Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

DẪN NHẬP

 

DẪN NHẬP

          Thiền  Phật giáo bắt nguồn từ Phật Thích Ca truyền thừa từ Ngài Ca Diếp. Sự truyền thừa làm tổ thiền kế thừa tại Ấn Độ có 27 vị, vị thứ 28 là  Đạt Ma Tổ sư không kế thừa ở Ấn Độ mà qua Trung Hoa làm Tổ kế thừa. Từ Phật Thích Ca đến Ca Diếp – Bồ đề Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng. Hai nhân vật nổi bật trong lịch sử Thiền Trung Hoa là Bồ đề Đạt Ma và Huệ Năng.

          Đệ nhất tổ Ca Diếp truyền thừa từ ý chỉ Thiền từ Phật Thích Ca qua sự kiện niêm hoa vi tiếu. Trong một hội chúng đức Phật đưa cành hoa lên, cả đại chúng không ai hiểu chuyện gì, nhưng chỉ có duy nhất một ngài Ca Diếp nhận biết và mỉm cười. Đức Phật xác nhận Ca Diếp là người nhận lãnh được ý Thiền. Đức Phật nói : Nay ta trao cho Ca Diếp  “Chánh pháp Nhãn tạng, Niết bàn Diệu tâm. Thật tướng  Vô tướng”. Lúc đó Phật 78 tuổi, còn Ngài Ca Diếp 79 tuổi,  hơn Đức Phật một tuổi, là thời cơ truyền “ bí mật thiền tông” cho vị tổ thứ I. Vào một buổi sáng mùa xuân, của thời giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tại núi Linh Thứu. Đức Phật tập họp đông đảo đồ chúng, tay phải Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên, Ngài ngó từ phía bên phải sang bên trái, từ gần đến xa, mọi người ai cũng đều ngơ ngác, không biết chuyện gì, riêng Ngài Ca Diếp mỉm miệng cười, Đức Phật hỏi ngài Ca Diếp : Tất cả mọi người  không ai cười, sao ông lại cười ?

          Ngài  Ca Diếp trình thưa với Đức Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn, nhờ Đức Thế Tôn tay cầm cành hoa sen đưa lên, nên con đã nhận ra tánh thấy chân thật rõ ràng của con, nên con mừng quá, nên con mỉm cười.

          Đức Phật hỏi Ca Diếp ông thấy như thế nào ?

Ngài  Ma Ha Ca Diếp không trả lời thấy như thế nào, mà Ngài trình thưa cùng Đức Phật bài kệ 44 câu như sau :

Ý Phật con đã nhận ra      

 Tánh thấy, thấy được qua luân hồi

Bao năm khổ hạnh con thôi

Sống với tánh thấy, luân hồi màng chi

-Hoa sen nhận được tức thì

Niết bàn thanh tịnh tìm chi mệt người.

Phật ôi con đã ngộ rồi          

Thấy trong thanh tịnh, là nơi quê nhà

-Phật tánh con đã nhận ra 

Khi thấy ý thấy vượt xa muôn trùng

Tánh thấy hết sức lạ lùng

Muôn đời ngàn kiếp, lạ lùng mới hay

-Thiền thanh tịnh đức Phật chỉ bày 

Hôm nay thật sự nhận ngay tánh mình,

Nhận được con chỉ lặng thinh

Nở nụ cười vui lắm Phật ôi

-Trước kia Phật dạy con “ thôi”

Mà thôi không được, luân hồi con đi

Hoa sen con thấy tức thì

Tự nhiên dứt hết, không chi nói lời

Nụ cười thay thế chữ “ thôi”

Để trình Đức Phật đôi môi thay lời

Linh Sơn  con đã rõ lời

Thiền thanh con biết, luân hồi dứt ngay

Trước huynh đệ con trình bày

Môn Thiền thanh tịnh, khó ai nhận liền

Mấy ngàn người bỏ tư riêng

Dụng công tìm kiếm khắp muôn sơn lâm

Nhờ con lặng lẽ âm thầm

Bất ngờ nhận được, không lầm chuyển luân

Hôm nay thật sự con mừng

Mừng vì sanh tử đã dừng với con

Linh sơn con quyết lòng

Giữ môn thiền học thường còn thế gian

Hễ ai muốn hết gian nan

Chỉ cần thanh tịnh mới sang quê nhà

Lòng con xin nói hết ra

Cảm ơn Đức Phật , con xa luân hồi

Thanh tịnh kỳ diệu Phật Ôi

Chỉ cần thanh tịnh luân hồi bỏ con

Nay con kính nguyện lòng son

Truyền môn thiền học được còn mai sau.

Ngài Ma Ha Ca Diếp trình lên Đức Thế Tôn bài kệ 44 câu mà Ngài đã đạt được “ bí mật thiền tông” nhân ngài nhận thấy cành hoa sen trên tay đức Phật. Và Đức Phật xác nhận Ngài Ca Diếp là tướng quân trong chánh pháp, lúc Phật còn tại thế tăng chúng đều tu thiền qua các pháp thiền Tứ niệm xứ (quán: tâm, pháp, thân, thọ ) để khai mở trí tuệ chứng đạt các pháp thiền. Từ đó các pháp thiền được duy trì truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bồ đề Đạt ma xuất thân từ Ấn Độ qua Trung Hoa là vị tổ thứ 28. Ngài đến Trung Hoa khai mở pháp Thiền ngài trở thành vị Sơ Tổ của Trung Hoa, truyền đến đời thứ 6 thì hết truyền. Sắc thái Thiền của Trung Hoa bên ngoài thì có khác so với sự tu tập thiền ở Ấn Độ, nhưng với tinh thần thiền bên trong thì trước sau như một không thay đổi . Cốt tủy của Thiền là  vô ngôn” là không lời nói, vì sao không lời nói, vì “ tự tính” không thể dùng lời nói mà diễn tả được, và nếu diễn tả được bằng lời nói, hay chữ nghĩa thì không phải là tự tính. Lúc ban đầu Phật truyền tâm ấn cho Ngài  Ca Diếp bằng cử chỉ tay cầm cành hoa sen đưa lên, không dùng lời nói, Ngài Ca Diếp nhìn thấy bèn ngộ nhận ra tự tính của mình. Phật hỏi Ca Diếp ông thấy như thế nào, Ngài Ca Diếp cũng không trả lời cái thấy như thế nào chỉ nói bài kệ là mình đã vui được thoát khỏi luân hồi nhận ra tự tính của mình.

          Thiền Trung Hoa cũng tiếp nhận ý chỉ thiền “ vô ngôn” mà khai mở tự tánh cho đệ tử, rõ nét qua các cuộc đối đáp và hành xử của các Thiền sư Trung Hoa như : đánh, đá, hét, đạp v.v…không dùng lời nói, hoặc nói những lời nghe qua không thấy liên quan gì đến câu hỏi. Như ngài Triệu Châu cầm con mèo hỏi trong chúng, ai nói con mèo này có Phật tánh hay không, không ai trả lời, chiều lại Triệu Châu nói với một vị tăng lúc mai không có mặt trong chúng về việc con mèo có Phật tính không. Vị tăng này nghe vậy cuối xuống lấy chiếc dép để trên đầu rồi đi ra. Triệu Châu hài lòng cho câu hỏi của mình có câu đáp trả. Triệu Châu xác nhận vị tăng này lãnh hội được ý chỉ thiền. Hay có vị Thiền sư đưa ra câu hỏi bảo đệ tử trả lời, nếu trả lời được cũng bị 30 gậy, không trả lời được cũng bị 30 gậy.

          Những ngôn ngữ và các hành xử của Thiền sư gây bất ngờ, gây cú sốc cho đệ tử, từ đó đệ tử mới “ ngộ” ra  “ tự tính” của mình . Chủ yếu mục đích của Thiền là làm cho người tu tập ngộ nhận được tự tính của mình. Ngộ được tự tính của mình rồi thì tương đương  với thành Phật. Chơn tánh hay tự tánh, phật tánh của mỗi người, bị che lấp, bị ngủ quên, nay gặp minh sư đánh thức tự tánh người đệ tử dậy, thì không còn là người mê muội nữa. Vì thế tu thiền không dùng ngôn ngữ, không tụng đọc, không lễ lạy là vậy. Kinh Pháp Hoa nói Đức Phật ra đời là một đại sự nhân duyên duy nhất, là làm cho chúng sanh nhận ra Phật tánh của mình, chỉ cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. Tri kiến Phật là Phật tánh, chơn tánh, là tự tính sẵn có của mỗi người ai cũng có, ai cũng đầy đủ, nhưng bị trần lao phiền não che chướng nên không thấy được mà thôi.  Cũng như mặt trời chân tính, do mây che nên không tỏ sáng mà thôi. Tự tánh, chơn tánh con người xưa nay vẫn vậy, không thêm không bớt, không mất, không còn. Tự tánh con người không diễn tả bằng ngôn ngữ được, nên thiền chỉ nhận được qua tâm thức mà thôi.

          Tư tưởng thiền Trung Hoa từ thời Huệ Năng khác hẳn với sắc thái thiền Ấn Độ là khởi nguyên của nó. Cội nguồn tư tưởng thiền được trải dài từ sự chứng ngộ của Đức Phật ngồi dưới cội cây Bồ đề cho đến đời Đạt Ma, từ đó thiền lan truyền khắp vùng Viễn Đông và thiền đã mang lại nhiều kết quả. Tuy trải qua hơn 1000 năm nhưng tinh túy của thiền vẫn còn giữ được bản chất của nó.

          Tư tưởng thiền của Huệ Năng ra đời gây chấn động giới học Phật trong thời của ngài, trước ngài không có vị tăng nào gây được sinh khí lôi cuốn trực tiếp quần chúng như thế. Những bài pháp của Huệ Năng biểu lộ trực giác tâm linh của Ngài, do vậy các pháp ấy vô cùng sống động, ngôn ngữ rất trong sáng và đầy chất uyên nguyên. Vì thế các học giả đón nhận Huệ Năng theo cách chưa từng có. Huệ Năng là một vị tăng chưa chính thức là người trong tăng chúng, chi tiết về cuộc đời ngài chỉ là một người công quả trong chùa với nhiệm vụ giã gạo, bữa củi, không được học, được đọc tụng như những người khác. Nhưng Huệ Năng lại nắm bắt được ý chỉ thiền truyền trao từ Ngũ Tổ. Huệ Năng đến với Ngũ tổ lúc 34 tuổi, Thần Tú đã 70 tuổi, giữa Thần Tú và Huệ Năng cách nhau 30 tuổi. Thần Tú là tướng quân trong thiền viện dưới sự chỉ dạy của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, là người thông thạo kinh điển và sự tu tập, nhưng lại không nắm được ý chỉ thiền. Trong khi Huệ Năng đến chùa mới 8 tháng mà đã lãnh hội được ý thiền.  Hai trạng thái tâm lý giữa Huệ Năng và Thần Tú cách xa nhau về tuổi tác và trình độ tu học. Huệ Năng quê mùa không biết chữ, không biết viết, ở chùa một thời gian ngắn, thế mà Ngài đã ngộ ra tự tánh của mình ngay khi gặp Ngũ tổ, còn Thần Tú ở chùa cả đời mà không nhận ra được tự tính, cho nên việc kế thừa ngôi vị tổ rơi vào tay Huệ Năng.

          Huệ Năng không được thông báo cho biết sự kiện này, vì Huệ Năng là người cư sĩ quèn làm công quả dưới nhà bếp chùa. Nhưng Hoằng Nhẫn chắc hẳn đã chọn ra mức độ chứng nghiệm tâm linh từ Huệ Năng, nên phải có hy vọng một ngày nào đó bằng cách này hay cách khác,  điều ngài tiên đoán về Huệ Năng sẽ được hiển bày.

          Quan niệm nguyên ủy của Huệ Năng đương nhiên là khước từ tất cả văn chương và toàn bộ ngôn từ, vì tâm có thể lãnh hội bằng tâm một cách trực tiếp không qua trung gian. Sự kiện xuất hiện của Huệ Năng trong buổi bình minh lịch sử của Phật giáo Thiền Trung Hoa vẫn có một ý nghĩa siêu việt, và Đàn kinh được xem như là một tác phẩm bất hủ, và kinh đã quyết định tiến trình tư tưởng Phật học ở Trung Hoa trong suốt nhiều thế kỷ cho đến nay.

           Tư tưởng của Thần Tú tương phản với tư tưởng của Huệ Năng, vì sự khác biệt khuynh hướng, giữa hai thượng thủ này, giúp cho người học thiền xác định rõ ràng bản chất của thiền hơn trước đây. Hoằng Nhẫn có 12 người đệ tử rất giỏi cự phách mà lịch sử thiền ghi lại, nhưng Huệ Năng và Thần Tú thì vượt trội hơn hẳn những người khác. Sau đó thiền chia thành hai tông, Thiền Nam tông và thiền Bắc tông.

          Bài kệ của Thần Tú ::

                   Thân thị Bồ đề thọ

                   Tâm như minh cảnh đài

                   Thời thời cần phất thức

                   Vật sử nhạ trần ai

 Nghĩa :     Thân là cây Bồ đề

                   Tâm như đài gương sáng

                   Luôn siêng năng lau chùi

                   Chớ để nhòm bụi trần

Bài kệ của Huệ Năng :

                   Bồ đề bổn vô thọ

                   Minh cảnh diệc phi đài

                   Bổn lại vô nhất vật

                   Hà xứ nhạ trần ai

Nghĩa :    Bồ đề vốn không cây

                   Gương sáng không cần đài

                   Xưa nay không một vật

                   Lầy gì để bụi bám ?

          Cách tu của Thần Tú dạy cho đệ tử là quét bụi, hướng dẫn nhập định, qua sự tập trung, thanh tịnh ý bằng cách an trú tâm trên một niệm duy nhất. Thần Tú cũng như các Thiền sư khác, thừa nhận tâm hiện hữu và công nhận rằng tâm này phải được tìm thấy từ bên trong bản tâm của mỗi người chúng ta, tâm ấy được thừa hưởng mọi đức tính của chư Phật. Thực tế chúng ta không nhận ra được tâm nầy, vì tập khí của chúng ta quen đuổi theo ngoại cảnh, khiến cho ánh sáng chân tâm bị lu mờ đi, phương pháp Thần Tú khuyên mọi người nên quán chiếu bên trong bằng cách tỉnh tu. Điều này hoàn toàn tốt cho chừng mực nào đó, nhưng Thần Tú vốn không có sự thể nhập siêu hình, nên phương pháp trên phải chịu sự thiếu sót nầy.               

          Giáo lý của Thần Tú dạy cho đệ tử dựa trên ba học giới, định, huệ là Không làm các việc ác là Giới; vâng làm các việc lành là Huệ;  tự thanh tịnh tâm là Định.

          Còn giáo lý của Huệ Năng cũng từ trên ba học giới định huệ, nhưng đi sâu vào nội tâm, tự tánh hơn. Huệ Năng nói :  Bản tâm tự nó không bệnh đó là tự tánh Giới; Tâm tự nó không loạn, đó là tự tánh Định; Tâm tự nó không si mê, đó là tự tánh Huệ.

          Tam học của Thần Tú thuộc về hữu vi dành cho căn cơ bậc thấp, còn  tam vô lậu học của Huệ Năng thuộc vô vi dành cho căn cơ bực thượng, hàng có trí siêu tuyệt. Khi ngộ được tự tánh nầy rồi không cần dựng lập tam học nữa .

          Tự tánh vốn không bệnh, không loạn, không si mê, mỗi niệm đều từ trí tuệ siêu việt ( Bát nhã trí) , mỗi niệm trong ánh sáng trí tuệ quán chiếu này thường vượt qua mọi sắc tướng. Do vậy, nên chẳng dựng lập tất cả pháp. Đốn ngộ nhận ra ngay liền tự tính nầy, chẳng phải nhận thức qua từng thứ lớp mà được, đây là lý do của việc không dựng lập.

***

-

 

DẪN NHẬP Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét