Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ TĂNG NI TRỤ TRÌ TẠI THÀNH PHỐ TAM KỲ

 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ TĂNG NI TRỤ TRÌ
TẠI THÀNH PHỐ TAM KỲ

 

1- ĐẠI LÃO HT THÍCH TÔN THẮNG

Khai sơn chùa Tịnh Độ - Tam Kỳ- Quảng Nam

I- Thân thế

Hoà thượng họ Dương tên Minh, huý thượng Trừng hạ Kệ hiệu Tôn Thắng tự Như Nhu, Đời thứ 42 dòng Lâm Tế. Vào giờ ngọ ngày 29-12- năm Kỷ Sửu (1888) dưới ánh trời xuân quang đãng Ngài ra đời, tại xã Hà My, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ và thân mẫu của Ngài đều thâm tín Tam Bảo là đệ tử thuần thành của chùa Diệu Đế Thuận Hoá.

  Hoà thượng sanh trưởng trong một gia đình am hiểu Nho giáo thuộc hàng trung kiên của Phật giáo. Song thân của Ngài cho Ngài đi học từ lúc còn thuở nhỏ, do đó Ngài đã sớm thấm nhuần đạo lý nhân sinh và nhận thấy cảnh vô thường biến dịch của tạo hoá nên Ngài đã phát tâm xuất gia từ lúc 16 tuổi tại chùa Diệu Đế. Với bản tánh thông minh thuần thiện, nên năm lên 18 tuổi Ngài được Hoà thượng trụ trì  chùa Diệu Đế cho lên hầu Hoà thượng Tâm Truyền là Tăng Cang tổ đình Báo Quốc. Tại đây Ngài được Hoà thượng Tâm Truyền  cho thọ giới Sa di.

II- Sự nghiệp tu hành

 Hoà thượng Tâm Truyền rất yêu mến Ngài, nên mỗi khi đi chứng minh hay hành lễ trong hoàng cung đều cho Ngài đi theo hầu hạ.

  Dưới triều vua Thành Thái, nhân có lễ trai đàn tại chùa Hoàng Ân trong Đại nội, Ngài theo hầu bổn sư vào làm lễ tại hoàng cung. Hoàng triều bấy giờ thấy Ngài đường đường tăng tướng dung mạo đoan nghiêm nên phê chuẩn cho Ngài được vào ngạch  tăng chúng chùa quốc tự Diệu Đế, nhưng Ngài vẫn ở lại tổ đình Báo Quốc để hầu hạ bổn sư cốt để học hỏi giáo lý và trau dồi đức hạnh. Năm 20 tuổi, đường tu đạo cũng như hành đạo đã tăng tiến, Ngài được bổn sư cho phép đi chiêm bái nhiều nơi, từ Quảng Nam đến Bình Thuận các tổ đình như Chúc Thánh, Thiên Ân, Thập Tháp, Long Khánh và các chùa danh thắng khác, không nơi nào mà Ngài không đến suy tầm Phật tích. Sau đó Ngài trở về trụ trì chùa Thạch Châu tại Đà Nẵng. Ba năm sau Ngài mới trở về tổ đình Báo Quốc hầu hạ bổn sư cho đến ngày bổn sư viên tịch. Năm 1923 lúc Ngài 23 tuổi, Ngài được bổn sư cho đăng đàn thọ giới cụ túc tại trường Hương chùa Phước Quang ở tỉnh Quảng Ngãi do Tăng cang Hoàng Tịnh là đàn đầu. Tiếp năm sau, Hoà thượng Phước Trí chùa Tam Thái (Ngũ Hành Sơn) thấy ngài phước huệ song tu, bèn phú pháp cho Ngài lên  Đại sư với pháp hiệu là Tôn Thắng. Dưới triều Khải Định, triều đình ban sắc tứ cho chùa Phổ Thiên thì Ngài nhận chức Tăng Cang chùa nầy. Từ đó trở đi, nhằm mục đích tuỳ duyên hành đạo, Ngài đã cố tâm phát huy Phật pháp bằng những Phật  sự liên tiếp như : Kiểm tăng trong giáo hội Quảng Nam Đà Nẵng. Ngài tỏ ra công minh chính trực. Làm trị sự tổ đình Báo Quốc Ngài hết lòng phục vụ công việc thiền môn. Làm trụ trì chùa Linh Ứng Ngài hăng say tô bồi thắng cảnh. Trong những đại giới đàn nhiều nơi tại các tỉnh, ngài hăng hái tham gia, có lúc nhận lãnh chức vụ trong hội đồng Thập sư ở các đại giới đàn do giáo hội cung thỉnh. Ngoài ra ngài làm tri sự ở Trường Hương chùa Từ Vân Đà Nẵng, làm tôn chứng cho giới đàn Tịnh Quang tại Quảng Trị, làm yết ma cho giới đàn Liên Trì Khánh Hoà, làm Đàn đầu truyền giới cho giới đàn Ni chùa  Bình Quang tỉnh Bình Thuận.

  Từ năm 1956, ngài được tỉnh hội Phật giáo Đà nẵng mời làm chứng minh Đại đạo sư và từ năm 1960 ngài là một thành viên trong hội đồng trưởng lão của giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất do giáo hội Trung ương cung thỉnh. Đến năm 1970, ngài đã 82 tuổi tuy tuổi già sức yếu, song ngài vẫn nhận làm chánh chủ đàn cho Đại giới đàn Vĩnh Gia Đà Nẵng.

   Ngoài ra ngài còn chú trọng kiến tạo hoặc trùng tu các tự viện. Như lập học viện, cho học tăng lưu trú tại Đà Nẵng.  Khai sơn các chùa như chùa Từ Tôn tại xã Nam Dương, chùa Diệu Pháp tại xã Bình Thuận, chùa Tịnh Độ tại Tam Kỳ, chùa Hà Quang tại xã Hà My Quảng Trị. Ngài là một trong các vị sáng lập chùa Tường Quang Đà Nẵng, đại trùng tu chùa Phật Quang tại Bình Thuận, kiến thiết lại chùa Phổ Thiên thành một ngôi chùa đồ sộ, đổi hiệu là Phổ Đà làm cơ sở cho Phật học viện Trung phần.

   Sau thời kỳ kháng chiến chống pháp nhiều chùa bị sập đổ, tuy đã lớn tuổi ngài vẫn lo việc sửa chữa các chùa, như chùa Hội Quán tỉnh Quảng Trị và một số các chùa khác, không sợ gian khổ, không ngại công lao, miễn sao Phật giáo được phát huy rộng rãi và mạnh mẽ thì ngài lấy làm mãn nguyện.

  Trên bước đường hoằng hoá độ sanh, ngài còn hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Quốc do Thái Hư đại Sư lãnh đạo đề xướng. Ngài đứng ra khởi xướng các Phật sự như : Năm 1933 thành lập Phật học đường tại Đà Nẵng để đào tạo tăng tài, - năm 1934 sáng lập hội Đà Thành Phật học về sau với ý chí thống nhất, ngài đã vận động hội viên và ký giấy chấp thuận hội Đà Thành Phật học vào hội Phật học Trung phần để lập thành chi hội Bình Thuận- Năm 1937, sáng lập ban biên tập và xuất bản tạp chí Tam Bảo. Đây là tờ tạp chí đồng hành cùng với các tạp chí Viên Âm, Đuốc Tuệ, Từ Bi Âm đã tạo nên phong trào truyền bá giáo lý để chung lo phục hồi và bồi đắp Phật giáo chóng được phát triển rộng rãi. Năm 1956, hiến cúng ngôi chùa Phổ Thiên cho giáo hội Phật giáo Trung phần làm Phật học viện Phổ Đà.

 III- Bảo vệ đạo pháp

 Ngài là người lãnh đạo trong cuộc tranh đấu chống chế độ kỳ thị và đàn áp Phật giáo của Ngô triều. Tại Đà Nẵng năm 1963 trước toà Thị Chính Đà Nẵng, ngài tuyên bố với chính quyền : “Thân già này thà chết thời thôi, chứ còn sống không bao giờ chịu khuất phục sự đàn áp”. Sau mấy ngày đêm tuyệt thực để tranh đấu tại bờ sông Bạch Đằng, trải qua dãi nắng dầm sương mà ngài vẫn không sờn lòng nản chí. Khi giáo hội Đà Nẵng rước ngài về chùa tỉnh hội, ngài vẫn còn nhịn ăn cho đến lúc thân thể vô cùng tiều tuỵ. Sau đó ngài phát nguyện tự thiêu, đem thân cúng dường chư Phật, cầu nguyện cho Phật giáo được thoát ly pháp nạn, nhưng tăng tín đồ nhận thấy sự hiện diện của ngài trong cuộc tranh đấu chống Ngô Triều để bảo vệ Phật pháp  là rất cần thiết, xin ngài ở lại với Phật giáo đồ. Sau nhiều phen thỉnh cầu, ngài nói : “ Tôi phải tuỳ thuận chúng sanh, nhưng Phật giáo đồ cần bảo vệ Phật pháp, dù phải hy sinh tánh mạng”.

IV- Tiếp tăng độ chúng

Do công hạnh của Ngài từ nhỏ đến lớn với tâm hồn khoan dung độ lượng, ngài đã độ cho rất nhiều đệ tử xuất gia, có nhiều vị chân tu tinh thông Phật pháp, hiện đang nhận những chức vụ thiết yếu của giáo hội từ trung ương đến các cấp tỉnh thành. Ngài còn tiếp độ rất nhiều đệ tử tại gia, có nhiều vị biết tinh tấn tu học đã trở thành những phật tử trung kiên hết lòng hộ trì Tam bảo.

Với quy luật, sanh, trụ, dị, diệt, thành, trụ, hoại, không làm thân con người không ai tránh khỏi định luật vô thường chi phối, khi nhân duyên hoá độ đã ký tất, ngài thâu thần tịch diệt vào lúc 21 giờ ngày 16-3 năm Đinh Tỵ (1976) hưởng thọ 88 tuổi trụ 53 hạ lạp.

   Ngưỡng bạch cố giác linh Hoà thượng :

   “ Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

     Nghĩa Tôn Sư muôn kiếp khó đáp đền”

Nam mô từ Lâm Tế chánh tôn tứ thập nhị thế huý thượng TRỪNG hạ KỆ hiệu TÔN THẮNG tự NHƯ NHU đại lão Hoà Thượng Giác linh chứng giám.

    (Tháp HT an trí tại vườn chùa Tịnh Độ phường Hoà Hương T/P Tam Kỳ)

  (Tuyên đọc lễ huý kỵ lần thứ 29, tại chùa Tịnh Độ, ngày 15-3- Ất Dậu – 23-4-2005)    ghi lại - Thiện Phương


 

2-  HOÀ THƯỢNG THÍCH CHƠN NGỘ

Thành viên Hội đồng Chứng minh TW GHPGVN, Chứng minh BTS PG Quảng Nam,

Viện chủ Tổ đình Tịnh Độ

Trưởng lão Hoà thượng pháp danh Tâm Cần, pháp tự Từ Thục, pháp hiệu Chơn Ngộ, thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ 43.

Hoà thượng thế danh  Lương Hào, tên huý là Nhơn, sanh ngày 10 tháng 9 năm 1913, tại xã Hoà Hải, huyện Hoà Vang, tỉnh Quảng Nam, nay là quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Ngài sanh ra trong một gia đình có truyền thống Đạo Phật. Thân phụ là cụ ông Lương Lạc. Thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Niếu, từ trần lúc Hoà thượng vừa 13 tuổi. Từ đây, Ngài đã phải tạm thu xếp bút nghiên, cùng thân phụ gánh vác việc gia đình.

Cảm nhận được vô thường của cuộc đời từ sự ra đi quá sớm của thân mẫu, lại nhờ có túc duyên với Phật pháp, giúp Ngài sớm tìm về cửa Phật. Trong một lần hữu duyên tại chùa Tam Thai, Ngũ Hành Sơn Non Nước, Ngài được Tổ Phước Trí, là Trụ trì, thương mến thâu nhận, cho phép hành điệu để sớm hôm công quả, học hành. 

Năm 1932, Tổ Phước Trí viên tịch, Ngài rời Tam Thai, về Đà Nẵng, đến chùa Tường Quang, thọ giáo với Hoà thượng Hưng An, được Hoà thượng thế phát xuất gia, khuyến tấn với pháp danh Tâm Cần.

Trong hào khí của giai đoạn chấn hưng Phật giáo, năm 1932, Ngài được Hoà thượng Hưng An gởi đến theo học tại Tăng học đường Phổ Thiên, do Hoà thượng Tăng Cang Thích Tôn Thắng sáng lập và làm Giám đốc. Năm 1935, Ngài được thọ giới Sa Di và được Hoà thượng Tăng Cang ban cho pháp tự Từ Thục.

Năm 1939, Hoà thượng Hưng An viên tịch, Ngài cầu y chỉ với Hoà thượng Tăng Cang, được Tăng Cang thâu nhận, giao trọng trách làm Tri sự tại Tăng học đường Phổ Thiên và được Hoà thượng Tăng Cang đặc biệt thương mến. 

Ngài được thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn chùa Phổ Thiên vào ngày Mồng 8 tháng 4 năm 1947, và được ban pháp hiệu là Chơn Ngộ. Giới đàn này do Hoà thượng Tôn Thắng làm Đường đầu, Hoà thượng Giác Phong làm Yết ma, Hoà thượng Trí Nguyên làm Giáo thọ. Bắt đầu từ đây, bước chân hành đạo của Ngài ngày càng rộng mở.

Sau thế chiến thứ hai, Pháp tái chiếm Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Cách mạng, Hội Phật giáo cứu quốc ra đời, Ngài được mời làm thư ký cho Hội Phật giáo cứu quốc Đà Nẵng.

Năm 1961, Ngài được Hoà thượng Tôn Thắng cử về Trụ trì chùa Tịnh Độ và được Giáo hội Tăng già Quảng Nam Đà Nẵng chuẩn y. Thuận duyên hoá độ tại đô thị Tam Kỳ, Ngài lần lượt tiếp độ tăng chúng, tín đồ. Ba năm sau bắt tay xây dựng nhà phương trượng Tổ đình.

Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được thành lập, Ngài được cử giữ chức vụ Đặc uỷ Tăng sự Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Quảng Tín và Phó đại diện Ban Đại diện Phật giáo thị xã Tam Kỳ. 

Ngoài việc củng cố tự viện, tham gia công việc Giáo hội, suốt thời gian này, Ngài quan tâm đến các vùng ngoại ô thiếu vắng Phật pháp. Từ năm 1965 đến 1967, Ngài chứng minh đặt đá xây dựng chùa Quảng Hương, Tam Phú, Tam Kỳ và chùa Vĩnh An, Tam Xuân, Núi Thành, nhằm đáp ứng nhu cầu quy y Tam Bảo, tu học, lễ bái tín ngưỡng của nhân dân.

Sau ngày đất nước hoà bình, là một trong những vị tùng lâm thạch trụ của Phật giáo vùng đất phía nam xứ Quảng, Ngài vẫn kiên định với chí hướng phụng sự Tăng già nên đã tiếp tục trùng tu chánh điện Tổ đình Tịnh Độ vào năm 1980, tiếp đến là hậu tổ và những dãy tăng phòng. Ngài dần dần biến nơi đất Tổ thành giới trường quy tụ Tăng chúng về Bố tát mỗi tháng và tổ chức an cư kiết hạ hàng năm. Nơi đây, cũng là cơ sở trường Phật học đầu tiên, gieo mầm cho trường Phật học Quảng Nam hiện tại. 

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Ngài được suy cử giữ chức vụ Chánh Đại diện Phật giáo thị xã Tam Kỳ, nhiệm kỳ 1982 – 1987 và được tấn phong lên hàng giáo phẩm Thượng toạ. Thời gian này, Ngài đồng thời tham gia vào UBMTTQVN thị xã Tam Kỳ với cương vị Uỷ viên.

Năm 1996, Ngài được Tăng già thỉnh cử làm Đệ nhất Tôn chứng Đại Giới đàn Phước Huệ, tổ chức tại chùa Phổ Đà, thành phố Đà Nẵng. 

Sau khi chia tách địa giới hành chính, GHPG tỉnh Quảng Nam được thành lập, nhiệm kỳ I (1997-2002), Ngài đảm nhận chức vụ Trưởng ban Tăng sự. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ IV, năm 1997, Ngài được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hoà thượng và được thỉnh cử vào thành viên Hội đồng chứng minh TW GHPGVN. 

Cũng trong thời gian này, Hoà thượng phát tâm đại trùng tu Tổ đình Tịnh Độ lần thứ hai và tiếp tục kiến thiết đạt được tổng thể Tổ đình với tầm vóc nguy nga hiện tại, làm nơi quy ngưỡng cho Chư Tăng Ni Từ Môn Pháp Phái và tín đồ gần xa về tu học lâu dài.

Với Ngài, Giới luật được thực thi là kế tục được mạng mạch Tăng già, năm 2000, Hoà thượng được Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam cung thỉnh làm Chánh chủ đàn Đại Giới đàn Minh Giác và năm 2004 tiếp tục được cung thỉnh chứng minh cho Giới đàn Ân Triêm đều tổ chức tại chùa Đạo Nguyên, Tam Kỳ.

Sứ mệnh tiếp dẫn hậu lai luôn được Hoà thượng quan tâm. Đệ tử xuất gia của Ngài có những vị đã ở hàng Giáo phẩm niên cao lạp trưởng và nhiều vị thành tựu trong các Phật sự ở nước ngoài và tỉnh nhà. Ngài còn dành nhiều ưu ái giáo dưỡng chúng học tăng trong các khoá học của trường Phật học Quảng Nam. Bên cạnh đó, hàng ngàn Tín đồ thọ ơn hoá độ của Ngài vẫn thường xuyên tinh tấn tu trì.

Phụng sự xã hội cũng là tâm nguyện to lớn của Hoà thượng. Ngài luôn vận động tín đồ làm công tác từ thiện cứu trợ đồng bào những lúc gặp khó khăn hoặc thiên tai bão lũ. Ngày 04 tháng 11 năm 2005, Hoà thượng vinh dự nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc của Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam do cụ Phạm Thế Duyệt ký tặng. 

Ở tuổi cửu thập, mặc dù tuổi già sức yếu, Hoà thượng vẫn hết lòng cho việc giáo hoá đồ chúng bằng chính tấm gương tinh tấn công phu khuya tối mỗi ngày. Nơi nào chúng sanh cần thì đến, nơi nào Phật pháp cần thì đi. Ngài thường khuyên đại chúng: “Hãy tinh tấn trong các Phật sự, đã là việc Phật thì đừng có từ nan”. Với cương vị huynh trưởng trong pháp phái, Hoà thượng luôn hiện diện tại các tự viện theo lời thỉnh cầu, dẫu nơi ấy có xa, đường sá có khó khăn, thời tiết có thất thường… Ngài quên mình sức khoẻ đã dần yếu kém, tuổi đã bách niên. 

Công hạnh của Hoà thượng thật như lời phó pháp của Bổn sư Tăng Cang:

Pháp pháp bổn vô pháp
Tâm Cần vô dị đồng
Ngã kim phó Từ Thục
Chơn Ngộ chứng Viên Dung.

Tạm dịch:

Các Pháp thật chẳng pháp
Tâm cần chẳng dị đồng 
Ta nay phó Từ Thục
Chơn Ngộ chứng Viên Dung.

Thuận thế vô thường, vào lúc 14 giờ ngày 21 tháng Giêng năm Quý Tỵ, mãn duyên ta bà, xả bỏ báo thân, Ngài thâu thần thị tịch, thọ 100 tuổi, 67 hạ lạp, để lại cho đồ chúng nhiều nuối tiếc thương, Giáo hội khuyết đi vị Đại lão Hoà thượng phước thọ linh uy.

Nam Mô Tân Viên Tịch Việt Nam Phật giáo Giáo Hội Hội Đồng Chứng Minh Thành Viên, Chứng Minh Quảng Nam Phật Giáo Trị Sự Ban, Tịnh Độ Tổ đình Viện chủ. Tự Lâm Tế Chánh Tôn Tứ Thập Tam Thế Huý thượng Tâm hạ Cần Tự Từ Thục Hiệu Chơn Ngộ Lương Công Trưởng Lão Hoà Thượng Giác Linh Thuỳ Từ Chứng Giám../

      (Tháp HT an trí tại vườn chùa Tịnh Độ phường Hoà Hương T/p Tam Kỳ)

🙠☸🙢

3-  ĐẠI LÃO HOÀ THƯỢNG THÍCH TỪ Ý

                     Trụ  trì chùa Hoà An-Tam Kỳ-Quảng Nam

I. Thân thế

Cố Đại lão Hoà thượng thuộc đời thứ 43 dòng Lâm Tế, huý thượng TÂM hạ NIỆM, tự TỪ Ý, hiệu CHƠN THIỆN, thế danh Trần Văn Chí, sinh ngày 21 tháng 01 năm 1920 (Tháng Chạp, năm Kỷ Mùi) tại làng Trà Tây, nay xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ngài sinh trưởng trong một gia đình thuần tín Tam Bảo, có nề nếp gia phong; song thân là cụ ông Trần Văn Thí và cụ bà Ngô Thị Thời.

Sớm kết duyên với Tam Bảo, mười sáu tuổi (1936), Ngài theo học Phật pháp với Thượng toạ Thích Như Đào – Toạ chủ chùa Tế Nam, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Năm 1950, Ngài đến đảnh lễ xin xuất gia với Hoà thượng Tăng Cang Thích Tôn Thắng tại chùa Phổ Thiên (nay là chùa Phổ Đà, thành phố Đà Nẵng). Trong quá trình tu học tại đây, Ngài được Đức Tăng Cang hết lòng thương mến, ban cho Pháp danh là Tâm Niệm.

II. Sự nghiệp tu hành và hoằng hoá

Năm 1954, rời Đà Nẵng, Ngài về Tam Kỳ tu học tại chùa Tịnh Độ, kế đến trú tại chùa Minh Hương do hội người Hoa tại Tam Kỳ sáng lập. Hai năm sau (1956), Ngài đến xây dựng cơ sở Chi hội Phật học Tam Kỳ (tức là Hội quán Phật học Tam Kỳ, ngày nay là Chùa Hoà An). Năm 1959, Ngài được Đức Tăng Cang cho thọ giới Sa di và ban cho Pháp tự là Từ Ý. Mùa hạ năm 1960, Đức Tăng Cang lại tiếp tục cho Ngài thọ Cụ túc giới tại Giới đàn chùa Ấn Quang, Sài gòn, do Hoà thượng Thiện Hoà làm Đàn đầu. Sau khi đắc giới, Ngài trở về Tam Kỳ phụng hành Phật pháp, tu bổ và phát triển chùa Hoà An thành cơ sở của Tỉnh hội Phật giáo Quảng Tín và được Viện Hoá đạo bổ nhiệm làm Trụ trì. Từ đây, Ngài khởi đầu cho sự nghiệp hoằng hoá rộng lớn sau này.

Trong suốt cuộc đời hành Đạo, Hoà thượng đã đem hết tâm lực, trí lực và sức lực phục vụ cho Giáo hội. Năm 1960, Ngài đảm trách sứ mệnh phát triển Chi hội Phật học Tam kỳ, đã tạo tiền đề cho quá trình lớn mạnh của Phật giáo huyện Tam kỳ và các huyện lân cận sau này. Năm 1964 Ngài đảm nhận trưởng ban kiến thiết và vận động xây dựng cơ sở Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Quảng Tín. Năm 1970, Ngài còn đảm nhận chức vụ Đặc Uỷ Xã Hội tỉnh Quảng Tín và 1977 chức vụ Chánh Đại diện Phật giáo huyện Tam kỳ. Ngoài ra, Ngài thường âm thầm thực thi những Phật sự trọng yếu khác vào những thời điểm khó khăn và cần cấp như: Tổ chức an cư kiết hạ tại chùa Từ Quang phường Trường Xuân 4 năm liền, từ 1976 đến 1979, kế đến dự phần tổ chức Đại giới đàn tại chùa Long Tuyền, Hội An (1984), mở Phương trượng Giới đàn truyền giới cho Sa di tại chùa Hoà An (1988) Chùa Hoà Mỹ, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành. Tất cả Phật sự với Ngài đều là sứ mệnh của Như Lai giao phó nên trước hay sau, thuận hay nghịch duyên, Hoà thượng đều không nề hà mệt mỏi và chùn bước.

III. Xây dựng cơ sở và tiếp độ tăng chúng

Vì muốn xiển dương Đạo Pháp ngày một sâu rộng hơn nữa nên Ngài liên tiếp phát nguyện khai sơn, trùng tu xây dựng nhiều cơ sở tự viện, Phật đài nhằm có chỗ để cho Chư Tăng tụ tập và tín đồ xa gần quy ngưỡng. Năm 1962, Ngài khai sơn xây dựng chùa Từ Quang tại xã Kỳ Hương, huyện Tam Kỳ (nay là phường Trường Xuân, Thành Phố Tam Kỳ); năm 1968, đại trùng tu chùa Hoà An; năm 1969, đại trùng tu chùa Từ Quang. Năm 1972, tại xã Tam Xuân huyện Núi Thành, Hoà Thượng khai sơn xây dựng chùa Hưng Quang; cùng năm, dựng tượng Phật Thích Ca tại Thiên Long Thạch Động (chùa Hang, xã Tam Nghĩa) và tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tại đập Bà Quận. Tượng lộ Thiên Quán Thế Âm tại chùa Phú Sơn xã Tam Nghĩa. Ngoài ra Ngài còn khai sơn xây dựng các chùa như chùa Hiệp Phú xã Tam Quang huyện Núi Thành, chùa Hoà Quang xã Bình Phước huyện Thăng Bình, chùa Hoà Nam tại núi Đất xã Tam Phú nay là phường An Phú thành phố Tam Kỳ. Chùa Hữu Lâm thuộc huyện Tiên Phước. Chùa Từ Quang, chùa Lộc Tân xã Tam Tiến huyện Núi Thành. Ngài nhận thấy Tam Kỳ chưa có chùa Ni, Vì thế  thương tưởng hàng nữ xuất gia thiếu nơi tu tập, năm 1973, Hoà thượng khai sơn xây dựng chùa Sư Nữ Diệu Quang, phường Hoà Hương, Tam Kỳ. Trên đường hoá duyên phương Nam, năm 1986, Ngài khai sơn xây dựng chùa Phước Quang tại huyện Long thành, tỉnh Đồng Nai. Sau ngày đất nước thống nhất, Ngài còn hỗ trợ tu bổ cho một số chùa chiền bị hư hoại bởi chiến tranh tại các vùng nông thôn Quảng Nam.

Sự nghiệp “tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức” và chí nguyện độ sanh là điểm son sáng nhất trong suốt cuộc đời hành đạo của Ngài. Với cái nhìn trìu mến ban phát từ bi và giọng nói nhẹ nhàng trầm ấm, Ngài đã khuyến hoá không thể đếm được số người theo về cửa Phật. Ngài độ cho hàng đệ tử xuất gia trên trăm vị - trong đó, đã có nhiều vị nhận lãnh chức vụ Trụ trì, có những vị phục vụ cho Giáo hội, còn một số đang theo tu học, hành đạo tại nhiều nơi trong nước và nước ngoài. Hoà thượng thường xuyên quan tâm hỏi han, thăm viếng, tặng quà và khuyến khích tu tập nên đã có hàng ngàn đệ tử tại gia nương về Quy y Tam Bảo, hướng theo hạnh nguyện của Ngài. Thật là:

“Bất từ bi quyện tiếp chúng độ tăng, linh chánh lý thời thời quảng bá.

Vô tích gian lao lợi sanh hoằng đạo, tỷ pháp luân xứ xứ xương minh”.

(Không nề nhọc mỏi, tiếp chúng độ Tăng khiến Chánh lý luôn luôn truyền bá

Chẳng quản nhọc nhằn, lợi sanh truyền Đạo cho Pháp luân mãi mãi xương minh.)

IV. Viên tịch

Thuận lý vô thường, thân tứ đại trả về tứ đại, duyên sanh đã mãn, hoằng hoá đủ đầy, lão bịnh tử thong dong thọ nhận, mùa Đông năm 1989, Ngài lâm trọng bệnh. Vào lúc 1 giờ 25 phút ngày 21 tháng 7 năm Canh Ngọ (9-9-1990), tại Chùa Hoà An, như đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho cuộc ra đi vĩnh viễn, Ngài bảo đồ chúng đỡ ngồi dậy, hoà theo tiếng niệm Phật của hàng đệ tử có mặt. Rồi Ngài lại nằm xuống, vừa lúc ấy như đã có duyên từ trước Hoà Thượng Thiện Duyên cũng vừa có mặt, để ban pháp ngữ: “Về lẽ vô thường biến dịch của kiếp nhân sinh” .... sau đó Ngài trở hướng theo cách nằm kiết tường, và mở mắt nhìn Hoà Thượng lần cuối và chấp tay xá từ biệt Hoà Thượng và chúng đệ tử trước giờ quay gót  trở về Tây. Ngài  an nhiên thị tịch. Trụ thế 72 năm, 30 hạ lạp.

 Vẫn biết rằng “ Nhạn quá trường giang, ảnh trầm kỳ thuỷ. Nhạn  vô lưu tích chi ý, thuỷ vô lưu ảnh chi tâm ”. Thế nhưng, để tỏ lòng kính ngưỡng bậc tôn sư đã suốt đời phục vụ đạo pháp. Tiếp tăng độ chúng, hy sinh cả cuộc đời, để truyền trì mạng mạch Như lai, mong cho đạo pháp trường tồn chúng sanh an lạc. Thật là “ ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng, Nghĩa Tôn sư muôn kiếp khó đáp đền”. Chúng con xin mạo muội ghi lại đôi nét hành trạng đời Ngài, ngõ hầu làm gương sáng cho hàng hậu học noi theo.

  Để ghi lại công hạnh của Ngài Ban Trị Sự Phật Giáo Quảng Nam, có câu đối tưởng niệm công đức Ngài như sau :

Từ tâm mẫn niệm hậu lai, Đệ tử vĩnh hoài ân hoá dục

Ý chí đốc hành tiên huấn, Tăng già cộng ngưỡng đức đề huề.

(Từ tâm thương nghĩ hậu lai, Đệ tử mãi ghi ân hoá dục

Ý chí dốc theo tiên huấn, Tăng già luôn nhớ đức đề huề.)

NAM MÔ TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔN TỨ THẬP TAM THẾ HUÝ  thượng TÂM hạ NIỆM, tư TỪ Ý hiệu CHƠN THIỆN HOÀ THƯỢNG GIÁC LINH CHỨNG GIÁM.

(Tháp HT an trí tại vườn chùa Từ Quang Phường Trường Xuân T/p Tam Kỳ)

 

 

 

 

 

 

 

4- HOÀ THƯỢNG THÍCH VIÊN MÃN

(1922 – 2001)

Khai sơn chùa Kỳ Viên - thành phố Tam Kỳ

Hoà thượng thế danh Nguyễn Thanh Tịnh, pháp huý Tâm Trì, tự Chánh Không, hiệu Viên Mãn, sinh năm Nhâm Tuất (1922), trong một gia đình trung nông có truyền thống mộ đạo, nơi miền quê yên tĩnh thuộc thôn Dạ Lê, ngoại vi cố đô Huế.

 Thân phụ là cụ ông Nguyễn Thanh Bòng và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Nuôi. Thân phụ qua đời lúc Ngài còn thơ ấu. Ngài thường được mẹ dẫn lên chùa từ khi còn chập chững. Hình bóng trang nghiêm của chư tôn thiền đức sớm in đậm vào tâm trí cậu bé có căn tu. Không đam mê các trò chơi đồng ấu, không thoả mãn lối Nho học trường làng, vào năm Giáp Tuất (1934), khi vừa tròn 12 tuổi, Ngài xin mẹ xuất gia, đầu sư với Hoà thượng Trừng Phổ, hiệu Quảng Tu trụ trì chùa Thiên Hưng và được Hoà thượng cho pháp danh là Tâm Trì. Như vậy, Hoà thượng nối pháp dòng Lâm Tế đời thứ 43 và thế hệ thứ 9 pháp phái Liễu Quán.

Từ đó, Ngài theo thầy ngày đêm học đạo. Ngài được Bổn sư thương yêu dẫn đi hoá duyên khắp trong cung ngoài nội chốn Kinh thành.

Năm Mậu Dần (1938), với tâm nguyện thiết tha cầu học, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa Di với Hoà thượng Huệ Minh tại giới đàn chùa Đại Bi tỉnh Thanh Hoá và bắt đầu cất bước vân du cầu pháp. Hết Bắc lại vào Nam, bước chân bộ hành của Ngài không quản gian lao cách sông trở núi.

Năm Nhâm Thìn (1952), Ngài thọ Cụ Túc giới tại giới đàn được tổ chức ở chùa Thiên Bình, tỉnh Bình Định do Hoà thượng Thích Phổ Chiếu, trụ trì chùa Thập Tháp làm Đàn đầu.

Năm Giáp Ngọ (1954), Ngài nhập chúng tu học tại chùa Phổ Thiên (nay là chùa Phổ Đà, Đà Nẵng) dưới sự hướng dẫn của Hoà thượng Thích Tôn Thắng.

Năm Ất Mùi (1955), theo lời đề cử của Hoà thượng Thích Tôn Thắng, Ngài vào trụ trì chùa Tịnh Độ, bắt đầu cuộc đời hành đạo trong phố thị nhỏ Tam Kỳ. Cũng trong thời gian này, Ngài đảm nhận chức vụ Thủ bổn cho Giáo Hội Tăng Già Quảng Nam Đà Nẵng.

Chùa Tịnh Độ vốn được xây dựng bằng mái tranh vách đất, đã hư hỏng nặng bởi chiến tranh. Ngài về vận động tín đồ chung sức lợp lại nhà phương trượng bằng tranh lá, tạm làm nơi thờ Phật lễ bái sớm hôm. Tín đồ đến quy y Tam Bảo ngày mỗi đông.

Năm Bính Thân (1956), nhận thấy ngôi chùa cũ nhỏ bé hư dột không kham nỗi lòng cần cầu tu học của quần chúng, Ngài đi vận động khắp nơi, kẻ công người của, thậm chí vay mượn để khởi công xây dựng Phật điện. Sau 2 năm thi công, đến năm Mậu Tuất (1958), chùa Tịnh Độ được hoàn thành trong niềm hân hoan của tín đồ Phật tử gần xa. Sau đó, Ngài chú tâm nhiều đến lĩnh vực hoằng pháp, làm cố vấn giáo hạnh cho sự ra đời của Gia đình Phật tử Hương Sơn, Gia đình Phật tử đầu tiên ở Quảng Tín.

Thuận duyên hoằng hoá, năm Canh Tý (1960), bàn giao chùa Tịnh Độ cho Giáo hội, Ngài tìm lên mảnh đất An Thổ hoang vu, lập am tranh nhỏ, kinh kệ sớm hôm. Chốn tiêu sơ không phụ người hành đạo, mảnh đất khô cằn mồ mả chợt bình an. Ngày ngày cuốc đất trồng cây, đất Bụt yên lành chim rừng về kết tổ. Tín đồ gần xã lần lượt theo về. Am tranh nhỏ như chốn hoá thành bỗng hiện ngôi Tam Bảo. Chùa Kỳ Viên ra đời, xóm An Thổ ngày một đông vui.

Năm Nhâm Tý (1972), Ngài bắt tay xây dựng ngôi Phật điện đơn sơ, nhằm có chỗ cho Tăng tín đồ tu học. Chính sự đổi thay, dù gặp nhiều khó khăn song tâm nguyện hoằng hoá độ sanh của Ngài vẫn hằng kiên định.

Sau năm 1975, tuỳ duyên hoá đạo, Ngài đảm nhận chức vụ Đặc Uỷ Nghi Lễ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng.

Ngày lại ngày, nắng rồi mưa, chiếc dù móc trên tay, bước những bước dài đều đặn, thanh thản, khắp phố thị đến nông thôn, từ xóm nhỏ triền núi về làng chài ven biển, đâu đâu cũng in dấu chân Ngài. Lời kinh kệ bỗng trầm ngân nga dâng tràn âm thanh giải thoát. Tiếng thuyết pháp thao thao vang động xoay chuyển trần tục lòng người. Bắt nhịp tiếng niệm Phật cho các cụ già trên giường bịnh, khiến cho con trẻ nở toét nụ cười mỗi khi gặp mặt. Ngài như quên mình ngày mỗi già đi.

Đại thọ ngã bóng về Tây, tám mươi tuổi đời, năm mươi hạ lạp, vào lúc 21 giờ ngày 17 tháng 9 năm Tân Tỵ (2001), Ngài an nhiên thâu thần thị tịch.

Quả là:

Thầy mang ngọn lửa ấm nồng,

Một đời thầm lặng soi dòng tử sinh.

Năm mươi năm giữ đạo tình,

Ca sa gói trọn bóng hình chân tu.

Bảo tháp của Ngài được tôn trí trang nghiêm bên phải khuôn viên chùa Kỳ Viên, nơi mà Ngài đã đặt những viên gạch đầu tiên kiến tạo.

 

 GHPGVN tỉnh Quảng Nam


 

5- HOÀ THƯỢNG THÍCH THIỆN DUYÊN

- Trưởng Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam

I. Thân thế

Hoà thượng Đạo hiệu Thích Thiện Duyên, thế danh Võ Đình Như, sinh ngày 20/10/1926 tại thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ngài là con thứ 3 trong gia đình. Thân phụ và thân mẫu của Hoà thượng là cụ ông Võ Toản pháp danh Nhựt Toàn và cụ Bà Đặng Thị Chức pháp danh Diệu Phát. Gia đình Ngài có truyền thống Phật giáo thuần thành.

Với túc duyên nhiều đời, từ nhỏ, Ngài thường được bà nội dẫn đến chùa làng  tụng kinh niệm Phật. Gặp lúc Đại lão Hoà thượng Thích Thanh Hoà từ chùa Trà Can, Tháp Chàm - Phan Rang về tổ chức lễ truyền Tam Quy Ngũ giới tại chùa Tịnh An, Phù Cát, Bình Định, Ngài sớm thọ Tam quy Ngũ giới trong dịp này.

II. Xuất gia tu học

Năm 1941, cơ duyên thuần thục, lòng cảm mến Phật Pháp dâng cao, được sự chấp thuận của song thân, Ngài dõng mãnh phát tâm xuất gia khi vừa 15 tuổi. Ngài rời gia đình đến đầu sư nơi Hoà thượng Giáo thọ Thích Quảng Đức chùa Tịnh An, mong được nương bậc minh sư suốt đời tu học. Nào ngờ, chỉ mới 5 năm, Hoà thượng giáo thọ đã chích lý Tây quy, cao đăng thượng phẩm. Trước sự mất mát to lớn trong buổi đầu hành điệu, Ngài ở lại Tịnh An một thời gian để thù ân báo đáp công ơn khai thị.

Thời gian luống qua, lúc 21 tuổi, xót mình giáo pháp chưa thấm, thầy hướng dẫn lại không, Ngài quyết định lên đường cầu thầy học đạo để được chỉ dạy chỗ đến đi. Được biết, Đại lão Hoà thượng Thượng Giác hạ Tánh, viện chủ tổ đình Hưng Long, xã An Nhơn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, là một trong những ngọn Hải đăng của tỉnh thời bấy giờ, Ngài tìm đến đảnh lễ cầu thọ Pháp. Tại đây, Ngài được Đại Lão Hoà thượng Hưng Long nhận làm đệ tử và ban cho pháp danh là Quảng Thành. Sau một năm hầu thầy, học đạo, Ngài được bổn sư cho thọ giới Sadi với pháp tự là Thiện Duyên.

Phong trào chấn hưng Phật giáo lúc này đã lan rộng, khí thế học Phật bừng dậy từ Bắc chí Nam, các Phật Học Viện mở ra cùng khắp. Năm 1953, Phật Học Đường Nha Trang thành lập, Ngài được Hoà thượng bổn sư cho vào theo học tại đây. Năm 1956, Phật Học Đường Báo Quốc - Huế chuyển vào Nha Trang và nhập cùng với Phật Học Đường Nha Trang thành Phật Học Viện Trung Phần đặt tại chùa Hải Đức, do cố Hoà thượng Thích Trí Thủ làm Giám viện. Trong thời gian theo học tại đây, Ngài là một trong những học tăng sáng giá của khoá học đầu tiên này.

Năm 1957, Ngài được Hoà thượng bổn sư cho thọ đại giới và ban cho Pháp hiệu là Quán Ngôn. Đại giới đàn Hộ Quốc này do Hoà thượng Giám viện tổ chức và Đại lão Hoà thượng Thích Giác Nhiên (đệ nhị Tăng thống GHPGVNTN) làm Đường đầu Hoà thượng. Giới thể châu viên, Ngài gia tâm nhiều vào hành trì Giới luật và bắt đầu cho sự nghiệp hoằng hoá sau này.

III. Hoằng pháp lợi sanh

Sau khi tốt nghiệp khoá học tại Phật Học Viện Hải Đức, Ngài được Tổng hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm làm giảng sư trong giảng sư đoàn Trung phần. Trong thời gian này, Ngài đã đi giảng thuyết giáo lý khắp các tỉnh thuộc Trung phần như Nha Trang, Bảo Lộc (Lâm Đồng), Phú Yên, Quảng Ngãi và nhất là Quảng Nam.

Tại Quảng Nam, Ngài đã không quản gian lao, vượt thác trèo đèo, đến tận các vùng trung du hẻo lánh như Hiệp Đức, Hậu Đức, Trà My, Tiên Phước, Nông Sơn, Quế Sơn, Đại Lộc,...cho đến các vùng đồng bằng ven biển như Tam Hải (Núi Thành), Duy Hải (Duy Xuyên), Bình Minh (Thăng Bình),... Trong thời gian hoằng pháp tại Quảng Nam, Ngài thường dừng chân ở lại tại các trú xứ Pháp Bảo (Hội An), Hoà An (Tam Kỳ),... là những hội quán cơ sở Tổng hội Phật giáo thời bấy giờ.

Với lý tưởng dấn thân, hoằng pháp vi gia vụ, bằng tất cả nhiệt huyết đem giáo pháp vào đời, Ngài luôn tận tụy với sứ mệnh tại đất Quảng như một nhân duyên bổ xứ trong giai đoạn lịch sử xã hội biến động đầy khó khăn này

IV. Phụng sự giáo hội

Năm 1962, tỉnh Quảng Nam được chia thành 2 đơn vị là tỉnh Quảng Tín và Quảng Nam. Cuối năm 1962, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Tín được thành lập. Tổng hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm Ngài làm Hội trưởng, trụ sở tạm thời đặt tại Hội quán chùa Hoà An.

Năm 1963, khi pháp nạn bùng nổ, Ngài đã lãnh đạo, kêu gọi và cùng Chư Tăng Ni trong tỉnh chung lưng đấu cật bảo vệ đạo Pháp, đem lại an bình cho Phật giáo địa phương. Ngày 01/11/1963, chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, Pháp nạn tạm qua, sự sinh hoạt tu học của Tăng Ni trong tỉnh dần dần đi vào ổn định.

Xét thấy Giáo hội tỉnh nhà chưa có một cơ sở Tỉnh hội để làm việc, Ngài đã gia tâm thương thuyết với chính quyền thời bấy giờ, xin khu đất tại thôn Mỹ Thạch, xã Kỳ Hương (nay là phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ) để làm trụ sở Tỉnh hội. Ngài chủ trì và vận động khởi công xây dựng ngôi chùa vào ngày 17/11/1963, do Hoà thượng Thích Đôn Hậu chứng minh lễ đặt đá. Năm 1965, công tác xây dựng trụ sở Tỉnh Giáo hội tạm hoàn thành, đặt tên là chùa Đạo Nguyên.

Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Ngài được Viện Hoá Đạo cử làm chánh đại diện tỉnh Quảng Tín cho đến ngày thống nhất đất nước (4/1975). Trong thời gian này, ngoài việc chăm lo công tác hành chánh của Giáo hội, Ngài còn chú trọng đến việc thiết lập hoằng pháp cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho tín đồ tu học, hình thành nên hệ thống Niệm Phật đường tự viện tại các vùng nông thôn trong tỉnh. Bên cạnh đó, Ngài luôn chú tâm đến việc đạo tạo Tăng tài nhân sự, nên thường xuyên mở khoá giảng dạy Kinh Luật Luận cho Tăng Ni trong các khoá An cư kiết hạ.

Năm 1977, tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Đà Nẵng sát nhập làm một, Chư Tăng Ni 3 tỉnh họp lại, thành lập Ban đại diện Phật giáo Quảng Nam - Đà Nẵng, Ngài giữ chức vụ phó đại diện Phật giáo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng được tổ chức và Ngài được Đại hội cử làm Phó Thường trực Ban Trị Sự mãi cho đến ngày chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Cùng lúc đơn vị hành chánh tỉnh Quảng Nam được thiết lập năm 1997, Trung ương Giáo hội đã giao nhiệm vụ cho Ngài làm trưởng ban vận động thành lập Tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam. Nhờ nhiệt tâm vì đạo Pháp và đức tính khiêm hạ của mình, Ngài đã tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Nam lần thứ nhất thành tựu tốt đẹp. Tại đại hội này, Ngài được suy cử làm Trưởng Ban Trị Sự. Sau khi thành lập Tỉnh hội, Ngài liền thúc đẩy thành lập Trường cơ bản Phật học Quảng Nam và đảm  trách Giáo thọ các môn Luật học. Bên cạnh đó, Ngài tiến hành tổ chức các kỳ Đại Giới đàn vào những năm 2000, 2004 để truyền trao giới cho Tăng Ni sinh đang theo học, ngõ hầu tạo tiền đề phát triển nhân lực cho Giáo hội tỉnh nhà.

Là một trong những vị thạch trụ của Phật giáo Miền Trung, năm 1981, Ngài được Giáo hội tín nhiệm cử vào chức vụ Uỷ viên Hội đồng Trị sự GHPGVN. Năm 1996, Ngài được thỉnh cử làm Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử TW GHPGVN và phụ trách qua các nhiệm kỳ cho đến nay. Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012 – 2017, Ngài được suy cử vào thành viên Hội đồng Chứng minh và chức vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN.

V. Hoằng truyền giới luật

Về phương diện Giới luật, là một Tăng sĩ tinh thông học giới, Ngài luôn lấy Giới làm trọng, tích cực phát huy vai trò hàng đầu của Giới luật. Vì thế, Ngài thường được các nơi cung thỉnh tham gia công tác truyền giới hoằng luật như: làm Giáo thọ trong các trú xứ an cư kiết hạ của Chư Tăng địa phương, làm dẫn thỉnh sư Đại Giới Đàn Vĩnh Gia (Đà Nẵng, 1970), Ban khảo hoạch Đại Giới đàn Thiện Hoà (Sài Gòn, 1980), Giáo thọ A Xà Lê Đại Giới đàn Phước Huệ (Đà Nẵng, 1996), Giáo thọ A Xà Lê Đại Giới Đàn Tịnh Khiết (Huế - 2000), Đàn đầu Hoà thượng Đại Giới đàn Minh Giác (Quảng Nam, 2000), Giáo thọ A Xà Lê Đại Giới đàn Chánh Nhơn (Bình Định, 2000), Đàn đầu Hoà thượng Đại giới đàn Ân Triêm (Quảng Nam, 2000), Chứng Minh Đại Giới Đàn Trí Thủ (Đà Nẵng, 2008) và được cung thỉnh làm Đàn đầu Hoà thượng Đại giới đàn Phước Trí (Đà Nẵng, ngày 17,18,19 tháng 6 năm 2013), Đàn đầu Hoà thượng Đại giới đàn Kế Châu (Bình Định), ngày 21 – 23/09/2013,  Đàn đầu Hoà thượng Đại giới đàn Vĩnh Gia (Quảng Nam), ngày 26 – 28/09/2015. Có thể nói, dù bất cứ lĩnh vực nào, thời kỳ nào Hoà thượng luôn là người hết mình cho công việc. Ngài luôn đặt sự tồn vong của đạo pháp lên hàng đầu, lấy hoằng pháp làm sự nghiệp, xem Giáo dục Tăng Ni là nền tảng của sự phát triển đạo Pháp, xem Giới luật là giềng mối của sự lớn mạnh Tăng già, Ngài là tấm gương về sự tận tuỵ, khiêm hạ, đạm bạc xứng đáng cho hàng hậu tấn noi theo ./.

   (Mùa Hạ năm nay, 2020, HT  thọ 93 tuổi vẫn còn sức khoẻ và minh mẫn)

🙠☸🙢


 

6- THƯỢNG TOẠ THÍCH CHÍ HIỀN

1. Thân thế

Cố Thượng Toạ pháp danh  thượng Quảng hạ Tường, tự Chí Hiền, thế danh : Nguyễn Văn Vân, sinh năm Nhâm Tuất  (ngày 21 tháng 12 năm 1922) tại xã Tam Phước, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Liên và thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Đường.

  Xuất thân trong một gia đình gia giáo, sớm hấp thụ Nho học từ thuở thiếu thời, nên Thầy rất thông thạo chữ Hán, chữ Nôm. Lớn lên, lúc gia đình theo Cách mạng, cũng như các anh em : Nguyễn Bang, Nguyễn Cầu, Nguyễn Cần. Thầy tham gia Đoàn Thanh Niên cứu quốc và gia nhập vào Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sau năm 1954, Thầy trở lại  Miền Nam và bắt đầu kết duyên với Phật pháp.

II. Xuất gia học đạo

Sớm tỉnh ngộ thế sự vô thường nhiễu nhương, năm 1956, lúc 34 tuổi, Thầy phát tâm xuất gia tu học với Cố Đại Lão Hoà thượng, thượng Minh hạ Thể tại Hội quán Phật giáo Tam Kỳ, nay là chùa Hoà An.

Được sự giáo dưỡng thuần minh của Hoà thượng Bổn sư, năm 1962, Thầy thọ giới Sa Di tại Giới đàn chùa Long Tuyền thị xã Hội an với pháp tự Chí Hiền. Năm 1963, Thầy vào Sài Gòn, theo học lớp Trung Đẳng Phật học tại chùa Huệ Nghiêm.

Ngày 19 tháng 2 năm 1964, được sự cho phép của Hoà thượng Bổn sư, Thầy thọ giới Tỳ kheo tại Đại giới đàn chùa Pháp Hội do Hoà thượng, thượng Tắc hạ Nghi làm Đàn đầu. Cũng trong năm này, ngày 13 tháng 7, Hoà thượng Bổn sư viên tịch, Thầy bỏ dỡ việc học, về thọ tang và được cử làm Trụ trì chùa Hoà Quang.

III. Quá trình hành đạo

Trong suốt 10 năm nhận giữ trọng trách Trụ trì chùa Hoà Quang, với ý niệm kế thừa sự nghiệp hoằng hoá độ sanh của Hoà thượng Bổn sư, Thầy luôn tự sách tấn mình tinh chuyên giới hạnh, cần cầu tuỳ chúng tu học và lợi lạc quần sanh.

Để báo đáp thâm ân của Bậc Tôn Sư  đã viên tịch, Thầy cùng huynh đệ nhanh chóng hoàn thành Bảo tháp tôn trí nhục thân Hoà thượng. Với tự viện, năm 1970, Thầy kêu gọi tín đồ thập phương chung góp khởi công trùng tu Đại Hùng Bảo điện nhằm tạo thuận duyên cho tín đồ có nơi rộng rãi để lễ bái tu học.

Với sự nghiệp “ Hoằng pháp vi gia vụ”, ngoài việc duy trì đồ chúng tu học tại chùa, Thầy còn tham gia gánh vác Phật sự Giáo hội. Được Ban Đại diện Phật giáo Quảng Tín (cũ)  giao phó trách nhiệm Uỷ viên xã hội. Thầy đi nhiều nơi để làm công tác từ thiện, ân cần thuyết giảng giáo lý, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống trong thời buổi chiến tranh.

  Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Thầy bàn giao pháp nhiệm Trụ trì lại cho Sư đệ là Thượng toạ Thích Chí Đạo để về quê lập Thất tu hành. Duyên lành bất hội, năm 1981, Thầy trở lại chùa Hoà Quang nhập chúng tịnh tu và tùng chúng An cư cho đến những ngày bệnh yếu cuối đời.

  Vì tuổi già sức yếu, bệnh duyên dài năm, việc đời việc đạo nụ cười đã mãn, xả báo thân, Thầy thâu thần thị tịch vào lúc 04 giờ sáng ngày 16 tháng 11 năm Giáp Thân nhằm ngày 27 tháng 12 năm 2004, thọ 83 thế tuế, 40 hạ lạp.

Tuy ngôn ngữ trầm phù của thế gian không chuyển tải hết được đạo hạnh bậc Thầy, nhưng chúng con cũng kính xin ghi lại đôi dòng tiểu sử như đốt nén tâm hương cúng dường Giác linh cố Thượng toạ. Ngưỡng nguyện Thượng toạ cao đăng Phật quốc, hồi nhập Ta bà  tiếp tục sứ mệnh hoằng hoá lợi sanh.

   Nam mô Tân Viên Tịch Tự Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Ngũ Thế, Nguyên Hoà Quang Tự Trụ Trì, huý thượng Quảng hạ Tường tự Chí Hiền Nguyễn Công Thượng Toạ Giác Linh thuỳ từ chứng giám.

 (Thiện Phương tuyên đọc tiểu sử nhân ngày di quan nhập tháp-  Tháp được an trí tại vườn chùa Xuân Sơn xã Tam Thái  huyện Phú Ninh).

🙠☸🙢

7- HOÀ THƯỢNG THÍCH GIẢI NGHIÊM

Hoà Thượng Pháp danh thượng Nguyên hạ Trang, tự Giải Nghiêm, hiệu Viên Tịnh, thế danh Lương Văn Thể. Hoà thượng sinh năm Ất Dậu (1945), tại làng Đông Hải, một làng chài ven biển, nay thuộc phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Hoà thượng là con trai út trong một gia đình có mười hai người con. Thân phụ là cụ ông Lương Dục, thân mẫu là cụ bà Trần Thị An.

Được huấn dục chí nguyện hướng Phật trong truyền thống gia tộc họ Lương, được cha mẹ cho phép, tám tuổi, Hoà thượng phát tâm xuất gia với cố Hoà thượng Đạo hiệu Thích Từ Vân, Trụ trì chùa Hải Hội, Mân Quang, Quận Sơn Trà.

Năm 1962, Hoà thượng vào chùa Tịnh Độ, Tam Kỳ theo hầu cận và phát nguyện làm đệ tử với (người anh trong thân tộc Lương, tức là) Cố Hoà thượng thượng Chơn hạ Ngộ, được Bổn sư ban cho Pháp danh Nguyên Trang.

Sau kỳ chư Tăng an cư kiết hạ năm 1966, Hoà thượng được Bổn sư ban pháp tự Giải Nghiêm và cho phép thọ giới pháp Sa di tại giới đàn phương trượng chùa Long Tuyền, do Đại lão Hoà thượng thượng Tôn hạ Bảo truyền thọ.

Thuận duyên tu học, tháng 10 năm 1970, Hoà thượng được Bổn sư đồng thuận cho phép đăng đàn thụ Thanh văn Bồ tát giới tại Đại giới đàn Vĩnh Gia, chùa Phổ Đà do Trưởng lão Đệ nhị Tăng thống thượng Giác hạ Nhiên làm Đàn đầu Hoà thượng.

Với tự thân, nơi chân tính thuần nhu, lấy hạnh tu làm phương tiện hành đạo, Hoà thượng tinh tấn tụng kinh bái sám sớm hôm chưa từng ngơi nghỉ.

 Trong vai Tri sự  Tổ đình, mấy mươi năm cần mẫn, ngày ngày Hoà thượng âm thầm hầu Thầy phụng chúng, bất quản việc khó khăn, không từ nan lao nhọc. Sau khi Cố Đại lão Hoà thượng Bổn sư viên tịch, được sự đề cử của môn phái và quyết định bổ nhiệm Trụ trì Tổ Đình Tịnh Độ của BTS GHPG tỉnh Quảng Nam, Hoà thượng chính thức đảm nhận trọng trách Trụ trì khi tuổi đã 70.

Với tín đồ, dẫu sức khoẻ không tốt, thân mang trọng bịnh, nhưng nơi nào tín đồ cần đáp ứng nhu cầu nghi lễ tâm linh, thì dẫu gần hay xa Hoà thượng đều giản dị mà phương tiện đến đi vô ngại.

Sinh hoạt cùng Tăng già, Hoà thượng luôn thể hiện lòng tôn kính các bậc trưởng thượng, khiêm hạ với đồng môn, bao dung với hậu học. Vì vậy, với tinh thần cọng trụ thúc liễm thân tâm trau dồi đạo hạnh, nhiều mùa An cư kiết hạ tại các trụ xứ  ở Tam Kỳ, Hoà thượng luôn được chư  Tăng tín nhiệm thỉnh mời làm Chúng trưởng và cung cử làm Tự tứ nhơn như Pháp thành tựu.

Với chính quyền và nhân dân phường Hoà Hương sở tại, Hoà thượng luôn tạo sự liên lạc giao tiếp tốt đẹp bằng các chuyến từ thiện với người nghèo tàn tật và được mời tham gia làm Uỷ viên MTTQVN phường.

Bằng tín tâm phụng sự  Giáo hội, Hoà thượng lần lượt tham gia làm Uỷ viên Ban Đại diện Phật giáo thành phố Tam kỳ nhiệm kỳ 1997-2002, Uỷ viên Kiểm soát Ban Trị sự GHPG tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ III (2007-2012), Chứng minh Ban Trị sự  GHPG tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ IV (2012-2017).

Giới luật chuyên chì, hạng đạo kiêm tu, Hoà thượng được kiềng thỉnh làm Đệ ngũ tôn chứng tại Đại giới đàn Minh Giác năm 2000 và Đệ tam tôn chứng tại Đại giới đàn Ân Triêm năm 2004, do tỉnh hội Phật giáo Quảng Nam tổ chức. Gần đây, như biết trước vô thường sanh tử, biết thân bịnh khó qua, Hoà thượng bất kham nặng lời thỉnh cầu đương ví đệ tam Tôn chứng trong Đại giới đàn Vĩnh Gia mà Ban Kiến đàn BTS PG tỉnh Quảng Nam cung thỉnh vào trung tuần tháng 8 sắp đến.

Thuận thế vô thường, vào lúc 23 giờ ngày 20 tháng 7 năm Ất Mùi (2/9/2015), Hoà thượng thâu thần thị tịch, trụ thế 71 năm, 46 hạ lạp. Như một tấm gương sáng về giới hạnh và đức độ khiêm cung cho hậu học, Hoà thượng mãn phần công đức, xả báo thân an nhiên tự tại.

Nam mô tự Lâm Tế chánh tông tứ thập tứ thế, Quảng Nam tỉnh Phật giáo Trị sự ban Chứng minh, Tịnh Độ Tổ Đình Đệ Tứ Trụ trì, huý thượng Nguyên hạ Trang, tự Giải Nghiêm, hiệu Viên Tịnh Lương công Hoà thượng Giác linh.

   (Tháp HT an trí tại vườn chùa Tịnh Độ phường Hoà Hương T/p Tam Kỳ)


8- HOÀ THƯỢNG THÍCH CHÍ ĐẠO

Uỷ Viên Hội Đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Phó Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam

Viện chủ chùa Hoà Quang, Tp. Tam Kỳ

I. Thân thế

Hoà thượng pháp tự Thích Chí Đạo, pháp danh Quảng Trai, hiệu Tịch Phương, thuộc dòng Liễu Quán thế hệ thứ 10, môn phong pháp phái Tổ đình Từ Quang, cố đô Huế. Trụ trì đời thứ 3 chùa Hoà Quang, Tam Kỳ, Quảng Nam.

Hoà thượng thế danh Phạm Đại, sinh ngày 10 tháng 4 năm Ất Dậu (1945), tại làng Nam Định, thôn Diêm Phổ, nay là xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Phạm Quy pháp danh Tâm Thống và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suý pháp danh Tâm Nhiên. Ngài là con thứ 7 trong gia đình có 8 người con, gồm 5 trai, 3 gái, trong đó có người anh thứ 6 cũng thuận chí xuất gia. Gia đình có truyền thống nhiều đời thâm tín và phụng sự Tam Bảo nên Ngài sớm có cơ duyên gặp Phật pháp, ươm mầm hạt giống Bồ đề.

II. Xuất gia tu học

Năm 1957, khi mới 12 tuổi, Ngài được cha mẹ cho phép xuất gia với Cố Hoà thượng thượng Minh hạ Thể, Chi  hội trưởng Chi hội Phật học Tam Kỳ, trụ trì chùa Hoà An thời bấy giờ.

Khi Cố Hoà thượng Minh Thể về khai sơn sáng lập tịnh thất trên vùng cát trắng Khu Nam, phủ lỵ Tam Kỳ, vào năm 1959, Ngài theo bước chân Thầy, hành điệu tu học, sớm hôm chấp tác kham cần ngay từ những ngày đầu gầy dựng chùa Hoà Quang. Từ đây, chí khí trượng phu được hun đúc, sở nguyện cầu thọ giới pháp được tô bồi, được bổn sư cho thọ giới Sa Di tại chùa Hoà An, Giới đàn phương trượng do Hội Phật học Tam Kỳ tổ chức vào năm 1959 và được Bổn sư ban cho pháp tự Chí Đạo, hiệu Tịch Phương.

Tâm tánh nhu nhuyến, sở nguyện lân mẫn hữu tình, năm 1962, Ngài xin Bổn sư cho phép vào y chỉ thọ giáo mật pháp với cố trưởng lão Hoà thượng Thích Đức Thiệu tại chùa Viên Giác, Cầu Đất, Đà Lạt. Chính sự thọ học mật pháp này mà về sau Hoà thượng ứng cơ diệu dụng, tuỳ duyên cảm hoá chữa trị cho rất nhiều người bịnh được định tĩnh tinh thần, ổn định cuộc sống và biết quay về nương tựa Tam Bảo.

Mùa Vu lan năm 1964, Bổn sư viên tịch lúc Hoà thượng chưa tròn hai mươi tuổi.  Đây quả là sự mất mát lớn lao nhất trên con đường tìm về bảo sở. Nén đau thương, sau tang lễ, Ngài quyết chí theo đường học vấn, ngày đêm đèn sách, khích lệ tự thân. Từ năm 1964 đến năm 1967, Hoà thượng theo học lớp Trung đẳng chuyên khoa Huệ Nghiêm. Trong khoá học này năm 1965 được đổi tên thành Phật học viện Huệ Nghiêm, trở thành nơi tiếp nhận và đào tạo hàng trăm Tăng tài dấn thân hoằng hoá của Phật giáo miền Nam. Hoà thượng được tu học và trau dồi ý chí trong hào khí ấy.

Ngày 19 tháng 6 năm Mậu Thân (1968), Hoà thượng thọ Tỳ kheo - Bồ tát giới tại Đại giới đàn Phước Huệ, được tổ chức tại Phật học viện Hải Đức, Nha Trang, do Trưởng lão Hoà thượng Thích Phúc Hộ làm Đường đầu.

III. Hoằng hoá lợi sanh và phụng sự giáo hội

Với sở học và tâm nguyện thượng cầu Phật Đạo, hạ hoá chúng sanh, cuối năm 1968, Hoà thượng được tín đồ cung thỉnh về Trụ trì chùa Bửu Minh, thị xã Hậu Bổn (Cheo Reo), tỉnh Phú Bổn (nay thuộc tỉnh Gia Lai). Đây là vùng đất khắc nghiệt trong chiến tranh, dân cư thưa thớt, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng với chí nguyện dấn thân phụng đạo đã nuôi lớn, Hoà thượng đã đặt những viên gạch Phật pháp đầu tiên cho xứ sở này. Với những thành tựu Phật sự ấy, Hoà thượng được Viện Hoá Đạo tin tưởng, cung cử làm Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Phú Bổn từ năm 1970 đến 1975.

Sau ngày hoà bình lập lại, đất nước thống nhất, tuỳ duyên ứng duyên, Hoà thượng rời chùa Bửu Minh, Gia Lai và được chư huynh đệ cung thỉnh về kế thừa tổ nghiệp, duy trì giềng mối tông phong, kế tục Trụ trì  chùa Hoà Quang. Kể từ đây, Ngài được Tăng Ni và Phật tử tín nhiệm thỉnh cử làm Phó đại diện Phật giáo huyện Tam Kỳ.

Năm 1989, Hoà thượng được cung thỉnh làm Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo thị xã Tam Kỳ và đảm nhiệm chức vụ này cho đến năm 2006. Cũng trong thời gian này, Ngài được giới thiệu tham gia thành viên UBMTTQVN thị xã Tam Kỳ.

Năm 1997, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam thành lập, Hoà thượng được cung thỉnh đảm nhận chức vụ Phó trưởng Ban trị sự tỉnh.

Năm 2006, Hoà thượng được cung thỉnh làm Chứng minh Ban Đại diện (nay là Ban Trị sự)  thành phố Tam Kỳ.

Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2007-2012, Hoà thượng được tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hoà thượng và suy cử làm Uỷ viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho đến ngày viên tịch.

Dù ở giai đoạn nào của Giáo hội, dù ở cương vị nào khi được cung cử đảm trách, Hoà thượng đều lấy đức khiêm cung, hoà khí làm trọng nên trở thành một trong những trụ cột vững chắc của Phật giáo tỉnh nhà. Với những công đức mà Hoà thượng đã hiến dâng cho đạo pháp và dân tộc, Ngài đã được Giáo hội, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tặng: Bằng Tuyên Dương Công Đức, kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và nhiều bằng khen khác.

IV. Hoằng truyền giới luật và tiếp tăng độ chúng

Để duy trì mạng mạch Phật pháp bằng chính đời sống giới luật như Phật dạy, Hoà thượng luôn ủng hộ và quan  tâm đến việc an cư tu học, hay tổ chức trường lớp giáo dục cho Tăng Ni trong tỉnh. Công đức cúng dường tạo phước luôn là tấm gương lớn cho tăng chúng tín đồ noi theo. Vì thế, Ngài thường được cung thỉnh làm Giáo thọ trong các kỳ An cư. Ngài được cung thỉnh làm Đệ Tam tôn chứng tại đại giới đàn Phước Huệ, do Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng tổ chức năm 1996 tại chùa Phổ Đà, Đà Nẵng, làm Yết ma A xà lê trong hai giới đàn Minh Giác và Ân Triêm tổ chức tại chùa Đạo Nguyên, Tam Kỳ do Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam tổ chức vào các năm 2000 và 2004.

Với bổn tự Hoà Quang, Hoà thượng luôn lấy tinh tấn hành trì hằng tự minh biểu mẫu, lấy lân mẫn khoan dung làm phương tiện độ sanh. Đệ tử xuất gia đắc pháp với Ngài có 10 vị, đã kế tục sứ mệnh của Ngài tham gia các cấp Giáo hội, Trụ trì các tự viện tiếp Tăng độ chúng gần xa. Đệ tử tại gia luôn được Hoà thượng ưu ái hướng dẫn tu trì. Hàng ngày, tín đồ luôn được phúc duyên hầu chuyện, được cứu chữa tật bịnh, được nhận sự hỷ lạc khuyên răn.

Tự viện luôn được Hoà thượng dần dần tuỳ duyên tu sửa. Năm 2011, Hoà thượng phát nguyện khởi công đại trùng tu chùa Hoà Quang để đáp ứng nhu cầu tu học của chư Tăng và đạo hữu phật tử. Công trình xây dựng đến nay cũng đã sắp hoàn thành.

V. Mãn duyên

Là hành giả Pháp Hoa ngày mỗi ngày trì tụng, liễu sanh tử vô thường, tỏ tứ đại duyên sanh, mặc dù Hoà thượng đã sớm biết bệnh duyên nan y từ năm 2008 nhưng vẫn tự tại vô ngại, tùng sự hoá duyên. Ngài được hàng môn đồ đưa chữa bệnh tại bệnh viện chuyên khoa, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy biết, bệnh mỗi ngày thêm nặng nhưng Ngài vẫn lạc quan tham gia công tác Phật sự của Giáo hội. Lần cuối cùng môn đồ đệ tử đưa Hoà thượng trở lại thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị. Tại đây, Ngài cảm thấy sức khoẻ yếu dần cảm nhận sự vô thường sắp đến. Như đã biết, ngày về cảnh Phật không xa, Ngài dạy các đệ tử theo hầu, quý Thầy nên về trước để lo hậu sự, Ngài sẽ về sau. Trong những giờ phút cuối tại chùa Hoà Quang, Ngài vẫn an nhiên cho dù sức khoẻ yếu dần. Khi chư tôn đức Thường trực Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam đến thăm, nghe tin Ngài ra hiệu cho đệ tử đỡ Ngài ngồi dậy để cảm ơn và chào từ biệt Chư tôn đức trước khi quảy dép về Tây.

Với 70 xuân thu trụ thế, 47 hạ lạp, thời đã đến, Hoà thượng xả bỏ huyễn thân, trở về cảnh giới Niết bàn an tịnh vào lúc 13 giờ 25 ngày 16 tháng 10 năm Giáp Ngọ (nhằm ngày 7 tháng 12 năm 2014) để lại cho môn đồ pháp quyến nhiều nỗi tiếc thương, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Quảng Nam vắng đi một thành viên đã đóng góp rất nhiều công đức.

NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ THÀNH VIÊN, QUẢNG NAM PHẬT GIÁO TRỊ SỰ PHÓ TRƯỞNG BAN, TỰ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NGŨ THẾ, TRÙNG KIẾN HOÀ QUANG TỰ ĐỆ TAM TRỤ TRÌ, HUÝ THƯỢNG QUẢNG HẠ TRAI, TỰ CHÍ ĐẠO, HIỆU TỊCH PHƯƠNG HOÀ THƯỢNG TÂN VIÊN TỊCH ĐÀI TIỀN CHỨNG GIÁM.

(Tháp HT an trí tại vườn chùa Hoà Quang phường An Mỹ T/p Tam Kỳ)


 

9- HOÀ THƯỢNG THÍCH THIỆN ĐẠT

Hoà thượng thuộc dòng Lâm Tế Liễu Quán đời thứ thứ 44, huý Nguyên Phước, tự Thiện Đạt, hiệu Quang Thông, Thế danh Nguyễn Văn Hữu, sinh năm Ất Hợi (1935), tại thôn Cổ Linh, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Cương và thân mẫu là cụ Trịnh Thị Bôi. Thầy là con thứ 4 trong gia đình 5 anh em. Đó là gia đình lương y gia truyền nhiều đời, và cũng rất sùng kính đạo Phật.

Thuở nhỏ Thầy sống với cha mẹ cho đến năm 27 tuổi, năm Nhâm Dần (1962) bỗng nhiên Phật duyên khai lối, bồ đề tâm phát khởi, Thầy chí nguyện xuất gia, đến chùa Hoà An, thành phố Tam Kỳ đảnh lễ xin Hoà Thượng thượng Từ hạ Ý xuất gia và ban cho pháp danh Nguyên Phước sau đó đưa về chùa Từ Quang để ở.

Năm Ất Tỵ (1965), Thầy được Bổn sư cho thọ giới Sa Di có pháp tự là Thiện Đạt.

Năm Canh Tuất (1970), Thầy thọ Tỳ kheo, Bồ tát giới có pháp hiệu là Quang Thông tại giới đàn Vĩnh Gia, ở Đà Nẵng, do hoà thượng Giác Nhiên làm Đàn đầu. Và sau đó Thầy về đảnh lễ hoà thượng bổn sư và tiếp tục tục tu học tại chùa Từ Quang, Tam Kỳ.

Sau một thời gian, Bổn sư biết bản tính chân chất, thích cảnh điền viên thanh tịnh miền quê, nên năm 1976 đạo hữu Lâm Minh Diệu chùa Dương Đàn cùng các đạo hữu thỉnh mời Ngài về trụ trì chùa Dương Đàn, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh để hướng dẫn đạo hữu tu tập. Vốn xuất thân từ thôn quê nên thích cảnh thanh tịnh nơi cảnh ruộng đồng yên tĩnh. Ngài xin phép Hoà thượng bổn sư cho để lên chùa Dương Đàn vừa hướng dẫn tín đồ tu học vừa làm thuốc chữa bệnh giúp người.

Đến năm 1988, Ngài nhận thấy tuổi lớn sống riêng lẻ một mình nơi thôn quê không có chúng điệu, xa huynh đệ Ngài về lại chùa Từ Quang nơi xuất thân ngày xưa, xin huynh đệ cùng chung ở để yên tâm lúc tuổi về già. Được Hoà Thượng bổn sư hoan hỷ và huynh đệ tán thành. Theo sự chỉ dạy của Hoà Thượng bổn sự lúc sanh tiền, sau khi tôi quy Tây, thầy Thiện Tường xuống Hoà An phụ giúp với Thầy Phước Chấn để trông coi và hướng dẫn đạo hữu tu tập, chứ thầy Phước Chấn còn non yếu chưa kinh nghiệm. Tuy Thiện Tường có hộ khẩu chính ở chùa Từ Quang nhưng phải vâng lời Thầy dặn về Hoà An để phụ giúp Thầy Phước Chấn lo công việc nên không thường xuyên ở Từ Quang. Hoà Thượng bổn sư dặn bảo khi Thiện Tường xuống Hoà An, Thiện Đạt trông coi chùa Từ Quang.Thầy Thiện Tường xuống Hoà An được đạo hữu mến mộ, rồi Thầy ở luôn ít khi về. Đây là cơ hội Thầy Thiện Đạt  thay thế Thầy Thiện Tường làm trụ trì tại chùa Từ Quang, Tam Kỳ suốt từ đó đến nay. Trong thời gian thay thế Thiện Tường chùa Từ Quang, duyên đời duyên đạo gặp nhau, Thầy được nhiều đạo hữu mến mộ phát tâm cho con đi tu, và Thầy đã tiếp độ được 6 vị đệ tử nam xuất gia tu tập, nay đã trưởng thành trước khi Thầy quy Tây. Trong thời gian này vào các ngày rằm, mùng một Thầy cũng thường đi về các chùa quê như chùa Khánh Thọ, chùa Dương Đàn, chùa Trà Sơn, chùa Kỳ Hương... để hành lễ duy trì sinh hoạt tín ngưỡng cho tín đồ Phật tử.

Ngài ít đi ứng phó đạo tràng, cũng không quyên góp, nhưng bằng số tiền dành dụm qua nhiều năm tháng của công việc làm thuốc, Thầy đã trùng tu xây dựng ngôi chùa Dương Đàn ở Tam Dân khang trang hơn. Về chùa Từ Quang, Tam Kỳ, Thầy xây dựng các công trình Tăng xá để cho đệ tử và Tăng sinh trường Phật Học Quảng Nam có nơi nội trú tu học, cũng như có chỗ cho quý thầy giáo thọ về lưu trú giảng dạy.

Năm 2000, nhận thấy tuổi cũng đã cao, cần giảm bớt công việc chùa chiền, tìm một nơi yên tịnh để tu. Trước đây, Thầy từng ngưỡng mộ mảnh đất Đại Ninh quy tụ nhiều bậc chân tu, cũng là nơi có nhiều huynh đệ đồng hương an trú. Nên Thầy thường lui tới viếng thăm, từ đó tạo nên một mối giao duyên.

Thầy được Ngài Toại Châu – viện chủ tu viện Hương Nghiêm cảm mến và chỉ cho mảnh đất để cất một tịnh thất nhỏ có tên là tịnh thất Hương Quang để tịnh tu.

Với trách nhiệm của một tăng sĩ, là thượng cầu hạ hoá, trong quá trình tu tập và hành đạo, Thầy đã độ chúng được nhiều vị xuất gia, tất cả đều thọ tỳ kheo, một số vị nay đã trụ trì, một số vị còn đang đi học. Bên cạnh đó thầy còn quy y và hướng dẫn cho nhiều Phật tử tại gia tu học.

   Đầu mùa xuân năm Giáp Ngọ, Thầy cảm nhận trước được mạng sống của mình còn lại không bao lâu, Thầy viết di chúc cho cuộc ra đi, Thầy dặn khi tôi mất quý thầy hãy đem thiêu xác, tro bỏ xuống sông làm duyên với chúng sanh thuỷ tộc, còn để lại xương một ít để làm lưu niệm. Thầy vào Đại Ninh nơi Tịnh thất của Thầy xây dựng khoảng năm 2000, ở tịnh dưỡng cùng với đệ tử. Vào chiều ngày 11 tháng 3 năm Giáp Ngọ dương lịch 2014, Ngài nói với đệ tử năm nay tôi 80 tuổi cuộc đời cũng đã đủ, Phật cũng 80 tuổi nhập diệt, tôi đi cũng được rồi.  Đến 7 giờ tối Thầy nghe mệt trong người đang ngồi trên ghế xếp bảo đệ tử dìu qua giường nằm và từ từ trút hơi thở nhẹ nhàng trong im lặng.

Và duyên Ta Bà quả mãn, thuận thế vô thường, sinh diệt quy luật, Thầy đã an nhiên nằm nghiêng vai bên phải viên tịch vào ngày 11 tháng 3 năm Gíáp Ngọ (2014). Trụ thế 80 tuổi, 45 hạ lạp.

Nam mô từ Lâm tế Liễu Quán tứ thập tứ tuế huý thượng Nguyên hạ Phước, tự Thiện Đạt, hiệu Quang Thông  hoà thượng giác linh thuỳ từ chứng giám.

(HT viên tịch tại Lâm Đồng thiêu cốt đem về an trí chùa Chiên Đàn xã Tam Dân huyện Phú Ninh).

 

 

 

 

 

 

 

 

10- HOÀ THƯỢNG  THÍCH THIỆN TƯỜNG

I.  Thân thế

    HT Thích Thiện Tường  thế danh Phan Miện sinh năm Quý Mùi (1943) Pháp danh : Nguyên Lợi pháp tự Thiện Tường, Pháp hiệu Quang Bảo. Sa di….. Thọ Tỳ kheo giới năm 1968.

  Thân phụ Phan Đạt (1910) thân mẫu bà Nguyễn Thị Ty (1912) tại Thôn Kỳ Tân, xã Tam Dân,  huyện Tam Kỳ (Phú Ninh). HT là con thứ 2 trong 6 anh em. Anh cả là Phan Tú (1940) các em : Phan Thị Vững: 1946, Phan Vàng : 1949,  Phan Xuyến : 1954, Phan Nhẫn : 1957.

II. Xuất gia tu học

 Năm 1960,  HT 17 tuổi phát tâm xuất gia tu học với HT  Hải Tạng  tại chùa Hải Hội quận Sơn Trà Đà Nẵng. Vì không có trường học nên đầu xuân Quý Mão  (1963), xin về tại chùa Hoà An làm đệ tử HT Thích Từ Ý để có chỗ Tu học. Ngày 8- 12 được thầy cho xin thọ Sa di tại chùa  Phước Lâm Hội An Đến năm 1965 (Ất Tỵ) được bổn sư đưa vào Phật Học Viện  Hải Đức Nha Trang tu học. Đến 19-6-1968 năm Mậu Thân Tốt nghiệp Trung Cấp Phật học và Trung học Phổ Thông, được Phật học viện cho thọ Đại Giới đàn Tỳ kheo. Đường Đầu HT Đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết.  Đến năm Kỷ Dậu 1969 cùng với sư đệ Nguyên Tâm lên làng Đại Ninh Đức Trọng Lâm Đồng tu học Với HT Thiền Tâm, được Ht dạy học các Bộ kinh Pháp Hoa, Duy Ma, Lăng Nghiêm v.v...Đến năm 1972 sư đệ Thích Thiện Hội  lên hội ý về Sài gòn  học khoá giảng sư Trung ương  tại chùa Phật Quang đường Đào Duy Từ  Q.10 chợ lớn  do Thượng Toạ Thích Huyền Vi tổng vụ trưởng Tổng vụ hoằng Pháp Trung ương GHPGVN TT phụ trách. Đầu xuân Ất Mão 1975, từ Sài gòn về thăm Thầy và mẹ, thì ở lại luôn chùa Hoà An để hầu thầy, đến năm 1976, Bính Thìn, bổn sự dạy lên trụ trì chùa Từ Quang phường Trường Xuân Tam Kỳ. Trong thời gian này đi hướng dẫn thọ Bát quan trai các chùa trong tỉnh. Năm 1994 đến 2015 ở chùa Hoà An, 2016-2017-  Tịnh thất Thanh Nguyên Bà Rịa Vũng Tàu. Cuối năm 2017

đến nay ở chùa Quảng Phong xã Tam Quang huyện Núi Thành.  Năm nay  2018   - HT  76 tuổi . Mùa hạ 2019 Thầy Quảng An dẫn cúng diệu về cúng dường chúng an cư rồi nhân tiện mời Thầy vào tịnh Thất Thanh Nguyên nuôi dưỡng.

  Từ hạ 2003 đến 2006 HT lên an cư kiết hạ tại đạo tràng chùa Vĩnh Minh tại Đại Ninh, Lâm Đồng, do TH Thích Tâm Thanh làm viện chủ.

 Tiếp Tăng độ chúng :

 HT đã hướng dẫn các đệ tử xuất gia tu học … các vị  Quảng Anh  (Đức Phước)  Quảng Học, Quảng Hải  (Ngô Kỳ Sơn) Quảng Minh, Quảng Lại, Quảng Tú… (6 vị).

  (HT đã bị lâm bệnh từ năm .2014 đến nay. Nay HT được Đ Đ Thích Quảng An  chùa Thanh Nguyên Bà Rịa Vũng Tàu chăm sóc . HT sinh 1943- tuổi Quý Mùi nay 78 tuổi). Năm nay 2020.

HT Thiện Tường lâm bịnh từ năm 2014 đến năm 2016 do chùa Hòa An khởi công xây dựng, để có nơi yên tịnh cho HT Thiện Tường an nghỉ, Đ Đ Thích Quảng An ở Vũng Tàu chùa Thanh Nguyên phát tâm thỉnh HT về chùa an dưỡng. Đến 20/11 năm Đinh Dậu tức tháng 12 năm 2017 Đ Đ  Thích Quảng Minh mời  HT về an dưỡng chùa Quảng Phong huyện Núi Thành . Đến tháng 7 năm Kỷ Hợi tức tháng 8 năm 2019, Đ Đ Quảng An mời HT trở về lại nuôi dưỡng tại chùa Thanh Nguyên Vũng Tàu cho đến nay ( 2020)  ngày 5 tháng 8 năm Canh Tý  ( 9/2020 )Thiện Phương vô thăm HT, HT năm nay rất yếu đi lại khó khăn không còn sức khỏe như mấy năm trước.

 


 

11- THƯỢNG TOẠ THÍCH THIỆN CHÁNH

Thượng toạ thuộc dòng Lâm Tế phổ hệ thứ 44, pháp danh Nguyên Thành, tự thượng Thiện hạ Chánh, hiệu Quang Chơn. Thế danh Võ Trung, sinh năm Canh Thìn (1940), tại thôn Gò Trai, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là cụ ông Võ Đức Ngọc và hiền mẫu là cụ bà Trần Thị Bụi.  Ngài là con đầu trong gia đình 5 anh em. Là một gia đình trung nông phúc hậu, theo truyền thống đạo Phật. Phúc đức thay, hiện nay thân mẫu của ngài và em gái út của ngài cũng đã xuất gia thọ tỳ kheo giới và tu tại thiền viện Thiền Chiếu, Đồng Nai.

Thuở nhỏ Ngài sống với cha mẹ cho đến năm vừa tròn 25 tuổi, nhằm ngày 22/4 Giáp ngọ (1964) bỗng nhiên Phật duyên khai lối, bồ đề tâm phát khởi, Ngài chí nguyện xuất gia, đến chùa Hoà An, thành phố Tam Kỳ đảnh lễ xin hoà thượng thượng Từ hạ Ý thế phát xuất gia và ban cho pháp danh Nguyên Thành, tự Thiện Chánh.

Năm Canh Tuất (1970), Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa Di tại giới đàn...........

Năm Bính Thìn (9-1-1976), Ngài thọ Tỳ kheo, Bồ tát giới tại giới đàn ở tổ đình chùa Hưng Long, tỉnh Bình Định do hoà thượng Thích Từ Nhơn làm đàn đầu. Từ khi thọ giới Tỳ kheo Ngài nương đức hoà thượng Bổn sư để tu tập.tại chùa Từ Quang cho đến ngày mãn phần. Thời gian, năm 1971 ngài ra chùa Giác Nguyên, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình để cùng với chư huynh đệ hướng dẫn tín đồ nơi đây tu học.

Bổn sư biết bản tính hồn hậu chân chất, thích cảnh điền viên thanh tịnh của ngài nên đến năm (1976), bảo ngài về làm tri sự tại chùa Từ Quang, Tam Kỳ suốt từ đó đến nay. Trong thời gian này, vào các ngày rằm, mùng một ngài cũng thường đi về các chùa quê như chùa Khánh thọ, Dương đàn, Trà Sơn v.v... để hành lễ duy trì sinh hoạt tín ngưỡng cho tín đồ Phật tử.

Thầy cũng đã tế độ cho một đệ tử xuất gia là Thanh Vân (Bảo) nay đã thọ tỳ kheo giới. Chính vị đệ tử duy nhất này đã sớm hôm chăm sóc thầy cho đến ngày thầy mãn thế.

Cuộc đời của thầy sống bình yên lặng lẽ với cây cỏ chốn chùa quê như biểu hiện rõ nét một nếp sống giản dị, thanh bạch của một vị chân tu nơi chốn già lam tĩnh mịch.

Duyên Ta Bà quả mãn, thuận thế vô thường, sinh diệt quy luật, Ngài đã viên tịch vào ngày 13 tháng 4 năm canh dần (2010).

Trụ thế 71 tuổi, 35 hạ lạp.

Nam mô Lâm tế chánh tông tứ thập tứ tế huý thượng Nguyên hạ Thành, tự Thiện Chánh, hiệu Quang Chơn  thượng toạ giác linh thuỳ từ chứng giám.

 (Tháp TT  an trí tại nghĩa địa gia tộc Gò Trời phường Trường Xuân T/p Tam Kỳ )


 

12-  THƯỢNG TỌA THÍCH VIÊN TUỆ

(1936 – 2019)

- Nguyên Ủy viên Ban Trị Sự GHPGVN thành phố Tam Kỳ

- Tri sự chùa Đạo Nguyên, p. Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam

 

Thượng tọa Thích Viên Tuệ, Pháp danh Nhuận Phụng, tự Viên Tuệ, hiệu Từ Niệm, thế danh Phan Long, sinh ngày 13/4/1936 (Bính Tý), tại xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Thượng tọa là người anh cả trong một gia đình có 4 người con. Thân phụ là cụ ông Phan Đẩu, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Cầu pháp danh Thị Hoàng.

Được huấn dục chí nguyện hướng Phật trong truyền thống gia tộc họ Phan, Thượng tọa thường xuyên sinh hoạt tu học tại vức Khánh Vĩnh và chùa Bình Quang, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình. Năm 1960 Thượng tọa phát tâm xuất gia tại chùa Linh Ứng - Non nước, TP. Đà Nẵng với Pháp danh Thị Phụng. Trong giai đoạn thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, xã hội nhiều biến động, chính sự đổi thay, Thượng tọa tạm lui về trong thân Cư sĩ, tham gia công tác giáo dục, làm giảng viên trường Tiểu học tại quê nhà.

Với túc duyên lành nhiều đời đã gieo trồng nơi Tam Bảo, cùng với hoài bão làm vị sứ giả Như Lai chưa từng suy giảm, duyên tùng duyên. Năm 1989, Thượng tọa phát tâm dõng mãnh xuất gia trở lại được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Duyên – Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam, Viện chủ chùa Đạo Nguyên (TP.Tam Kỳ) thâu nhận làm đệ tử, ban cho Pháp danh là Nhuận Phụng, sớm hôm kinh kệ hành trì, công phu tu tập thiền môn nghiêm khắc, tùng chúng tại chùa Vu Lan (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).

Sau kỳ chư Tăng an cư kiết hạ năm 1991, Thượng tọa được Hòa thượng Bổn sư ban pháp tự Viên Tuệ và cho phép thọ giới pháp Sa-di tại giới đàn phương trượng chùa Đạo Nguyên. Sau khi thọ Sa-di giới, Thượng tọa thuận duyên vào Nam tiếp tục tùng chúng tu học tại chùa Phú Hòa, Quận Tân Bình, TP.HCM.

Năm 1994, Ngài được Hòa thượng Bổn sư đồng thuận cho phép đăng đàn thụ Thanh văn Bồ tát giới tại Đại giới đàn Thiện Hoa, do BTS PG TP.HCM tổ chức tại chùa Ấn Quang, cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Đàn đầu Hòa thượng. 

Với tự thân, nơi chân tính thuần nhu, mộc mạc, giản dị, lấy hạnh tu làm phương tiện hành đạo, Thượng tọa tinh tấn tụng kinh bái sám sớm hôm chưa từng ngơi nghỉ.

Năm 1999, được Hòa thượng Bổn sư tin tưởng giao phó, Thượng tọa về lại Tam Kỳ đảm nhận vai trò Tri sự chùa Đạo Nguyên. Trải qua 20 năm cần mẫn, ngày ngày Thượng tọa âm thầm hầu Thầy phụng chúng, bất quản việc khó khăn, không từ nan lao nhọc. Bên cạnh đó, Thượng tọa cũng lo nghĩ về quê hương, thường xuyên về chùa Khánh Vĩnh (xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) để hướng dẫn Phật tử tu học, vận động trùng tu ngôi chùa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho bà con địa phương.

Thượng tọa còn hóa duyên với gia tộc, giúp nhiều vị có duyên lành với Đạo phát tâm xuất gia tu học. Đệ tử xuất gia, y chỉ với Thượng tọa có 1 vị đã thọ giới cụ túc, pháp danh Đức Minh, nối sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh.

Với tín đồ, dẫu sức khỏe không tốt, thân mang trọng bịnh, nhưng nơi nào tín đồ cần đáp ứng nhu cầu nghi lễ tâm linh, thì dẫu gần hay xa Thượng tọa đều giản dị mà phương tiện đến đi vô ngại.

Sinh hoạt cùng Tăng già, Thượng tọa luôn thể hiện lòng tôn kính các bậc trưởng thượng, khiêm hạ với đồng môn, bao dung với hậu học. Vì vậy, với tinh thần cọng trụ thúc liễm thân tâm trau dồi đạo hạnh, nhiều mùa An cư kiết hạ tại các trụ xứ ở Tam Kỳ, Thượng tọa luôn được chư Tăng tín nhiệm thỉnh mời tham gia vào Ban chức sự đạo tràng, đảm nhận qua các trọng trách như: tri sự, chúng phó, tri khách, thủ khố...

Bằng tín tâm phụng sự Giáo hội, Thượng tọa lần lượt tham gia Giáo hội Phật giáo thành phố Tam Kỳ qua 3 nhiệm kỳ (từ năm 2002 đến năm 2017) được mời làm Ủy viên Kiểm soát Ban Đại diện Phật giáo thành phố Tam Kỳ, rồi Ủy viên Ban Trị Sự GHPGVN TP.Tam Kỳ. Tháng 11 năm 2019, Thượng tọa được Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam đề xuất TƯGH tấn phong lên hàng Giáo phẩm Thượng tọa.

Thuận thế vô thường, mãn phần công đức, Thượng tọa viên tịch vào lúc 17 giờ 30 phút, ngày 06-12-2019 (nhằm ngày 11-11- Kỷ Hợi). Trụ thế 84 năm, với 25 Hạ lạp.

Nam Mô Tự Lâm Tế Tứ Thập Lục Thế, Liễu Quán Thiền Phái Đệ Thập Nhị Đợi, Đạo Nguyên Tự Tri Sự Huý Thượng NHUẬN Hạ PHỤNG Tự VIÊN TUỆ Hiệu TỪ NIỆM Phan Công Thượng Tọa Giác linh thùy từ chứng giám./.

Phật giáo TP.Tam Kỳ

(Tháp của  TT Thích Viên Tuệ an trí tại nghĩa đại gia tộc Bình Trung Thăng Bình)

 


 

13- HOÀ THƯỢNG THÍCH THIỆN TÚC

 TRỤ TRÌ CHÙA AN THÀNH

  Bình An-huyện Thăng Bình

I. Thân thế  

Hòa thượng Thiện Túc thế danh Huỳnh Văn Số, pháp danh  Nguyên Phú (Đồng Thành) pháp tự Thiện Túc pháp hiệu Quang Minh sinh năm Kỷ Sửu (70 tuổi, năm nay 2018) tuổi khai sinh 4-10-1956. Tại thôn Thạch Tân xã Kỳ Anh huyện Tam Kỳ nay là xã Tam Thăng T/p Tam Kỳ. Là con thứ 5  trong 9 anh chị em. Anh em gồm 3 trai 6 gái. Thân phụ cụ ông Huỳnh Thoãn, thân mẫu cụ bà  Phạm Thị Thoãn.

II. Xuất gia tu học

Năm 1965 đến chùa Hoà An Tam Kỳ xin xuất gia tu học  ngày 12-10-1965. Bổn sư cho pháp danh Nguyên Phú. Năm 1970, HT Bổn sư cho vô làm đệ tử hầu HT Thích Hành Giải chùa Phú Sơn xã  HT cho lại pháp danh Đồng Thành. Năm 1972 HT cho đi thọ Sa Di giới tại giới Đàn Kim Quang Biên Hoà  Đường đầu HT Thích Trí Tịnh ngày 17-10-1972. Sau 1975 về lại Tam Kỳ  HT bổn sư cho y chỉ tu học với HT Đạo Nguyên, năm 1976 thọ Tỳ kheo giới tại chùa Hưng Long Bình Định ngày 9-1-1976  Đường đầu HT Thích Từ Nhơn.

 Năm 1997 đến chùa Bảo Minh T/p Tam Kỳ nhận chức trụ trì nhưng chưa làm thủ tục, đến năm 2000 giao chùa lại cho TT Phước Minh, năm 2001 nhận lãnh trụ trì chùa An Thành xã Bình An Thăng Bình. Năm 2017 Giáo Hội tấn phong Hoà Thượng, và làm chứng minh Ban Trị Sự Phật Giáo Huyện Thăng Bình. Có một đệ tử thế danh Lê Văn Chi pháp danh Quảng Hiền, trụ trì chùa Pháp Nguyên  Bình Sa Thăng Bình.

 

14. HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN PHƯƠNG  

 TRỤ TRÌ CHÙA TAM BẢO

I. Thân thế

Tục danh Nguyễn Tài, pháp danh Nguyên Sanh, pháp tự Thiện Phương, pháp hiệu Quang Vinh,  sinh ngày 16-8-1948 tại thôn Lý Trà xã Kỳ Chánh tỉnh Quảng Tín, nay xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam. Thân phụ Nguyễn Bòng, pd Nguyên Bửu, thân mẫu Đỗ Thị Nhuế, pd Nguyên Như, là con thứ 3 trong gia đình 9 anh chị em, trong gia đình trung nông,  kính tín Tam Bảo. Trước 1975, có 4 anh em đầu đều phát nguyện xuất gia tu học, sau 1975  do hoàn cảnh nhân duyên người anh cả (Nguyên Thuần) và người em hoàn tục. Hiện nay còn người chị thứ 2 là Ni sư Thích Nữ Hạnh Tấn hiện tu học ở Đại Tùng Lâm Vũng Tàu.

II. Xuất gia tu học 

Sau Tết, ngày 14-4 năm Mậu thân (1968), xin phép cha mẹ giã từ cuộc sống gia đình đến chùa Hòa An, Tam Kỳ phát nguyện quy y và  phát tâm xuất gia với Hòa Thượng  thượng Từ hạ Ý. Trải qua ba năm tập sự đến năm 1970 ngày 8-4 nhân đại lễ Phật Đản Hòa Thượng bổn sư  cho thế phát.  Năm 1969 Hòa Thượng cho đi học phổ thông trường Bồ đề đến  14-10-1973 Hòa thượng cho thọ Sa di tại giới Đàn Phước Huệ -chùa Hải Đức Nha Trang. Sau giải phóng, 1976 đến chùa Dương Đàn xã Tam Dân cùng ở với sư huynh Thích Thiện Đạt, phụ giúp thầy hướng dẫn 80 em phật tử tụng kinh bái sám và cải tạo đời sống chùa trong các việc canh tác tỉa đậu cấy lúa, trồng khoai để có kinh tế. Năm 1977, về chùa Từ Quang Tam Kỳ phường Trường Xuân ở cùng với hai sư huynh  Thiện Tường và Thiện Chánh, chuyên lo nông vụ đảm bảo lương thực cho tăng chúng . Năm 1977, HT bổn sư cho thọ giới Tỳ Kheo tại chùa Ấn Quang Sài gòn ngày 26-01-1977. Giới Đàn… do cố Đại Lão Hòa Thượng Hành Trụ làm đàn đầu.

 

III. Ra làm Phật sự

Năm 1990 sau khi  HT bổn sư viên tịch, được Ban Hộ tự chùa Tam Dưỡng sau đổi tên Chùa Tam Bảo thỉnh nhận trụ trì. Sau tuần 49 HT ngày 20 tháng 9 năm 1990 chính thức nhận chùa Tam Bảo làm nơi tu học và hướng dẫn tín đồ. Cũng là nhân duyên vào năm 1998, sau cơn bão số 2 vào tháng 4 chùa Tam Bảo bị hư hại phải tu sửa lại, hướng dẫn tu sửa đến 8-2 năm  Canh Ngọ (1990) đứng ra làm lễ hoàn nguyện, Tuy lúc đó không có ý nhận lãnh chùa này, nhưng sau ngày bổn sư viên tịch với sự tha thiết của đạo hữu nên chấp thuận lời thỉnh cầu.

        Vào Mùa an cư năm 1980 tại Tổ Đình Tịnh độ, bước đầu tiên được đại chúng giao phó hướng dẫn chúng điệu tu học (mùa an cư này có 30 điệu. Như Phước Cảnh, Phước Nghiêm, Phước Thanh v.v...) nhờ tập sự hướng dẫn giảng dạy lớp chúng điệu trong các mùa an cư nên có chút ít làm quen việc đứng lớp, vì thế sau này được cử vào giảng dạy trong trường Phật học Tam Kỳ từ giai đoạn những  năm (1994- 2006) và các khóa tu Bát quan trai, cũng từ đây khởi sự đi hướng dẫn đạo hữu các chùa tu học, cùng với sự khôi phục yểm trợ nhân duyên tinh thần cũng như vật chất lại các chùa bị bỏ hoang không sinh hoạt, và hướng dẫn thành lập ban đại diện chùa, (nay ban hộ tự) để có người trông coi bảo vệ hộ trì các chùa như: Chùa Bửu Đức (1980-2004)  Trường Thọ, Bình Hòa, Phú Quang, Quảng Hương, Hòa Nam v.v...cùng các chùa ngoài phạm vi Tam Kỳ như chùa Khánh Thọ (nay Trân Bửu) Dương Đàn, Dương Lâm, Minh Cẩm, Minh Đức,Lâm Điền, An Mỹ, Trà Sơn, Pháp Đàn (Tam Ngọc) Bảo Đàn (Tam lãnh),Thái Hòa, (huyện Phú Ninh) .  Phổ Đức, Vĩnh An, Liên Trì,, Hòa Hưng, Phổ Tịnh, Hòa Vinh Thạnh, Từ Quang, Lộc Tân...(Núi Thành) và các chùa thuộc phạm vi Trà My: Trà Dương, Trà Đông, Hiệp Đức v.v...Năm 2004 Phát tâm trùng kiến xây dựng chùa Phổ Minh, năm 2012  chùa Từ Quang, Lộc Tân, xã Tam Tiến, năm 1993 – 2014 Đại Trùng Tu chùa Tam Bảo.

Mùa hạ năm 1994 cùng với TT Thiện Thành đi thăm bệnh HT Từ Mẫn, và thăm trường Phật học Đà Nẵng quan sát lớp học của Tăng sinh chùa Phổ Đà, về khởi lên khát nguyện hội ý cùng các huynh đệ thành lập mở trường Phật học làm nơi giáo dục cho tăng sinh học tại Quảng Nam. Và được sự chấp thuận và khích lệ của HT Thích Thiện Duyên chủ trường hạ ghi nhận, và Ban giám hiệu trường Phật học Quảng Nam-Đà Nẵng được khởi đầu từ nơi mùa hạ này.

     Từ khi nhận lãnh trụ trì có cơ duyên tiếp chúng độ tăng, hướng dẫn xuất gia tu học. Nam có khoản 25 vị hiện còn lại khoản 15 vị, còn ni trên 80 vị. .

      Tất cả công việc Phật sự tuy gặp nhiều trở ngại gian lao và khó khăn nhưng với tình thần chịu khó chịu cực, và noi gương theo bước chân hạnh nguyện của thầy bổn sư với mong muốn Phật pháp được phổ biến nhiều nơi, mà hiện nay những Phật sự đa số được viên mãn  đều nương nhờ sự hộ trì của Tam Bảo, ân đức Thầy tổ che chở, huynh đệ và đàn na đã yểm trợ nhiều nhân duyên trong suốt quá trình tu học và làm Phật sự, để có được nơi yên ổn tu học cho đến ngày hôm nay . Xin thành tâm ghi nhận và tri ân ./.

🙠☸🙢

 

 

 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ TĂNG NI TRỤ TRÌ TẠI THÀNH PHỐ TAM KỲ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét