực khách
tìm tới đông nghịt.
Quán càng mở rộng, quy mô.
Tiệm lão Vi càng phát tợn, khắp xa gần đều biết tiếng. Quán có món đặc biệt tên
“Long Hổ Đấu”, gồm thịt đại mãng xà nấu chung với mèo rừng mà đặt thành, và
chẳng mấy chốc biệt danh này thành tên gọi của quán.
Cứ kiều đó, mèo rừng và
mãng xà khắp vùng phụ cận đều gặp họa ương. Do ông chủ Vi luôn thu mua giá cao
hơn người, nên nhiều dân làng hám tiền sẵn sàng liều mạng xông lướt hiểm nguy,
mò vào chốn thâm sơn vắng bóng người để tìm hàng cung ứng cho lão chủ. Cái sân
phía sau tiệm ngày nào cũng nồng nặc mùi máu tanh, tiếng rên la thảm thiết
không ngừng vang vọng vào tai.
Một hôm lão Vi mua được con
mãng xà khủng dài sáu mét, mập độ một tấc rưỡi, có vảy óng ánh sắc hoàng kim
pha chút bạc. Nghe nói đã có rất nhiều người mất mạng vì tìm bắt con mãng xà
này, nhìn vóc dáng đồ sộ của nó có thề đoán nó là vua mãng xà.
Con mãng xả nằm mê man một
ngày mới tỉnh lại. Lão Vi tiến đến gần lồng sắt nói:
– Ha! Ngó bộ ngươi đỉnh đạc
uy phong, nên ta tạm thời chưa giết, cho ngươi lưu mạng sống thêm mấy ngày nữa.
Mãng xà hình như nghe hiểu,
nó ngóc đầu lên cao, đột nhiên há to miệng phun ra một bãi nước miếng hôi tanh
nồng nặc vào mặt lão chủ, do lão không kịp đề phòng, chỉ biết hét to một tiếng
thảm thiết, rồi quay mình bỏ chạy. Chúng tôi nghe lão rống cũng vội chạy tới,
dùng nước sạch rửa mặt cho lão. Nước miếng mãng xà có tính ăn mòn tiêu hủy cao,
nếu như cứu chữa không kịp, chắc chắn sẽ lưu thẹo, lở lói.
Lão Vi đùng đùng nổi giận,
nhấc ngay nồi nước nóng giội vào chuồng mãng xà, trút giận xong rồi, lão hung
tợn nói:
– Nếu chẳng phải do tốn
tiền mua mi cao giá, thì ông đây đã băm vằm mi ra cho hả giận! Hừ! Giờ ông sẽ
cho mi sống không bằng chết, rồi nửa tháng sau sẽ làm thịt, đem mi ngâm rượu
mừng sinh nhật 40 của ông!
Từ ngày đó trở đi mãng xà
bị nhốt đơn độc trong chiếc lồng to nơi góc vườn, không cho ăn uống, thỉnh
thoảng ông còn ngược đãi hành hạ chửi mắng nó om sòm, ngày nào cũng cho
giết mổ đồng loại nó, còn lột da xẻ thịt các con vật ngay trước mặt nó để
thị uy.
Bảy, tám ngày trôi qua, con
đại mãng xà vẫn không khuất phục, hễ thấy lão chủ là giương mắt thịnh nộ, há
mồm nhe nanh. Mỗi lần đến gần lồng nó, ai cũng đều có cảm giác bất an khủng
khiếp.
Lại mấy ngày nữa trôi qua,
bỗng xảy ra chuyện: Con đại mãng xà trong lồng không cánh mà bay, chẳng thấy
tăm hơi, tung tích…Lão chủ vừa nghe tin này, thì mặt mảy tái nhợt, hai mắt trợn
ngược, lão đến bên cái lồng nhìn trừng trừng, quan sát…Thấy lồng vẫn còn nguyên
vẹn không có chút tì vết hư hại, chung quanh không có khe hở nào. Lão đoán:
“Trừ phi có ai đó cố ý thả nó ra? Nếu không thì chắc chắn con mãng xà khủng này
không thề nào thoát”…
Lão chủ tức tối quay đi,
hằn học nói:
– AI? LÀ AI THẢ NÓ RA HỬ?
Khôn hồn thú nhận thì không sao, chứ để ông đây mà điều tra ra được thì ông sẽ
lột da sống… cho coi!
Chúng tôi đều sợ run người,
cùng xúm nhau thề thốt là mình không có làm vậy. Lão chủ mặt mày thiểu não, ông
quay lại cái lồng sắt quan sát tiếp tục, cuối cùng cũng phát hiện ra chỗ con
đại mãng xà đào thoát: Có hai thanh sắt khe hở tương đối lớn, xem ra mãng xà đã
thoát bằng đường này.
Chúng tôi bàn tán cả buổi,
cuối cùng đành phải thừa nhận hiện thực trước mắt: đúng là thân thể con
mãng xà này có tính co giãn biến hóa cực cao, quá giỏi luồn lách; khe hở nhỏ
xíu như vầy mà vẫn chui ra được. Vì muốn tự do, nó có thể kham nhẫn mọi thống
khổ ngoài sức tưởng…
Lão chủ sau khi “xả xú bắp”
– trút thịnh nộ xong – thì ngó bộ đã nguôi ngoai, không còn nói năng gì nữa. Khoảng
hơn hai giờ sáng, chúng tôi ai nấy đang ngủ say sưa thì bị những tiếng thét
kinh hoàng làm cho tỉnh giấc. Tôi giật mình nhổm dậy phóng ra sân quan sát tình
hình.
Vừa nhìn cảnh trạng, tôi đã
hồn phi phách tán. Dưới ánh trăng sáng, tôi thấy có mấy mươi con mãng xà bò đầy
sân, có con trườn từ ngoải cửa sổ vào. Thuở giờ tôi chưa từng chứng kiến cảnh
mãng xà hành động tập thể như vầy. Bình thường thấy đám mãng xà trong quán đều
có vẻ đầu ngu não ngốc, nhưng hiện thời trước mắt tôi, những con đại mãng xà
này trông bộ dạng rất khôn ngoan và đang bừng bừng lửa giận, thịnh nộ khó
nguôi, khí thế cực kỳ hung hãn…
Tôi vội hét lên báo động
khắp:
– Mau thức dậy, thức dậy
chạy mau, bầy mãng xà đang bò vảo nhà kia kìa!
Âm vang kinh hoàng của tôi
gây náo động cả một vùng. Chớp mắt, mấy con rắn đã bò tràn lan chung quanh,
nhiều con trườn đến bao vây phòng lão chủ, kín tới không còn khe hở nào.
Trong quán, mấy bếp sư và
hỏa đầu quân vốn giỏi việc, vì họ từng ra tay giết vô số mãng xà, do thạo nghề
quen ứng phó nên họ không hãi hùng lắm, dù có chút sợ thoáng qua thì họ
cũng nhanh nhẩu chụp khí cụ truy bắt các mãng xà để giết. Sau một trận đấu đánh
dữ dội, đã có mấy người rời nhà, chạy ra sân. Mãng xà vẫn ung dung tấn công,
vài con xông thẳng đến phòng lão chủ, giống như là đến tiếp viện vậy.
Xem ra trọng điểm mãng xà
muốn tấn công chính là phòng lão chủ. Do cửa sổ mở nên đã có mấy con tiến vào
trong. Tôi dễ dàng nhận ra con mãng xà chúa từng vượt ngục, vì thân nó màu
hoàng kim, lại to lớn nhất trong bầy nên rất dễ phát hiện, đồng thời tôi cũng
hiểu ngay: Chính nó hướng dẫn, điều khiển bầy rắn này đến báo thù!
Kỳ quái là tôi không hề
thấy bóng dáng lão chủ đâu, cũng không nghe tiếng va chạm đấu đá…
Tôi gọi to, nhắc nhở mấy
người còn đứng trong sân:
– Hãy mau lên lầu, chỗ đó
an toàn hơn!
Bọn họ như sực tỉnh, vội
phóng lên cầu thang, ai nấy chạy bán mạng, cùng lao vào phòng như cơn lốc. Mãng
xà đang bắt đầu bò lên, chúng tôi đồng tâm hiệp lực, nương vào thế “cao quánh
thấp”, cuối cùng đầy lui được chúng.
Khi bầy rắn từ phòng lão
chủ thoái lui, vẫn con rắn chúa to lớn màu hoàng kim hiên ngang dẫn đầu, sau đó
chúng nhanh chóng biến vào rừng cây rậm rạp phía sau núi.
Khi đã chắc chắn là nguy hiểm
đã qua, chúng tôi mới xuống tầng dưới. Thấy hai anh đồ tề Nhan Trung Vĩ và Lý
Trường Hữu vẫn chưa ra khỏi phòng. Hai người này thường ngày chuyên lo
việc giết rắn, họ đã giết vô số mãng xà. Chúng tôi kinh hoàng đến há hốc mồm
khi phát hiện cả hai anh gân cốt bị đứt lìa, nội tạng bị xé thủng, thất khiếu
lưu huyết, đã chết từ hồi nào.
Riêng cửa sổ phòng nhóm nữ
phục vụ do đóng kín nên mãng xà không thể vào, nhờ vậy mà bọn họ không ai bị
thương, chỉ bị một mẻ sợ “kinh hồn bạt vía” mà thôi.
Vậy ông chủ quán Vi ở đâu?
Chúng tôi thắc mắc, đồng tiến đến cửa phòng ông. Bên ngoài là một bãi hỗn độn,
cũng không thấy bóng dáng ông. Chúng tôi hồi hộp, ráng tiến vào trong, thấy
càng loạn dữ hơn, nơi đây in đầy vết tích mãng xà giày xéo. Hơn nữa còn lưu mùi
khí tanh nồng nặc.
Kỳ quái là vẫn không thấy
lão Vi đâu cả. “Hỏng lẽ lão bị mãng xà bắt cóc hay bị nó nuốt gọn rồi? Thật
đáng sợ”… Nghĩ đến đây đầu tôi như tê dại đi, xương sống phát lạnh, nổi ốc khắp
mình…
Lúc này chúng tôi không hẹn
mà đồng chú ý đến một lu to nơi góc tường, lu này cao khoảng 1m5, nắp lu bằng
gỗ có tay cầm, nhưng giờ lu đang đậy nắp ngược, nghĩa là tay cầm quay vào
trong, thành lu in đầy vết rắn đu đeo, quần thảo… Ắt là lão Vi ở trong đó?
Chúng tôi gọi nhỏ:
– Ông chủ ơi, mãng xà rút
rồi, ông mau ra đi!
Gọi hoài mà không nghe động
tĩnh gì, chúng tôi có cảm giác không hay, bèn tới gần, run rẩy dỡ nấp lu ra. Nhìn
thấy ông Vi toàn thân co rúm, mặt tái nhợt, mắt trợn lưỡi thè, mười ngón tay
bấu chặt vào nắp lu đến chảy máu, ông chết thảm đến chẳng nỡ nhìn.
Có lẽ lão Vi vừa thấy bầy
mãng xà tiến vào, thì biết mình không xông ra được, liền chui vào lu và kéo nắp
đậy lại. Con rắn chúa thù ông thấu xương, dễ gì chịu buông tha? Nó ôm phẫn nộ
cực điểm hợp cùng bầy mãng xà vây quanh lu, dốc toàn lực tấn công…Bầy rắn đã đè
chặt nắp lu không cho chút không khí len vào, khiến lão Vi bị chết ngộp trong
đó.
Chuyện khủng khiếp chưa
từng có này nhanh chóng được đồn lan, khắp vùng rồi khắp thôn làng… Riêng dân
chúng trong địa phương này chẳng còn ai dám giết rắn nữa.
Bảo Quang
]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét