Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

TRƯỜNG BỒ ĐỀ QUẢNG TÍN VÀ TRƯỜNG CƠ BẢN PHẬT HỌC QUẢNG NAM

 

TRƯỜNG BỒ ĐỀ  QUẢNG TÍN VÀ TRƯỜNG CƠ BẢN PHẬT HỌC QUẢNG NAM

Quá trình Lịch sử nhân duyên thành lập trường.

 Sau biến cố Phật giáo 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập, có tổ chức thành lập hệ thống giáo dục tư thục trường Bồ đề khắp cả tỉnh thành. Tại Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín  HT Thích Thiện Duyên làm chánh đại diện tỉnh Hội Phật giáo Quảng Tín, cho  thành lập trường Bồ đề trên các địa bàn tỉnh Quảng Tín.  Trong đó có trường Bồ đề được mở tại khuôn viên chùa Hòa An, các lớp học từ cấp I đến cấp II, tức từ lớp 1 đến lớp 9 bây giờ.  Đến năm 1970 trường Bồ đề được mở rộng và xây mới ra ngoài khuôn viên chùa Hòa An cũng thuộc đất của chùa Hòa An, đối diện với chùa Hòa An cách 100m về phía Đông Bắc giáp sông Bàn Thạch chảy xuống cầu Tam Phú. Trường xây mới gồm hai tầng lầu, bốn phòng học và một văn phòng. Khi có trường mới dạy thêm các lớp 10, 11 và 12. Số lượng học sinh rất đông năm 1972-1974, mỗi lớp học chia làm hai, như lớp 10A, lớp 10B, mỗi lớp trên 60 học sinh. Còn lại các lớp học từ lớp 1 đến lớp 9 học trong trường cũ khuôn viên chùa Hòa An. Trường Bồ đề duy trì đến sau 1975 thì giao lại nhà nước trưng dụng làm trường học. Trường Bồ đề mở ra chuyên dạy con em ngoài đời nhiều hơn, các chú xuất gia được học trong trường này, miễn đóng học phí. Nay trường Bồ đề Quảng Tín vẫn còn và tiếp tục dạy học sinh.

Đến năm 1994 tại Tam kỳ lại thành lập mở trường lần thứ hai, lần này mở trường chuyên đào tạo cho Tăng Ni chứ không có cư sĩ. Lúc đầu chiêu sinh khóa I lớp sơ cấp, rồi sau đến Trung Cấp, có mở lớp  Cao đẳng 2 khóa, nay chỉ còn lớp Trung cấp. Trung bình mỗi khóa học từ 60 đến 70 tăng ni sinh theo học. Trường Phật học Tam Kỳ Quảng Nam theo mô hình Trường Phật học Quảng Nam-Đà Nẵng mở và chiêu sinh năm 1992. Thuở đầu mượn nhà tăng của chùa Tịnh Độ làm phòng học (1994-1995) gồm một lớp học và một văn phòng, sinh hoạt được hai niên học. Đến năm 1995 vận động huynh đệ chùa Hòa an hiến cúng trường Bồ đề tiểu học cũ tại chùa Từ Quang phường Trường xuân làm trường. Sau khi xây dựng mới lại trường Bồ đề cũ chùa Từ Quang lớp học từ nhà tăng chùa Tịnh Độ chuyển lên giảng dạy tại trường trong khuôn viên chùa Từ Quang. Bước đầu xây dựng một phòng học và một văn phòng, sau lớp sơ cấp gần mãn, tiếp tục chiêu sinh lớp mới và lớp sơ cấp tuyển lên thành lớp Trung cấp thiếu phòng học, Trước tình cảnh đó, trường đã sớm xúc tiến việc xây dựng thêm một phòng nữa cho lớp sơ cấp. Vì thế trường có hai phòng học và một văn phòng. Từ đây ban giám hiệu tiếp duyên với đạo hữu Trịnh Thanh Tuyền ở hải ngoại, thường hay ủng hộ tịnh tài cho trường. Mùa an cư năm 2003, được sự khuyến khích của TT Thích Thiện Phương đạo hữu Trịnh Thanh Tuyền  phát tâm vận động hỷ cúng 500 triệu xây mới ngôi trường thứ 3 tại khuôn viên chùa Đạo Nguyên. Năm 2004 khởi công đến năm 2006 đi vào giảng dạy cho đến nay. Trường tại chùa Từ Quang sinh hoạt từ 1996 đến 2006 thì dừng hoạt động, ngôi trường cũ giao lại cho chùa Từ Quang.

Niên học 1994-1997 tại Tam kỳ gọi là Phân hiệu của trường Phật học Quảng Nam Đà Nẵng. Do sau 1975 ba khu hành chính : Đà Nẵng, Quảng Đà (Hội An) và Quảng Tín dồn lại một thành tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng. Đến năm 1997 mới tách Đà Nẵng riêng ra, còn lại Quảng Nam, gồm có Quảng Đà (Hội An) và Quảng Tín làm một. Cho nên lúc sau 1975 gọi ba khu, khu I Đà Nẵng, Khu II, Hội An, khu III Tam Kỳ, và  Núi Thành (Núi Thành trước 1975 gọi là Quảng Tín).

Ban giám hiệu trường Phật học Quảng Nam Đà Nẵng từ 1992 đến 1997 hiệu trưởng là HT Thích Từ Mẫn, phó hiệu TT Thích Thiện Toàn và TT Thích Thiện Thành. Từ năm 1997 đến năm 2006 HT Thích Thiện Thành được giáo hội tin tưởng giao phó trách nhiệm làm hiệu trưởng, đến 2006 giáo hội cung cử TT Thích Phước Minh làm đảm nhiệm chức  hiệu trưởng trường Phật học Quảng Nam cho đến ngày nay. Kế thừa các tiền nhiệm trong thời gian dài đạt được những thành tựu khả quan chiêu sinh đào tạo nhiều tăng ni trong và ngoài tỉnh.

Là một ngôi trường thuộc duyên hải miền nam Trung bộ nơi mà đời sống vẫn còn gian khó, nhưng tiếp nối chí nguyện của các bậc tiền nhân và truyền thống Phật học vốn có bề dày của tỉnh nhà trải qua 26 năm, trường Trung cấp Phật học Quảng Nam bằng nỗ lực của tự thân đã vươn lên trong thử thách, gian khó để rồi  đã  đào tạo Tăng Ni sinh được 7 khóa Trung cấp và 3 khóa Cao đẳng, mỗi khóa 2 năm, với nhiều vị số lượng Tăng Ni tốt nghiệp trường TCPH Quảng Nam đã góp phần đào tạo nhân sự cho giáo hội không nhỏ Tăng Ni sinh hệ Trung Cấp Phật học. Đặc biệt năm học 2020-2021 có mở thêm lớp giáo lý cơ bản cho cư sĩ tại gia tham gia học tập giáo lý vào ngày chủ nhật hằng tuần, số lượng trên 60 vị nam nữ cư sĩ theo học.

      Một trong những điểm nổi bật của trường là ngoài các vị xuất gia, tu học trong tỉnh, có rất nhiều Tăng Ni sinh từ nhiều tỉnh thành, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi,…..về tu học. Nhiều thế hệ Tăng Ni xuất thân từ ngôi trường này đang từng bước trưởng thành trong đời sống phạm hạnh, biết vun bồi chí nguyện độ sanh, luôn nhiệt tâm phụng sự Chánh pháp trên mọi lĩnh vực, tham gia gánh vác nhiều Phật sự của giáo hộ tỉnh nhà. Nhiều vị đã tiếp nối con đường nghiên cứu Phật học, rất nhiều vị khác vẫn đang du học tại nhiều quốc gia như, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan...

     Nhìn lại một phần tư thế kỷ đã trôi qua của trường, thầm niệm tưởng ân đức cao dày của các bậc thầy đã mở đường, chỉ lối và làm điểm tựa tinh thần cao quý để các thế hệ tiếp nối noi theo gương sáng của các Ngài mà dấn thân phụng sự cho sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Những thành tựu mà trường đã đạt được trong suốt 26 năm qua là những thành tựu khả quan có được trong chặng đường vừa qua của trường hẳn nhiên không chỉ nhờ vào sự nỗ lực của tự thân BGH, BGT, mà còn vào nhờ vào nhiều thuận duyên thù thắng khác, gần và xa, trực tiếp cùng gián tiếp, sôi nổi và âm thầm…tất cả đều hòa quyện trong bản giao hưởng nguyện lực vô biên, tạo nên một tấu khúc vô ngã để phụng sự cho sự nghiệp chung của Phật giáo tỉnh nhà.

      Hai mươi sáu năm là một chặng đường đủ để trường có thể rút ra những kinh nghiệm trong việc quản lý giáo dục và đào tạo tăng tài, thấy những mặt khuyết, điểm ưu để từ đó có những điều chỉnh kịp thời và cần thiết, xây dựng những định hướng thích hợp, thực hiện những cải cách toàn diện hầu bắt kịp xu thế và phong cách giáo dục mới của thời đại hôm nay.

Lịch sử Phật giáo đã chứng minh rằng, mọi Phật sự xưa nay, ở bất nơi đâu, thời đại hay lĩnh vực nào đi nữa, nếu làm bằng trọn niềm tin kiên cố bất động nơi Tam Bảo, niềm tin vững chãi nơi chính mình, phát khởi đại nguyện hoằng dương chánh đạo, hướng đến tiền đồ Chánh pháp, gạt bỏ danh vọng, vị kỷ cá nhân, luôn an trú trong tâm niệm trên đền đáp bốn ân, dưới hóa độ muôn loài thì duyên lành sẽ hội tụ, Phật sự sẽ viên thành.

Mai này đi đâu về đâu, bao thế hệ Tăng Ni xuất thân từ Trường Phật học Quảng Nam sẽ mãi khắc ghi bóng hình ngôi trường tâm linh trong trái tim với niềm tự hào và trân quý.

 (Trường Bồ Đề thời gian 1970 - 1975 có cư sĩ Phạm Trọng Hường, Hồ Văn Nhãn  làm hiệu trưởng, kế tiếp Đại Đức Thích Viên Dung làm hiệu trưởng (sau 1975 hoàn tục). Có Đại Đức Thích Trí Thắng làm giám đốc, sau nghỉ chức vụ giám đốc lên thành lập chùa gần Ga Tam Kỳ  đặt tên chùa là Thiên Lộc, đến sau 1975 Đại Đức Trí Thắng về lại quê nhà Phù Cát trụ trì chùa….  Kế ĐĐ Trí Thắng có ĐĐ Từ Nhơn tức Chơn Tịnh tiếp tục làm giám đốc cho đến khi trường ngưng sinh hoạt 1975, Đ Đ Thích Từ Nhơn hiện đang là giáo thọ trường Phật học Đại Tòng Lâm Bà Rịa Vũng Tàu, trong đó gọi HT Chơn Tịnh, ngài năm nay 92 tuổi) Cũng tại ngôi trường Bồ đề này có những học sinh sau 1975 có nhiều học sinh là cán bộ nhà nước của thành phố Tam Kỳ như học sinh Huỳnh Tấn Y sau đổi tên là Hoàng Xuân Việt, giữ chức vụ phó chủ tịch, chủ tịch thành phố, Phan Thanh Hận v.v...Nay trường Bồ đề sau 1975 nhà nước trưng dụng làm trường dạy cấp I có tên là trường Nguyễn Thị Minh Khai.Trong khuôn viên trường Bồ đề có một khu nuôi dạy trẻ mồ côi chiến tranh trước 1975 do Đ Đ Trí Thắng thành lập, sau cũng trở thành trường nuôi dạy mẫu giáo.

 


 

TRƯỜNG BỒ ĐỀ QUẢNG TÍN VÀ TRƯỜNG CƠ BẢN PHẬT HỌC QUẢNG NAM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét