Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

HOÁT NGỘ “THỰC TẠI”

 

HOÁT NGỘ  “THỰC TẠI”

Hoát ngộ từ câu thơ “ diễm tình” trong truyện….

       

     Ngũ Tổ Pháp Diễn ngâm cho một thí chủ tên Tào sứ, họ Trần nghe , 2 câu như vầy:

Tần hô  Tiểu Ngọc nguyên vô sự

        Chỉ vị Đàn lang nhận đắc thanh

        ( Réo gọi con hầu gọi vẫn vơ

        Mong chàng nghe biết thiếp đang chờ )

Đương thời 2 câu thơ này lưu hành rất phổ biến trong nhân gian, sở dĩ ngài Pháp Diễn ngâm 2 câu thơ trên là để thăm dò cơ phong vị thí chủ, từng là một vị quan thường đến tham vấn thiền, ngâm xong Pháp Diễn hỏi: “ Chẳng hay đạt quan có thấu hiểu chăng ?” . Vị thí chủ chần chừ chưa hội, thú nhận mình chưa hiểu nổi, nhưng lúc đó sư Khắc Cần tình cờ nghe được tức thì chợt ngộ, Ngài liền làm bài thất tuyệt  trình lên thầy nhận khả, Sau khi xem 4 câu diễm thi của Khắc Cần Pháp Diễn ấn chứng sư đã ngộ đạo.

….Tần hô Tiểu Ngọc nguyên vô sự “ Tiểu Ngọc” có thể là tên của người hầu gái của một tiểu thơ- Nghĩa là câu thơ này đơn giản là cô chủ mấy lần kêu gọi tên hầu gái, nhưng thật ra không để sai bảo việc gì ( gọi khan thôi), mục đích chỉ để lên tiếng cho người tình của nàng nghe thấy mà biết nàng có đó đang đợi chàng “ Chỉ vị Đàn lang nhận đắc thanh”. Đối với vị thí chủ Tào sứ chỉ là câu thơ diễm tình vậy thôi, trái lại sư Khắc Cần vừa nghe xong  liền hoát ngộ ? À ! té ra mới “ nghi tình”: “ Cái gì là cái bản lai diện mục của mình ?” mà sư ôm mãi trong lòng bấy lâu nay chợt bùng vỡ qua hai câu thơ : Tần hô  Tiểu Ngọc nguyên vô sự

        Chỉ vị Đàn lang nhận đắc thanh.

         Ngài đã  nhận được tiếng gọi của “ ông chủ”  không phải ở ngoài đâu, mà chính ở trong ta, như nàng vẫn có đó, đang đợi. Tiếng gọi “ nguyên vô sự” đó đã làm thức tỉnh sư Khắc Cần. Bởi tiếng hô gọi Tiểu Ngọc đó nguyên từ thâm tâm của nàng mong chàng nhận biết là nàng đang có mặt- cái bản lại diện mục nó hằng ở trong ta .

        Như ngài Động Sơn lội nước thấy bóng mình trên nước, chợt ngộ . “ Ngã kim độc tự vãng,  xứ xứ đắc phùng cừ” Một mình một bóng bước đi, đâu đâu cũng gặp hắn( bản lại diện mục). “ Cừ kim  chánh thị ngã, ngã kim tất thị cừ”. Nay hắn chính là ta ( Ta và tự tánh cùng một thể) nay ta không là hắn, bởi ta còn chịu sự hạn cuộc của hình thể, vẫn còn ràng buộc của cái Ngã. Nên nó vẫn ở trong ta, nó yên lặng ra vào trong ta nhưng ta không nhận biết nó mà thôi, sở dĩ “ Chỉ vị Đàn lang nhận đắc thanh”.

        Kinh Viên Giác chương Văn Thù có câu : “ Vô minh không có thật, y như nhân vật trong mộng; mộng thì thấy là có, mà tỉnh thì biết là không “

          Có người hỏi, thế nào là “ thực tại” tối hậu, sư Cảm Thành đời thứ hai dòng Vô Ngôn Thông đáp “ khắp tất cả chỗ”. Hỏi tiếp về thực tại tối hậu ấy. Sư đáp “ chưa hề che giấu”.

         Bởi vì thực tại tối hậu ấy ở khắp mọi tất cả chỗ và chưa từng che giấu, chúng ta có thể gặp nó ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ cái gì, trong bất cứ không gian thời gian. Sự gặp gỡ, tiếp xúc, thấy hay nghe trực tiếp nó, được gọi là ngộ hay chứng ngộ. Ngộ là thấy và đi vào thực tại. Ngộ là thấy bản tánh của tất cả mọi sự, của không gian và thời gian. Hay nói theo kinh điển, là thấy và đi vào thật tướng của tất cả pháp. Trong các truyền thống của thiền, người ta ngộ khi tiếp xúc với đời sống, với sắc, thanh, hương, vị. xúc, pháp, với đất, nước, gió, lửa, với thế giới và vũ trụ.

        Bời vì ngộ là thấy bản tánh của tất cả mọi sự, từ cái cụ thể nhất đến cái vô hình nhất, nên nơi sự vật nào chúng ta cũng có thể thấy ra bản tánh của nó.

        Nhưng ngộ không phải là một mặc khải trời dành riêng cho người nào. Nó cũng không dành riêng cho vị trí xã hội nào. Nó cũng chẳng phải dành riêng cho một tôn giáo nào. Nó dành cho tất cả mọi người, bất kể tôn giáo nào, chủng tộc, giàu nghèo, học nhiều học ít…Những người nào tự làm cho tâm mình thanh tịnh, thanh tịnh đến mức nào đó thì thấy nó. Và tâm càng thanh tịnh thì nó càng hiển lộ rõ ràng, cả bề sâu lẫn bề rộng.

        Khi nói rằng Nó “ ở khắp tất cả chỗ, chưa từng che giấu”, có nghĩa là nó vẫn ở quanh ta, bao bọc ta từ xưa đến nay. Như vậy thì nhìn thấy cái gì cũng thấy nó, nghe cái gì cũng phải là nó, thế mà tại sao chúng ta không nghe, không thấy ? Đó là bởi vì những che chướng của phiền não và cái thấy sai lầm ngăn che chúng ta. Nói như Kinh Lăng Nghiêm, bởi vì “ Ngay cái thấy biết lập ra và lập thêm cái thấy biết, đó là gốc của vô minh”. Còn ngay nơi cái thấy biết mà không thêm không bớt cái thấy biết, đó tức là Niết bàn” ( Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn, Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn).

        Đó là cái thấy trần trụi của một tâm trần trụi không tạo tác thêm thắt thêu dệt, một cái tâm bổn nguyên. Tâm ấy Thiền tông gọi là Tâm bình thường ( “Tâm bình thường là đạo”). Để biết cái tâm bình thường vốn hằng ở nơi ta mà bao nhiêu phiền não, kiến chấp đều giả lập ở trên tâm ấy mà chẳng hề hấn gì đến nó, chúng ta cần bình tĩnh lại, sáng suốt để nhận ra và nhìn thấy nó. Từ “ thiền định” của gốc Ấn Độ, dịch sang tiếng Anh là “ meditation” thì người Tây Tạng dịch là “ làm quen”. Chúng ta cần làm quen với cái tâm bình thường ấy, nghĩa là thiền định về nó. Làm quen hay thiền định là nhìn trực tiếp vào tâm, xem nó thực sự là cái gì, đến lúc nào chúng ta sẽ thấy nó, thấy cái tâm bình thường, cũng là khuôn mặt xưa nay của mình.

        Ngài Hương Hải thiền sư nói rằng thấy cái gì thì cái ấy là tâm, là tâm bình thường, là bản tánh của tâm :

        Thấy vật liền thấy tâm

        Không vật tâm chẳng hiện

        Mười phần trong thông, bít

        Chân tâm đâu cũng khắp

        Nếu sanh hiểu trí thức

        Lại thành thấy điên đảo

        Thấy cảnh thường vô tâm

        Mới thấy mặt giác ngộ.

                Thực tại ấy xưa nay vẫn thế, không hề chướng ngại bất kỳ ai, không lập hàng rào ngăn chặn ai. Trong thực tại ấy không có xa hay gần, khó hay dễ, lạ hay quen. Chỉ vì chúng ta tự lập những chướng ngại, tự tạo ra những bức tường che chắn mà nó thành ra xa, thành ra khó, thành ra lạ, đấy thôi./.

 

   Bài thơ “ khai ngộ” của Ngài Chiêu Giác Khắc cần:

        Kim áp hương tiêu cẩm tú vi

        Sanh ca tùng lý, túy phù quy.

        Thiếu niêm nhất đoạn phong lưu sự

        Chỉ hứa giai nhơn độc tự tri

        Tạm dịch  :

        Màn che gấm rủ lò hương tận

        Từ chốn ca xang trở bước say

        Chuyện cũ phong lưu lúc thiếu thời

        Chỉ riêng này biết, tự nàng hay

  ( Theo “ Thiền môn khai ngộ thi”)

  ( Trích VHPG số 211- 15-10- 2014- Nguyễn Đăng Thục – Gần- quá xa và  NSGN số 57- 12/2000. Thơ khai ngộ của các Thiền sư – Lý Lược Tam )

]

MÙA VU LAN BÁO HIẾU

Suy nghĩ về đấng sinh thành.

        Dẫn nhập: Tại Việt Nam, rằm tháng bảy hằng năm là một trong những ngày lễ lớn. Nếu như tín ngưỡng nhân gian quan niệm, đây là ngày Xá tội vong nhân, hay bên Đạo giáo cho rằng, tháng bảy là tháng Cô hồn ( từ ngày 02 đến hết ngày 14), thì Phật giáo xem đây là ngày lễ Vu Lan- một truyền thống đẹp, một biểu tượng ý nghĩa khi tôn vinh và đề cao đạo Hiếu của người Việt. Tháng bảy nói chung và rằm tháng bảy nói riêng là dịp để con cháu bày tỏ tình cảm yêu thương, lòng biết ơn sâu dày đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ… bằng nhận thức, suy nghĩ, lời nói cùng những hành động cụ thể, thiết thực và có ý nghĩa.

         Đạo Phật đề cao chữ Hiếu.

         Báo biếu là bổn phận, trách nhiệm cao quý và thiêng liêng của mỗi người con trong gia đình. Báo hiếu là thể hiện những tình cảm, việc làm cụ thể để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Điều đó đồng nghĩa là việc báo hiếu phải được bày tỏ hàng ngày trong đời sống, trong từng phút hiện tại- bây giờ và tại đây, khi cha mẹ vẫn còn ở bên cạnh ta. Báo hiếu không phải là đợi một ngày kia cha mẹ rời xa ta để rồi mới nghĩ đến chuyện báo ơn, đáp đền. Lúc này quá muộn rồi ! Báo hiếu cha mẹ không phải ngày một ngày hai, hay một tháng một năm, mà báo hiếu phải cả trọn đời, chúng ta vẫn không bao giờ trả hết công ơn biển trời của cha và mẹ.

        Đạo Phật xưa nay luôn đề cao chữ Hiếu. Trong Kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán, Đức Phật dạy về Tứ trọng ân, thì ơn cha mẹ là một trong bốn ơn lớn. Bởi không có cha mẹ, ta không có mặt trên cuộc đời này. Từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, chín tháng cưu mang đến khi lọt lòng chào đời, cha mẹ đã dành  trọn tình cảm cho chúng ta. Những tiếng khóc “ oa…oa” cất lên của người con là niềm hạnh phúc khôn tả của cha mẹ, niềm vui ấy không gì có thể sánh bằng. Sự chào đời của con khiến cha mẹ rơi nước mắt, ấy là những dòng nước mắt hạnh phúc sau chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, trông đợi từng ngày, từng phút, từng giây.  Khi ta bắt đầu bập bẹ tập nói, mẹ ta dạy cách gọi cha; khi ta chập chững với những bước đi đầu tiên, cha là người cầm tay dẫn dắt. Cha mẹ là người đầu tiên đã đưa ta đến với cuộc đời, biết cảm nhận những âm thanh trong trẻo của cuộc sống. Cha mẹ là những vòng tay yêu thương luôn dang rộng để chở che, vỗ về và nâng đỡ mỗi khi ta vấp ngã trong cuộc đời. Chúng ta- những người con được sinh ra và trưởng thành bằng tất cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi buồn của đấng sinh thành. Vì vậy,  phận làm con phải lấy đạo Hiếu làm đầu, ghi nghớ và đáp đền công ơn của cha mẹ. Tình cha cao vời vợi, hơn núi Thái Sơn; nghĩa mẹ bao la, rộng lớn hơn cả biển Đông… Tình nghĩa cha mẹ không gì có thể sánh bằng… Đức Phật đã tóm lược mười ân đức của cha mẹ, gồm : 1/ Gìn giữ con khi mang thai, 2/  Khổ đau khi sinh nở, 3/ Lo lắng trăm bề đến lúc sinh, 4/ Nuốt đắng nhả ngọt, 5/  Nhường khô nằm ướt, 6/ bú mớm nuôi nấng, 7/ Tắm rửa săn sóc, 8/ Nhớ thương không nguôi, 9/ Quá vì con, thậm chí làm ác, 10/ Thương con trọn đời. Từ đó, phận làm con phải phải khắc sâu và đền đáp.

   Thực hành hạnh hiếu

        Có thể nói, không gì hạnh phúc khi cha mẹ thấy được sự lớn khôn và thành đạt của con cái. Sự trưởng thành của người con, đầu tiên đó là sự lễ phép, kính trên nhường dưới, biết yêu thương, quan tâm, giúp đỡ mọi người, biết gìn giữ nề nếp gia phong, những truyền thống tốt đẹp của gia đình dòng tộc. Khi trưởng thành, bước chân ra ngoài xã hội, phải biết làm chủ chính mình, không đánh mất bản thân và không bị cám dỗ trước những cái xấu. Đó cũng là cách báo hiếu không hề xa vời, rất thiết thực trong cuộc sống. Khi ta có được công việc, sự nghiệp ổn định, thì người làm cha mẹ sẽ rất vui và tự hào về các con. Sau bao nhiêu năm đèn sách qua nhiều cấp học, khi may mắn có được một vị trí việc làm, dù bước đầu sẽ có nhiều khó khăn và thử thách, nhưng điều đó là niềm hạnh phúc và tự hào lớn của cha mẹ về các con. Cho nên, các bạn trẻ cố gắng học tập thật tốt, ổn định việc làm là một trong những biểu hiện để bày tỏ sự biết ơn đối với cha mẹ.

        Và một điều rất quan trọng, là con cái phải báo đáp, phụng dưỡng cha mẹ hàng ngày, phải săn sóc, luôn cận kề bên cha mẹ những lúc cần, những khi ốm đau, bệnh tật, là một trong những biểu hiện rõ nhất về đạo hiếu làm con. Bổn phận làm con mà không làm được điều này, thậm chí đôi khi còn cãi lại lời dạy dỗ, khuyên răn của cha mẹ, bỏ mặc, đùn đẩy trách nhiệm, hắc hủi cha mẹ khi ốm đau, những lúc mà họ cần ta thì quả thật rất đáng trách, sẽ bị cả xã hội lên án vì vô tình hoặc hữu ý mà ta đã giẫm lên đạo hiếu, trái với luân lý đạo đức ngàn đời xưa nay của con người, nhất là đối với người Việt Nam vốn coi trọng tình nghĩa. Xã hội với công nghệ hiện đại ngày càng phát triển, kéo theo đó hệ lụy là vấn đề đạo đức, tình cảm trở nên xuống cấp. Đó là một thực tế báo động.

        Tuy vậy cũng có rất nhiều tấm gương đẹp, những đóa hoa tỏa ngát hương thơm về chữ Hiếu, trong việc hiếu kính, phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ, ông bà. Không phải đợi đến ngày Vu Lan, mà quanh năm, những người con, người cháu luôn bày tỏ sự tri ân và báo đáp ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, qua nhiều biểu hiện hình thức vào những dịp khác nhau, như ngày sinh nhật, ngày mừng thọ hay đơn giản là ngày gặp mặt hội tụ đông đủ các thành viên trong gia đình, với những lời dâng tặng, việc làm cụ thể, thiết thực mang đến sự chân thành, đượm tình, tôn vinh và ấm áp.

  Nhân  ngày Vu Lan báo hiếu, những người con hãy thể hiện, bày tỏ những lời nói, những tình cảm chân thành nhất, để ngày lễ này thực sự có ý nghĩa cao quý và thiêng liêng. Nguyện chúc cho ông bà, cha mẹ hiền tiền của chúng ta luôn được khỏe mạnh, bình an, được yêu thương bên con cháu. Cũng là ngày để chúng ta vọng tưởng đến ông bà, tổ tiên, cửu huyền thất tổ, những người quá vãng, cầu cho họ được siêu sanh Tịnh độ

        Ơn cha hơn núi lớn

        Nghĩa mẹ hơn đất dày

        Hy sinh lòng chẳng quản

        Mà vẫn không nguôi ngoai

        Mẹ già hơn trăm tuổi

        Vẫn thương con tám mươi

        Tình thương nào ngơi nghỉ

        Đến hơi thở cuối đời !

   Kính chúc một mùa Vu Lan đầm ấm, đượm tình, thật ý nghĩa và trọn vẹn trong tình yêu thương và đức hiếu hạnh !.      (Trích : VHPG số 412- ngày1/9-2023.   Ngô Tự Chung)

]

HOÁT NGỘ “THỰC TẠI” Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét