Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

CHƯƠNG 5 : VẤN ĐÁP

 

CHƯƠNG 5  :  VẤN ĐÁP

( chương này không trích ra hết  các vấn đáp )

          Chương nầy trích dẫn những vấn đáp giữa các Thiền sư và thiền sinh. Những câu hỏi và những câu trả lời đều là những ẩn ngữ chỉ có những người trong cuộc mới nhận biết, còn ngoài ra nghe như nghe chứ không hiểu gì.  Các cách khai thị của các Thiền sư sau thời Huệ Năng đa dạng, những câu nói, câu hỏi nghe qua không ai hiểu được, hay những động tác như đánh, đá, xô, đạp, hét …. Là những cách khai thị của các Thiền sư  làm cho đệ tử ngộ được tự tánh của mình.

          Từ những “vấn đáp” được trao đổi với nhau giữa những người học thiền trong suốt 150 năm sau Huệ Năng thị tịch người đọc có thể hình dung tầm mức phát triển của tư tưởng thiền. Bối cảnh hầu như hoàn toàn thay đổi kể từ thời của Lục Tổ, trước kia, người ta chỉ dùng kinh giáo để diễn đạt Thiền, không ai nghĩ rằng những cú đập, cú đá và những phương pháp thô bạo có thể được trao cho đệ tử.  “ Cái thấy thuần túy” đã nhường bước cho các hành động theo cách nào đó. Có chăng một sự thay đổi chủ yếu của tinh thần Thiền trong sự truyền thừa từ Đạt Ma đến Huệ Năng ?  Bên ngoài thì có nhưng về mặt tinh thần thì không. Vì có một dòng mạch ngầm tư tưởng chảy liên tục bên dưới nội dung những cuộc “ vấn đáp” ấy. Cái thay đổi chỉ là phương pháp sử dụng.

          Tinh thần chính vẫn là Huệ Năng trong khẳng định ngôn : “ pháp môn của ta đây, từ trước đến nay, đầu tiên lấy vô niệm làm nền tảng (tông) , lấy vô tướng làm thể, lấy vô trụ làm gốc”. Tuyên ngôn nầy là nền tảng của giáo lý thiền, và có thể tìm thấy điều ấy trong những câu trả lời đa dạng của các thiền sư cũng như trong lời nói, cử chỉ mà các sư biểu thị.

          Vô niệm mang tính chất tâm lý học, vô tướng có tính chất bản thể học, và vô trụ có tính chất luận lý học. Vô niệm và vô trụ có ý nghĩa chủ quan, trong khi vô tướng mang ý nghĩa khách quan. Tất cả đều có nghĩa ý thực tiễn và tột cùng nhất như, nhưng Thiền chú ý nhiều đến tâm lý học, về sự trực nhận ra vô niệm trong chiều hướng siêu việt chính nó. Vì một khi có được chỗ trụ có nghĩa là có một chỗ vô trụ được nhận ra, nghĩa là tâm hoàn toàn xả ly các sắc tướng, cũng có nghĩa là không còn chấp trước vào tâm mình nữa, và đây gọi là trạng thái vô niệm, vắng bặt tất cả mọi niệm tưởng. Cho đến nay, điều này đã được khảo sát trong mối  liên quan với Bát nhã, vì Huệ Năng chú tâm rất mạnh đến vấn đề Trí huệ và thiền định, như được phản ảnh rõ quan điểm thời đại của Ngài. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét từ ánh sáng chớp lóe nào mà “ cái không niệm tưởng hay vô niệm này được nhận ra trong mối tương quan với đời sống, đạo đức của chúng ta .

          Bây giờ chúng ta đi đến sự biện luận mang ý nghĩa phong phú nhất về giáo pháp thiền. Chừng nào mà cái thấy bên trong tự tính còn được xem là tự tính, thì vấn đề vẫn còn nhấn mạnh ít nhiều trên bình diện nhận thức luận, và dường như không ảnh hưởng mấy với đời sống thực tiễn của chúng ta theo quan điểm đạo đức học. Nhưng khi Bát nhã không chỉ được nhìn từ quan điểm tri giác, mà còn từ quan điểm thực hành thì nó tiếp cận với trọng tâm đời sống. Phần lớn những mẫu vấn đáp, được trích dẫn từ biên niên sử Thiền tông vào thời sơ khai để chứng minh phương pháp khai thị của riêng từng Thiền sư, nhằm đánh thức Trí huệ Bát nhã trong môn đệ mình, khi tâm thức họ bị đông cứng hoặc chênh vênh bởi những kiến giải nhị nguyên về sự sống và thế giới tự nhiên. Qua những điển hình của các vấn đáp sau, chúng ta sẽ cố gắng thâm nhập được vào sự vận hành của Bát nhã trong tiếp xử hằng ngày .

          1. Một vị tăng hỏi Thiền sư Cảnh Sầm ở Trường Sa. Thế nào là “ Bình thường tâm là đạo ?

          - Cảnh Sầm đáp : - Khi tôi muốn ngủ, tôi ngủ, khi tôi muốn ngồi, tôi ngồi.

          Tăng thưa : Con không hiểu được ý thầy.

          Cảnh Sầm tiếp : Mùa hạ tìm chỗ mát, mùa lạnh ngồi bên lò sưởi.

          2. Nguyên Luật sư đến tham vấn Đại Châu Huệ Hải. Luật sư hỏi :- Để tiến vào đạo, có con đường đặc biệt nào chăng ?

          - Huệ Hải đáp :  

          Luật sư hỏi :  - Đó là gì ?

          Huệ Hải trả lời : - Khi đói thì ăn, khi mệt thì ngủ.

          - Luật sư Nguyên : - Mọi người cũng đều như thế, có cùng chỗ dụng công  của thầy chăng ?

          Huệ Hải đáp : - Không đồng.

          Luật sư Nguyên hỏi : - Sao chẳng đồng ?

          Huệ Hải đáp :- Khi ăn, họ chẳng chịu ăn, mà còn dấy lên bao thứ tưởng tượng. Khi ngủ, họ không chịu ngủ, mà còn thả mình vào muôn thứ suy tưởng điên rồ. Do đó chẳng đồng.

          Luật sư không hỏi nữa.

          3. Khi toàn thể tăng chúng của Bách Trượng đang cuốc đất, một vị tăng nghe tiếng trống báo hiệu giờ ăn cơm, sư liền buông cuốc rồi cười ha hả bước đi. Thiền sư Hoài Hải ( Bách Trượng ) nhận xét : - Gã ấy thật lanh lợi. Đó là lối nhập đạo theo pháp môn của Quan Thế Âm.

           Khi sư trở về tu viện, sư cho gọi vị tăng hồi nãy rồi hỏi : - Hồi nãy, khi nghe tiếng trống, ông nhận ra đạo lý gì ?

          Vị tăng đáp : - Chẳng có gì, nghe tiếng trống báo hiệu giờ ăn cơm, con trở về ăn cơm thôi.

          Lần nầy, câu trả lời khiến sư cười vang.

          4. Khi Quy Sơn Linh Hựu ngồi trong giảng đường, vị tăng phạn đầu đánh bảng gỗ báo hiệu giờ ăn cơm. Nghe vậy, vị tăng đang chụm lửa vội buông chiếc đũa cời rồi vỗ tay cười ha hả. Quy Sơn nói : - Trong tăng chúng ta đây có người thật linh lợi.

          Lát sau, sư mời vị tăng ấy đến rồi hỏi : Có chuyện gì mà ông cười ?

          Vị tăng đáp : - Sáng nay con không dùng điểm tâm, con đói quá nên khi nghe tiếng mõ, con quá sung sướng nên cười.

          Sư gật đầu.

          5. Vân Nham hỏi Bách Trượng Hoài Hải.  Bạch thầy, dường như thầy bận rộn suốt ngày, thầy làm vì ai vậy ?

          Hoài Hải đáp : Có người muốn vậy.

          Vân Nham hỏi tiếp : - Sao thầy không để y tự làm lấy ?

          Hoài Hải đáp : Y chẳng có nhà.

          6. Hoàng Bá Hy Vận từ giã Nam Tuyền. Sư tiễn Hoàng Bá ra đến cổng chùa. Nam Tuyền cầm chiếc nón du phương của Hy Vận đưa lên rồi hỏi : Thân Trưởng lão to lớn, sao cái nón lại quá nhỏ.

          Hy Vận đáp :- Có lẽ vậy, nhưng toàn vũ trụ rộng lớn nầy đều được chứa trọn trong ấy cả.

          Nam Tuyền nói :: Thế còn tôi thì sao ?

          Hy Vận không đáp, đội nón , bước đi……


 

CHƯƠNG 5 : VẤN ĐÁP Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét