Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

TIỂU SỬ CÁC CHÙA Ở TAM KỲ TỪ HÌNH THÀNH ĐẾN PHÁT TRIỂN

 

TIỂU SỬ CÁC CHÙA Ở TAM KỲ TỪ HÌNH THÀNH ĐẾN PHÁT TRIỂN

 

1. CHÙA TỊNH ĐỘ

- PHƯỜNG HÒA HƯƠNG T/P TAM KỲ

PHẦN 1

Chùa Tịnh Độ đầu tiên có tên là chùa Hương Sơn do Hòa Thượng Thích Tôn Thắng người quê quán tỉnh Quảng Trị, trụ trì chùa Phổ Đà thành Phố Đà Nẵng khai sơn vào năm ( 1935 ) 1938. Chùa Tịnh Độ nay thuộc phường Hòa Hương đường Phan Chu Trinh, Thành phố Tam Kỳ, cách cầu Tam Kỳ khoảng 350m. Vườn chùa có diện tích khoảng trên 9000m2. Chùa lúc đầu ở vị trí về phía Đông cách khoản 100m, sau dời qua nền Trạm ( nay gọi là Bưu Điện ). Năm 1955, HT Thích Viên Mãn nhận chức Trụ trì, đến 1957 Hòa thượng khởi sự xây dựng chùa và đổi tên là chùa Tịnh Độ đến năm 1959 hoàn thành, sau hai năm xây dựng xong Hòa Thượng bàn giao lại giáo hội, Hòa Thượng lên An Thổ lập thảo am tu tập và sau có tên chùa Kỳ Viên.

 Đến năm 1961, Hòa Thượng Thích Chơn Ngộ được đề cử nhận lãnh chức vị trụ trì cho đến 2013 Hòa thượng viên tịch. Hòa Thượng Chơn Ngộ khởi công đại trùng tu chùa Tịnh độ qua các thời kỳ 1980, 1997, 2010. Ba lần trùng tu sau 1975 cho đến ngày ngài viên tịch 21-1- năm Quý Tỵ - 2013. Lễ Đại Tường HT 2015, Tông môn pháp phái đề cử HT Thích Giải Nghiêm kế nhiệm chức trụ trì. HT Giải Nghiêm bị bệnh viên tịch 20-7 năm Ất Mùi -2015 thọ 71 tuổi, HT nhận lãnh chức Trụ trì chưa tròn một năm. Kế nhiệm trù trì chùa Tịnh Độ từ 2015 trở về sau là Đại Đức Thích Tịnh Châu pháp danh Nguyên Bình bảo quản trông coi và hướng dẫn đạo hữu tu tập. Tông môn dự kiến 20-01- năm Tân Sửu- 2021- sẽ chính thức đề cử Đ Đ Tịnh Châu chính thức Trụ trì tổ đình chùa Tịnh độ.  Chùa Tịnh Độ là nơi tổ chức các mùa an cư kiết hạ và nơi Bố tát hằng tháng cho Tăng chúng phía Nam tỉnh Quảng Nam.

TIỂU SỬ CHÙA TỊNH ĐỘ - phần 2

Chùa Tịnh Độ, tọa lạc tại xứ “Truông dài nhà Núi ” xóm Hương Sơn hạ, phủ Tam Kỳ, đến năm 1960 đổi tên là ấp Bàn phước, huyện Tam Kỳ, năm 1983 đổi lại là phường Hòa Hương thị xã Tam kỳ. Hiện nay, chùa Tịnh Độ số : 699 đường Phan Chu Trinh, phường Hòa Hương Thị Xã Tam Kỳ.

Diện tích đất vườn chùa                                   : 9.100m2

- Diện tích ngôi chùa                                        : 272m2

- Diện tích các nhà phụ : nhà linh, nhà cầu    : 208m2

- Tổ đường                                                         : 120m2

- Nhà Tây                                                           : 120m2

- Nhà Đông                                                        : 112m2

- Nhà Kho, nhà bếp                                          : 120m2

Đất vườn chùa: Do Tri phủ Trần Đạo Tế cấp năm 1938, đất này thuộc vườn trạm cũ, diện tích 7350m2. Chùa còn mua thêm đất của ông Huỳnh Trử hai khoảnh. Diện tích 1750m2, nhập lại thành diện tích vườn chùa hiện nay: 7350m2 + 1750m2  = 9100 m2.

Chùa xây dựng năm 1938: bằng tranh tre, qua năm 1957 kiến thiết lại, xây xông lợp ngói, đến năm 1959 mới hoàn thành. Năm 1980 đại trùng tu một lần nữa.

Lối kiến trúc : Làm hình chữ Đinh theo kiểu cổ Việt Nam, trên nóc chùa có rồng giao đầu lại, xuống hạ hiên có các bức hoành, hai bên bức hoành là long, lân, quy, phụng. Kể từ nóc xuống hạ hiên gọi chung: Long, Lân, Quy, Phụng ( tứ linh ). Hai bên tiền đường có lầu chuông, trống.

Cấu trúc bên trong : Giữa chánh điện tôn trí Đức Phật Bổn Sư, hai bên tôn trí Bồ Tát Quán Âm và Đại Thế Chí. Sau lưng chánh điện giữa thờ chư liệt tổ, hai bên thờ chư linh quá cố.

Pháp khí của chùa : Chuông, mõ gia trì, Đại Hồng chung, Trống và chung, bảng.

Tiểu sử vị sáng lập: Chùa Tịnh Độ  năm 1938 do Hòa Thượng hiệu Tôn Thắng (tục danh Dương Văn Minh), pháp danh Trừng Kệ, tự Như Nhu , sinh năm 1888 tại làng Hà My huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị, Hòa thượng sinh trưởng trong gia đình Nho giáo và là tín đồ Phật giáo. Năm 1964 Ngài được Đại hội Phật giáo suy cử vào hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngài viên tịch năm 1976, hưởng thọ 88 tuổi.

Các đời trụ trì : Năm 1938 Đại Đức Chơn Đắc tục danh Nguyễn Tùy, sinh quán tại Tam Kỳ; năm 1942 Đại Đức Chơn Huệ, tục danh Nguyễn Đình Thiết, sinh quán thành nội Huế; năm 1945 Đại Đức Chơn Như, tục danh Nguyễn Văn Khôi, sinh quán La Vân Thừa Thiên; năm 1956 Thượng Tọa Thích Viên Mãn, tục danh Nguyễn Thanh Tịnh, sinh quán Dạ Lê Thừa Thiên; năm 1961 Thượng Tọa Thích Chơn Ngộ, tục danh Lương Tâm Cần, pháp danh Tâm Cần, tự Từ Thục, sinh năm 1913 tại Hòa Hải Hòa Vang QN-ĐN. Thượng tọa trong trong một gia đình Nho giáo và là tín đồ đạo Phật. Năm 1983 là ủy viên ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo QN-ĐN, Chánh đại diện huyện hội Phật giáo thị xã Tam kỳ.

Sự kiện lịch sử : Năm 1963 chư tăng và tín đồ Phật tử chùa Tịnh độ hòa hợp với các chùa trong tỉnh tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo dưới chế độ Ngô Triều, năm 1966 tranh đấu đòi hòa bình thống nhất đất nước.

Như vậy chùa Tịnh Độ từ 1938 đến 2020 trước sau  có các  Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng thay nhau duy trì  bảo quản như :  Chơn Đắc, Chơn Huệ, Chơn Như, Viên Mãn, Chơn Ngộ, Giải Nghiêm, Tịnh Châu.

Có lẽ các vị tiền nhiệm với dạng trông coi chùa chứ chưa chính thức trụ trì. Đến 1955, HT Thích Viên Mãn mới chính thức trụ trì, và là người khởi công xây dựng chùa từ tranh tre thành chùa xây xông lợp ngói.

 

 (Tài liệu này được ghi lại vào năm 1976 và vi tính lưu trữ ngày  28-9-2009). Có phôtô bản đánh máy giao cho TT Thiện Thành 1 bản. (Thiện Phương ghi lại tư liệu này từ năm 1976 đến 2009 còn nhiều sự kiện như trùng tu, xây dựng các công trình chưa tiện ghi vào mong huynh đệ bổ túc thêm cho hoàn chỉnh).

2. CHÙA ĐẠO NGUYÊN

 

3. CHÙA HOÀ AN

Chùa Hoà An toạ lạc xứ “hóc la Cồn Nánh”, Hoà An ấp, (Khuôn) phủ Tam Kỳ. Hiện nay chùa Hoà An số 320 đường Phan Chu Trinh, phường An Xuân, Thị xã Tam Kỳ,  tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.

Diện tích vườn chùa:                           : 6.981m2

- Diện tích ngôi chùa                           : 33m2

- Nhà Đông                                           : 216m2

- Nhà Tây                                             : 231m2

- Nhà bếp, kho                                     : 97m2

- Nhà phát hành kinh sách                  : 97m2

Đất vườn chùa do bà Trần Thị Đốc hiến cúng năm 1932.

Xây dựng năm 1932: Chùa Hoà An hiện nay, nguyên xưa là chùa Linh Bửu do bà Trần Thị Đốc xây cất năm 1910, đến năm 1932 bà Trần Thị Đốc đem hiến cúng cho An Nam Phật Học Hội để làm Hội quán chi Hội Phật Học Tam Kỳ.

Năm 1956 bổn hội xây dựng lại ngôi chùa nầy và đổi hiệu là chùa Hoà An, đến năm 1961 hội trùng tu lần thứ hai, qua năm 1968 đại trùng tu lần thứ ba.

Lối kiến trúc: Theo hình chữ Tam (Tiền đường, hậu tẩm và chánh điện). Kiểu xưa Việt Nam, trên nóc có rồng giao đầu lại, xuống hạ hiên có đắp các bức hoành. Hai bên tiền đường là lầu chuông trống.

Cấu trúc bên trong: Giữa chánh điện tôn trí đức Phật Bổn Sư, hai bên tôn trí Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Sau lưng chánh điện, giữa thờ chư liệt tổ, hai bên thờ chư linh quá cố.

Pháp khí của chùa:  Chuông, mõ gia trì, đại hồng chung, trống và chung bản.  Đặc biệt chùa có hai tượng cổ bằng đồng ngồi cao 3 tất khoảng 500 năm (chưa có sự xác định của ngành khảo cổ). Một tượng Thái tử Kỳ Đà, một tượng ông Cấp Cô Độc. Hai vị nầy là nhân vật chính của Tinh Xá Kỳ Viên, mà Đức Phật và các vị Thánh Tăng thường ở đây thuyết pháp hóa đạo, có dẫn trong các kinh.

Tiểu sử các vị trụ trì: Năm 1932 cư sĩ Phan Huy Thịnh Hội trưởng Chi Hội An Nam Phật Học, thay mặt bổn hội nhận lãnh chùa Linh Bửu làm Hội Quán cho Hội. Năm 1940 thầy Đào Hoàng Cẩn quán Thừa Thiên, ở đây trông coi, năm 1945 thầy Đoàn Dật Hưng quán Duy Xuyên đến ở trông coi, Năm 1956 thầy Tâm Niệm tức Trần Văn Chí quán Tam Kỳ đến trông coi. Năm 1957 Thượng Toạ Thích Minh Thể, tục danh Phan Luyện quán Quế Sơn QNĐN trụ trì, năm 1959 Đại Đức Thích An Hoà (không rõ tục danh) quán Thừa Thiên trụ trì, năm 1960 Thượng Toạ Thích Từ Ý tục danh Trần Văn Chí, pháp danh Tâm Niệm, hiệu Chơn Thiện trụ trì, Thượng toạ sinh ngày 21-01-1918 ở thôn Trà Tây, Tam Kỳ nay là xã Tam Mỹ huyện Núi Thành QN-ĐN.

Thượng toạ sinh trong một gia đình Nho giáo và cả gia đình đều là tín đồ đạo Phật. Năm 1976 Thượng toạ giữ chức vụ chánh Đại diện Phật giáo Tam Kỳ, thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Sự kiện lịch sử: Năm 1962 chùa Hoà An là trụ sở tạm của Tỉnh Hội Phật giáo Quảng Tín (cũ). Mùa Phật Đản năm 1963 khởi sự biểu tình tuyệt thực đòi bình đẳng tôn giáo dưới chế độ Ngô Đình Diệm, năm 1965-1966 đấu tranh đòi hoà bình Dân chủ thống nhất đất nước.

 (Bản tiểu sử này được ghi lại vào năm 1990)

 

 

Phần bổ sung

Từ năm 2001 chùa Hoà An có sửa dãy trường Trung Học Bồ Đề cũ làm giảng đường, kinh phí do Cô Bình  con của  Bác Tân Mỹ A hỗ trợ, hoàn tất kỷ niệm lần thứ 10 ngày huý kỵ Thầy.

Sau Vu Lan và huý kỵ lần thứ 19 năm Kỷ Sửu (2009). Chùa Hoà An thay ngói cũ lợp lại ngói mới.TT Phước Chấn chính thức có giấy quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Hoà An và thầy Thanh Thuận có giấy quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Từ Quang.

Ngày 04-09 năm Canh Dần (2010) chùa Hoà An làm mới dãy trường tiểu học trường Bồ đề cũ, thành dãy lầu tăng đường và trai đường, hoàn thành nhân lễ huý kỵ Thầy lần thứ 21. (dãy tăng đường này đã sửa nâng cấp lót ván năm 1987). Và làm lại nhà cầu và nhà linh cùng bàn tủ thờ.

Và kế tiếp phá dãy lầu cũ và dãy phòng Hoà Thượng ở ngày xưa và phòng làm việc của ban đại diện làm mới lại khai móng ngày 01 tháng 07 năm Tân Mão (31-07-2011).

Năm 2016, TT Thích Phước Chấn khởi công đại trùng kiến chùa Hoà An. Lễ động thổ ngày 19 tháng 6 năm Bính Thân – tức tháng 7 năm 2016. Và hoàn thành dự kiến qua năm 2018. Năm 2019 mùa an cư kiết hạ được tổ chức tại chùa Hoà An, số lượng Tăng chúng 100 vị. Sau ba tháng an cư, nhân dịp lễ huý kỵ HT bổn sư, TT Phước Chấn trụ trì chùa Hoà an tổ chức lễ hoàn nguyện.

 (Ngày 24 tháng 9 năm Đinh Dậu- 10-2017 chùa Hoà An đúc tượng đồng Bổn sư để tôn thờ. Lễ rót đồng tại chùa Hoà Mỹ, thôn Tịch Tây huyện Núi Thành).

 (Thiện Phương : ghi lại những sự kiện chùa. 15-10-Đinh Dậu- 2017) – bổ sung 20 tháng 7 năm Kỷ Hợi – 20/8/ 2019).

 

 

 

4. CHÙA KỲ VIÊN

Năm 1960, HT Thích Viên Mãn đến lập thảo am tại xứ An Thổ nay khối phố 2 phường An Sơn TP Tam kỳ, tu tập và hướng dẫn tín đồ tu học. Với đức độ và tính tình hiền hòa của HT cùng với giọng nói, lời kinh thu hút được lòng người,  dần dần được sự tín mộ của đạo hữu xa gần quy tụ về tu tập. Nơi đây từ một thảo am trở thành một ngôi Bảo điện thanh tịnh trang nghiêm, với đầy đủ tứ chúng sinh hoạt tu học. Năm 1972 ngài xây dựng chánh điện và các phòng tăng, Đến năm 2000 HT viên tịch, đệ tử đầu của HT là TT Thích Chánh Huệ kế thừa cơ sở sự nghiệp bổn sư khởi công đại trùng kiến, xây dựng vào năm 2008 đã trở thanh ngôi già lam nguy nga tráng lệ, góp phần tô điểm nét đẹp của Phật giáo Tam kỳ nói riêng, tạo cảnh quang cho thành phố, là nơi không những quy tụ sự tu học của tín đồ mà còn nơi tham quan tín ngưỡng tâm linh cho mọi người có đạo hay không có đạo, mỗi lần đến chùa lễ bái để lại trong tâm mọi người một cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát khó quên. Chùa Kỳ Viên TT Thích Chánh Huệ theo dấu chân thầy bổn sư duy trì lễ Bố tát Thập Thiện cho cư sĩ hằng tháng và Thọ bát quan trai, được nhiều đạo hữu Phật tử hưởng ứng quy tụ đông đảo.

5.  CHÙA DIỆU QUANG SƯ NỮ

T/P TAM KỲ - QUẢNG NAM

Chùa sư nữ Diệu Quang toạ lạc tại phường Hoà Hương, TP.Tam Kỳ- Quảng Nam gần nhà máy điện, cách quốc lộ 1A 150m về phía Tây Nam. Cách về phía Đông bắc 200m là Sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ.

Trước năm 1974, tại thị xã Tam Kỳ chưa có chùa Sư nữ, vì thương tưởng hàng nữ phật tử muốn xuất gia có nơi tu học. Hoà Thượng thượng TỪ hạ Ý  trụ trì chùa Hoà An, Thị Xã Tam Kỳ- Quảng Nam (tức Quảng Tín cũ) tìm đất để xây dựng cơ sở tu học cho ni giới.

Năm 1973, Hoà Thượng  đã gặp thuận duyên với vợ chồng đạo hữu tên Lý Tuý (bút hiệu là “Cào”) đã phát tâm hỷ cúng khu vườn với diện tích 1.813m2   tại xóm nhà đèn, phường Hoà Hương, thị xã Tam Kỳ. Sau đó cần có con đường để vào, HT mua tiếp một lô đất ngang 8m dài 30m. Sau khi tiếp nhận đất cúng HT liền khởi công xây dựng lấy tên chùa là “Diệu Quang Ni Tự”. Với lòng từ bi như mây lành rộng lớn luôn luôn có tâm niệm rưới mưa pháp cho khắp hàng tứ chúng đồng được thấm nhuần, HT nhận thấy về phía Nam của tỉnh Quảng Nam ngày nay, (xưa tỉnh Quảng Tín) chưa có một ngôi chùa ni nào để cho ni chúng tu học, hành đạo và độ cho hàng phật tử nữ xuất gia, nên sau khi thành lập chùa Sư Nữ Diệu Quang xong, HT đã cúng lại cho Ni bộ Bắc tông của tỉnh để làm trụ sở cho ni chúng sinh hoạt, tu học. Trong bước đầu, ngôi chùa chỉ được xây dựng giống như nhà tổ đường dùng làm chánh điện để đáp ứng nhu cầu tu học của tín đồ Phật tử lúc bấy giờ. Trước lòng tha thiết nghĩ đến nữ giới, cho nên HT đã đích thân ra Huế thỉnh Ni Sư Thích Nữ Diệu Trí về làm trụ trì. Mặc dù Ni Trưởng Diệu Trí đang phục vụ cho ni viện Diệu Đức- Thừa Thiên  Huế. Hơn nữa, Ni Sư Diệu Trí cũng được Ni bộ đề cử và động viên đảm nhận chức vị trụ trì chùa Sư Nữ Diệu Quang- Tam Kỳ để hướng dẫn Ni chúng và tín đồ tu học.

Từ 1974, Ni Sư Diệu Trí tiếp nhận ngôi chùa Diệu Quang, Ni Sư tiếp tục xây dựng thêm phòng ốc, mở lớp học tình thương và nuôi chúng diệu. Ni chúng phía Nam tỉnh Quảng Nam bắt đầu phát triển cũng từ đây. Đến năm 1992 Ni sư việc làm đã xong, báo thân tứ đại đến lúc kết thúc, qua một cơn bịnh là sự báo động ra đi về với cõi Phật. Ni sư biết trước được sự việc của mình, trước khi ra đi dặn dò, giao phó việc chùa cho ni chúng và đã nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22 tháng 12 năm Nhân Thân (năm 1992), hưởng thọ 66 tuổi, hạ lạp 44 năm.

Từ 1992 trưởng tử của cố Ni Trưởng Diệu Trí là Sư cô Thích nữ Nhật Tân kế thừa đảm nhận chức vụ trụ trì duy trì cơ sở và tiếp tục nuôi chúng điệu. Chùa Sư Nữ Diệu Quang là trụ xứ An cư kiết hạ hằng năm và bố tát của chư ni phía phía Nam của tỉnh Quảng Nam.

Đến năm 1994 Ban Trị Sự tỉnh Quảng Nam -Đà Nẵng đã mở trường Cơ Bản Phật học tại Tam Kỳ- Quảng Nam. Chùa Sư Nữ Diệu Quang là địa điểm cho ni sinh của trường tá túc để theo học qua các khoá học do trường chiêu sinh. Ngoài ni chúng bổn tự cùng với ni sinh của trường, khiến cho chổ ăn chỗ ở của chùa trở nên chật hẹp, không đủ chỗ để cho ni chúng và tín đồ  phật tử sinh hoạt. Đồng thời để thực hiện hoài bão của Hoà Thượng khai sơn cũng như cố trụ trì Ni Trưởng Diệu Trí là làm sao xây dựng thực sự thành một ngôi chùa khang trang rộng rãi thoáng mát.

Để báo đền công giáo dưỡng của Ni trưởng, và đáp ứng với nhu cầu thực tế, Sư Cô Thích Nữ Nhật Tân đã lập thủ tục trình giáo hội và các cấp chính quyền cho phép xây dựng. Vào ngày 20 tháng giêng năm 2001 chùa làm lễ động thổ và tiếp tục xây dựng. Do vì địa thế đất chật nên thiết kế chùa Lầu. Phần trên là chánh điện thờ tiền Phật hậu linh, phần dưới là giảng đường và phòng khách. Xây dựng trong giai đoạn kinh tế còn eo hẹp, nhưng với sự quyết tâm kiên trì của thầy trò ni chúng chùa Diệu Quang cuối cùng cũng mãn nguyện. Trải qua bảy năm xây dựng  mới hoàn thành, tổng kinh phí xây dựng là ba tỷ đồng VN. Lễ Khánh Thành được tổ chức vào 3 ngày. . . tháng 8 năm Đinh Hợi tức 2007. Được sự gia trì của Phật Bồ tát cũng như Giác linh của HT khai sơn và Ni Trưởng trụ trì, chùa Diệu Quang  trước và sau xây dựng mọi Phật sự đều êm xuôi như ý, vượt ra ngoài sự mơ ước ban đầu của ni chúng và mọi người có đạo cũng như không đạo. Để tán thán và khích lệ tinh thần sáng tạo và không mệt mỏi của Sư cô trụ trì. TT Thiện Toàn Trụ Trì chùa Thanh Hà Đà Nẵng đã tặng câu đối như sau :

 DIỆU giác hà phân nam nữ tánh

QUANG khai bất ngại sắc không duyên.

(Tạm dịch :  Tánh giác vi diệu đâu có phân biệt nam hay nữ

Tuệ giác được khai mở thì không trở ngại các duyên trần)

                            Thiện Phương  ghi lại tiểu sử chùa Diệu Quang

                                                 Ngày 29 tháng 09 năm 2010

(bổ sung : nhân dịp lễ Huý kỵ Sư bà Diệu Trí nguyên trụ trì chùa Diệu Quang, ngày 20/ 12 năm Mậu Tuất – (2018)  tháng 01 năm  2019 -  Ni sư Nhật Tân kế vị trụ trì trao quyền trụ trì cho sư cô Nguyệt Chiếu  đảm nhận, có lễ công bố quyết định trù trì của BTS Phật giáo Quảng Nam ra quyết định)

 

6. CHÙA HOÀ QUANG

PHƯỜNG AM MỸ - T/P TAM KỲ

Khai sơn vào năm 1959  bởi Hoà Thượng thượng Minh hạ Thể, tục danh Trần Văn Luyện, khởi đầu lập thảo am tại …  phủ Tam Kỳ tỉnh Quảng tín . Đến năm 1964 HT viên tịch. Từ năm 1964 đến 1975 TT Chí Hiền kế thừa trụ trì đến 1975, năm 1972 TT Chí Hiền xây dựng mới khang trang và kiên cố. Đến 1975 TT Chí Hiền về quê Tam phước lập cốc tu tập. Từ 1975 HT Chí Đạo kế thừa trụ trì đến 15-10-2014 HT Chí Đạo viên tịch. Năm 2011 HT Chí Đạo đại trùng tu chùa Hoà Quang và các hạng mục nhà Tăng và 2 tháp HT khai sơn chùa và tháp HT Chí Đạo. Từ năm 2014 đến nay đệ tử đầu HT Chí Đạo là thầy Nhuận  Quang trụ trì cho đến nay.

   Kế thừa đệ tử của HT Minh Thể  gồm có : Chí Hiền, Chí Đạo, Chí Thiện, ……

Kế thừa đệ tử HT Chí Đạo :  Nhuận Quang, Tịnh Đức, Tịnh Tâm, Tịnh Trí, Tịnh Minh, Tịnh Như, Tịnh Thành (Nhuận Bình) Tịnh  Niệm,Tịnh Hậu, Tịnh An   (10 vị)

 

 

 

 

 

 

 

7.  CHÙA TỪ QUANG

PHƯỜNG TRƯỜNG XUÂN T/P TAM KỲ - QUẢNG NAM

 I -NGUỒN GỐC :

Từ trước 1960 HT Thích Từ Ý đã có sinh hoạt tại chùa Tịnh Độ Tam Kỳ, ở tại Ấp Đông thuộc liên gia 35 và 36 Ấp Trường Xuân xã Kỳ Hương, Tam Kỳ, Quảng Tín có nhiều đạo hữu xuống sinh hoạt tại chùa Tịnh Độ. Trong đó có hai đạo hữu Đinh Thông pháp danh Tâm Thuỷ và Mai Thơ pháp danh Tâm Tín thân quen với HT Từ Ý, hai vị nầy làm mối liên giao với các thân hào và nhân dân thuộc hai liên gia 35 và 36. Họ vận động cuộc họp để thống nhất hiến đất cho HT xây chùa Từ Quang.

Vào ngày 30 tháng 11 năm 1963 tức ngày 15-10 năm Quý Mão cuộc họp được diễn ra với mục đích hiến đất xây chùa. Gồm các thành phần như sau :

Về mặt giáo hội thì có trụ trì chùa Tỉnh Hội Quảng Tín ĐĐ.Thích Từ Ý hiệu Chơn Thiện thế danh Trần Văn Chí.

Về phía nhân dân hai liên gia gồm có: Trần Thỉnh, Trần Kiên, Nguyễn Huy, Nguyễn Tránh, Trần Hương, Nguyễn Khoái, Huỳnh Sỏ, Lê Bằng, Nguyễn Hồi, Tô Là, Nguyễn Chơn, Trịnh Huý, Trần Tăng, Đinh Thông, Dương Nhân, Trần Cổ, Mai Thơ, Nguyễn Phiếu, Nguyễn Nhỉ, Phạm Doán, Nguyễn Thị Nhện, Trần Thuấn, Trịnh Trọng, Dương Vân, Trần Ngọc Bá, Trần Dậu, Trần Sang.

Sau khi nhân dân viết giấy hiến cúng đất ngày 15 tháng 10 năm Quý Mão liền sau đó vào tháng 11 cùng năm HT cho xây cất ngôi tịnh thất để có chỗ chúng điệu sinh hoạt. Người đầu tiên cùng đi nhận đất và người ở trước nhất là Chú Nguyên Thừa tức ĐĐ.Thích Thiện Huệ.

Trong biên bản hiến đất có các chữ ký chứng thực của hai  Liên gia Trưởng 35 là Đinh Thông. Liên gia trưởng 36 là Dương Nhân. Thôn trưởng là Huỳnh Phúng, và có sự chứng nhận đại diện xã Kỳ Hương là Nguyễn Bá Tuân (xã trưởng  Lê Quới) vào ngày 7 tháng 12 năm 1963.

Trong biên bản không nói số diện tích đất là bao nhiêu, nhưng có hai số hiệu là 2258 và 2259 .

Từ đó Tịnh Thất Từ Quang được sinh hoạt dưới dạng nhỏ lẻ chứ chưa được chính thức gọi là chùa, đến sau khi chùa Đạo Nguyên hoàn thành, do sự nhiệt thành của đạo hữu tịnh thất Từ Quang trong việc góp công sức xây dựng chùa Đạo Nguyên, lúc này tỉnh  hội thấy được thực lực của tín đồ tịnh thất Từ Quang mới công nhận cho thành lập chùa. Vì trên ngã ba đã có chùa Kỳ Hương rồi nên cho thêm một cơ sở chùa nữa gây ra sự phân biệt. Do đó từ ngôi tịnh thất để chính thức thành tên chùa Từ Quang vào 1964, phải trải qua thời gian thử thách cam go của thầy và trò mới thành nên .

II- XÂY DỰNG CƠ SỞ:

Tịnh thất đến 1964 lấy tên chùa Từ Quang bước đầu là nơi để Hoà Thượng nuôi chúng điệu, vì chùa Hoà An là cơ sở của tỉnh Hội Quảng Tín, thuộc về chỗ sinh hoạt hành chánh nên không thể nuôi riêng chúng điệu được. Phần lớn các vị đệ lớn của Hoà Thượng đều xuất thân từ tịnh thất Từ Quang. Cho đến năm 1969 xây dựng lớn khang trang thì đạo hữu và phật tử sinh hoạt càng ngày càng lớn mạnh, và tiếp theo là các dãy tăng đường Đông và Tây kế hai bên hông chùa. Chùa Từ Quang mặt tiền hướng về phía Đông Nam, trước chùa là đồng ruộng, sau lưng chùa là dân cư ở. Đường lộ Tam Kỳ đi Tiên Phước cách về phía Tây Nam chùa 50m, là địa thế thuận tiện cho sinh hoạt. Chùa Từ Quang có tổng diện tích là: khoảng 5000 m2. Trước và sau 1975 Hoà Thượng có mua thêm đất của ông Tô Là về phía Đông Bắc và Đông Nam để làm nghĩa địa và sản xuất khoai, đậu. Ngoài diện tích đất chùa HT có mua hai khoảnh ruộng lúa trước chùa, (năm 1984 đổi 2 đám thành một gần chùa, 2005 bán làm điểm bán xăng dầu Trường Xuân) và dưới chùa  một số đất vườn để gieo đậu trồng khoai,và đất nghĩa địa, còn trên sân bay thuộc địa phận Tam Ngọc HT cũng có mua đất nhưng sau giải phóng không quản người dân họ sử dụng.

 Chùa Từ Quang có vị thế đất rộng nên cũng có xây dựng trường tiểu học Bồ đề. Sau này xây lại thành trường Phật Học lớp cấp I, II (1996-2006). Trước kia trường có hai phòng học. Khi Xây dựng trường Phật học cũng hai phòng và một văn phòng, nhưng số lượng tăng ni sinh tăng lên, mở thêm một lớp Trung cấp do đó phải nới thêm xây một văn phòng, trường có ba phòng.

Sau giải phóng về tình hình chính trị cũng như kinh tế khó khăn, nhưng Hoà Thượng vẫn tiếp tục cho xây dựng cơ sở tại chùa Từ Quang như: Đúc đại hồng chung cho chùa Từ Quang và Hoà An, Nhà hậu tổ, nhà cầu trong năm 1977-1979. Cũng chính trong giai đoạn khó khăn này Hoà Thượng tổ chức An cư kiết hạ:  Từ 1976 đến 1979, đến 1980 thì tổ chức an cư tại chùa Tịnh Độ. Đến 1981-1985 trong giai đoạn thay đổi Giáo hội. Hoà Thượng lại tổ chức An cư tại chùa Hoà An, được đâu vài ba năm rồi không an cư được vì Thầy trò chưa tham gia vào giáo hội mới. Đến năm 1986 Thầy trò mới tham gia vào giáo hội và an cư tại chùa Tịnh Độ thường xuyên. Hoà Thượng cũng biết trước sức khoẻ và tuổi thọ của mình nên vào tháng giêng năm 1980 Hoà Thượng mời Sư Bác Chơn Ngộ lên động thổ khai móng làm Tháp.

Năm 1996, trước khi làm trường Ban giám hiệu làm nhà trù, trai đường và số phòng cho Tăng sinh ở. Sau đó TT Thiện Đạt làm thêm 2 dãy tăng phòng về phía Đông Bắc chùa.

Trong mùa hạ năm 2004 Thượng Toạ Minh Trí gợi ý sửa lại tháp Thầy, đến ngày 10 tháng 02 năm 2006 mới thực hiện sửa lại tháp Hoà Thượng. Tháp cũ  có ba tầng mái, khi tu sửa thành 5 tầng.

III - NHÂN SỰ CHÙA TỪ QUANG:

  Từ trước 1970 chùa Từ Quang có ĐĐ. Thích Thiện Huệ, ĐĐ. Tâm Đồng, ĐĐ.Tâm Nguyên, Thiện Hạnh, Thiện Chánh và chú Nguyên Đạo ở và các chú sa di ở trông coi, sau giới đàn Vĩnh Gia tổ chức tại Đà Nẵng các Sa di thọ giới Tỳ kheo như Thiện Đạt, Giải Đăng, Giải Tín, Thiện Đức. Từ 1970 đến 1975 hai vị thường trú chùa Từ Quang là ĐĐ. Thiện Đạt và Sa di Nguyên Đạo. Sau 1975 Nguyên Đạo viên tịch, Thiện Đạt nhận ở chùa Dương Đàn xã Tam Dân (1976-1989) thì về lại chùa Từ Quang. Từ 1976 đến 1990 TT.Thiện Tường trụ trì chùa Từ Quang. Cùng ở với TT.Thiện Tường là ĐĐ.Thiện Chánh, ĐĐ.Thiện Toàn, ĐĐ Thiện Phương.

  Từ 1990 ĐĐ.Thiện Đạt thế TT.Thiện Tường trụ trì, nuôi chúng điệu, gồm có: Thông Khiêm, Thông Ân, Thông Lương ...(ĐĐ.Thích Thiện Chánh có nuôi một đệ tử là Quảng Bảo pháp tự Thanh Vân. Trong khoảng 1976-1990 TT.Thiện Tường có nuôi vài điệu nhưng không tu được.)

  Năm 1990 sau khi HT viên Tịch Sa di Nguyên Danh tức ĐĐ. Thanh Thuận về ở Từ Quang đến năm 2009 được sự thống nhất của chư huynh đệ, Thích Thanh Thuận chính thức trụ trì chùa Từ Quang. Trước đây cử ĐĐ nói là trụ trì, chỉ trên danh nghĩa chứ không thông qua giáo hội, nên không có giấy tờ gì về phía giáo hội cả.

IV- ĐẤT CHÙA TỪ QUANG :

Chùa Từ Quang nay là khối phố 2 phường Trường Xuân T/P Tam Kỳ Q-Nam. Bên đường lộ Tam Kỳ Tiên phước cách 50m. Trước chùa có đường giao thông đi qua, tổng diện tích vườn chùa là: khoảng 5000 m2 có tường xây bằng gạch chung quanh. Ngoài những cơ sở chùa có một miễu xóm thờ âm linh cô bác trong thôn xóm, ở về phía Đông Bắc vườn nằm trong khuôn viên, diện tích 60m2. Miếu này đã hai lần phá đi làm lại, lần thứ nhất áp dụng theo chính sách cải cách văn hoá 1975-1990 (thời bà Lãnh làm chủ tịch xã Tam Ngọc). Lần thứ hai do gần các tăng phòng không thanh tịnh lại dời một lần nữa.

  Ngoài vườn chùa về phía Đông Bắc (đất của Ô. Tô Là  ngày xưa) có an trí ba ngôi tháp của Tỳ Kheo pd: Quảng Thiện, pháp tự Thiện Quảng, pháp hiệu Quang Trí, Tháp Tỳ Kheo Nguyên Cảnh, Tự Thiện Đức, hiệu Quang Hạnh, Sa di Nguyên Trí, tự Thiện Tuệ.

  Trong vườn chùa an trí các vị: Sa di Nguyên Đạo, tự Thiện Hạnh, Sadi Nguyên Phẩm, tự Phước Hoà, Sa di Nguyên Nhàn, tự Thanh Tâm, Vị sư tu theo hệ Khất sĩ tên:……. Là cháu ngoại của HT Minh Thể chùa Hòa Quang viên tịch năm 1978, cũng an táng tại vườn chùa.  Tịnh nhân nam (người làm công quả chùa) Nguyên Tùng - Nguyễn Cước (Ba Giải Đăng), Tịnh nhân nữ, Trần Thị Thái, (cô của Quảng Bảo)  và đạo hữu (Bốn Tứ)…

  Ngoài đất vườn chùa hiện nay còn canh tác về hướng Đông còn được khoảng 800m2, thường tỉa đậu và gieo mè. Kế đó có đất nghĩa địa, gần nhà của vợ ông Nho, sau nhà Ô Đinh Thông về phía Đông, Và một khu đất vườn nữa, Mai Đào con ông Mai Thơ ở. Hai số đất này khi vào hợp tác xã không quản lý được, nên không còn là của chùa nữa. Phía dưới đất gò cháy đang tỉa đậu, cũng đất nghĩa địa chùa cách chừng 30m -40m có hai ngôi mộ của tịnh nhân chùa Hoà An là cô Khải và cô Bốn (Thầy Giải Đăng biết hai ngôi mộ này).

Trên đây sơ lược một số sự việc từ lúc hình thành cho đến nay của chùa Từ Quang.

                                                              Thực hiện

                                                  Thích Thiện Phương

                Ngày 24 tháng 9 năm 2010 (17-08 năm Canh Dần)

 

8. CHÙA TAM BẢO

PHƯỜNG AN SƠN T/P TAM KỲ -Q-NAM.

I. VỊ TRÍ VÀ NGUỒN GỐC:

Chùa Tam Bảo trước có tên Niệm Phật Đường Tam Dưỡng, sau năm 1989 tu sửa lại đổi tên là chùa Tam Bảo được thành lập vào năm 1965 tại Ấp An Trạch, xã Dưỡng  Sơn thuộc  huyện Tam Kỳ tỉnh Quảng Tín. Hiện nay chùa Tam Bảo thuộc  429/18 Hùng Vương - khối phố 4 phường An Sơn thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam.

Vào ngày 18-09-1965  được  sự đồng ý của các tộc phái họ Huỳnh, họ Lê, họ Lưu và họ Đoàn đồng ý hiến cúng đất và ngôi nhà Tự cho ban định cư Vườn Lài để làm niệm Phật đường. Ngôi nhà Tự bề dài 7m, rộng 6m20, cao 3m. Xây xông lợp ngói vồng và đã xuống cấp. Cùng khoảnh đất 700 m2  cùng với số đất của hai đạo hữu Huỳnh Lân và Trương Thất về phía Bắc  cũng bằng lòng hiến cúng, nhưng số liệu diện tích không ghi rõ.(đất này dân trưng dụng sau 1975).

Sau khi các tộc phái bằng lòng hiến cúng nhà và đất, tỉnh hội Phật giáo Quảng Tín tiến hành cuộc họp lập biên bản bàn giao, đạo hữu Trương Tú pháp danh Tâm Thục, Huỳnh Khương và Huỳnh Đề, thay mặt giáo hội  tiếp nhận và có sự chứng thực về phía chính quyền của Uỷ- Ban Hành-Chánh xã Châu Thành Tam Kỳ ngày 24/09/ 1965. Khi tiếp nhận ngôi nhà, đạo hữu thay ngói lợp tole mặt tiền xây về hướng Tây. Lúc ban đầu niệm Phật đường Tam Dưỡng chưa có Phật cốt lớn, mãi đến 1970 sau khi Hoà Thượng Từ Ý chùa Hoà An trùng kiến chùa xong, thỉnh tượng mới Ngài cho tượng Phật cũ của chùa Hoà An thỉnh về tôn thờ cho đến 1994 chùa Tam Bảo trùng kiến xong lại cho pho tượng bổn sư nầy chùa Pháp Minh xã Tam Thành huyện Phú Ninh thỉnh tôn thờ.

Đến năm 1975 sau ngày giải phóng đồng bào định cư trở về quê cũ giao lại ngôi niệm Phật đường Tam Dưỡng cho đạo hữu tại địa phương sinh hoạt chăm sóc.  Đến năm 1989 do cơn bão số 2 ngày 24-25 tháng 5 đã làm tole tốc mái, ban đại diện chùa nhân đó làm đơn xin tu sửa.  Lúc này là  tỉnh Hội PG Quảng Nam-Đà Nẵng. HT  trưởng ban Thích Quang Thể  ký ngày 06 tháng 09 năm 1989. Được sự chấp thuận cho phép tu sửa của UBMTTQ Việt Nam và UBND phường An Sơn ký giấy cho phép ngày 17-06-1989. Khi tu sửa lần này đổi tên chùa Tam Dưỡng thành Chùa Tam Bảo, mặt tiền xây về phía Đông Nam, lần tu sửa này có sự chỉ đạo và hướng dẫn của Hoà Thượng, thượng TỪ hạ Ý cả về vật chất và tinh thần. Chùa được tổ chức lễ hoàn nguyện vào ngày 08 tháng giêng năm Canh Ngọ - 1990 (lúc này HT bị đau không vào dự được) . Lúc tu sửa diện tích vẫn giữ như cũ bề 7m, bề 6m cao 4m. (Lễ hoàn nguyện này Ban đại diện chùa thỉnh mời ĐĐ Thích Thiện Phương làm trưởng ban tổ chức lễ).

 

 

II- XÂY DỰNG : ĐẠI TRÙNG TU :

 Đến ngày 20- 08- năm Canh Ngọ -1990,  ban đại diện nhận thấy chùa được tu sửa khang trang, đạo hữu đông hơn cần phải có vị trụ trì hướng dẫn. Do đó Ban đại diện chùa làm đơn gởi Thị Hội Phật giáo Tam Kỳ xin bổ nhiệm ĐĐ. Thích Thiện Phương về đảm nhận chức vị trụ trì.

Sau khi nhận lãnh chức vị trụ trì, sự sinh hoạt của đạo hữu và Phật tử có phần tăng lên. Chùa không đủ dung nạp. Đại Đức trụ trì làm đơn xin phép tu sửa, được sự cho phép của Tỉnh Hội Phật giáo Quảng Nam-Đà Nẵng ký ngày 01-12-1992 và UBND tỉnh QN-ĐN ký công văn số 1538/CV-UB ngày 28-09-1993, Sở xây dựng ký hồ sơ thiết kế số 218 ngày 21-10-1993. Sau khi nhận được giấy phép của sở xây dựng tỉnh QN- ĐN. Bổn tự tiến hành khởi công từ ngày 18-10-1993 (Quý Dậu) đến ngày 4-2-1994 (Giáp Tuất) hoàn thành với các hạng mục gồm có: Tiền Đường, Chánh Điện, nhà tổ -hậu linh và Tăng đường. Lễ hoàn nguyện vào ngày 15 tháng 2 năm Canh Ngọ- dương lịch 1990.

Đến năm 2006 làm thêm dãy Tăng đường. Năm 2013 làm giấy xin phép trùng tu lần thứ 3, được các cấp Giáo hội và chính quyền cho phép, bổ sung thêm đất khuôn viên chùa. Cấp giấy Quyền Sử dụng đất chùa Tam Bảo 28-3- 2013 diện tích 2.395m2. Ngoài diện tích vườn chùa còn diện tích mua của ông Nguyễn Tình Ta và ông Trần Khánh Dư 500m2. và Sở Xây dựng Quảng Nam cấp giấy phép xây dựng số 52/GPXD-SXD. ngày 08-5-2014 . Ngày 1 tháng 2 năm Giáp Ngọ tức năm 2014. Khởi công Đại trùng tu chùa Tam Bảo lần thứ 3, cùng với các hạng mục nhà Tăng nhà khách nhà trù v.v... đến 15 tháng 7 năm Bính Thân tức năm 2016, thì hoàn thành các hạng mục. (trên 10 hạng mục : chùa, tăng phòng, nhà khách, nhà trù,  miếu và Lăng).

Chùa Tam Bảo trùng lần thứ 1, năm 1998, thay đổi mặt tiền hướng Tây sang hướng Đông Nam,  lần thứ 2  đại trùng tu năm 1993, lần thứ 3  đại trùng tu có cơi nới thêm tiền đường năm 2014.

Trong khuôn viên chùa Tam Bảo có hai cái Miếu và lăng Cô Bác. Miếu là nơi gốc tích để cho chùa Tam Bảo hình thành sau này, phần đất cúng cho chùa là của vườn Miếu. Miếu bà có trước thời gian chưa xác định, còn lăng được xây dựng trong khoản 1960 trở lại. Năm 2013 chuyển đổi vị trí Miếu bà về phía trước thay đổi vị trí và hướng về Đông Nam theo hướng của chùa; và xây mới lại Lăng và Miếu.

  III NHÂN SỰ CHÙA TAM BẢO

  Chùa Tam Bảo trải qua 30 năm trùng tu và xây dựng và đào tạo tăng ni, góp phần xây dựng giáo hội đã có 15 tăng thọ Tỳ kheo giới, trong đó có 5 vị đã nhận lãnh trụ trì các chùa, còn lại đang theo học các lớp Phật học cao trung. Về bên nữ giới, chùa Tam bảo đã hướng dẫn đến các ni viện xuất gia tu học trên 80 ni đã thọ Tỳ kheo ni giới, nhận trụ trì trên 15 vị, còn lại đang theo học các lớp Phật học trong và ngoài nước.

  Đạo hữu chùa trên dưới 100, phần đông là nữ giới tuổi từ 45 trở lên. Nam giới có chừng 5-3 người .

  Chùa Tam Bảo có tổ chức tu Bát quan trai giới và niệm Phật một ngày vào ngày 23 hằng tháng, số lượng tham dự trung bình mỗi kỳ từ 100 người đến 140 trở lại. Hằng tháng vào buổi tối 01 và 15 có giảng dạy giáo lý cho đạo hữu bổn tự, tham dự khoảng chừng 100 người trở lên. Chùa có ban hộ tự, thường lo việc trai soạn và vận động tài chánh vào các việc phật sự,và đi thăm viếng đạo hữu bịnh hoạn và ma chay.

  Đây là những sự kiện chùa từ khi thành lập 1965 đến nay 2020 gồm các sự việc như trên.

 


 

9. CHÙA BỬU ĐỨC

Chùa Bửu Đức thuộc thôn Đoan trai, phường Tân Thạnh T/p Tam Kỳ, khai sơn sáng lập do Đại Đức Thích Viên Đức, tục danh Nguyễn Đức Lâm, sinh quán xã Tam Anh Bắc huyện Núi Thành, là đệ tử xuất gia của HT Thích Thiện Duyên chùa Đạo Nguyên phường Tân Thạnh T/p Tam Kỳ. Chùa khởi công thành lập vào năm 1969, Đại Đức Viên Đức xây dựng và trụ trì đến năm 1975 sau giải phóng ra đời. Giao chùa lại cho đạo hữu, với tình hình trong giai đoạn bao cấp kinh tế khó khăn, sự sinh hoạt tôn giáo chưa được thông thoáng nên đạo hữu không đến chùa, thanh niên thôn Đoan Trai lấy làm chỗ sinh hoạt, nhưng sau cũng bỏ không, chùa hoang phế, đến năm 1980 HT Đạo Nguyên hội ý với HT Từ Ý cho ĐĐ Thiện Phương qua ở, được sự đồng ý của HT Từ Ý cho phép qua trông coi và hướng dẫn đạo hữu. Từ năm 1980 đến 2004, ĐĐ Thiện Phương hướng dẫn đạo hữu Phật tử trở lại tu học đông đảo, đạo hữu trên 50 người, phật tử 40 em. Khai hoang dỡ hoá lại đất vườn chùa, vì bỏ hoang quá lâu, cây cối gai góc mọc rất nhiều, chỉ còn lại một ngôi chùa và một tượng Phật Bổn sư. Nhà Tăng, nhà bếp vì không có người trông coi nên đã bị tháo dỡ lấy tôn, lấy cây, và tường rào kẽm gai cũng bị tháo dỡ. Nên phải xây dựng lại nhà Tăng, nhà bếp và hậu linh (chùa trước kia chưa có hậu linh). Đến năm 1990 Đ Đ Thích Thiện Phương nhận lãnh trụ trì chùa Tam Bảo, nuôi chúng điệu đông, cho qua hai điệu trông coi chùa và hướng dẫn đạo hữu phật tử tụng kinh bái sám, là Quảng Hưng, tức Đạo Năng, Quảng Thuấn tức Thông Nhã, hai điệu ở một thời gian lại bỏ chùa đi thành Phố, tiếp tục đưa mấy chú và đạo hữu qua trông coi và hướng dẫn đạo hữu, đến năm 2004 Đại Đức Thích Viên Phước pháp danh Nhuận Quả về nhận lãnh chức vị trụ trì cho đến nay. Từ năm …. ...Nhận lãnh quyết định trụ trì  trở lại Đ Đ Thích Viên Phước đã xây dựng thêm các công trình như cổng ngõ, đức chuông, nhà Tăng, quan Âm Các v.v... Diện tích đất vườn chùa hiện nay là  4000 m2 (Chùa Bửu Đức  có ba giai đoạn, 1/ Trụ trì khai sơn xây dựng, 2/ Bảo quản trông coi 3/ Kế tục trụ trì và xây dựng).

 

10. CHÙA HOÀ THANH

XÃ TAM THANH T/P TAM KỲ

Chùa Hoà Thanh từ 1962 đến 1968 mượn chỗ sinh hoạt nhà ông Nguyễn Dư (Ký) thuộc thôn Hạ Thanh II xã Tam Thanh. Năm 1965 – 1968 cuộc chiến khốc liệt bởi bom đạn không sinh hoạt thường xuyên, số người thoát ly làm cách mạng, một số lập gia đình tạm sinh hoạt. 1968-1975 tình hình chiến cuộc bớt căng thẳng, đạo hữu tiếp tục sinh hoạt, địa điểm dời qua nhà ông Lê Trung địa điểm Hạ Thanh I và tiếp tục xây dựng chùa, xây dựng được 1/3 vật liệu hết, tiếp đến 1975 ngưng sinh hoạt, vật liệu đem sung vào làm trường cấp I Hạ Thanh (nay nền móng chùa vẫn còn). Năm 1977 mượn nhà ông Lê Văn Tâm sinh hoạt thuộc thôn Hạ Thanh I. Năm 2002 nhà ông Tâm bị giải toả làm cầu, dời qua mượn nhà bà Nguyễn Thị Quang thôn Hạ Thanh I sinh hoạt cho đến nay tháng 10 -2019. Thủ tục xin phép chính thức thành lập chùa đang trình các cấp giáo hội và chính quyền. (chưa được chính thức chấp thuận, nhưng được sinh hoạt tụng kinh vào các ngày mùng 1, 14, 15 và 30, cũng với các ngày lễ lớn Vu Lan Phật Đản).

 

 

11. CHÙA BÌNH HOÀ

XÃ TAM NGỌC T/P TAM KỲ

 Chùa Bình Hoà được thành lập từ năm 1959. Ban đầu mượn nhà ông Trần Tài làm nơi lễ bái tụng niệm, tín đồ hai thôn Trà Lang và Bình Hoà. Đến năm 1961 ông Đoàn Mãn phát tâm cúng đất xây dựng lấy tên là Hoà Lang,  các ông trong ban như : Huỳnh Vi, Phan Xong, Trần Tề, Huỳnh Hải v.v.. Năm 1967 đạo hữu thôn Trà Lang thành lập chùa riêng lấy tên chùa Trà Lang (chùa Trà Lang đến 1975 thì bị giải thể, hiện nay tượng bổn sư của chùa còn giữ thờ tại nhà ông Giảng).

   Đạo hữu chùa Hoà Bình có ông Nguyễn Cư cúng đất, bắt đầu từ đó xây dựng chùa Hoà Bình, các ông trong ban như : Trần Tề, Nguyễn Xuyến, Nguyễn Văn Ngọc v.v... Năm 1967  chính thức xây dựng, có HT Thích Thiện Duyên chứng minh lễ đặt đá. Tín đồ trên 40 vị, đến năm 1971 cuộc chiến tranh quyết liệt, lớp thanh niên đi lính hoặc xa quê lánh nạn, chỉ còn lại các người già. Ban ngày lính Quốc gia kiểm soát, ban đêm cán bộ cách mạng về ngủ nghỉ tá túc ở chùa, từ đó tín đồ không dám đến chùa, chỉ còn lại ông Trần Tề, Nguyễn Ly, Nguyễn Ngọc Nam, Đoàn Mỹ và 5 đạo hữu.

  Đến sau năm 1975 ông Trần Tề giao chùa cho nhà nước làm nhà mẫu giáo dạy trẻ, qua thời gian sau thôn xây nhà mẫu giáo mới chùa bỏ trống không ai lui tới, đến năm 1990 thầy Giải Đăng  phát tâm sơn lại tượng và lợp lại mái tôn, lúc này một số đạo hữu phải ra sinh hoạt chùa Trường Thọ, lần lần có số đạo hữu tập trung sinh hoạt, nhưng chính quyền chưa thống nhất, vì thế mỗi lần tổ chức cuộc lễ gì phải xin phép . Giáo hội nhiều năm nhiều lần thương thuyết xin phép chính quyền thành Phố Tam Kỳ cho chùa Bình Hoà được chính thức sinh hoạt, mãi đến 2017, chính quyền thành phố Tam kỳ mới đồng ý cho phép chùa Bình Hoà được tự do sinh hoạt như các chùa khác, trải qua 42 năm chùa Bình Hoà mới có được sự sinh hoạt bình đẳng như các chùa khác trong thành phố. Ban hộ tự làm giấy thủ tục xin phép chùa Bình Hoà được chính thức, trưởng ban là ông Trình Công Lành, sau khi ổn định sự sinh hoạt chùa, ông Trình Công Lành xin nghỉ Ban hộ tự, ông  Nguyễn Văn Ngọc thay thế điều hành công việc chùa cho đến nay (2019) . Hiện nay diện tích đất chùa là :…. Tín đồ ….

 

CHÙA HÒA LAN ( TRÀ LANG) XÃ TAM NGỌC T/P TAM KỲ

Chùa Hòa Lan còn gọi chùa Trà Lang, thôn Trà Lan xã Tam Ngọc.

Chùa Hòa Lan tách ra từ chùa  Bình Hòa, mới đầu đạo hữu chùa Trà Lan sinh hoạt chung với chùa Bình Hòa, sau có đạo hữu cúng đất xây chùa khác gọi là chùa Hòa Lan, tức kết hợp giữa thôn Bình Hòa chùa Bình Hòa đặt tên là chùa Hòa Lan. Vì thuộc thôn Trà Lan nên có lúc kêu chùa Trà Lan. Chùa Hòa Lan được xây dựng năm 1960 đến năm 1975 thì ngưng sinh hoạt. Trước 1975 thôn Trà lang gọi là ấp Đồng Nghệ, sau 1975 đất chùa dân trưng dụng nền chùa không còn, tượng Phật Bổn sư được ông Đặng Văn Giảng đem về thờ tại nhà ông năm 1988,nay vẫn còn, ông đã mất năm 2012. Con ông là Đặng Quốc Triều tiếp tục bảo quản.

 

CHÙA ĐỒNG PHÚ  THÔN ….XÃ TAM NGỌC T/P TAM KỲ

Chùa Đồng Phú là kết hợp giữa tên hai thôn Đồng Nghệ và Phú Ninh trước 1975. Đặt tên là Đồng Phú tức Đồng Nghệ và Phú Ninh. Xây dựng khoảng năm 1960 ngưng sinh hoạt năm 1976. Sau năm 1976 dân lấy đất vườn chùa làm trường mẫu giáo, hiện nay nền chùa vẫn còn, đất vườn chùa vẫn còn.

Khoảng thập niên 1960 xã Tam Ngọc có 4 chùa : Trường Thọ, Bình Hòa, Hòa Lan và Đồng Phú. Hiện nay đã được sinh hoạt hai chùa Trường Thọ và Bình Hòa, còn hai chùa Hòa Lan và Đồng Phú gần như lãng quên, chỉ mấy người lớn tuổi biết chứ tuổi trẻ sinh sau 1975 phần đông không biết quê hương mình đã từng có chùa.

 

TIỂU SỬ CÁC CHÙA Ở TAM KỲ TỪ HÌNH THÀNH ĐẾN PHÁT TRIỂN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét